Pnôm-Pênh nơi chia xẻ lúc họan nạn của tôi
Một sáng đầu hè năm 1957, má và năm anh chị em tôi ,xuất phát từ nhà cô ruột ở cạnh ga Chí Hòa đi Pnôm –Pênh bằng xe Tắc- Xong. Trưa ăn hủ tiếu Nam Vang ở bên kia phà Niết Lương nhưng nhớ nhất là nhiều ruồi. Đến giữa buổi chiều thì đã đến Pnôm –Pênh. Cả nhà ở nhờ một gia đình có cảm tình với Việt Minh. Nhà có cây vú sữa chĩu quả, trong một làng nhỏ của người Việt, ở cây số 6, cạnh một chùa có tượng Như Lai bằng gổ. Khi đó tôi được biết người tạc những tượng trong chùa là chính ông chủ nhà,người gốc Quảng,tôi thường gọi cậu mợ Tư. Ông rất quý tôi và muốn truyền nghề cho tôi. Từ Pnôm-Pênh,cả nhà phải đợi làm hộ chiếu khác như Việt kiều tại Kampuchia hồi hương, mới có thể bay ra Hà Nội. Khoãng bảy tháng chờ đợi tại Pnôm-Pênh, dù mới 11 tuổi nhưng tôi bươn chải làm nhiều nghề. Đi làm vì thích phiêu lưu và sự tò mò hơn. Thời đó, chẵng ai đói. Ngay trong ao nhà cậu mợ Tư, ếch nhiều như chén úp trên mâm cơm. Đến trưa, rắn lượn ở bờ rào như các đòan biểu tình ở đất Sài Gòn.Ngồi nhìn rợn người nhưng không chán vì nó nhiều quá!
Nhà cạnh chùa, tôi thường sang chùa ngủ và khoãng bốn giờ sáng thì dậy gõ chuông. Ban ngày, chẵng có việc gì làm, trong chùa chỉ có nhiều sách về Đức Phật và Bà La Môn. Có cuốn nào, đọc cuốn đó. Tối, giăng mùng, dồn muỗi vào góc mùng, bắt thả ra ngoài.Nhờ sách Phật, tôi sớm thuộc câu : “Đời là bể khổ”. Nhưng với tôi thì khác : “ Đang được sống đó là thiên đàn”.
Từ làng tôi ở, băng qua đường quốc lộ vài trăm mét là đến bờ sông Mê Kông. Tôi theo người anh ruột- Ba Hùng- làm nghề “cắt đầu cá”. Người ta đổ cá lên mặt đất, dọc bờ sông thành từng đống nhỏ. Mổi đống khoảng hai, ba chục ký cá. Ai muốn cắt thì tự động vô cắt. Cắt xong, chủ cá trả cho vài đồng. Người cắt thuê thì chọn những con cá mình thích bỏ vô nồi, đem về kho, nấu tùy thích. Cá sau khi cắt bõ đầu,hốt đổ vào cần xé. Cần xé là cái giỏ lớn, đan bằng tre có hai quay, chứa được năm, sáu chục ký cá. Chủ cá cho hai người, lòn cây tre qua hai cái quay của cần xé, mổi người đứng ở một đầu cây tre, gánh xuống sông. Họ đặt hai đầu cây tre lên hai tấm ván, nước sông xăm xắp miệng cần xé. Một người bước vô cần xé, dẩm đạp cho sạch ruột, rồi đem lên bờ đổ vô lu,trộn thêm muối làm mắm bù hốc. Nhìn nghề cắt cá thì ham, nhưng cắt độ một tuần, hai bàn tay bị nhớt cá ăn lấm chấm đen như dính tro. Ăn cá mãi rồi đâm ra sợ.
Đang đau tay vì nghề cắt đầu cá, một thằng bạn người Việt cùng xóm rủ tôi đi bán bánh mì. Nó tên là Chó, nhưng “người” lắm, luôn thương và chỉ dẩn tôi cách làm ăn. Sáng phải dậy sớm, khoảng bốn giờ. Từ cây số 6, bọn tôi đón xe đò vô Pnôm-Pênh. Đến nơi đã gần năm giờ sáng. Mổi đứa được trang bị một bao tải bằng đai.Mua bách mì nóng bỏ vô đầy bao. Tôi vác bao tải bánh mì lên vai, chọn những con đường mà “các đồng nghiệp” không đi nhưng có hướng về nhà,vừa đi vừa bán, đến nhà vừa hết bánh.Nhớ nhất là một buổi sáng sớm, trời còn tối đen,tôi đạp phải một con rắn. Cái chân trần bên phải vẩn còn mang nặng cái lạnh của con rắn đến bây giờ. Tôi nhập cuộc nhanh và học cách đếm, tính tiền và trả lời khách bằng tiếng Kampuchia. Thằng Chó dạy tôi rao hàng :
-Nôm Pang, kơ đao sụi , Nôm Pang! ( Bánh mì nóng dòn bánh mì).
Nghĩ lại, dân Sài Gòn sao hội nhập nhanh thực!
Sau này học ở đất Hà thành,tôi hiểu người Hà Nội khó mà bụi như vậy.
Đang bán bánh mì, có đứa rủ tôi đi bán bong bóng bay. Tôi ừ luôn.Thời gian tương tự như đi bán bánh mì, nhưng không cần dậy quá sớm. Sáng dậy đi vào trung tâm lấy hàng, rồi vác cây bong bóng đến các cửa trường tiểu học để bán. Bánh mì không bán được thì ăn. Bong bóng phải bán hết rồi mới tìm đường về nhà. Những phút giây ôm cây bong bóng bay, nhìn các bạn cùng lứa tuổi người Kampuchia hồn nhiên trong sân trường, mà tủi thân ứa nước mắt.
Một ông chủ tiệm uốn tóc người Việt Nam- tôi gọi là cậu Hai- đến nhà chơi, biết gia đình và thấy tôi quá bươn chải nên rất thương. Ông bảo tôi đến ở và trông nôm cửa hàng cho ông. Cậu Hai sống một mình, vừa là chủ, vừa là thợ. Ông sắm cho tôi cái mùng và một cái ghế bố. Trên tủ sách của ông chủ có ba bộ truyện Tây Du Ký, Thủy Hử và Tam Quốc Chí. Lúc đó tôi chưa biết nấu cơm nên chỉ việc vừa ngồi đọc sách vừa trông nhà. Một bộ truyện tôi đọc chỉ hai hay ba ngày là dứt. Có lẽ đó là hành trang vào đời của tôi bằng ba bộ truyện trên. Sách về cách mạng có chuyện anh hùng Lê Văn Thọ , phá kho bom Tân Sơn Nhất.
Cuối tháng 12/1957, cả nhà tập trung về cây số 6 chuẩn bị ra Hà Nội. Cậu mợ Tư muốn giữ tôi lại để truyền nghề tạc tượng.Tôi cám ơn và muốn ra Bắc gặp ba.Trước khi đi tôi đến chào mọi người, trong đó có ông chủ hãng bong bóng.Ông cảm tình với Việt Minh nên rất mừng khi nghe tôi kể chuyện sẽ ra Hà Nội. Ông tặng tôi hai gói bong bóng. Tôi nhận và cám ơn ông. Khoãng vài ngày sau, cả nhà tôi gồm má và năm anh chị em lên máy bay từ Pnôm-Pênh đi Gia Lâm. Trên đường, máy bay ghé xuống Viên Chăn để tiếp xăng. Từ Sài Gòn, tôi tưởng tượng ở Hà Nội đường xá sẽ sạch bóng như đường Hàm Nghi, nhưng thực tế đều ngược lại sự tưởng tượng của tôi. Họ hàng duy nhất của dòng họ bên nội mà má đã biết từ xưa khi về thăm quê ba ở Quảng Nam là gia đình bác Doãn Kỉnh mà liệt sĩ Đặng Thùy Trâm gọi là ông ngoại.
Khi đón Tết năm 1958, tôi sực nhớ mình còn hai túi bong bóng. Gia đình tôi ở nhà số 6, khu tập thể Bộ Giao thông, đường Hàm Tử Quan.Từ nhà theo đường Lò Sũ ra Bờ Hồ rất gần. Nhân dịp Tết, tôi thổi bong bóng và đem ra Bờ Hồ bán. Bong bóng ngoài Bắc lúc đó hiếm, bong bóng của tôi lại có hình vẽ lạ và đẹp nên bán rất nhanh. Lúc đó tôi mới thật bất ngờ với món quà mang ý nghĩa quá thiết thực của ông chủ hãng bong bóng. Tôi thật sự biết ơn ông nhưng không thể nào trả lại cái nghĩa đó !
Có lẽ nhờ tuổi niên thiếu bươn chải nên những tháng năm ở đất Bắc tôi đã học và làm việc hết mình.Tôi phải học lại lớp 4 và tốt nghiệp cấp 1 năm 1959 với điểm thi hết cấp là 36 điểm cho 4 môn ( hệ điểm 10) . Năm 1962, tôi tốt nghiệp cấp 2 ở trường Nguyễn Du với điểm Văn là 4+ còn các môn khác đều điểm 5 ( hệ điểm 5). Sang cấp 3, tôi thi trúng lớp chuyên tóan đầu tiên của Hà Nội do các Giáo sư Lê Văn Thiêm, Giáo Sư Hoàng Tụy dạy. Và cuộc đời của tôi đã lặng lẽ tự học, tự hòan thiện các tri thức để thực hiện các mục tiêu công việc cần phải làm trong đời.
Rồi số phận đã đưa tôi trở lại Pnôm Pênh vào cuối năm 1979. Khi đó tôi mới 33 tuổi, là Phó trưởng phòng Đại lý tàu Biển Sài Gòn ( VOSASG). Khi đứa con thứ -bé Mai, chưa được 3 tháng tuổi, tôi được lệnh đi Pnôm –Pênh để giúp bạn tổ chức Công ty Đại lý và Môi giới tàu Biển Kampuchia (KAMSAB),với chức danh Giám đốc. Con dấu đầu tiên của KAMSAB được làm từ TP Hồ Chí Minh do ông Kim Long cầm lên và và tôi là người đầu tiên sử dụng.Tình hình Kampuchia lúc đó còn nhiều nguy hiểm. Tôi được phát một khẩu côn, ổ quay. Nhưng với tôi đi Kampuchia như trở lại nhà.Tôi hiểu và tin vào những người bạn Kampuchia mà tôi được tiếp xúc.
Nhiệm vụ của tôi khi đó là tìm những người biết tiếng Anh còn sót lại sau vụ diệt chủng để giúp bạn hành nghề đại lý và môi giới tàu biển tại Pnôm – Pênh.Tôi phải ra chợ, tiếp xúc với nhiều người để tìm người về làm việc. Trong cơ quan, có hai anh Capthon và Hary. Capthon giỏi quan hệ, nhưng Hary lại giỏi tiếng Anh. Vì họ mới gặp nhau, chưa hiểu nhau, nên anh Hary giận Capthon và định bõ việc. Tôi vừa hướng dẩn họ chuyên môn, vừa giúp họ đòan kết với nhau để cùng làm việc. Tôi thường nói với họ rằng, đất nước này là của các bạn, các bạn phải đòan kết mới có thể xây dựng được một đất nước Kampuchia mới. Sau này các anh Kapthon và Hary đều là cán bộ lảnh đạo chủ chốt của ngành Đại lý và Môi giới tàu Biển của đất nước Chùa Tháp.Nghe tin anh Capthon nay đã mất sau khi về hưu. Anh Hary và chị Monic cũng đã về hưu, các con của anh chị đều thành đạt và hạnh phúc. Lúc đó cũng có những sự cố khá phức tạp về chuyên môn. Hàng hóa của Liên hiệp Quốc viện trợ cho Kampuchia thường bị mất cắp. Có lần, hai xà lan được kéo từ Singapore đến Pnôm-Pênh nhưng mất một xà lan thuốc chữa bệnh , chỉ còn một xà lan gạo. Việc hòan thiện các hồ sơ pháp lý để có thể đòi bồi thường cho nhân dân Kampuchia là những việc phức tạp.Tôi đã thực sự làm tốt công việc của mình.Một ông thuyền trưởng người Na Uy- đại diện tổ chức từ thiện Liên Hiệp Quốc- cảm kích trước sự hổ trợ có hiệu quả của tôi nên đề nghị giúp bất cứ gì mà tôi yêu cầu. Trước tấm lòng của ông, tôi đồng ý và nói rõ tôi cần ba cuốn sách : Thuê mướn tàu, Xếp hàng hóa, Sổ tay của Chủ tàu và thuyền trưởng. Sách xuất bản tại London nên ở Việt Nam không thể tìm mua được. Sau này vì sự cố, tháng 7/1980 tôi rời VOSASG, nhưng sách các bạn Kampuchia nhận được đã chuyển về cho tôi ở TP Hồ Chí Minh. Đó là những cuốn sách giúp tôi nhiều thành công về nghề nghiệp sau này.
Tại Pnôm-Pênh, tôi đã trực tiếp xem các vết tích tội ác mà bọn Pôn Pốt vừa để lại. Những người bạn đồng tuổi mà tôi đã từng thấy khi đứng ngoài sân trường năm xưa, chắc đa số là chết hết, vì họ là trí thức!
Nhân một ngày chủ nhật, tôi về cây số 6 thăm ngôi nhà xưa và ngôi chùa. Nhưng bọn Pôn Pốt đã đốt sạch và giết sạch. Ngôi nhà xưa chỉ còn gốc cây vú sữa cháy xém. Chùa cũng không còn. Những ân nhân của tôi năm xưa, không còn lại một thông tin nào. Đó là nổi đau mãi mãi không nguôi trong lòng tôi.
Tại Pnôm-Pênh tôi được cấp một chiếc Lada mới để đi lại làm việc. Có người lái xe nhưng lúc việc gấp phải tự lái. Khi đó còn chưa có tiền. Hàng ngày chị Monic, vợ anh Hary đem gạo ra đổi cá về nấu ăn.Tôi và các bạn Kampuchia sống như một gia đình. Sau này tôi không có dịp quay lại Pnôm –Pênh, nhưng các bạn Kampuchia khi đến TP HCM thường tìm đến nhà thăm tôi.
Giúp được Kamsab hình thành và phát triển, tôi coi đó là sự thành đạt và là hạnh phúc của chính mình.Từ sâu thẵm trong lòng, tôi muốn đền ơn các bạn Kampuchia đã giúp gia đình tôi trong khi hoạn nạn trong năm 1957, muốn trả ơn “cậu mợ Tư”, “cậu Hai”, thằng bạn mang tên “Chó” nhưng rất “Người”, ông chủ hãng bong bóng… đó là tình yêu thương mà tôi sớm được đón nhận trong thời gió bụi.Chắc chắn trước khi mất, họ đều mong muốn đất nước Kampuchia mãi mãi được sống trong an lành và thịnh vượng.
Nghe tin ngày 26 /12/2013, ông Thủ tướng Hun Xen sang thăm Việt Nam, tôi viết lại những dòng này để tri ân những người bạn Kampuchia và những người Việt Nam sống trên đất Kampuchia mà tôi thật sự biết ơn và kính trọng. Tôi ước mơ rằng người Kampuchia và người Việt sẽ mãi mãi sống trong tình bạn thân thương như xưa tôi từng biết, cùng chia xẽ nhau lúc hoạn nạn và cùng vui trong sự thành công xây dựng một cuộc sống mới.
TP HCM ngày 25/12/2013
KS Doãn Mạnh Dũng