Thực tiển và hai vấn đề cốt lõi khi quy hoạch phát triển miền Trung Việt Nam
Do đặc tính gió mùa, sườn Đông dãy Trường Sơn mưa nhiều vào mùa gió Đông Bắc, còn sườn Tây mưa nhiều vào mùa gió Tây Nam. Miền Trung có dãy đồng bằng ven biển nhỏ và hẹp. Với địa hình trên, các dòng sông ở miền Trung rất dốc và ngắn. Vì vậy dòng chảy thường bị lấp đầy và tràn sang hai bên bờ sông khi có mưa lớn. Đường Quốc lộ 1 A chạy ven theo mép biển có hướng từ Bắc xuống Nam. Bản thân đường Quốc lộ 1 A như con đê chắn nước khi dòng nước mưa chảy ra biển. Với địa hình như trên, hệ thống rừng cổ thụ xưa nhiều năm trên sườn Đông dãy Trường Sơn có tác dụng giữ nước và giữ đất chống di chuyển xuống chân núi.
Việc mở đường Hồ Chí Minh – nằm trên sườn núi phía Đông dãy Trường Sơn -đã giúp việc rút gổ từ các rừng xưa dể dàng nên đã góp phần phá vỡ hệ thống rừng giữ nước và giữ đất theo tự nhiên. Khi lượng nước không được lưu giữ ở các cánh rừng già, chúng sẽ hình thành các dòng chảy gây ra lũ ống, lũ quét cực kỳ nguy hiểm cho con người.
Việc phá hệ thống rừng tự nhiên để xây dựng các cơ sở thủy điện đã làm thay đổi hệ sinh thái. Khi mưa to và kéo dài, tất yếu cả hệ sườn núi phía Đông dãy Trường Sơn sẽ biến động, gây tác hại đến sự sống của con người. Sự kiện đau thương ở thủy điện Rào Trăng , Thừa Thiên – Huế trong tháng 10/2020 đã cảnh tỉnh hành vi của con người đối với thiên nhiên.
Bờ biển Đông Việt Nam là vùng nước cực kỳ nguy hiểm trong hàng hải. Nguyên nhân trên đoạn đường biển từ vịnh Hạ Long ở vịnh Bắc Bộ đến Vũng Rô – Phú Yên hoàn toàn không có vịnh nào kín sóng gió cho tàu thuyền tránh bão. Khi mưa bão, các dòng sông ở miền Trung cực kỳ nguy hiểm vì có tốc độ dòng chảy ra biển lớn nên tàu bè khó chạy ngược dòng vào tránh bão trong nội thủy. Khi mưa bão hay gió Đông Bắc, các vùng biển sát bờ có sóng cực kỳ lớn và dòng chảy có xu hướng đưa tàu thuyền vào cạn và gây chìm tàu ngày vùng nước gần bờ. Ông Hóa là hoa tiêu thời Pháp và đã từng tham gia cứu hộ tàu chở than bị mắc cạn tại vịnh Chân Mây hồi đầu thập niên 1940. Câu chuyện trên ông Hóa nói với tôi hồi cuối thập niên 1990, đó là tâm nguyện của ông muốn nhắc thế hệ sau trước khi trở về với cát bụi. Lịch sử Việt Nam đã xác định rất nhiều tàu thuyền bị chìm ngay sát bờ biển miền Trung Việt Nam.
Từ sự hiểu biết trên, tôi đã từng đề nghị với nhà nước Việt Nam cần xây dựng các cảng ven biển vừa giúp phát triển nghề cá vừa giúp các tàu thương mại tránh bão khi cần thiết. Đầu tháng 10/2020, tàu Vietship 01, tránh bão, neo tại phao số 0 cảng cửa Việt, bị trôi neo, sóng đánh chìm và gây chết người trước sự bất lực của con người.
Thiên nhiên không cần con người. Con người cần thiên nhiên để tồn tại. Vì vậy mọi chương trình phát triển kinh tế cần phải bảo đảm sự ổn định và tồn tại bền vững của thiên nhiên cũng như có giải pháp khắc phục những bất lợi do thiên nhiên gây ra.
Ks Doãn Mạnh Dũng