Kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Công lý Quốc tế

(1) Nếu muốn dùng việc xét xử của một tòa án quốc tế để thách thức việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa, chúng ta cần kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Công lý Quốc tế – International Court of Justice (ICJ). Lý do là vì chủ quyền lãnh thổ (territorial sovereignty) nói chung không được coi là một vấn đề thuộc thẩm quyền của Tòa án Trọng tài Quốc tế về Luật biển – International Tribunal for the Law of the Sea (ITLOS) (sẽ được nói đến trong (2) ở dưới).

Điều quan trọng mà chúng ta cần thấy là Trung Quốc dựa trên tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ đối với quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) làm cơ sở cho quyền đặt giàn khoan dầu HD-981, chứ không dựa trên “đường chín đoạn” (nine-dash line) mà thường được các báo chí nhắc đến.

Hơn nữa, nếu muốn biết địch biết ta để chuẩn bị phản biện, chúng ta cần đọc kỹ cái văn kiện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi là “Hoạt động của giàn khoan HYSY 981: Khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc” đề ngày 8/6 mà Trung Quốc gửi lên Liên Hiệp Quốc ngày 9/6, qua đó Trung Quốc không chỉ dựa duy nhất vào (a) công hàm (hay công thư) của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, mà còn dựa vào những cái gọi là chứng cứ khác như: (b) tập bản đồ Thế giới do Cục Đo Đạc và Bản Đồ-Phủ Thủ Tướng Việt Nam phát hành năm 1972, trong đó đã dùng từ Tây Sa, Nam Sa thay vì Hoàng Sa, Trường Sa; (c) sách giáo khoa địa lý lớp 9 do Nhà Xuất Bản Hà Nội ấn hành năm 1974 mô tả Tây Sa, Nam Sa là thuộc chủ quyền Trung Quốc; và (d) tuyên bố của ông Ung Văn Khiêm, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao của VNDCCH ngày 15 tháng 6 năm 1956 *.

Do đó, trong vụ kiện nếu có, chúng ta sẽ cần nộp cho ICJ các bằng chứng chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa – và cả các bằng chứng chủ quyền trên quần đảo Trường Sa (1 phát súng bắn 2 mục tiêu), kể cả các đảo mà Trung Quốc đang chiếm. Trung Quốc chắc chắn sẽ không đồng ý ra ICJ vì Trung Quốc đã không cam kết điều ước quốc tế chấp nhận quyền tài phán của ICJ trong bất kỳ tranh chấp nào. Tuy nhiên, chúng ta vẫn dùng sự trợ giúp của ICJ để chứng minh cho thế giới thấy rõ mong muốn chân thành của Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng đường lối hòa bình và công bằng. Trung Quốc dĩ nhiên sẽ phải tránh né việc chúng ta thách thức họ chứng minh chủ quyền của họ với những bằng chứng mà như chúng ta đã biết là không có giá trị, và như vậy, chúng ta sẽ thắng thêm ở mặt trận PR quốc tế.

(2) Ngoài cách (1) ở trên, chúng ta còn có thể kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài Quốc tế về Luật biển – International Tribunal for the Law of the Sea (ITLOS) – tức là cơ quan trọng tài của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển – United Nations Convention on the Law of the Sea (UNCLOS).

Như chúng ta đã thấy, Philippines đã khởi xướng kiện và Trung Quốc đã từ chối không tham gia. Tuy nhiên, việc chúng ta kiện Trung Quốc ra trước ITLOS sẽ hỗ trợ cho Philippines trong việc bắt bí “đường chín đoạn” của Trung Quốc và các vấn đề khác có liên quan đến UNCLOS. Ví dụ như nhờ Philippines đặt ra thách thức pháp lý đối với việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở biển Tây của Philippines, ITLOS mới đây đã yêu cầu Trung Quốc gửi bằng chứng của họ trong vòng 6 tháng (hoặc đến ngày 15 tháng 12) để bảo vệ sự tuyên bố chủ quyền này. Để gỡ thế bí, Trung Quốc lên tiếng rằng họ không chấp nhận và không tham gia vào trường hợp trọng tài ITLOS có liên quan đến Philippines.

Nếu chúng ta kiện Trung Quốc ra trước ITLOS và dù chúng ta có thể đoán được Trung Quốc sẽ lên tiếng tương tự như đã lên tiếng về quá trình bị Philippines kiện ra UNCLOS, ​​chúng ta có thể tiến hành ít nhất là giai đoạn pháp lý giống như trường hợp Philippines đã thực hiện mà bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Có lẽ ITLOS sẽ không giúp được Việt Nam có một giải pháp cho việc tranh chấp nguy hiểm hiện nay với Trung Quốc về các vị trí của giàn khoan dầu HD-981, ngoại trừ trường hợp các trọng tài của ITLOS quyết định rằng tất cả các quần đảo Hoàng Sa là “đá” như quy định tại Điều 121(3) của UNCLOS **, và do đó, không được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế. Bằng cách đưa ra thách thức riêng của chúng ta về mặt pháp lý đối với “đường chín đoạn, chúng ta có thể mở ra triển vọng rằng việc tuyên bố chủ quyền “lãnh thổ mở rộng” của Trung Quốc sẽ hoàn toàn không có giá trị.

Ngoài ra, Bộ Ngoại Giao Việt Nam có thể đặt ra một bộ phận chủ quản riêng để chuyên lo vụ kiện nếu có, với sự tiếp sức của công ty duy nhất trên thế giới về công pháp quốc tế là Volterra Fietta. Lý do của việc này là vì chúng ta cần kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu không những về công pháp quốc tế nói chung, mà còn cần cả kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu về luật biển quốc tế nói riêng. Ở khía cạnh này, chắc chắn là Bộ không thiếu những cán bộ – hoặc đương nhiệm, hoặc đang nghỉ hưu – có kiến thức chuyên ngành về công pháp quốc tế và luật biển quốc tế. Riêng công ty Volterra Fietta đã từng tư vấn và đại diện cho nhiều quốc gia trong các trường hợp tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải như Nicaragua v Colombia, hoặc Barbados v The Republic of Trinidad and Tobago Co-Agent of the State of Barbados, và nhiều trường hợp tranh chấp chủ quyền khác nữa ***. Bên cạnh đó, trong số người Việt vẫn còn có nhiều chuyên viên hoặc một số người nghiên cứu (hoặc chuyên nghiệp, hoặc tự do) về công pháp quốc tế và luật biển quốc tế, hiện đang sống trong hoặc ngoài nước, cũng có thể đóng góp một phần ý kiến nào đó cho mặt trận công pháp quốc tế chung của đất nước.

Hồ Minh Châu
* “The Operation of the HYSY 981 Drilling Rig: Vietnam’s Provocation and China’s Position”. Ministry of Foreign Affairs of the People’s
Republic of China. 8 Jun 2014. http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1163264.shtml

** United Nations Convention on the Law of the Sea, 10 Dec 1982, Article 121(3), Part VIII Regime of Islands.
http://www.un.org/depts/los/convention_agreements/texts/unclos/UNCLOS-TOC.htm

*** http://www.volterrafietta.com/experience.state.asp

Kg : Trang Kinhtebien online ( 15/6/2014)

Mặc dù là người Việt ở nước ngoài, cả đầu tháng 5 đến nay chúng tôi ăn ngủ không yên cả ngày vì biến cố HD-981, và lòng lúc nào cũng hướng về biển Đông. Hết giờ làm việc, về nhà ăn uống qua loa, xong rồi lên mạng ngay để đọc ngấu nghiến báo mạng tiếng Việt ở trong nước và báo mạng tiếng Anh ở nước ngoài để cập nhật tình hình biển Đông, thời giờ còn lại thì tìm hiểu thêm về công pháp quốc tế và luật biển quốc tế để may ra có thể đóng góp chút ít ý kiến gì đó không, và cứ thế đến mấy giờ sáng mới đi ngủ vài tiếng, rồi lại thức dậy và đi làm.

Như đã nói ở email trước, nhờ căn cứ theo Phụ lục VII của UNCLOS (Annex VII, UNCLOS 2), Philippines đã đơn phương đặt ra thách thức pháp lý đối với “đường chín đoạn” (nine-dash line) – thường được các báo chí nhắc đến là “đường lưỡi bò” – mà Trung Quốc vin vào để tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở biển Tây của Philippines. Nhờ đó, Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration – PCA) mới đây đã yêu cầu Trung Quốc gửi bằng chứng của họ trong vòng 6 tháng (hoặc đến ngày 15 tháng 12) để bảo vệ sự tuyên bố chủ quyền này. Để gỡ thế bí, Trung Quốc buộc phải lên tiếng lần nữa rằng họ không chấp nhận và không tham gia vào trường hợp PCA có liên quan đến Philippines.

Điều này cho thấy Việt Nam có thể đạt được thắng lợi trên mặt trận truyền thông quốc tế nhờ kiện Trung Quốc, ngay cả khi Trung Quốc bác bỏ không tham gia như đã thấy trong vụ kiện của Philippines.

Chào thân ái và quyết chiến thắng.
Hồ Minh Châu