Từ quân cảng trở thành thương cảng
Khi đó Giám đốc cảng Sài Gòn là ông Trần Văn On. Trung ương cử ông Đồng Sĩ Nguyên vào miền Nam kiểm tra và thúc dục từng con tàu của VOSCO phải sớm vào cầu xếp gạo .
Thời đó, cảng Sài Gòn độc quyền. Mỗi lần tàu xin vào cầu hoàn toàn không đơn giản. Chủ tàu phải khăn gói đến người có trách nhiệm của Cảng để vận động. Cảng Sài Gòn quản lý không chỉ hệ thống cầu cảng mà cả hoa tiêu và cả cảng vụ.Tàu muốn di chuyển về đâu đều phụ thuộc vào quyết định của cảng Sài Gòn.
Trong một lần họp giao ban về vận chuyển gạo ra Bắc do ông Đồng Sĩ Nguyên chủ trì, ông Trần Văn On tuyên bố cảng Sài Gòn chỉ có thể xếp gạo xuống tàu tại cầu với tốc độ tối đa 600 tấn /ngày. Nghe vậy, tôi lặng lẽ sang Tân Cảng và gặp ông đại tá Đà – Giám đốc cảng quân sự Tân Cảng. Tôi trình bày nhu cầu chở gạo ra Bắc với ông Đà .Ông Đà hiểu được ý nghĩa chính trị của việc chuyển gạo ra Bắc nên xác nhận với tôi bằng văn bản rằng :
– Tân cảng sẳn sàng xếp gạo với mức xếp đạt 1.500 -1600 tấn/ngày.
Có văn bản của ông đại tá Đà trong tay, tôi đến gặp ông Đồng Sĩ Nguyên trình bày và xin phép đưa tàu vào Tân cảng. Ông Đồng Sĩ Nguyên hoan nghênh trách nhiệm của ông đại tá Đà và quyết định đưa ngay tàu VOSCO vào Tân Cảng. Ông đại tá Đà đã thực hiện nghiêm túc mức xếp gạo 1500 tấn/ngày và còn cao hơn nữa . Sau đó các tàu VOSCO cứ vậy tiếp tục vào Tân Cảng.
Từ đó Tân cảng trở thành thương cảng dân sự. Sang đầu năm 1989, Tân cảng được chính thức công nhận là thương cảng dân sự.
Tôi không có dịp gặp lại ông đại tá Đà. Nhưng tôi hiểu thêm, chỉ có những người lính, mới dễ đồng cảm và có trách nhiệm cao nhất khi nhân dân gặp lúc khó khăn.Xin cám ơn ông đại tá Đà.
KS Doãn Mạnh Dũng