Tư ‘ Thợ mộc ‘. Tản văn của Vũ Lê
Chiều xuống tự lúc nào, hình như vẫn có những làn khói bếp mỏng manh bay lên từ những mái nhà rơm rạ ít ỏi còn sót lại .Có một con cò trắng đang bay về phía núi Tản Viên .Lòng tôi lâng lâng một cảm xúc khó tả giống lúc tôi và vài người bạn hát bài ‘ Ngày về ‘ của Nhạc sĩ Hoàng Giac ở bên trời Tây những đêm đông lạnh lẽo.
Tôi về nhà ông anh Cả ,thắp hương tại Nhà thờ Tổ . Hai anh em hàn huyên đến khuya .Đêm đầu tiên sau bao nhiêu năm xa cách tôi không thể nào ngủ được , những con thạch sùng đuổi nhau kêu chít chít trên trần nhà dù rằng đêm miền quê thật yên tĩnh êm ả . Gà nhà ai đã giục sang canh ba.
Sáng hôm sau tôi đi ngay đến nhà Tư – người bạn thân nhất .Nhà nó đã chuyến đến cuối làng .Đến ngã ba đường , tôi thấy một ông già người nhỏ thó tóc bạc trắng đang cắm cúi vào mộng cái bàn gỗ .Tôi chào Bác và nói cho cháu hỏi nhà anh Tư ở đâu ? Người thợ mộc ngẩng đầu lên,đôi mắt sáng quắc.Tôi giật mình .Hình như là Tư , nó đây chăng ? . Đúng rồi . Trông Tư già và gầy quá .Tư cũng đã nhận ra tôi : Mày …à ? Tôi ôm chầm lấy Tư .Nó nằm gọn trong vòng tay tôi .Ngày xưa nó đâu như thế này, nó hơi thấp nhưng béo phục phịch. Khi vào nhà gặp Phúc ,vợ Tư , nó bảo em có nhớ thằng này không và xưng hô với tôi mày tao.Phúc ngạc nhiên ,nó bảo lúc này nhà không có con,có cháu ở đây tao cứ kêu như thế cho tiện .
Sau mười hai năm phục vụ trong quân ngũ ,Tư phục viên về quê và làm thợ mộc .Tôi hỏi sao mày không kiếm việc ở Hà nội – Tư nói nó thương người vợ quê …đã chờ chồng chục năm rồi nên không nỡ bắt người ta chờ nữa .Trong chục năm đó ngày nào Phúc cũng thắp nhang khấn Phật để cho nó được bình yên .Nó trả ơn vợ . Tôi hỏi thăm về ông nội của Tư – Ông Lang Thỏa nổi tiếng về thuốc Nam và đức độ cứu giúp người nghèo trong vùng khi chữa bệnh . Ông mất đã lâu .Ngày xưa chúng tôi ngồi chái nhà nghe lỏm ông giảng giải cho các môn sinh đến học về cái tâm của người làm nghề bốc thuốc , về đạo đức của con người. Có lần ông nói , người quân tử không được phép phạm vào hai điều : “ Con Thầy , Vợ Bạn “ . Cô Hiệp ,cô ruột của Tư ( chưa chồng) bảo rằng ông muốn răn dạy hai điều này cho những môn sinh đã có vợ .
Chúng tôi ngồi trò chuyện đến chín giờ thì có một thanh niên đến báo Tư phải lên xã để bàn về Hương ước mới của Làng .Đây là “ Bản hiến pháp của Làng “ gồm các điều lệ liên quan đến nhiều mặt của xã hội làng xã, giải quyết các tranh chấp nội bộ, bảo tồn văn hóa dân tộc, an ninh trật tự ..v.v trên cơ sở tự quản có thưởng phạt .Ví dụ về vấn đề an ninh : khi có khách từ nơi khác đến,chủ nhà phải báo cho Hương trưởng tên người khách ,quê quán , thời gian ở lại bao lâu …v v .
Người dân làng tôi ra vào làng bằng hai cổng chính đã có từ mấy trăm năm ( Cổng hướng Đông và hướng Tây ) .Ban ngày có người trực canh ,ban đêm cổng được đóng và cài then .Khi có trộm cướp vào làng thì dân chúng đồng thanh nổi trống ,thanh la lên báo động .Làng được bao bọc bởi lũy tre dày xung quanh ,những chỗ xung yếu lại có cả hào đất sâu .Trong làng có một đội thanh niên trai tráng để tuần tra ban đêm như Dân phòng ngày nay .Dân làng được sống trong yên bình đoàn kết . Tư nói trên cơ sở Hương ước cũ, Uỷ ban xã mời những người lớn tuổi đến góp ý để làm Hương ước mới cho phù hợp .Tư còn tham gia Qũy khuyến học của dòng họ trong làng .Tôi hỏi Tư sao ôm đồm nhiều việc thế , nó nói quỹ thời gian của một con người hữu hạn .Nó bị ảnh hưởng bởi những nhân vật trong Tiểu thuyết “ Thời gian của Người “ của Nhà văn quân đội Nguyễn Khải . Tư khoe với tôi một tập ảnh về cái Cổng hướng Tây của làng .Khi mở rộng đường liên Huyện người ta đã phá bỏ cái cổng đó đi vì không thể nắn đường được .Nó tiếc lắm , nghĩ mãi rồi gọi cho thằng cháu ở Hà nội mang máy ảnh về chụp lại các mặt của Cổng để làm tư liệu cho con cháu của Làng sau này . Hôm nọ có một Nhà báo ở Hà nội về xin chụp lại những bức ảnh cổng làng trên vì mục đích gì thì không rõ nhưng chắc rằng ông này nặng lòng …thương nhớ làng quê .
Biết bao thay đổi trong cuộc sống của từng người trong ngôi làng bé nhỏ này .Nhà cao tầng san sát , nhiều người đã có ô tô riêng . Đường liên thôn , liên xã rộng rãi nên ô tô vào tận sân từng nhà . Bưu điện xã nằm cùng trong khuôn viên Nhà Văn hóa đã lắp đặt Internet được ba năm . Người dân nói chuyện bằng điện thoại , đọc báo mạng hoặc “chat “ với con cháu lao động học tập ở nước ngoài dễ dàng . Đi qua nhà thằng Hách,chúng tôi thường đùa là Hắc công tử ,Tư nói gia đình đó đã bán nhà lên ở Hà nội từ lâu . Hách làm Giam đốc một công ty lớn . Cháu ruột của Tư kể rằng, Hách đã phạm vào điều cấm kỵ thứ hai của người quân tử .Từ ngày đó nó ít về làng , nếu có về Thanh minh , xong việc rồi chuỗn luôn .Tư dẫn tôi đi qua một khu nhà cỏ mọc đầy vườn hoang .Nó hỏi tôi có nhớ nhà của ai . Chịu .Nó bảo đấy là nhà của ông Thiềng , ngày xưa là Chủ tịch xã đã tham gia phá bỏ Đình Chùa .Gia đình ông ấy cứ dần lụn bại đi ,con cái ốm yếu nheo nhóc .Một người con gái kinh tế khá hơn lấy chồng trên Thái Nguyên đã đón ông lên đó .Có dạo ông này còn bị điên .
Tư biết nhiều về văn hóa làng xã , tín ngưỡng dân gian và về Phật pháp . Tôi tự hỏi , sau nhiều năm cầm súng chẳng được học tiếp như các bạn khác mà về thôn quê ngay nhưng sao vốn kiến thức của nó rộng đến thế ,hiểu biết của nó sâu đến vậy .
Tôi mời vợ chồng Tư đi du lịch Mù cang chải .Trên đường cao tốc lên Yên Bái tôi đem những băn khoăn trên hỏi nó . Trên đỉnh đèo Khau Phạ ,Tư trả lời như một hiền triết:vì không được ngồi trong giảng đường Đại học nên tao phải tự học nghĩa là được tư duy, như vậy tao tồn tại . Chính Bố đẻ của Tư cũng tán đồng khi nó về quê lập nghiệp . Khi còn làm việc ở Hà nội , những ngày về chơi về nghỉ phép và sau này về hưu ông còn dạy cả tiếng Pháp cho nó .Nó vốn thông minh nên việc học ngoại ngữ rất nhanh .Bây giờ tôi mới hết ngạc nhiên vì cách đây mấy bữa , tôi thật sửng sốt khi thấy trên giá sách có mấy quyển Tự vị Larousse và tờ báo L’ Humanité ( báo Nhân Đạo ) . Nó đọc những tin chính của báo và dịch lại cho tôi nghe tương đối chuẩn xác.
Trời mát dịu ,chúng tôi đứng trên đỉnh núi ngắm nhìn những khúc quanh co của cánh đồng lúa vàng óng trên ruộng bậc thang trong hương sắc mùa thu huyền ảo .Đất nước mình đẹp làm sao ! Tôi lại nhớ tới mùa thu nước Pháp với rừng cây phong vàng rực chạy dọc sông Sein từ Thành phố Cảng Le Havre đến tận Thành phố Rouen . Ôi quê hương ơi …
Ba ngày ở Mù cang chải .Được sống chung , ăn chung , làm việc , học hát cùng đồng bào vùng cao ( người Anh gọi là “ home stay “) , chúng tôi vỡ ra nhiều điều thú vị về con người nơi đây .Sự thật thà hiếu khách ,hồn nhiên trong sáng của họ , tấm lòng của họ đã làm cho du khách rũ bỏ được nhiều toan tính ích kỷ nhỏ nhen đời thường . Phúc cũng tin rằng con người chắc sẽ tốt hơn , tử tế với nhau hơn sau những tour du lịch như thế này.
Từ Yên Bái trở về chúng tôi ghé qua Thị trấn Tam Nông thăm một người bạn sau đó qua cầu Trung Hà để sang huyện Ba Vì . Trời hôm nay có gió lớn, mặt nước sông Đà lấp loáng trong chiều lộng gió .Một nỗi buồn nhè nhẹ man mác xâm chiếm hồn tôi khi xe chạy qua nhà Vân , người bạn gái học dưới tôi hai lớp . Tôi còn nhớ đêm trước ngày tôi lên đường đi học công nhân kĩ thuật bên Đông Âu , hai đứa bịn rịn đứng dưới gốc cây doi ( trong Nam gọi là cây mận ) . Dưới ánh trăng rằm, hoa doi trắng rơi rơi trên tóc nàng … Tư bảo rằng Vân hỏi tin của tôi mấy năm liền . Con gái có thì không thể chờ đợi lâu hơn nữa , Vân đi lấy chồng .Chồng Vân là một Thương binh bên huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ) , hay đau yếu khi chuyển mùa .Vào những năm cuối của Thế kỷ 20 gia đình Vân đã vào sinh sống trong Lâm Đồng .
Xe chạy chầm chậm qua những cánh đồng lúa chín vàng sắp gặt .Tôi ngồi im trong ân hận ,day dứt và buồn … không rõ đã bao lâu .Tư đập tay vào vai tôi , có lẽ nó và Phúc đã nhìn thấy những giọt nước mắt .
Về tới sân nhà Tư , nhiều người nhà bệnh nhân đang ngồi chờ lấy thuốc .Nó vội vàng rửa tay thay áo rồi vào cắt thuốc ,tất bật . Chỉ có hai vợ chồng già ở với nhau nhưng nhiều lúc Phúc cũng phải ăn cơm trước một mình .Phúc bảo đã quen rồi .Tôi khuyên Tư nên dành một khoảng thời gian riêng cho mình .Nó bảo được làm những điều mình thích cũng là hạnh phúc và rằng bệnh tật sẽ đến với những ai lười làm việc chân tay, lười thể thao.Tư tuy người nhỏ bé nhưng ít ốm , họa chỉ cảm mạo vài ngày.
Đêm hôm đó trước khi ngủ ,Tư mở cho tôi nghe nhạc của Trịnh công Sơn , bài “ Để gió cuốn đi “ . Câu hát đầu tiên của bài là dành cho Tư . Còn câu hát thứ mười một chắc là dành cho mối tình đầu lỡ dở của tôi.
Sáng nay trên đường đi Sân bay Nội Bài , Tư chiều theo ý tôi đi qua để tạm biệt cây doi gần Chùa .Cảnh cũ ,người xưa nay đâu .Tiếng chuông chùa buông buông , ngân nga dần tan trong khí trời mát dịu gió sớm.
Lúc chia tay để vào phòng đợi , bất ngờ Tư hỏi tôi : đã lúc nào mày tự vấn , Hạnh phúc là gì , mày là ai , ý nghĩa sự tồn tại của mày trên quả đất này chưa ?
Tôi hẹn năm sau về sẽ trả lời Tư Thợ mộc .
Sơn Tây 02 .6. 2015 .
Vũ Lê