Đầu tư hay tháo chạy ra nước ngoài?-Nguyễn Thanh Lâm

Thời gian qua, khá nhiều doanh nhân Việt Nam đã đi theo chương trình EB5 để sang Mỹ, hoặc theo chương trình định cư cho nhà đầu tư để đến Úc hay Canada; ngoài ra cũng có người bỏ tiền “mua” quốc tịch nước ngoài. Hiện tượng này nên được nhìn nhận ra sao?

Toàn cầu hóa vốn đầu tư và trường hợp Nhật Bản
Sau Thế chiến thứ hai, nước Nhật đã phát triển thần kỳ về mặt kinh tế, với tăng trưởng bình quân mỗi năm hơn 10%. Họ là nước bại trận nhưng đã vươn lên bằng hiện đại hóa kỹ thuật và tiên phong trong chiến lược thâm nhập thị trường; trong đó có cả việc những công ty sản xuất ô tô như Toyota hay điện tử như Sony đã mở những nhà máy đầu tiên ở nước ngoài, mà cụ thể là ở Mỹ, gây ngỡ ngàng cho rất nhiều tập đoàn công nghệ và kỹ thuật của châu Âu.
Họ đã có tầm nhìn xa và hiểu rất sâu về toàn cầu hóa vốn đầu tư.
Thế nhưng, lạ lùng thay, không có những làn sóng đổ xô đi tìm đất hứa ở nước ngoài, không có xuất huyết vốn và chất xám! Người Nhật yêu nước hơn các dân tộc khác hay sao? Hay họ đã thực sự thức tỉnh về sức mạnh và ước mơ của mình, để sống thực tế hơn, làm việc chăm chỉ hơn, và đặt niềm tự hào, tự trọng và tự tin vào đúng những chỗ của nó?
Mãi đến khi đồng yen của Nhật có chỗ đứng rất vững trên thế giới (đây là một yếu tố hàng đầu để thấy sự khác biệt giữa các dòng đầu tư từ các nước công nghiệp và các nước đang phát triển), người Nhật cũng như các nước giàu mạnh khác đã nhìn thấy thêm mấy yếu tố sau đây để đầu tư ra nước ngoài:
– Tạo chỗ đứng tại ngay các thị trường có chi phí sản xuất thấp, có giá thành dịch vụ thấp là rất kinh tế, rất chiến lược, mang về lợi nhuận và sự phát triển bền vững hơn (có thể vượt rào cản thuế quan và giảm thiểu phí vận chuyển và các phí logistics khác).
– Tại chỗ là nhanh nhất và cần ưu tiên cho thị trường lớn, sức mua cao như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ.
– Tập trung vào phân đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị các sản phẩm toàn cầu thay vì lo từ A đến Z (vừa cuốc đất trồng rau, vừa hái rau, rửa rau và tự đem ra chợ bán, và bán không hết thì lại gồng gánh đem về nhà).
– Tận dụng các điều kiện thuận lợi mà các hiệp định thương mại tự do mang lại.
Xét các yếu tố trên, chúng ta sẽ hiểu hơn ý nghĩa thực tế của việc đầu tư ra nước ngoài và những hạn chế của các nước đang phát triển hay kém phát triển.
Hiện nay, nước Nhật đầu tư ra nước ngoài khoảng hơn 100 triệu đô la Mỹ mỗi năm, riêng năm 2013 đã đạt đỉnh cao là 130 triệu đô la. Gần đây, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật cũng tham gia đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI). Nên lưu ý là Nhật Bản có đến 4,7 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 99,7% tổng số các doanh nghiệp của họ.
Nhật Bản chiếm khoảng 15% tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam.
Họ đang là nước thu hút lượng xuất khẩu lao động khá lớn vì tháp tuổi đã khá già (khoảng một phần tư dân số là 30 triệu người đang trên 65 tuổi).
Đầu tư cho cuộc sống riêng tư và tìm chọn lựa tối ưu
So sánh là khập khiểng, nhưng trường hợp Nhật Bản nói trên giúp ta hiểu được tiến trình và mặt sau của toàn cầu hóa các đồng vốn từ những năm 50 của thế kỷ trước.
Hiện nay, việc di dân đang là một vấn đề tương đối phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.
Những người giàu có, những doanh nhân muốn tạo thêm một chân đứng vững chắc hơn, muốn mở rộng cơ nghiệp, muốn lo tương lai ổn định và thịnh vượng cho con cái, nghĩ đến chuyện định cư (bằng nhiều cách) và có quốc tịch nước ngoài, là một suy nghĩ rất dễ hiểu.
Thế nhưng, đó là một quyết định đúng hay sai, là hay hay dở, thì tùy hoàn cảnh, từ góc nhìn của mỗi người.
Ở đây, nhìn từ góc độ chung nhất của nền kinh tế, đối với việc chảy vốn ra khỏi Việt Nam mà không phải dưới dạng FDI, chúng ta có thể nhận ra các đặc điểm sau đây:
– Nguyên tắc “đất lành chim đậu” là phổ biến trên toàn thế giới. Việt Nam cũng có sự hấp dẫn riêng và cũng nên cố gắng trở thành đất lành thì chim tại chỗ và chim từ bốn phương trời mới đậu và ở lại được.
– Việc bay đi và đậu trở lại không quan trọng bằng việc đem các cọng rơm và thức ăn về tổ. Thức ăn ở đây có thể là kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ, kênh phân phối… chứ không chỉ là kiều hối.
– Thực tế cho thấy nhiều doanh nhân mất niềm tin ở tương lai (nhất là cho con cháu) ngay trên quê hương mình, nên đã xảy ra những kế hoạch di dân mang tính cách tháo chạy vì lo xa hoặc mất sự tin tưởng ở đất nước mình hoặc/và của chính mình. Bài viết chưa thể đào sâu vấn đề này, nhưng rõ ràng đây là sự xuất huyết vốn, là sự tháo chạy gần như vĩnh viễn.
Quyền sống, quyền cư trú của con người đã được mở rộng cho những ai có điều kiện. Khái niệm công dân toàn cầu (world citizen/global citizen) đã được nhìn nhận thoáng rộng hơn, và chúng ta không nên phê phán gì cả, do ba đặc điểm vừa nêu mới là nguyên nhân chủ yếu.
Xét cho cùng, những doanh nhân thành đạt muốn đi ra nước ngoài cũng nên xem lại những khả năng mà mình có thể đóng góp được cho đất nước, thí dụ:
– Khi có một số tiền lớn trong tay, không nên ngừng làm việc. Kiến thức, kinh nghiệm và sự nghiệp của họ không được tiếp tục nhân rộng, kế thừa, phát huy và phát triển. Nếu ai cũng vậy thì thật khó có được những công ty Việt Nam có truyền thống hàng trăm năm.
– Hãy hài hòa lợi ích riêng tư và lợi ích chung, trong đó có lợi ích của dân tộc. Thế mạnh tự nhiên của doanh nhân Việt Nam là sự thông thạo ngôn ngữ Việt Nam, phong tục tập quán, luật lệ, thị trường Việt Nam, con người Việt Nam.
– Ước mong sao có được những doanh nhân Việt Nam đầy bản lĩnh và sáng suốt, có sự minh triết và tình yêu lớn lao trong cuộc sống, tìm ra con đường cho chính mình để hài hòa các lợi ích và góp phần phát triển đất nước, cho dù định cư ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Để chính chúng ta không cúi đầu hổ thẹn với cha ông đã hy sinh cứu nước và giữ nước, để nhìn thẳng vào hiện tại với tâm hồn và khí phách của một con người tráng sĩ, và có thể luôn ngẩng cao đầu với năm châu nhìn về tương lai và trong tương lai.
Quả thật là rất khó!
Vì thế mới có bài này như một lời cầu mong