Tiếng nói chung bảo vệ quyền lợi cho thuyền viên trong Dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động – Hải Yến

Như vậy trong quá khứ chính sách của đất nước đã không khuyến khích nghề đi biển.
Nay đất nước chấp nhận hướng ra biển lớn, những người đi biển cần một chính sách nghiêm túc công bằng hơn là những lời kêu gọi …..
Kinhtebien online xin giới thiệu ý kiến của một người phụ nữ  với những nghĩ  suy sâu thẵm về nghề đi biển cùng  ý kiến của Thuyền trưởng Việt Anh

Dear Capt. Việt Anh và các anh chị,

Anh Việt Anh ah, em có một gợi ý nhỏ muốn chia sẻ với anh và tất cả các anh chị em liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi cho đội ngũ sỹ quan thuyền viên ngành hàng hải trong Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động đang được lấy ý kiến đại biểu quốc hội.

Sáng hôm qua, em có cơ hội được trực tiếp làm việc và trao đổi sơ bộ với Đoàn khảo sát liên ngành về Dự án sửa đổi Bộ luật Lao động tại T.Cty Hàng hải VN. Thành phần đoàn gồm 12 đại diện của Văn phòng Chính phủ (trong đó có chị Nguyễn Thị Như Mai và anh Nguyễn Văn Hiền), Văn phòng Quốc hội, Bộ LĐTBXH, Bộ GTVT, Bộ Tư pháp, Tổng liên đoàn LĐVN, Sở LĐTBXH Tp. Hà Nội. Nội dung cuộc trao đổi mới chỉ mang tính xới xáo một số vấn đề liên quan đến ngành nghề và đội ngũ thuyền viên mà thực chất chưa thể trao đổi hết và hoàn toàn không đủ thuyết phục Ban soạn thảo để có thể tiếp thu hoặc chí ít hiểu, chia sẻ và ghi nhận những khó khăn, gian nan của đội ngũ thuyền viên ngành hàng hải và để có được cách nhìn, thái độ và sự quan tâm đúng mức tới đội ngũ lao động đặc thù này. Nội dung cuộc trao đổi đã khiến em suy nghĩ và trăn trở rất nhiều và cuối cùng quyết định viết những dòng thư này để chia sẻ cùng các anh chị.

Em nhận thấy rằng, các thành viên Ban soạn thảo và kể cả các đại biểu quốc hội cũng không hiểu hoặc hiểu rất mơ hồ về ngành nghề hàng hải và về đội ngũ lao động thuyền viên tuy không lớn về số lượng so với dân số của cả nước nhưng tác động không nhỏ đến đời sống xã hội cũng như ít nhiều tới kinh tế. Lỗi không phải vì họ ko quan tâm tới ngành nghề chúng ta mà lỗi lớn ở chính chúng ta là những người công tác trong ngành nhưng chưa dành nhiều thời quan, công sức, tâm trí để giải thích, để nói lên tiếng nói đại diện cho lực lượng lao động của mình nên không thể trách Ban soạn thảo hay đại biểu quốc hội được (em xin lỗi nếu có phần thẳng thắn quá vì trong đó cũng có em), con khóc thì mẹ mới cho bú. Em cũng nhận thấy rằng họ mới chỉ thấy được những khía cạnh khá nhỏ liên quan đến công việc của đội ngũ sỹ quan thuyền viên mà chưa nhìn thấy tính chất công việc và đời sống vật chất tình cảm của đội ngũ lao động này, chưa nhìn thấy khía cạnh xã hội rộng lớn của lực lượng này để có thể chia sẻ, có thái độ quan tâm đúng mức và ban hành các cơ chế chính sách khích lệ kịp thời mà nếu chỉ các doanh nghiệp trong ngành hàng hải thì chưa đủ sức. Em xin chia sẻ thêm thông tin thế này:

Trong Đoàn khảo sát có một đại diện đã phát biểu nôm na rằng không chỉ riêng hàng hải mới là ngành đặc thù, thuyền viên các ngành khác như dầu khí họ cũng phải ra biển, ra giàn khoan mà thu nhập rất cao và nộp thuế rất lớn. Thuyền viên ngành hàng hải cũng đi tàu và có thu nhập cao phải nộp thuế cho nhà nước là đương nhiên và là nghĩa vụ. Nghe xong phát biểu này thú thực em rất buồn và chạnh lòng nhưng không thể trách họ được. Sự so sánh khập khiễng này chỉ những người trong ngành như anh chị em mình mới hiểu và thông cảm được. Cái giá hay sự đánh cược, đánh đổi tính mạng, cuộc sống, gia đình mà đội ngũ thuyền viên phải chấp nhận chẳng thấm tháp gì so với đồng lương họ thực nhận, cũng không phải lỗi của các doanh nghiệp VTB hay chủ tàu vì họ cũng đã cố gắng trong năng lực oằn mình để cùng nhau duy trì, tồn tại, phần nhiều lại là do cơ chế và chính sách.

Em cũng xin thú thật với các anh chị về cá nhân em thế này. Khi em còn đang độ tuổi đôi mươi có nhiều cơ hội để yêu, lựa chọn và kết hôn với ai đó, em đã tự hỏi và trả lời. Em có yêu biển không? câu trả lời là Có và một phần lý do đó em chuyển về hàng hải công tác. Có yêu các anh sỹ quan thuyền viên không? Có. Có kết hôn với các anh không? Câu trả lời là Không. Xin đừng phán xét em. Vì sao? em tự thấy mình hèn nhát và ích kỷ lắm, không dũng cảm và bản lĩnh được như các chị em vợ các anh ấy đâu, em cảm phục các chị ấy lắm. Nếu em kết hôn với người là sỹ quan thuyền viên, người mà hầu như dành trọn thời gian và cuộc sống cho biển, cho tàu thì em đứng ở đâu? trong tim các anh ah? em sẽ mòn mỏi, khắc khoải trong cô đơn, có chồng mà nuôi con một mình, tiền có phải tất cả không? em sẽ lại tìm đến sự chia sẻ với chồng của cô bạn thân hay nhận sự chăm sóc của anh hàng xóm hay một đồng nghiệp, em sẽ lấy tiền của các anh vất vả kiếm ra để tiêu sài cho bõ ngày đằng đẵng… em sẽ không chịu đựng và đứng vững nổi nếu các anh có mệnh hệ gì khi đang lênh đênh trên biển. Em sẽ như thế nên đã quyết định không kết hôn với các anh vì em biết chắc em sẽ làm khổ các anh có người vợ như em, em không phải thánh để mà tránh nổi cám dỗ khi không có chồng bên cạnh. Nhưng các anh chị có chắc rằng toàn bộ các chị em là vợ sỹ quan thuyền viên không làm những điều em vừa kể không, thật đau xót. Xét ở khía cạnh nào đó em cũng tử tế đấy chứ (nhưng cuối cùng không làm khổ sỹ quan thuyền viên thì cũng làm khổ lực lượng vũ trang, tự dưng xám hối thấy thương chồng mình, hehehe). Thêm một câu chuyện nữa mà có lẽ nhiều trong số các anh chị em chúng ta đều biết, đó là trường hợp cháu bé Pax Thiên, con nuôi của cặp tài tử điện ảnh Hollywood Brangangelina vừa từ Mỹ trở về thăm Côn Đảo, Việt Nam. Ít ai biết mẹ của bé Pax Thiên là con gái của một sỹ quan thuyền viên tàu biển trong ngành chúng ta. Vì ko có nhiều thời gian với con gái ở nhà nên anh ấy đã bù đắp cho con bằng việc cho tiền để tiêu xài, để mua nọ sắm kia hoành tráng (ko bàn đến cách thương con của anh ấy ở đây), bố đi vắng, mẹ bất lực đã để con gái nghiện ngập ma tuý, đi bụi dài ngày và Pax Thiên là sản phẩm của những ngày đi bụi đó. Mẹ Pax Thiên chỉ biết thú nhận với cha mình, tức ông ngoại, về việc mang thai và sinh đứa bé, sau khi con gái sinh con, anh ấy đã cùng con gái đưa Pax Thiên đến trung tâm trẻ mồ côi để gửi nuôi nấng vì mẹ nó còn đi cai nghiện (một lần nữa lại không bàn đến cách thương con gái của anh ấy). Dù sao Pax Thiên vẫn còn may mắn ở một góc độ nào đó đã được nhận nuôi trong gia đình có điều kiện, còn những số phận tương tự khác thì không hẳn. Trong câu chuyện này các anh chị có muốn mình là ông bà ngoại ngoài ý muốn này không? em thì chắc chắn không rồi. Bên cạnh đó, việc quan tâm đến đời sống tình cảm và chia sẻ với vợ con sỹ quan thuyền viên cũng chưa thiết thực. Nếu em là vợ của sỹ quan thuyền viên thì em sẽ không nhận quà tết hay lì xì của cơ quan chồng đâu hoặc nếu có nhận thì chỉ vì muốn giữ thể diện, danh dự cho chồng mà thôi. Em có thiếu và cần tiền đâu, em chỉ muốn chồng em về với em, bên cạnh em thôi, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Em kể các câu chuyện và tâm sự này chỉ muốn nói đó là khía cạnh xã hội rất lớn của đội ngũ sỹ quan thuyền viên phải đối mặt và đánh đổi khi đã chọn theo nghề nghiệp này nhưng xã hội, các ban ngành, chính phủ, đoàn thể đã thực sự hiểu, thông cảm và chia sẻ với họ chưa và để có những cơ chế chính sách động viên, khích lệ họ, hay quay trở lại chỉ nhìn vào những vấn đề tiểu tiết, nhỏ nhặt kia, khi có mất mát tai nạn xảy ra thì thay vì chia sẻ bù đắp lại đòi hỏi thủ tục, văn bản nọ kia, người mất rồi thì có ký tá hay xác nhận được nữa không, đã trích nộp bảo hiểm xã hội thì phải được hưởng quyền lợi, về trách nhiệm hãy phân xử ở những nơi những lúc khác. Đó cũng là câu chuyện liên quan đến quyền lợi các thuyền viên bị nạn của tàu Phú Tân và tàu New Sun hiện vẫn chưa giải quyết xong. Các cơ quan hành chính không chấp nhận sử dụng kết luận báo cáo điều tra tai nạn sự cố của Cơ quan cảng vụ để làm căn cứ xem xét chi trả bảo hiểm và bồi thường cho nạn nhân mà yêu cầu thành lập tranh tra liên ngành để lập biên bản theo quy định. Họ chết cả rồi thì ai ở đó chứng kiến mà lập biên bản, mà ký tá hồ sơ bảo hiểm, chủ tàu lại phải tốn kém tổ chức cho đoàn đi ra biển mà chỉ còn sóng chứ không còn người…

Em hơi bức xúc quá nên đã dài dòng mong các anh chị thông cảm. Theo em được biết dự thảo Bộ luật Lao động đang được đưa ra lấy ý kiến đại biểu quốc hội và sẽ tiếp thu chỉnh sửa để biểu quyết thông qua trong kỳ họp giữa năm sau 2012. Vậy thì vẫn còn cơ hội lớn cho ngành, cho đội ngũ sỹ quan thuyền viên được nói lên tiếng nói bảo vệ quyền lợi của mình và thiết thực nhất là được đưa ngay vào các quy phạm của Bộ luật Lao động là chế định pháp luật lớn điều chỉnh quan hệ lao động và chế độ chính sách đối với lực lượng này. Nếu lỡ cơ hội lần này thì đời sống của Bộ luật rất dài tới 10 – 15 năm sau mới sửa đổi, bổ sung được. Hơn nữa việc xem xét tham gia công ước MLC 2006 vẫn còn hành trình rất dài và chưa biết bao giờ mới thực hiện được nên tham gia ý kiến cho dự thảo sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động lúc này theo em là vô cùng quan trọng và cần thiết. Cá nhân em cũng hết mình đóng góp ý kiến nhưng một mình em hay TCT Hàng hải Việt Nam không thể đại diện cho ngành được, một cánh én chẳng làm nên mùa xuân, bởi vậy em mong anh Việt Anh với tư cách Thư ký CLB PLHH thay mặt đề xuất chủ nhiệm CLB và với lãnh đạo Cục HHVN tổ chức nghiên cứu nghiêm túc và tham gia ý kiến cho dự án sửa đổi Bộ luật Lao động khi còn kịp thời gian để làm, các anh chị nào ở trong CLB Thuyền trưởng hay Hội Hàng hải thì cũng thông qua tổ chức của mình để tham vấn ý kiến đông đảo của các thành viên góp ý cho Bộ luật này.

Em thiết nghĩ phải có ý kiến từ các cơ quan, tổ chức chuyên ngành thì mới có thể thuyết phục và có giá trị tác động đến việc sửa đổi Bộ luật liên quan đến chế độ chính sách cho sỹ quan thuyền viên hàng hải, đó là các vấn đề liên quan đến: Tiền lương, thuế thu nhập, ký kết HĐ lao động, đào tạo chuyên môn, an toàn sinh mạng, thời gian làm việc, nghỉ ngơi và tuổi lao động, quyền hưởng các ưu đãi về điều kiện làm việc trong ngành nghề độc hại hoặc xa tổ quốc, về hộ chiếu và giấy phép lao động,… vô vàn vấn đề liên quan vẫn chưa được quy định thoả đáng… Em cũng gửi thư này cho chị Mai và anh Hiền đang công tác tại VPCP và đề nghị anh Việt Anh có thể liên hệ với chị Mai để nhận tài liệu về dự thảo sửa đổi Bộ luật và tổ chức cho các thành viên CLB PLHH tham gia ý kiến hoặc có thể liên hệ nhận tài liệu và gửi ý kiến cho đ/c Mai Đức Thiện – Trưởng phòng Pháp chế lao động – Bộ LĐTBXH theo số điện thoại và địa chỉ email sau: thienmd@molisa.gov.vn, điện thoại 0982070106 hoặc 0438269539.

Nếu đội ngũ sỹ quan thuyền viên được quan tâm và đãi ngộ đúng mức thì không phải giành giật sỹ quan vì thiếu trầm trọng như hiện nay mà sẽ lại thu hút được nhiều lực lượng lao động này và lại có thêm nhiều cô gái xinh xắn đáng yêu cùng yêu thương chia sẻ với họ thay vì sẽ đi mát xa, đi spa hay đi với đại gia…

Sao em viết dài dòng thế nhỉ, nặng về trình bày và mong các anh chị thông cảm nếu đề xuất của em còn nông nổi thì hãy coi đây chỉ là lòng trắc ẩn của em thôi. Xin lượng thứ nếu mất thời gian của các anh chị.

Trân trọng

Em Hải Yến

 

Email của Thuyền trưởng Việt Anh gửi Hải Yến

Dear Hải Yến,

Tôi đã đọc hết nội dung email. Đọc xong có một cảm giác lạ lắm, run run, và nhận thấy Hải Yến đã làm một việc thật phi thường; đã kêu gọi và khơi dậy hiệu quả sự cảm thông, có cái nhìn đúng đắn về những gian truân, vất vả, rủi ro và nguy hiểm thuyền viên gánh chịu và cần quan tâm đến chính sách, chế độ, phúc lợi phù hợp.

Tuy nhiên có mấy việc tôi thấy thật khó xử lý, phải làm sáng tỏ, ví dụ:
Miễn hoặc ưu đãi thuế thu nhập cho TV là có thể được;
Nhưng bảo hiểm xã hội thì TV/Chủ tàu (employers) phải đóng phí. Như vậy thì mới có quỹ chi trả;
Thỏa ước LĐ tập thể & hợp đồng lao động là cần thiết vì vậy là minh bạch;
Nhưng lương TV ta liệu bao nhiêu là thỏa đáng? Bởi chất lượng TV có vấn đề do hệ thống TChuẩn CLượng đào tạo/huấn luyện, đánh giá, cấp Chứng chỉ hàng hải có vấn đề. Việc này xem ra có nhiều nguyên nhân, nhưng trước tiên là do quản lý nhà nước. Nhưng bản thân thuyền viên thì ai cũng vậy, bằng mọi giá kể cả phải trả 3 tháng lương (lương T.Trưởng cứ cho là 40 T/tháng) để có một CoC cũng xong!!!! (một bài tính lợi nhuận cấp 1).
Thuyền viên đáng giá bỏ đi làm cho chủ tàu ngoại, hoặc chủ tàu nội nhưng kinh doanh tốt. Còn…..
etc….
Tôi sẽ gửi thông điệp của Hải Yến đến CLB Thuyền trưởng của HCMC, kêu gọi đồng cảm và ủng hộ.

Tôi ghi nhận gợi ý về hành động cần làm, và sẽ làm với tâm của một thuyền viên.

Thân mến,

Việt Anh