Vinalines kêu cứu Thủ tướng vụ thua kiện 3 triệu USD- Chí Hiếu

Sau khi báo cáo lên bộ chủ quản đề nghị thúc đẩy Tòa án sớm đưa ra xét xử nhằm hủy bỏ phán quyết của hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) tiếp tục cầu cứu lên Thủ tướng với nội dung tương tự.

Vinalines tái khẳng định, bản chất vụ việc là hội đồng trọng tài đã phán quyết buộc Vinalines phải thanh toán cho nhà thầu SK Engineering & Construction (SKE&C) khi khối lượng thực hiện chưa được nghiệm thu và không có hồ sơ thanh toán theo quy định.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó ban Cảng biển, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án hàng hải phụ trách cảng Vân Phong cho biết, ngay cả khi tạm gác sang một bên vấn đề chất lượng thì cũng không thể còn lại con số lên đến 65,4 tỷ đồng sau khi đã khấu trừ hơn 87 tỷ tiền tạm ứng như phán quyết của trọng tài.

“Giá nhập khẩu của cả lô cọc 544 đoạn vào khoảng 50 tỷ đồng. Nếu tính riêng 244 đoạn sau kiểm định thì chỉ khoảng 22 tỷ đồng, bằng 25% số tiền đã tạm ứng, chứ không phải là 115 tỷ như nhà thầu tự tính và trọng tài công nhận”, ông Sơn bức xúc.

Lãnh đạo Tổng công ty khẩn thiết đề nghị Thủ tướng xem xét, có ý kiến với cơ quan hỗ trợ Vinalines sớm giải quyết xin hủy phán quyết tại tòa án Hà Nội.

 

Trong báo cáo, Vinalines tiếp tục bảo lưu quan điểm phán quyết của trọng tài là “không đúng pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục trọng tài, trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”

Đầu tháng 1/2014, VIAC đã ra phán quyết buộc Vinalines phải trả gần 65,4 tỷ đồng cho công ty SKE&C của Hàn Quốc – nhà thầu thi công gói thầu bến cảng thuộc dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động). Đây là số tiền mà cơ quan trọng tài buộc Tổng công ty phải thanh toán cho lô cọc thép 544 đoạn SPP SK E&C mang đến công trường trước khi dự án bị dừng vào tháng 9/2010.

Dù từ chối bình luận vào nội dung chính của phán quyết, nhưng đại diện VIAC lại tỏ vẻ quan ngại khi biết thông tin Vinalines cầu cứu các cơ quan quản lý nhà nước. “Luật Trọng tài thương mại không quy định về thủ tục gửi khiếu nại đến cơ quan nhà nước”, bà Nguyễn Hải Chi, Phó tổng thư ký VIAC nói.

Đại diện VIAC cho rằng, hội đồng trọng tài do các bên thành lập nên các bên có nghĩa vụ tôn trọng thỏa thuận và quyết định của mình, tránh bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật nào vào quy trình. “Điều này không chỉ giúp giải quyết từng vụ việc mà còn là thông điệp để các nước yên tâm đầu tư, hợp tác với Việt Nam, cũng có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội, thêm đối tác kinh doanh”, bà Chi nói.

 

*Bà Nguyễn Hải Chi, phó tổng thư ký VIAC: “Trọng tài phải giữ bí mật nội dung tranh chấp”

– VIAC bình luận gì khi trong văn bản kêu cứu các cơ quan Nhà nước, Vinalines nói phán quyết của hội đồng trọng tài thuộc VIAC đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam?

– Luật Trọng tài thương mại quy định rõ nghĩa vụ của trọng tài viên là “giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, VIAC và các trọng tài viên không được phép tiết lộ thông tin nào liên quan đến vụ tranh chấp.

– Trong trường hợp này Vinalines đã tiết lộ?

– Nguyên đơn và bị đơn có quyền cung cấp nội dung phán quyết nhưng chúng tôi thì không. Nếu tiết lộ nội dung phán quyết thì trọng tài có thể bị kiện ngược trở lại.

– Nếu phán quyết của Hội đồng trọng tài chưa chính xác thì phải xử lý ra sao?

– Vấn đề cần làm rõ là phán sai nội dung gì và ai có thẩm quyền kết luận trọng tài phán sai. Với các sai sót về chính tả, số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai thì các bên có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài sửa chữa. Với sai sót về tố tụng, các bên có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài.

Liên quan đến sai sót về nội dung, cần hết sức thận trọng khi đưa ra nhận định này. Tuy nhiên, vụ tranh chấp được giải quyết bởi hội đồng trọng tài do chính các bên lựa chọn và thành lập, các bên có quyền lựa chọn trọng tài viên giỏi nhất để giải quyết vụ tranh chấp của mình. Pháp luật không can thiệp vào quyền tự do của các bên và cũng không quy định cơ chế xem xét lại nội dung vụ tranh chấp khi đã được giải quyết bởi trọng tài.

Luật Trọng tài thương mại cũng như thực tiễn trọng tài quốc tế đều quy định nguyên tắc “phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm”, tức là phán quyết cuối cùng, không thể thay đổi được về mặt nội dung. Đây là nguyên tắc tôn trọng ý chí, thỏa thuận của các bên khi lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

– Về hình thức tố tụng, Vinalines cho rằng hội đồng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục trọng tài, như không mời các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan mà bị đơn yêu cầu là tư vấn, liên danh nhà thầu, VIAC nói gì về việc này?

– Trên thực tế, thuật ngữ “bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” chỉ có trong tố tụng tại tòa án. Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại thì thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài không có khái niệm này. Điều này xuất phát từ tính chất đặc thù của trọng tài là thẩm quyền được hình thành từ thỏa thuận của các bên, do đó trọng tài chỉ có thẩm quyền với với các bên tranh chấp có thỏa thuận trọng tài, không có thẩm quyền với bên thứ ba liên quan. Chí Hiếu

 

Vinalines tổn thất lớn với vụ kiện 3 triệu USD

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có nguy cơ thiệt đơn thiệt kép trong vụ kiện có giá trị hơn 3 triệu USD với một nhà thầu Hàn Quốc.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Tòa án nhân dân TP Hà Nội đề nghị cơ quan này sớm xem xét kiến nghị của Vinalines về việc hủy phán quyết của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) mà Tổng công ty là bị đơn.

Đầu tháng này, Vinalines đã phải phát văn bản “kêu cứu” các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Giao thông, Văn phòng Chính phủ và tư pháp như tòa án, viện kiểm sát liên quan đến phán quyết này.

Đầu năm 2014, VIAC đã ra phán quyết buộc Vinalines phải trả gần 65,4 tỷ đồng cho công ty SK Engineering & Construction (SKE&C) của Hàn Quốc – nhà thầu thi công gói thầu bến cảng thuộc dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động).

 

 

 

 

 

 

 

Dù dự án này được Chính phủ cho phép dừng từ tháng 9/2010 nhưng số tiền nói trên là khoản mà cơ quan trọng tài buộc tổng công ty phải thanh toán cho lô cọc thép 544 đoạn SPP mà SK E&C mang đến công trường trước khi dự án bị dừng.

Theo Vinalines, vụ việc sẽ không có gì đáng nói nếu nhà thầu thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng. “Tổng công ty sẵn sàng thanh toán đầy đủ với phần việc mà nhà thầu đã thực hiện, theo đúng trình tự thủ tục”, ông Vũ Quyết Thắng, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Hàng hải thuộc Vinalines cho biết.

Ông Thắng nói thêm, trên thực tế, Vinalines đã tạm ứng cho SK E&C 87,6 tỷ đồng, số tiền mà chủ đầu tư tin rằng vượt quá giá trị nhà thầu Hàn Quốc thực hiện trong gói thầu này.

Tuy nhiên, chủ đầu tư khẳng định, nhà thầu không thực hiện trách nhiệm thầu chính theo các quy định trong hợp đồng đã ký cũng như theo pháp luật Việt Nam về thực hiện dự án đầu tư xây dựng vốn Nhà nước. Lô cọc ống thép nhà thầu này đưa đến công trường là sai quy cách, không có hồ sơ sản xuất, không tuân thủ hợp đồng về số lượng và giá cả. Bên cạnh đó, SKE&C không thực hiện quy định nghiệm thu khối lượng, khai thuế hàng tháng và kỳ đề nghị thanh toán.

Đặc biệt, hồ sơ thanh toán của nhà thầu không hợp lệ dù theo chủ đầu tư, họ đã nhiều lần phát văn bản yêu cầu nhà thầu hoàn thiện theo quy định về thanh toán của Việt Nam.

Với những phân tích trên, Vinalines cho rằng Hội đồng trọng tài vẫn ra phán quyết buộc họ phải thanh toán (và trả cả tiền lãi phát sinh chậm thanh toán) là “vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam”.

Không phục phán quyết của trọng tài, Vinalines đã đâm đơn ra tòa án Hà Nội yêu cầu tòa xem xét hủy phán quyết nói trên theo Luật Trọng tài thương mại và đã được toà thông báo thụ lý vào ngày 7/3/2014.

Thế nhưng, trong thời gian chờ Toà xem xét huỷ phán quyết có trị giá trên 3 triệu USD thì Vinalines phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do SKE&C đã liên tiếp yêu cầu nhà chức trách Hàn Quốc bắt giữ tàu biển của các công ty con thuộc Vinalines.

Một đại diện của Vinalines cho biết, để giải cứu hai con tàu bị bắt giữ trong thời gian nói trên, tổng công ty đã phải chi đến 3 triệu USD khác nhằm thực hiện các thủ tục mở tài khoản phong toả để giải phóng tàu.

“Việc làm này của SK E&C gây ảnh hưởng xấu và tổn thất nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh đội tàu của Tổng công ty, đặc biệt là trong giai đoạn vô cùng khó khăn của ngành vận tải biển như hiện nay ”, lãnh đạo Vinalines kêu cứu.

Chí Hiếu