Vì sao sông Mê Kông không chảy ra vịnh Thái Lan ?

Vì sao sông Mê Kông không chảy ra vịnh Thái Lan ?
Để giải quyết tất cả những bài toán trên chúng ta phải dựa vào hai nguyên lý cơ bản sau :
a/ Sự lệnh pha của thủy triều hai bờ biển Đông và Tây là nền tảng khoa học cơ bản để chuyển lũ về vịnh Thái Lan.
b/ Môi liên quan giữa thủy triều và lưu lượng nước thoát ra biển.
Trên nền tảng tư duy trên, tôi đã hoàn thành “Dự án chống lũ và chống hạn cho ĐBSCL bằng giải pháp hồ tràn” ngày 12/7/1996. Dự án trên đăng ký bản quyền Sở Khoa học –Công nghệ và Môi trường TP HCM ngày 16/7/1996. Dự án trên được Cục Bản quyền Tác giả cấp “Giấy chứng nhận bản quyền số 361/ VH/BQ/ĐD ngày 16/10/1996. Sở dĩ có Dự án trên vì tôi vốn hay đi bơi cùng ông Tám Dư –ông mất năm 2000- nguyên cán bộ lảo thành đại diện Bộ Thương Mại tại TP HCM. Ông Tám Dư đã tâm sự với tôi :
– Dũng à, cháu nghiên cứu làm sao để dân Nam bộ đở cực vì lũ hàng năm !
 
Nhớ lời của ông, tôi đọc nhiều về các hiện tượng đã xảy ra ở ĐBSCL và cuối cùng nhờ lần đầu tiên đi Rạch Giá cuối tháng 6 , đầu tháng 7/1996 với anh Nguyễn Văn Tiềm – nguyên Giám đốc VOSCO mà tình cờ phát hiện sự lệch pha của thủy triều Đông Tây.
 
 
Sự lệch pha của thủy triều bờ biển Đông và Tây của ĐBSCL 
 
Tôi đã đăng ký bản quyền các nghiên cứu của mình trước khi công bố kết quả nghiên cứu vì muốn minh bạch trong khoa học. Chắc chắn Cục Bản quyền không thể chấp nhận việc đăng ký Bản quyền với những nghiên cứu đã được công bố công cộng. Nhớ hồi đó, những tháng cuối năm 1996, ông Năm Khai hiện đang ở Thủ Đức ,nguyên đại diện Bộ GTVT tại TP HCM thường xuyên đến nhà tôi và gọi điện thoại để tôi giải thích những nguyên lý chuyển lũ về vịnh Thái Lan và sau đó ông đến trình bày với ông Võ Văn Kiệt. Tôi hoan nghênh và chuyển giao trí tuệ của mình cho bất cứ ai quan tâm vì lợi ích của cộng đồng. Ý tưởng về sự lệch pha của thủy triều hai bờ biển Đông và Tây là dể hiểu nên được ứng dụng ngay. Nhưng lý thuyết về “Hướng dòng sông chảy ra biển” là trừu tượng và quá mới với các nhà nghiên cứu về động lực học dòng chảy, vì vậy việc định vị cửa thoát lũ tại bờ biển Tây bị sai lầm nghiêm trọng. 
KênhT5 được đào từ ngày 22/4/1997 và hoàn thành ngày 30/8/1997 sau đó đào tiếp kênh T4 và T6 nhưng kênh T5 là kênh chính. Kênh T5, nay được gọi là kênh Võ Văn Kiệt, dài 48 km, rộng gần 40m, sâu 4,5 m chạy từ kênh Vĩnh Tế ở xã Lạc Quới ,huyện Tri Tôn tỉnh An Giang đến Hòn Chông tỉnh Kiên Giang.
Các nhà khoa học thủy lợi Việt Nam cho rằng mực nước tại Tân Châu khi ở mức 3.6m là lũ bắt đầu phá hoại hạ tầng. Ngày 30/9/2002, lũ ĐBSCL có cao độ 4.82m tại Tân Châu trên báo động 3 là 0.62m. Với số liệu trên, việc đào kênh T5, T6, T4 là rõ ràng thiếu hiệu quả trong phương diện cắt đỉnh lũ.
Vậy tại sao ? 
Những câu hỏi trên có thể được giải thích bằng lý thuyết “Hướng của dòng sông chảy ra biển”. Lý thuyết trên đã chỉ ra rằng :
Biên độ thủy triều cường bờ biển Đông là 3.7m, biên độ thủy triều cường bờ biển phía Tây là 1.8m, như vậy lượng nước đổ ra biển Đông gấp 3.34 lần so với việc đổ ra biển Tây. Vì vậy dòng Mê Kông chọn phía biển Đông mà không chọn bờ biển phía Tây.
 
 
Biên độ thủy triều bờ biển Đông và Tây ở ĐBSCL 
Biên độ thủy triều từ Hà Tiên đến Hòn Chông gần như không thay đổi là 0.9m. Nên đưa nước lũ đổ ra Hòn Chông tương tự đưa nước lũ đổ ra Hà Tiên thời ông Thoại Ngọc Hầu. Lịch sử đã hình thành đầm nước mặn tại cửa kênh Vĩnh Tế tại Hà Tiên nên đã chứng minh dòng nước ngọt từ kênh Vĩnh Tế rất khó ra biển và có lúc chảy ngược từ hướng Hà Tiên về Tân Châu.
 
Vị trí kênh T5 và biên độ thủy triều cường từ Hà Tiên về Rạch Giá 
 
Khi lũ lớn, nước theo kênh T5 sẽ phá đường 80 đoạn từ Hòn Chông về Rạch Giá.
Vì chênh lệch biên độ thủy triều cường từ Hòn Chông 0.9m đến Rạch Giá 1.8 m nên lượng nước lũ thoát ra tại Rạch Giá gấp 3.17 lần so với lượng nước lũ thoát ra tại Hòn Chông.
Tôi nhớ, ngày 23/10/2006 tôi được ông Võ Văn Kiệt mời đến gặp. Cùng chứng kiến cuộc gặp mặt có ông Đại tá Đoàn Văn Quảng, nguyên Viện trưởng Viện hàng không Việt Nam, hiện đang sống tại Tân Bình, TP HCM.Tôi đã nói với ông Võ Văn Kiệt về cái sai khi thoát lũ ra Hòn Chông. Ông đã trách tôi sao lại không viết thư cho ông !
Tôi giải thích là đã viết bài đưa lên báo. Ông nói ngay : 
Đưa lên báo, ai đọc !
Đó là hậu quả của sự thiếu đối thoại công khai trong khoa học ở Việt Nam ! 
Trí tuệ của trí thức thì không được sử dụng hữu ích cho con người. Còn các nhà lảnh đạo phải đem theo nổi buồn khi phải từ giả cỏi trần !
Như vậy con người khi chưa hiểu thiên nhiên thì trở nên lúng túng trước thiên nhiên và đã đưa ra những công trình thiếu hiệu quả như mong muốn. Vì vậy để có thể “Xây dựng theo thiên nhiên”, con người phải biết quy luật của thiên nhiên. Lý thuyết “Hướng dòng sông chảy ra biển” giúp con người hiểu mối quan hệ giữa thủy triều và dòng chảy ra biển. Đó là nền tảng tư duy để thực hiện mục tiêu không chỉ giúp cắt lũ lớn mà còn giúp hổ trợ chống hạn vào mùa khô cho ĐBSCL. Lý thuyết trên không chỉ ứng dụng cho ĐBSCL mà chỉ ra rằng tỉnh Quảng Nam không thể cải tạo cảng Kỳ Hà thành cảng nước sâu vì đó là điểm cuối của một dòng sông Trường Giang trước khi đổ ra biển. Lý thuyết trên giúp người dân Thừa Thiên – Huế giải thích được hiện tượng dòng sông Bồ và Ô Lâu khi rời dãy Trường Sơn xuống vùng đồng bằng ven biển thì đổi thành hai hướng và ngược chiều nhau, cũng như vì sao Phá Tam Giang có những hai cửa biển : Thuận An và Tư Hiền !
 
 
Hiện tượng sông Bồ và sông Ô Lâu đổi hướng tại Thừa Thiên -Huế 
 
Lý thuyết “Hướng dòng sông chảy ra biển” và “Đê biển bằng cát ở Việt Nam “đã được sử dụng để viết bài “Giải pháp nào cho eo biển Hòa Duân ” ( What solutions to Hoa Duan isthmus). Bài viết được in trong kỷ yếu bản tiếng Anh của Hội nghị “18th conference of ASEAN federation of Engineering organizations – Hanoi, 22-24 Nov. 2000 ” .
Hiện nay hai lý thuyết trên đã được gửi đến các trường Đại học chuyên ngành tại Hà Lan, Singapore và Mỹ để thẩm định và phát triển tiếp.
Tác giả hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công của hai lý thuyết trên và nó sẽ có nhiều ứng dụng hữu ích cho con người. Trước mắt, lý thuyết “Đê biển bằng cát ở Việt Nam” sẽ giúp người Việt Nam tự định vị cảng biển cho ĐBSCL với giải pháp tối ưu. 
Trong nghiên cứu khoa học, để có sự thành công, ngoài sự lao động hết sức nghiêm túc và đa mê mà cũng cần sự may mắn. 
Mổi cá nhân thành công là phải biết tiếp nhận sự thành công và cả sự thất bại của các thế hệ đi trước. Sự thành công của mổi cá nhân đều thiếu ý nghĩa nếu ý tưởng không được sử dụng. Vì vậy nhu cầu hợp tác, cùng chia sẽ thông tin với các kết quả nghiên cứu dù thành công hay thất bại là điều rất cần thiết để phát triển trong khoa học. Tác giả viết bài này mong cùng chia sẽ và cùng phát triển những lý thuyết trên với các bạn quan tâm và yêu thích. 
KS Doãn Mạnh Dũng