NHẬN XÉT ĐỘC LẬP CỦA CHUYÊN GIA VỀ DỰ ÁN TUYẾN ĐÊ BIỂN VŨNG TÀU – GÒ CÔNG PGS. TS. Hoàng Xuân Nhuận ( Hội Cảng – Đường thuỷ và Thềm lục địa VN )

NHẬN XÉT ĐỘC LẬP CỦA CHUYÊN GIA VỀ DỰ ÁN TUYẾN ĐÊ BIỂN VŨNG TÀU – GÒ CÔNG               PGS. TS. Hoàng Xuân Nhuận ( Hội Cảng – Đường thuỷ và Thềm lục địa VN )

Theo tôi được biết, về cơ bản, dự án được lập ra dựa trên ý tưởng đã được GS. TS. Đào Xuân Học đề xuất về lồng ghép nhiệm vụ chống xâm nhập mặn và giảm tác động mực nước biển dâng với phát triển đô thị biển phỏng theo mô hình Saemangeum [2] của Hàn Quốc.

                Dự án đã được đưa ra hội thảo [3], được trưng cầu ý kiến trên mạng và được các chuyên gia thuỷ lợi ủng hộ nhiệt tình, đặc biệt là kết luận của TS. Tô Văn Trường “… sẽ được xã hội và lịch sử ghi nhận, cảm thông, chia sẻ, thậm chí ca ngợi đó là nhân cách lớn của người lãnh đạo.” [4].

                Rất đáng tiếc là trong số những người dự hội thảo và tham gia diễn đàng trên mạng, chưa có những chuyên gia đầu ngành về quy hoạch đô thị và quy hoạch cảng biển. Bởi vậy, với trách nhiệm của một chuyên gia đang làm việc tích cực trong lãnh vực quy hoạch cảng cho tàu công nghiệp trọng tải lớn và phát triển các thành phố cảng mới, tôi có những nhận xét như sau:

  1. Có hiệu quả thấp trong việc giảm ngập úng TP Hồ Chí Minh vì hồ điều tiết nằm ở hạ nguồn (xem thêm [5]);
  2. Bịt kín cả 2 cửa ngõ ra biển của Vùng KT trọng điểm phía Nam (Thị Vải và Soài Roạp), nếu tính đến số lượng rất lớn tàu trọng tải nhỏ và tàu đánh cá thì nguy cơ ách tắc tại các âu tàu là hiện hữu. Không chỉ vậy, căn cứ tiền lệ sau đê Đình Vũ, cảng Hải Phòng thì khả năng suy thoái luồng tàu trên diện rộng cũng được xem là nhỡn tiền;
  3. Chắc chắn sẽ gây ra cơn sóng thần sinh thái trên địa bàn với diện tích khoảng 3.000 km2; dọc theo bờ biển: từ mũi Kỳ Vân đến cửa Bát Sắc; vào trong đất liền: từ vịnh Gềnh Rái đến thành phố Hồ Chí Minh và có thể xa hơn nữa;
  4. Lạm chi ngân sách vào những công trình thuỷ lợi có tỷ lệ nội hoàn tài chính rất thấp, làm trầm trọng thêm gánh nặng ngân sách, đặc biệt là ngân sách GTVT, vốn đã rất eo hẹp so với nhiệm vụ và mất cân đối nghiêm trọng  trong lãnh vực phát triển cảng và giao thông thuỷ.
  5. Không thể thu hút đầu tư xã hội vào tuyến đê VT_GC. Chậm phát huy và không thể quản lý chặt chẽ hiệu quả KT_XH; và cuối cùng
  6. Căn cứ 5 nhận xét đã nêu, thì khả năng đạt được sự đồng thuận của chuyên gia và công chúng hầu như bằng không và vì vậy việc Quốc hội không phê chuẩn dự án tuyến đê biển VT_GC được xem là tất yếu.

Với những nhận xét như trên, theo tôi Tổng cục Thuỷ Lợi chưa đánh giá khách quan ý tưởng về tuyến đê biển VT_GC do GS. TS. Đào Xuân Học và vì vậy đã đề xuất với chính phủ [6] một dự án mang tính sát thủ kinh tế, mà tác hại  nhẹ nhất là xói mòn uy tín của Chính phủ như các đề án Đường sắt cao tốc và Quy hoạch tổng thể Hà Nội.

Tuy nhiên, sự nghiệp CNH_HĐH đã và đang đặt ra cấp bách nhiệm vụ lồng ghép những dự án cục bộ ngành và trước mắt vào những dự án tích hợp liên ngành hướng đến lợi ích tổng thể và lâu dài nhằm kiến tạo những hệ sinh thái nhân văn, thân thiện với môi trường và đủ năng lực chống chọi bền bỉ với biến động khí hậu tại những vùng cửa sông ven biển trọng yếu của nước ta. Bởi vậy về mặt KH_CN việc xúc tiến đề án “Xác lập cơ sở KH_CN và KT_XH cho dự án tổng thể phát triển tích hợp vùng cửa sông Đồng Nai” là nhu cầu cấp thiết, phù hợp với chỉ đạo của TTg Nguyễn Tấn Dũng và chức năng của Bộ KH&CN. Do tính phức tạp của đề án, đề nghị phân thành 2 giai đoạn:

1.       Giai đoạn 1:  Thu thập dữ liệu hiện có, xây dựng các phương án lựa chọn và tuyển lựa 2 phương án có triển vọng nhất. Thời gian thực hiện 2 năm, kinh phí 1,5 tỷ đồng;

 

Sơ đồ tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công dự kiến và đề xuất mới

2.       Giai đoạn 2: Xác lập cơ sở KH_CN và KT_XH cho 2 phương án lựa chọn có triển vọng nhất và tuyển phương án chung cuộc. Thời gian để thực hiện giai đoạn 2 không quá 2 năm, kinh phí sẽ được ấn định tuỳ theo khối lượng công việc phải làm.

Để minh hoạ cho sự cần thiết của 2 khuyến nghị trên, xin phác thảo đề xuất mới về phương án phát triển tích hợp vùng cửa sông Đồng Nai ( xem hình vẽ kèm theo: 2 âu tàu phân tán màu xanh, còn dự án đê VT_GC do Tổng cục Thuỷ lợi đề xuất màu đỏ).

Ta nhận thấy phương án mới cho phép rút ngắn khoảng 27 km đê biển và thay thế bằng đê bao rẽ tiền. Kinh phí tiết kiệm được sẽ được sử dụng đủ hiệu quả trong việc cải tạo dòng chảy, giảm nhẹ úng ngập TP Hồ Chí Minh, giảm nhẹ xâm nhập mặn, bảo tồn sinh quyển và đồng thời tạo ra cú hích trực tiếp và đầy triển vọng cho việc lồng ghép phát triển cảng và phát triển đô thị.

Với những lợi thế như đã nêu, phương án mới đề xuất đã thu được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, tuy nhiên để lập bản thuyết trình ý tưởng hoàn chỉnh cần có thời gian và tiền bạc.

                                                                                                                Hà nội 16/03/2011

                                                                                                PGS. TS. Hoàng Xuân Nhuận

Tài liệu tham khảo:

1.       Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước VN; 2010: Ý tưởng dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công http://www.vncold.vn/Web/Content.aspx?distid=2521 (xin lỗi vì chưa tra được tài liệu gốc trên trang web của Tổng cục Thủy lợi Việt Nam).

2.       The Sameangeum Business Project Team, ?: The city of neocivitas, SAMEANGEUM.  http://www.isaemangeum.co.kr/ebook_eng.pdf

3.       Tổng cục Thuỷ lợi, 2010: Hội thảo khoa học: Ý tưởng tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công; http://www.wrd.gov.vn/Noi-dung/Hoi-thao-khoa-hoc-Y-tuong-tuyen-de-bien-Vung-Tau-%E2%80%93-Go-Cong/29907.news

4.       Tô Văn Trường; 2010: Vượt lên chính mình. : http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-14-vuot-len-chinh-minh

5.       Nguyễn Minh Quang, P.E.; 2011: Nhận xét về tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công. http://vnwww.net/pdf/DeBienVungTauGoCong2.pdf

6.       Tổng cục Thuỷ lợi, 2011: Báo cáo Thủ tướng đề án đê biển Vũng Tàu Gò – Công. http://www.wrd.gov.vn/Noi-dung/Bao-cao-Thu-tuong-de-an-de-bien-Vung-Tau-Go-Cong/29953.news