“Australia sẽ đương đầu với Trung Quốc”- Hoài Linh
“Trung Quốc không tôn trọng kẻ yếu”, Ngoại trưởng Australia nói với Fairfax Media, phá vỡ chính sách của các chính phủ trước, vốn lên tiếng một cách lặng lẽ và muốn giải quyết sự việc sau cánh cửa đóng kín.
Bà Bishop nói, kinh nghiệm từ hồi tháng 11 – khi bà tuyên bố phản đối Trung Quốc đơn phương tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không và dẫn tới việc Ngoại trưởng Trung Quốc phản ứng mạnh- đã củng cố quan điểm của bà rằng thà thẳng thắn còn hơn để hiểu nhầm.
“Việc đó ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Australia vì nó có nghĩa là, ví dụ, hàng không quốc gia của chúng ta – Qantas đột nhiên phải thông báo cho Bắc Kinh cho dù chả bay gần đó. Tự do của bầu trời và tự do trên biển ở khu vực đó là rất quan trọng với chúng ta vì phần lớn các hoạt động thương mại của Australia diễn ra ở đó.
Vì thế, tôi tin rằng, vào thời điểm này, chúng ta phải tuyên bố rõ rằng Australia phản đối hành động đơn phương, vốn bị coi là cưỡng bức và ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia Australia”.
Ngoại trưởng Australia nói, những người sợ Trung Quốc phật lòng đã sai vì không có hậu quả kinh tế nào sau khi Australia phản đối vùng nhận diện phòng không mà Trung Quốc tuyên bố.
Quan chức này cũng khẳng định rõ ràng là Trung Quốc quân sự hóa các tranh chấp lãnh thổ đã khiến Australia mở rộng quan hệ quân sự với Mỹ và các nước khu vực, đặc biệt là Nhật. Xu hướng này được thể hiện rõ khi trong tuần này Thủ tướng Abbott đã nhất trí về quan hệ quốc phòng chiến lược và chia sẻ công nghệ quân sự mới với Thủ tướng Abe.
Bà Bishop tuyên bố, chính phủ đã có những hành động cương quyết và phù hợp với các tuyên bố.
Ngoại trưởng Australia cũng cho biết: “Trong khi có một cuộc tranh luận về vai trò của Mỹ trên thế giới thì Mỹ hiện vẫn là siêu cường duy nhất có khả năng hành động một cách tổng thể và Mỹ phải quyết định có tiếp tục giữ vai trò này không. Tôi tin rằng Mỹ có thể và sẽ tiếp tục làm như vậy”.
Hoài Linh