Không xác định đúng nguồn tài nguyên trí tuệ và nguồn tài nguyên thiên nhiên là nguyên nhân trì trệ của sự phát triển .
Các cuộc “cải tạo xã hội chủ nghĩa” đối với nông nghiệp , thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, cùng các cuộc Công xã hóa , Đại tiến vọt, Đại cách mạng văn hóa do Mao Trạch Đông chủ đạo là chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ nghĩa xã hội bạo lực , gây thiệt hại hết sức đau lòng cho tính mạng và tài sản của nhân dân Trung Quốc, khiến sự phát triển cũa xã hội trì trệ, làm chậm tiến trình hiện đại hóa, là bài học đau đớn con cháu ngàn vạn đời phải ghi sâu “ Bản chất của sự “cay đắng” trên trước hết là từ nhận thức về Học thuyết giá trị thặng dư của Mác.Năm 2006 khi có ý kiến đề xuất cấm đảng viên làm kinh tế tư nhân và được Đảng CSVN cho phép phát biểu , KS Doãn Mạnh Dũng đã gửi bài viết này lên BCH Trung ương và Chi bộ khu phố. Nay xin công bố để bạn đọc có thể tìm hiểu kỹ hơn nguyên nhân sự trì trệ nền kinh tế của đất nước và tìm ra giải pháp tối ưu nhằm nâng nhanh sức mạnh kinh tế của Việt Nam .
Giới thiệu tòan văn bài viết :
Chúng ta đã chấp nhận nền kinh tế thị trường nên phải đối mặt với các vấn đề sau :
– Nếu mâu thuẩn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư bản là mâu thuẩn đối kháng thì nền kinh tế thị trường sẽ là mầm non cho một cuộc cách mạng mới không tránh khỏi ?
– Nếu nhà tư bản chỉ có một giải pháp duy nhất tìm nguồn thặng dư từ sức lao động của giai cấp công nhân thì việc chấp nhận đảng viên cộng sản làm kinh tế tư nhân là mâu thuẩn với lý tưởng của người cộng sản ?
-Vói một nước nghèo về vốn và giáo dục còn nhiều bất cập thì chiến lược cạnh tranh cơ bản là gì trong giai đoạn đầu hội nhập kinh tế quốc tế ?
Tài liệu này đề xuất giải đáp về lý luận cho các quan điểm trên .
1-Học thuyết giá trị thặng dư của Các Mác
Trước hết chúng ta cần biết nền tảng Học thuyết giá trị thặng dư của Các Mác.
Tài liệu chính thức như sau :
“Trích từ : Trang 56,57,65 Kinh tế Chính trị Mác –Lê nin – NXB sách Giáo khoa Mác-Lê nin 2-1984“
Lê nin khẳng định :
“ Học thuyết về giá trị thặng dư là viên đá tảng của học thuyết kinh tế của Mác “
(1) V. Lê nin : Các Mác và chủ nghĩa Mác .NXB Sự thật , HN ,1968
Trước hết chúng ta hảy nghiên cứu học thuyết về giá trị thặng dư của Mác.
“ Mác đã dùng học thuyết của mình về tính hai mặt của lao động để giải thích vấn đề này và phát minh sự phân chia tư bản ra làm hai bộ phận : tư bản bất biến và tư bản khả biến.
Mác gọi bộ phận tư bản dùng để mua tư liệu sản xuất là tư bản bất biến(ký hiệu: c) .Bộ phận tư bản này không tạo ra thặng dư.
Mác gọi bộ phận tư bản dùng để mua sức lao động và tăng lên trong quá trình sản xuất là tư bản khả biến (ký hiệu:v) .
Sự phân chia tư bản thành tư bản bất biếnvà tư bản khả biến càng vạnh rõ nguồn gốc của giá trị thặng dư,chứng minh rằng không phải máy móc mà chính lao động của công nhân làm thuê là yếu tố duy nhất tạo ra giá trị thặng dư ( ký hiệu:m) cho nhà tư bản.”
Mác đưa ra công thức sau để tính ra giá trị hàng hóa :
Gt = c + v + m (Công thức 1)
Trong đó :
Gt : Giá trị của hàng hóa do người công nhân làm ra.
c : Giá trị tư liệu sản xuất chuyển sang hàng hóa.
(v + m) : là giá trị mới do công nhân sáng tạo ra trong quá trình lao động sản xuất.
v : Tư bản khả biến.Tiền mà nhà tư bản bỏ ra mua sức lao động.
m : Thặng dư của sức lao động của công nhân mà nhà tư bản chiếm hữu.
Học thuyết giá trị thặng dư của Mác có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về lý luận và thực tiển. Nó phân tích một cách sâu sắc quan hệ bóc lột giá trị thặng dư là quan hệ sản xuất cơ bản nhất trong xã hội tư bản chủ nghĩa ; nó chứng minh tính tất yếu của đấu tranh giai cấp ngày càng quyết liệt giữa vô sản và tư sản; nó vạch rõ cơ sở kinh tế của sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản”
“
Trên đây chúng ta đã nghiên cứu quan điểm chính thống về Học thuyết giá trị thặng dư của Các Mác.
Bình luận :
Với quan điểm của Mác, giai cấp tư bản tìm lợi nhuận và tích lủy thặng dư chỉ và chỉ duy nhất từ giá trị thặng dư của sức lao động của người công nhân (m) .Với quan điểm này đã dẩn đến mâu thuẩn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản là mâu thuẩn đối kháng không thể dung hòa được.Và từ đó theo Mác , giải pháp tước đoạt của cải người giàu chia cho người nghèo trở thành giải pháp duy nhất cho mục tiêu công bằng xã hội.
Vậy tại sao Mác lại đưa ra quan điểm trên ?
Chúng ta hảy hình dung môi trường mà Mác sống và viết ra học thuyết Mác:
Mác sinh 5-5-1818 tại Trèves gần Coblenz thuộc tỉnh Rhineland nước Đức và mất ngày 14-3-1883 . Ông là con của một luật sư gốc người Do Thái. Tháng 4-1841 Mác nhận bằng tiến sĩ triết học và tham gia viết báo cho tờ Sông Ranh với các tài liệu chống chủ nghĩa chuyên chế nước Phổ. Tháng 10-1842 Mác trở thành biên tập viên của tờ báo Sông Ranh .Ngày 1-4-1843 tờ Sông Ranh bị đóng cửa. Mác tiếp tục viết và công bố các chủ thuyết của mình. Chủ trương của Mác là đấu tranh cho lợi ích của “quần chúng nghèo khổ và bất hạnh về chính trị và xã hội “.
Cuối tháng 10-1843 Mác đi Pari. Không khí chính trị sôi sục tại Pari và sự tiếp xúc với với đại biểu của giai cấp vô sản đã dẫn đến bước chuyển dứt khoát của Mác sang chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cộng sản.
Cả nước Pháp lúc bấy giờ là một đại công trường.
Sản lượng máy hơi nước ở Pháp :
Năm
|
Sản lượng ( chiếc )
|
1820
|
65
|
1830
|
616
|
1848
|
5.853
|
Sản lượng sắt thép ở Pháp:
Năm
|
Sản lượng (ngàn tấn )
|
1832
|
148
|
1846
|
373
|
Chiều dài đường sắt :
Năm
|
Chiều dài ( Km )
|
1831
|
38
|
1847
|
1.832
|
Với trạng thái một đại công trường thủ công như trên nên lúc bây giờ nhà tư bản bóc lột giai cấp công nhân bằng hai giải pháp cơ bản : đó là tăng giờ làm và tăng cường độ. Hai yếu tố trên càng tăng thì mâu thuẩn giai cấp càng gay gắt. Có lẽ đó là nguyên nhân chính mà Mác đưa ra công thức (1) và khẳng định nguồn lợi nhuận thặng dư chỉ và chỉ duy nhất từ lao động của người công nhân.
Từ nguyên lý đó chủ nghĩa Mác kết luận:
“Giai cấp công nhân là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản.”
Mác sống và tuyên truyền chủ nghĩa Mác ở ba nước : Đức, Pháp và Anh. Tại sao ở ba nước Đức , Pháp và Anh từ khi biết chủ nghĩa Mác vẫn không có cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ?
Nhờ hồng quan Liên xô mà nước Đông Đức xã hội chủ nghĩa ra đời nhưng cuối cùng cũng không thể tồn tại khi không còn sự bảo trợ của Liên xô. Vì sao chế độ xã hội chủ nghĩa hình thành ở nước Nga, Trung Quốc,Triều Tiên, Cu Ba ? vì ở đây nền kinh tế lúc bấy giờ ở trạng thái tiền tư bản lạc hậu, mâu thuẩn gay gắt do giai cấp tư sản bóc lột giai cấp công nhân chủ yếu giữa vào nguồn cường độ lao động chân tay và thời gian lao động trong ngày và giai cấp phong kiến bóc lột người nông dân như nô lệ. Những nước theo thể chế xã hội chủ nghĩa của Liên xô cũng không thể tồn tại. Còn Trung Quốc cũng nhanh chóng thay đổi để thích ứng với lợi ích và quyền lợi của dân tộc Trung Hoa. Triều Tiên và Cu Ba còn duy trì chế độ xã hội chủ nghĩa nhưng đang gặp vô cùng khó khăn trong xây dựng kinh tế.Vậy bản chất sự việc là gì ? Chúng ta đi tìm câu trả lời từ phương thức tạo ra sản phẩm và dịch vụ.
2. Tư bản bất biến vẩn tạo ra giá trị thặng dư.
2.1 Giá trị của hàng hóa và dịch vụ :
Theo Mác :
Giá trị hàng hóa trong quá trình sản xuất được mô tả trong công thức (1) .
Mác chỉ quan tâm đến tư bản khả biến v và giá trị thặng dư m mà nhà tư bản chiếm đoạt của người công nhân.
Ở đây, chúng ta hảy cùng nghiên cứu tư bản bất biến c.
Tư bản c là máy móc thiết bị, vật tư và nhiên liệu để tạo ra sản phẩm hay dịch vụ.
Khi sản xuất hay làm dịch vụ thì một phần giá trị máy móc được đưa vào sản phẩm và dịch vụ. Người ta gọi phần đó là khấu hao chia đều cho số đơn vị sản phẩm hay dịch vụ.
Ta có :
c = c1 + c2
c: Tư bản tích lủy được bao hàm vật thể hữu hình :như chiếc máy,nhà máy, đê điều,đường sá,vạn lý trường thành… và trí tuệ vô hình như khoa học cơ bản , quy trình công nghệ , văn hóa, phong tục…
c1 : Khấu hao máy móc cho một đơn vị sản phẩm hay dịch vụ.
Tư liệu sản xuất trong nhà máy là máy móc.
+ Để có máy móc phải có công đoạn chế tạo máy móc đó là đúc các chi tiết máy và ráp chúng lại : lao động quá khứ + phôi sắt thép .
+ Để có phôi sắt thép phải có quá trình luyện thép, đó là dùng quặng sắt và than để luyện thành phôi sắt ,thép : lao động quá khứ + quặng sắt và than .
Phần lao động cụ thể của người công nhân dùng để luyện thép; đúc các chi tiết máy; ráp lại thành chiếc máy là công lao động có thể đếm được. Nhưng phần nguyên lý luyện quặng sắt thành sắt thép tốt và nguyên lý hoạt động của một chiếc máy như máy hơi nước là cả một quá trình tích lủy của rất nhiều thế hệ loài người.Phần lao động này là không thể đếm được.
Hai người khác nhau thì năng lực tích lủy và sử dụng trí tuệ loài người sẽ khác nhau.Chính sự khác nhau này sẽ tạo ra chiếc máy có công suất khác nhau, giá thành khác nhau.
Trong c1 chúng ta còn thấy có cả quặng sắt và than,đó là tài nguyên thiên nhiên.
Hai vị trí khác nhau trên trái đất thì nguồn tài nguyên thiên nhiên khác nhau.Chính sự khác nhau về tài nguyên thiên nhiên này sẽ tạo ra nguồn lợi nhuận khác nhau của nhà tư bản.
Tóm lại trong c1 chúng ta thấy có loại lao động quá khứ có thể đếm được và loại lao động quá khứ không thể đếm được và tài nguyên thiên nhiên.
c2 : Vật tư và nhiên liệu cho một đơn vị sản phẩm hay dich vụ.
Vật tư như bông, đất đai, khí hậu, ngư trường,nước ngọt, nhiên liệu như than, dầu, vị trí địa lý giao thông , cảnh quang du lịch, khí hậu… đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Ta có :
c1 = Lq’1+ Lq”1 + Tn1
c2 = Lq’2+ Lq”2 + Tn2
Trong đó :
Lq’1 : Lao động quá khứ có thể đếm được trong khấu hao máy móc.
Lq”1 : Lao động quá khứ không đếm được trong khấu hao máy móc.
Tn1 : Giá trị tài nguyên trong phần chi phí khấu hao máy móc.
Lq’2 : Lao động quá khứ có thể đếm được trong vật tư và nhiên liệu.
Lq”2 : Lao động quá khứ không thể đếm được trong vật tư và nhiên liệu.
Tn2 : Giá trị tài nguyên trong phần vật tư và nhiên liệu.
Ta có c chi tiết như sau ::
c= Lq’1 + Lq”1 + Tn1 + Lq’2 + Lq”2 +Tn2 ( Công thức 2 )
Và c được biểu diển trong công thức quan trọng là:
c= Lq’+Lq”+ Tn ( công thức 3)
Trong đó :
Lq’= Lq’1 + Lq’2 : Lao động có thể đếm được trong c.
Lq”= Lq”1 + Lq”2 : Lao động không thể đếm được trong c.
Tn = Tn1 + Tn2 : Tài nguyên thiên nhiên trong c.
Từ công thức (3) ta thấy cơ cấu tạo nên tư bản c là :
a) Lao động trong quá khứ có thể đếm được.
b) Lao động trong quá khứ không thể đếm và được gọi là tài nguyên trí tuệ của
loài người.
c) Tài nguyên thiên nhiên.
Như vậy trong c có hai loại tài nguyên đặc biệt và biến thiên lớn đó là tài nguyên trí tuệ loài người và tài nguyên thiên nhiên. Và Mác đã bỏ qua hai thứ tài nguyên trên trong c.
Gọi Lq = Lq’ + Lq” : Lao động quá khứ trong c.
Thì :
c= Lq + Tn Công thức (4)
Công thức (4) chỉ ra rằng c là lao động trong quá khứ và tài nguyên thiên nhiên được sử dụng trong quá khứ.
Chúng ta bõ tiền ra mua một vật nào đó thực sự là đã trao đổi lao động của chúng ta có để đổi lấy một vật hay một dich vụ mà nó bao gồm lao động trong quá khứ, tài nguyên thiên nhiên và lao động mới đưa vào hay gọi là lao động hiện tại.Tùy theo loại sản phẩm và dịch vụ mà cơ cấu hàm lượng các thành phần Lq’, Lq” và Tn khác nhau.
Từ công thức (1) ta có :
Gt = Lq + Tn + Lh (Công thức 5)
Trong đó :
Lh = v +m : Gọi là lao động hiện tại
Công thức (5) chỉ giá trị của sản phẩm và dịch vụ bao gồm lao động quá khứ , tài nguyên thiên nhiên và lao động hiên tại.
Trong một xã hội sở hữu trí tuệ được tôn trọng thì Gt bao hàm cả Lq”.
Khi đó ta có :
Gt = Lq’+Lq”+ Tn + Lh
Để bảo đảm sự phát triển của xã hội loài người, lao động trí tuệ cần được bảo hộ.Các nước bảo hộ tốt sở hữu trí tuệ sẽ thu hút các nhà khoa học
Còn trong một xã hội ,sở hữu trí tuệ không được tôn trọng thì Gt không bao hàm Lq”.
Khi đó ta có :
Gt = Lq’+ Tn + Lh
Trong các nước sở hửu trí tuệ không được tôn trọng thì sự phát triển kinh tế chậm, các nhà khoa học sống trong nghèo đói.
Để sản xuất hay làm dịch vụ có hai cách :
a) Dùng “c + Lh” để tạo ra sản phẩm hay dịch vụ :
Ví dụ :
+ Dùng máy dệt, vật tư, nhiên liệu và lao động hiện tại sản xuất ra vải.
+ Dùng máy làm đường, mía và lao động hiện tại sản xuất ra đường.
+ Dùng máy móc, vật tư và lao động hiện tại sản xuất ra chiếc máy ti vi hay xây
dựng ngôi nhà.
+ Tạo ra chu trình công nghệ mới, nguyên lý một loại máy hay sản phẩm mới.
b) Dùng “c + Lh “ tác động vào tài nguyên để tạo ra sản phẩm và dịch vụ.
Ví dụ :
+ Dùng máy, vật tư như giống, nước, phân … và lao động hiên tại tác động vào tài nguyên : đất , nước để trồng lúa, cà phê, cao su, nuôi trồng thủy sản…
+ Dùng chiếc tàu, nhiên liệu , lao động hiện tại tác động vào ngư trường để đánh bắt cá.
+ Dùng máy cưa, nhiên liệu, lao động hiện tại tác động vào mỏ đá để sản xuất đá ốp lát.
+ Dùng tàu thủy, máy bay,ô tô với nhiên liệu để vận chuyển hàng khách và hàng hóa.
+ Tạo ra vật liệu mới.
Ở đây chúng ta thấy đất, nước , đá , nguồn hàng và hành khách vận chuyển là lọai tài nguyên…
Trong sản xuất và làm dịch vụ giản đơn ta thấy : vị trí để mở cữa hàng là một tài nguyên.Nguồn khách có nhu cầu gửi xe là một tài nguyên. Vị trí để làm bãi giữ xe cũng là một tài nguyên.
Tóm lại để sản xuất hay làm dịch vu chúng ta cần tính đến các yếu tố : vốn để mua máy móc, vật tư, nhiên liệu; nguồn tài nguyên sẽ sử dụng;lao động trí tuệ và lao động chân tay sử dụng hiệu quả máy móc và nguồn tài nguyên.
Để dể hình dung sự phân tích trên ta nghiên cứu thí dụ sau :
Để làm ra một chiếc máy hơi nước cần 20 công nhân làm trong 3 tháng.
Những công nhân trên phải dùng than nấu quặng sắt để luyện thành sắt , thép.Sau đó dùng phôi sắt nấu chảy ,đúc thành các phụ kiện máy hơi nước.Công đoạn cuối cùng là lắp ráp lại thành một chiếc máy.
Công của 20 công nhân làm trong 3 tháng có thể xác định được. Nhưng công nghệ để luyện sắt thép và nguyên lý của chiếc máy hơi nước là lao động trí tuệ trong quá khứ của loài người . Lao động quá khứ đó được 20 công nhân ứng dụng để chế tạo ra chiếc máy hơi nước.Lao động trí tuệ tạo ra chiếc máy hơi nước là của James Watt, ông phát minh năm 1769 tại London.Chiếc máy là vật thể hữu hình nó là kết quả lao động của 20 công nhân trong 3 tháng.Nhưng cùng với sức lao động của 20 công nhân trong 3 tháng mà áp dụng công nghệ khác thì sẽ tạo ra chiếc máy khác ,chúng có năng suất khác nhau. Sự khác nhau về công nghệ tạo ra năng suất khác nhau của chiếc máy. Đó là mấu chốt chỉ ra sự khác biệt của tư bản bất biến.Sự khác biệt đó tạo ra lợi nhuận siêu ngạch.Còn ông James Watt không trở thành tỷ phú như ông Bill Gate hiện nay là vì bản quyền phát minh của ông James Watt không được bảo hộ.
Trí tuệ loài người tạo ra các công nghệ mới,khai thác hữu hiệu các nguồn tài nguyên thiên nhiên là hướng đi của nền kinh tế trí thức hiện nay. Đó cũng là con đường tìm lợi nhuận đầy hấp dẩn không chỉ dành cho các nhà đầu tư và cả cho tuổi trẻ có khát vọng vươn lên làm giàu.
Hay nói cách khác nhà tư bản không chỉ tìm lợi nhuận từ lao động hiện tại của người công nhân mà còn tìm lợi nhuận từ trí tuệ loài người để lại, từ nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất.
2.2 Tài nguyên thiên nhiên trong máy móc và vật tư tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản.
Thí dụ 1 : Sử dụng tài nguyên về đất.
Một chủ tư bản A chọn vị trí nhà máy đường tại tỉnh A sau chỉ vài năm phải di chuyển nhà máy đến vị trí tỉnh B.Còn chủ tư bản B chọn vị trí đúng cho nhà máy của mình nên không phải di chuyển.Lợi nhuận của chủ tư bản B cao hơn chủ tư bản A không phải từ lao động của người công nhân mà từ năng lực của nhà tư bản tìm ra nơi có nguồn tài nguyên đất ổn định cho nhà máy đường. Giá trị của trí tuệ để đưa ra quyết định đúng là lợi nhuận siêu ngạch.
Thí dụ 2 : Sử dụng tài nguyên về ví trí địa lý
Nhà máy lọc dầu lọc dầu cần cảng tiếp nhận dầu thô và cảng xuất sản phẩm.Nhưng vị trí chọn để đặt nhà máy sai nên phải tăng vốn đầu tư và tăng thời gian để thay đổi môi trường thiên nhiên biển để làm cảng biển.Vị trí nhà máy lọc dầu sai thì làm mất : tiền, thời gian và cơ hội làm ăn. Vị trí nhà máy lọc dầu chọn đúng sẽ tạo ra lợi nhuận siêu ngạch cho chủ tư bản và ngược lại là những tổn thất vô cùng lớn. Lợi nhuận siêu ngạch này rõ ràng không phải từ lao động của người công nhân mà từ năng lực tìm ra nguồn tài nguyên về địa lý của nhà tư bản.
Thí dụ 3 : Sử dụng tài nguyên về ngư trường
Có hai chủ tàu ở Quảng Ngãi và Bình Thuận được vay vốn mua tàu đánh bắt cá. Cả hai cùng mua một loại tàu, cùng thuê một số thuyền viên và có kinh nghiệm như nhau.
Vì ngư trường ngoài khơi Quảng Ngãi nghèo cá, ngư trường Bình Thuận nhiều cá.Lợi nhuận của chủ tư bản tại Bình Thuận cao hơn nhờ từ nguồn tài nguyên thiên nhiên chứ không phải từ sự bóc lột nhiều hơn sức lao động của người công nhân.Việc chọn ngư trường để đầu tư là năng lực tìm ra nguồn tài nguyên thiên nhiên của nhà tư bản.
Thí dụ 4 : Sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản
Việt Nam và Trung đông đều khai thác dầu mỏ. Vì nguồn dầu của các nước Trung đông nhiều nên rẽ và điều phối giá dầu toàn thế giới. Lợi nhuận của chủ tư bản trong khai thác dầu phụ thuộc nguồn tài nguyên dầu không phụ thuộc vào sức lao động của giai cấp công nhân.
Thí dụ 5: Sử dụng nguồn tài nguyên tuyến nước sâu
Chính phủ Việt Nam đã có quy hoạch sử dụng vịnh Vân Phong làm cảng Trung chuyển quốc tế. Đó là sử dụng tiềm năng tuyến nước sâu, kín sóng gió một lọai tài nguyên thiên nhiên cho kinh doanh dịch vu cảng.
Tóm lại nhà tư bản còn tìm lợi nhuận từ nguồn tài nguyên thiên nhiên
2.3 Tài nguyên trí tuệ của nhà tư bản tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản
2.3.1 Quyết định đầu tư mua tư bản bất biến là một cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm
Nhà tư bản bõ tiền ra mua tư bản bất biến là mua lao động quá khứ và tài nguyên nằm trong tư bản bất biến đồng thời nhà tư bản cũng chọn đối tượng để dùng tư bản bất biến tác động lên để tạo thành sản phẩm và dịch vu.
Lao động quá khứ nằm trong tư bản bất biến luôn luôn khác nhau. Sự khác nhau đó tạo ra lợi nhuận của nhà tư bản.Ví dụ như nhà máy xi măng lò đứng và và nhà máy xi măng lò quay .
Tài nguyên nằm trong tư bản bất biến ở hai vị trí khác nhau của trái đất thì khác nhau nên lao động làm ra nó khác nhau.Sự chênh lệch trên tạo ra nguồn lợi nhuận của nhà tư bản.Ví dụ tàu biển của Nga luôn có vỏ dầy,lượng sắt thép lớn vì nguồn mỏ sắt ở Nga phong phú. Còn tàu biển của Nhật luôn có vỏ mõng sắt thép tiết kiệm tối đa vì nước Nhật nghèo mỏ sắt.
Đối tượng tác động của tư bản bất biết do các nhà tư bản chọn lựa khác nhau nên tạo ra lợi nhuận khác nhau.Sự chênh lệch nguồn lợi nhuận như vậy cũng do từ sự chọn lựa của nhà tư bản.Ví dụ như tàu đánh cá Quảng Ngãi và Bình Thuận.Ở biển Quảng Ngãi có ngư trường nghèo cá ,còn biển Bình Thuận có ngư trường giàu cá.
Việc quyết định bỏ tư bản ra mua tư bản bất biến là một quyết định sống còn của nhà tư bản.Bây giờ người ta gọi đó là quyết định đầu tư. Bỏ tiền ra để xây dựng một nhà máy, mua một con tàu, mua một công cụ sản xuất, mua một lượng hàng hóa để đưa đi trao đổi là một bài tính lớn với nhiều ẩn số. Độ rủi ro cao thì lợi nhuận cao. Độ rủi ro thấp thì lợi nhuận thấp.Để có quyết định chuẩn xác nhà tư bản phải học không chỉ trong lý thuyết mà nghiên cứu rất kỷ diển biến thực tiển của xã hội.Đó là một lao động cực kỳ cực nhọc mà người ngoài cuộc không thể hiểu được. Quyết định đầu tư của họ hoặc thành công hoặc phá sản. Kết cục của sự phá sản không ít nhà tư bản đã tự tử.
Để có một quyết định đầu tư, nhà tư bản phải tập trung mọi trí tuệ mà họ có được. Hai người khác nhau, trí tuệ khác nhau nên thường có các quyết định khác nhau.Và vì vậy lợi nhuận siêu ngạch sẽ khác nhau.
Thí du 6: Ông Bill Gate
Ông Bill Gate đi trước nhân loại nhờ dự đoán nhu cầu của con người. Ông đã nhanh chóng hòan thành hệ điều hành riêng cho máy tính và biến nó trở thành phổ cập tòan cầu. Bill Gate vừa tạo ra sản phẩm ,vừa tạo ra thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm của chính mình. Khi Bill Gate bỏ học , mượn gara làm nơi viết phần mềm là chấp nhận sự rủi ro lớn của cuộc đời của một con người thiếu bằng cấp, học hàm, học vị.Nếu ai cũng muốn có học vị như trong Văn Miếu để được ghi vào sử sách thì không thể có Bill Gate. Chọn con đường mới, chấp nhận rủi ro cho cả cuộc đời nên Bill Gate trở thành một vĩ nhân.
Một công ty thời nay mua hệ điều hành máy vi tính của Bill Gate mà tiết kiệm được lao động , tăng năng suất thì không thể gọi là bị Bill Gate bóc lột.
Bill Gate có lợi nhuận thặng dư siêu ngạch không phải từ bóc lột giai cấp công nhân mà từ nguồn tài nguyên trí tuệ của loài người mà chính Bill Gate đã tự tích lũy được.May mắn với ông Bill Gate là nhờ luật Sở hữu trí tuệ.
Những nhà khoa học vĩ đại trước đây nghèo vì không có sự bảo hộ của luật Sở hữu trí tuệ.Vì vậy một thế giới tiến bộ là một thế giới mà Sở hữu trí tuệ được bảo hộ.
Thí dụ 7 : Ông Hon đa
Ông Honda của nước Nhật từ người sữa chữa ô tô, vừa học vừa làm nghiên cứu thành công chế tạo séc măng và động cơ Honda. Trong quá trình phiêu lưu tìm kiếm công nghệ , ông nhiều lần thất bại nhưng cuối cùng đã thành công. Ông thành công vì đã lao động quên mình, bóc lột chính mình và trong lao động đã tìm ra các giải pháp công nghệ chế tạo động cơ tốt nhất cho thế giới. Vì vậy lợi nhuận thặng dư siêu ngạnh của ông Hon đa từ việc khai thác nguồn tài nguyên trí tuệ của loài người được chính mình tích lủy.
Trong chúng ta mấy ai dám quyết định đầu tư phiêu lưu như Bill Gate và Hon đa.
2.3.2 Quản lý tư bản bất biến không đơn giản. Đó là cuộc phiêu lưu lớn.
Sau khi mua tư bản bất biến, việc quản lý tư bản bất biến theo mô hình nào ? Sự chọn lựa đúng hay sai cũng ảnh hưởng đến việc tạo ra lợi nhuận thặng dư nhiều hay ít, thành công hay thất bại.Việc chọn mô hình nào là sự quyết đoán của người chủ tư bản không phải của người công nhân.
Thí dụ 8: Sau khi mua con tàu, nhà tư bản cho thuê định hạn theo thời gian hay cho thuê theo từng chuyến hay tự khai thác. Các quyết định khác nhau sẽ tạo ra nguồn thặng dư khác nhau với độ rủi ro khác nhau. Đó là trí tuệ và sự quyết đoán của nhà tư bản.
2.3.3 Tư bản thương nghiệp tìm lợi nhuận từ sự chênh lệnh về nguồn tài nguyên
thiên nhiên và nguồn tài nguyên trí tuệ.
Thí dụ 9 : Một thương nhân Triều Tiên đem sâm Triều Tiên sang nước khác bán
được giá rất cao.Sự chênh lệch siêu lợi nhuận trên không phải từ sự bóc lột người
nông dân trồng sâm ở Triều Tiên mà từ thiên nhiên của Triều Tiên.Thương nhân
Triều Tiên khi mua sâm từ nông dân Triều Tiên đã mua theo giá thị trường lại Triều
Tiên. Việc tìm ra thị trường mới là trí tuệ của nhà tư bản thương nghiệp, vì ở các nước
khác không trồng được loại sâm có chất lượng cao để chữa bệnh nên giá hồng sâm
cao.
Thí dụ 10 : Nhà tư bản Nhật mua nguyên liệu và nhiên liệu từ các nước khác về nước Nhật để chế tạo thành hàng hóa và đem đi bán khắp thế giới.Lợi nhuận của tư bản thương nghiệp và tư bản công nghiệp Nhật là từ sự chênh lệch về trí tuệ giữa người Nhật và người các nước khác, không phải từ sự bóc lột công nhân Nhật vì công nhân người Nhật được trả với mức lương mơ ước của con người hiện nay.
3. Mâu thuẩn giữa giai cấp công nhân và nhà tư bản không phải là mâu thuẩn đối kháng.
Mâu thuẩn đối kháng là mâu thuẩn không thể dung hòa, một mất một còn .
Với chứng minh nhà tư bản có ba nguồn tìm kiếm lợi nhuận từ :
1)Sức lao động của người công nhân .
2)Tài nguyên thiên nhiên.
3)Tài nguyên trí tuệ của loài người.
Từ đây chúng ta thấy mâu thuẩn của giai cấp công nhân và giai cấp tư sản là mâu thuẩn có tính nội bộ cùng thừa nhận nhau để cùng tồn tại. Nhà tư bản hoàn toàn có thể điều chỉnh mâu thuẩn với giai cấp công nhân bằng cách chuyển xu hướng tìm lợi nhuận từ sức lao động sang tìm lợi nhuận từ nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn tài nguyên trí tuệ.
Việc chứng minh được đa hướng tìm lợi nhuận của nhà tư bản đã tự bản thân bác bỏ mâu thuẩn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư bản là mâu thuẩn đối kháng. Giai cấp tư bản cần có công nhân thì mình mới trở thành tư bản. Giai cấp công nhân cần có nhà tư bản để có công ăn việc làm và nhờ như vậy chính mình mới được gọi là giai cấp công nhân.
Mặc khác người công nhân tách ra khỏi nhà tư bản thì không thể có hàng hóa hay dịch vụ đủ sức cạnh tranh với hàng hóa và dịch vụ của các tập đoàn tư bản. Thực tế ở các nước tư bản đã tồn tại sự chung sống hòa bình giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản.
Vì vậy trong chế độ tư bản có sự bóc lột của nhà tư bản đối với công nhân nhưng nhà tư bản cũng tự bóc lột chính họ để tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên trí tuệ.
Với phân tích trên ta thấy mâu thuẩn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản không phải là mâu thuẩn đối kháng . Và xã hội loài người có thể giải quyết mâu thuẩn giữa nhà tư bản và giai cấp công nhân bằng giải pháp văn minh hơn là sự trung gian của Nhà nước pháp quyền tiến bộ đại diện quyền lợi chung của mọi tầng lớp trong xã hội.
Vấn đề là Nhà nước pháp quyền thuộc vào lực lượng tiến bộ hay cực đoan điều hành.Với lực lượng tiến bộ điều hành Nhà nước thì có Luật ,Chính sách tiến bộ và ngược lại.
Với quan điểm cho rằng mâu thuẩn của giai cấp công nhân và giai cấp tư sản là mâu thuẩn đối kháng nên giải pháp xử lý mâu thuẩn trở thành cực tả và bằng chính sách công sản hóa các tư liệu sản xuất. Từ đó ta thấy giải pháp tước đoạt người giàu bằng vủ lực chia cho người nghèo là giải pháp cực đoan, gây căng thẳng và bất ổn cho xã hội. Giải pháp này dễ thành công khi thay đổi thể chế chính trị vì giai cấp công nhân ” không mất gì ngoài xiềng xích “.
Nhưng giải pháp công sản hóa tư liệu sản xuất sẽ gặp khó khăn là tiêu diệt động lực phát triển kinh tế, tạo ra một lực lượng ăn theo sức lao động của người công nhân nhưng không phát triển về trí tuệ để khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên và nguồn tài nguyên trí tuệ. Việc công sản hóa các tư liệu sản xuất đã không xác định được ai là người ra quyết định tối hậu và chịu trách nhiệm với các dự án đầu tư từ dự án nhỏ đến dự án lớn đã gây tổn thất cho cả xã hội về sức lao động,tài nguyên thiên nhiên,tài nguyên trí tuệ và cơ hội phát triển của đất nước. Trong một xã hội cộng sản hóa tư liệu sản xuất, giai cấp công nhân tưởng mình là người chủ nhưng sự thật người nắm quyền lực điều hành nhà máy mới là người chủ.Khi đã có quyền lực trong tay, người chủ danh nghĩa trên tìm mọi cách chiếm đoạt sản phẩm lao động dưới nhiều hình thức khác nhau.Hình thức chiếm hửu thông thường nhất là tham nhũng bằng cách cắt xén ngân quỹ trong chi phí sản xuất, buộc công nhân phải đút lót khi xin việc,chiếm hữu phần lợi nhuận khi bán sản phẩm; cao hơn là chiếm hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất đai, vùng nước nuôi trồng thủy sản, nguồn tài nguyên cho du lịch , nguồn tài nguyên luồng hàng hóa ; cao hơn nữa là chiếm hữu nguồn tài nguyên trí tuệ như ăn cắp phát minh và sáng kiến của người khác để thực hiện vòng xoáy : kiếm tiền mua danh và quyền lực.
Cũng có những người cộng sản điều hành doanh nghiệp với sự công tâm và trách nhiệm. Nhưng số đó quá ít và quá hiếm nên không thể làm thay đổi bản chất vô trách nhiệm của chế độ công hữu tư liệu sản xuất. Nguyên nhân vì con người khó vượt qua bản ngã của chính mình và dù có muốn thì chế độ công hữu tư liệu sản xuất cũng không thể tìm ra giải pháp vừa chia sẻ sản phẩm xã hội một cách công bằng vừa kích thích được sức sản xuất.
4. Các giải pháp để dung hòa mâu thuẩn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản.
Để dung hòa mâu thuẩn giữa giai cấp công nhân và nhà tư bản phải có Nhà nước pháp quyền tiến bộ và áp dụng các hình thức :
1)Khuyến khích nhà tư sản tích tụ tư bản từ nguồn tài nguyên trí tuệ và tài nguyên thiên nhiên.
2)Áp dụng chính sách thuế lủy tiến vào thu nhập, thuế vào tài sản sở hữu, thuế vào quyền thừa kế của nhà tư sản để tạo sự công bằng trong xã hội.
3)Áp dụng Luật và Chính sách bảo hộ cho người công nhân, người kém may mắn được bảo hiểm y tế,xã hội, thất nghiệp, hưu trí, quyền học tập và tiếp cận các nguồn tài nguyên Trí tuệ và tài nguyên Thiên nhiên.
5.Cuộc cách mạng vủ trang giành độc lập dân tộc là điều tất yếu là trang sử vinh quang của dân tộc Việt Nam dưới sự lảnh đạo của Đảng công sản Việt Nam
Trong tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 2-9-1945, lời đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí MInh nhắc lại lời nói bất hủ trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ :
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng.Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc “
Để thực hiện mục tiêu mưu cầu hạnh phúc, một dân tộc trước hết phải được độc lập. Để có được độc lập, Đảng cộng sản Việt Nam đã cố gắng tìm các giải pháp hòa bình nhưng cuối cùng không còn con đường nào khác buộc kêu gọi toàn dân phải cầm súng và cuối cùng người Việt Nam đã chiến thắng. Lịch sử không thể xuyên tạc được.
Vấn đề là sau khi giành được độc lập cho dân tộc, việc mở rộng tối đa quyền tự do để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn, quyền được bình đẳng trong học tập, đào tạo và hưởng các thành quả y tế là ước vọng của tòan dân.Đó là bước đi kế tiếp cho nguyện vọng mưu cầu hạnh phúc của mổi con người được sinh ra và vinh dự được làm người.Không chỉ dân tộc Việt Nam mà nước Mỹ hiện nay hình thành nhờ “ cuộc nổi dậy của các thuộc địa chống lại chính quốc Anh và dành một quy chế mới, quy chế của một quốc gia độc lập.Cuộc chiến tranh giành độc lập đối với họ là “ cuộc chiến tranh cách mạng”, giai đọan này của lịch sử Hoa Kỳ là “ giai đoạn Cách mạng”. Người Việt Nam tự hào về cuộc chiến tranh cách mạng giành độc lập cho dân tộc như người Mỹ tự hào về cuộc chiến tranh giành quy chế mới cho Liên bang Mỹ từ chính quốc Anh.
6. Kết luận :
Qua việc phân tích c “tư bản bất biến “ ta thấy c được tạo thành từ lao động quá khứ và tài nguyên thiên nhiên.Đặc biệt khi phân tích lao động quá khứ chúng ta đã tìm ra lao động có thể đếm được và lao động không thể đếm được. Chính nguồn lực lao động không thể đếm được đã chỉ rỏ đó là nguồn tài nguyên trí tuệ vô tận của loài người. Chính đó là nguồn biến thiên vô cùng lớn và tạo ra lợi nhuận siêu ngạch cho nhà tư bản. Nhờ phân tích trên giúp chúng ta xác định lại mối mâu thuẩn trong quan hệ giai cấp giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư bản không phải là mâu thuẩn đối kháng mà là mâu thuẩn nội bộ cùng tồn tại và có thể hòa giải bằng luật của Nhà nước pháp quyền.Vì vậy giảm đi sự hằn thù và đố kỵ trong xã hội, giúp xã hội loài người phát triển ổn định.Con người sẽ sống trong nhân bản hơn và vị tha hơn.Việc đảng viên cộng sản làm kinh tế tư nhân không mâu thuẩn với lý tưởng của người cộng sản miển rằng họ hướng việc tìm kiếm lợi nhuận từ tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên trí tuệ lòai người.
Cũng nhờ phân tích trên, điều đó giúp chúng ta phương hướng tư duy trong sản xuất và làm dịch vụ.Đặc biệt giúp các nước nghèo hoạch định đúng chính sách để phát triển kinh tế của đất nước khi hội nhập kinh tế quốc tế,tức là biết sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn tài nguyên trí tuệ. Chính nền kinh tế thị trường là bộ lọc để chọn lựa dự án tối ưu trong quá trình sản xuất , một quá trình sử dụng tài nguyên trí tuệ, tài nguyên thiên nhiên và lao động cơ bắp để tạo ra các nhu cầu cho sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Tiếp nhận học thuyết Mác một cách giáo đìều là nguyên nhân chính mang tính bản chất sâu xa của sự lạc hậu về kinh tế của cả hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.
Tp HCM 2-3-2006
KS DoãnMạnhDũng
( Tài liệu góp ý kiến Đại hội Đảng CSVN lần thứ X)
Mời xem bản gốc : download
( Tài liệu góp ý kiến Đại hội Đảng CSVN lần thứ X)