Bài phản biện khoa học về Cảng cửa ngõ Trần Đề- PGS-TS Hoàng Xuân Nhuận
CMT nhân dân số xxxxx, CA Hà Nội cấp ngày xxx, hiện trú tại số xxxx Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, điện thoại: xxxxx, Email: xxxxx.
Với tư cách là một chuyên gia có gần 30 năm kinh nghiệm về xây dựng cơ sở khoa học nhằm cải thiện điều kiện tiếp cận hàng hải cho vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, sau khi nhận công văn số 3009/CHHVN-KHĐT ngày 24/07/2015 về việc tham gia ý kiến với đề xuất Cảng cửa ngõ Trần Đề, Sóc Trăng của Ks. Doãn Mạnh Dũng, tôi đã nghiên cứu tài liệu kèm theo và xin có ý kiến như trình bày dưới đây.
I. QUAN ĐIỂM TỔNG THỂ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG CỦA NGƯỜI GÓP Ý KIẾN.
Từ đầu thập niên 2000, tôi đã nhận thức rõ rằng vùng đồng bằng sông Cửu Long không thích hợp để áp dụng mô thức “ly nông bất ly hương” được chấp nhận hầu như nhất quán trong quá trình hoạch định chiến lược phát triển KTXH cho cả nước. Những lý do chính là:
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có những lợi thế không thể tranh cãi để phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa đủ sức cạnh tranh ở quy mô ASEAN và toàn cầu. Đây là tiềm năng rất quý báu cần được tập trung phát huy bền vững để đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước và góp phần giảm nhẹ nguy cơ thiếu lương thực cho ASEAN và thế giới trước tình trạng dân số tăng nhanh.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện hoàn toàn bất lợi về tiếp cận hàng hải, địa chất công trình và lũ lụt để phát triển các ngành công nghiệp sử dụng tàu biển trọng tải lớn (trước mắt là công nghiệp năng lượng) và hạ tầng giao thông đường bộ cho các phương triện vận tải siêu trường và siêu trọng. Bởi vậy, việc phát triển công nghiệp chế xuất và cùng với nó là những đô thị lớn theo mô thức “ly nông bất ly hương” cần được xem là duy ý chí vì không có lợi thế cạnh tranh so với những địa bàn thuận lợi hơn của đất nước và của ASEAN.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt ngày càng cam go hơn với các nguy cơ lạm dụng tài nguyên nước ở thượng nguồn và biến đổi khí hậu toàn cầu. Việc mở luồng cho tàu trọng tải lớn với những bất lợi về tác động môi trường trực tiếp và gián tiếp sẽ làm trầm trọng thêm 2 nguy cơ vừa nêu.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long đang phải chịu sức ép rất căng thẳng về dân số gia tăng. Để tích tụ đất đai cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và đảm bảo thu nhập trên đầu người không thua kém các vùng tiên tiến của đất nước cần phải có một sách lược khả thi để từng bước di cư không dưới ½ dân cư ra khỏi vùng châu thổ.
Như ta biết, hầu như tất cả các chuyên gia và các nhà quản lý trong nước và quốc tế đều nhất trí với quan điểm 1. Về quan điểm 2 và 3 thì đa số các chuyên gia và các nhà quản lý đều quán triệt mô thức “ly nông bất ly hương”, mặc dù vậy cho đến nay vẫn chưa đề ra được giải pháp đồng bộ, khả thi và bền vững.
Riêng về quan điểm 4 chưa bao giờ có được sự quan tâm dù là nhỏ nhất trong việc lập quy hoạch tổng thể về phát triển cảng. Trong những đề án phát triển cảng trung chuyển trọng điểm tại những vùng dân cư còn thưa thớt chúng ta mới chỉ tiếp cận mô thức cảng đầu mối quốc tế vốn chỉ phù hợp với điều kiện châu Âu. Kinh nghiệm của Châu Á, đặc biệt là của Hàn Quốc và Trung Quốc trong việc di dân từ các vùng châu thổ đất chật người đông ra những địa bàn đủ lợi thế cạnh tranh để phát triển những trung tâm logistics (logistics hub) đủ năng lực hội nhập vào mạng toàn cầu chưa được xem xét đúng với tầm quan trọng đích thực.
Việc đánh giá tính bức thiết của tài liệu đề xuất được thực hiện trên cơ sở 4 quan điểm và thực tiễn như đã nêu. Tính khả thi đặc biệt là nguy cơ bồi xói được đánh giá trên cơ sở vận dụng kiến thức khoa học hiện đại và kinh nghiệm thực tiễn tích lũy được trong quá trình nghiên cứu cải thiện tiếp cận hàng hải cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
II. TÍNH BỨC THIẾT CỦA ĐỀ XUẤT
Tài liệu đề xuất của Ks Doãn Mạnh Dũng có những nội dung đáp ứng nhu cầu phát triển KT- XH trước mắt và lâu bền của tỉnh Sóc Trăng, tuy nhiên cũng có những nội dung không thiết thực, cụ thể là:
Đề xuất phát tiển đội tàu vận chuyển sản phẩm nông nghiệp với tàu chủ lực khoảng 10.000 DWT và tàu mục tiêu 30.000 DWT là đóng góp thiết thực cho phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Sóc Trăng và phù hợp với Kế hoạch phát triển đồng bằng sông Cửu Long (MDP2.0) do Chính phủ Hà Lan phối hợp thực hiện.
Đề xuất phát triển cảng cho tàu mục tiêu có trọng tải trên 30.000 DWT là không thiết thực. Mọi cố gắng cần được tập trung cho việc duy trì cảng Duyên Hải (Trà Vinh), luồng Quan Chánh Bố và cảng Cần Thơ cho đến khi nguy cơ sa bồi, hiệu quả tài chính và kinh tế xã hội được đánh giá rõ ràng.
Di dân có tổ chức như một phương án lựa chọn nhằm đối mặt với sức ép gia tăng dân số, các nhu cầu tích tụ đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa và giảm đầu tư hạ tầng cơ sở cần cho phát triển KT- XH tỉnh Sóc Trăng theo mô thức “ly nông bất ly hương” chưa được xem xét thỏa đáng nhằm tranh thủ sự đồng thuận với đề xuất (1).
III. TÍNH KHẢ THI VỀ MẶT KỸ THUẬT CỦA ĐỀ XUẤT
Với khoảng 60 km luồng có độ sâu tự nhiên nhỏ hơn 3,5 m (theo số 0 hải đồ) và khu vực cảng nằm trong vùng có mođun lưu lượng rắn và tổng lượng phù sa lơ lửng trong nước biển vào loại lớn nhất thế giới thì sa bồi và biến động địa hình trên diện rộng sau công trình được xem là hai nguy cơ chủ yếu đối với tính khả thi của đề xuất phát triển luồng và cảng cho tàu mục tiêu trên 30.000 DWT. Theo tôi, có 3 quan ngại chủ yếu là:
Cơ sở khoa học của đề xuất chưa đủ thuyết phục vì tác giả đã lạm dụng lý thuyết kinh điển vốn chỉ được sử dụng để giải thích một số đặc điểm tổng quát của hoàn lưu nước biển với quy mô toàn cầu. Để xây dựng cơ sở khoa học hoàn chỉnh cho đề xuất cần áp dụng các phương pháp bán thực nghiệm, lý thuyết hiện đại và công cụ tính toán được phát triển trong khoảng 20 năm gần đây.
Đề xuất cảng nhô Mỹ Thanh cho tàu mục tiêu trên 50.000 DWT là không khả thi vì luồng và cảng nằm trong vùng biển có mật độ bùn lơ lửng rất lớn bởi vậy lượng sa bồi có thể lên đến hàng triệu m3/năm.
Việc xử lý tác động môi trường của luồng và cảng cho tàu mục tiêu trên 50.000 DWT được phỏng đoán là bất khả thi. Hai quan ngại cần được làm sáng tỏ về mặt định lượng, đó là: i) Sự biến dạng mạng thủy văn của hệ thống sông Cửu Long và kèm theo đó là những biến động bất lợi về bồi xói và xâm nhập mặn; ii) Sự gia tăng xói lở bờ biển trên diện rộng ở đoạn bờ phía Nam cảng Mỹ Thanh cho đến mũi Cà Mau.
IV. KẾT LUẬN
Sau khi cân nhắc tính cấp thiết và tính khả thi của phương án cảng Trần Đề do Ks Doãn Mạnh Dũng và cộng sự đề xuất tôi xin có ý kiến kết luận như sau:
Ủng hộ đề xuất cải thiện tiếp cận hàng hải để phục vụ nhu cầu phát triển tỉnh Sóc Trăng thành một trong những địa phương có nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại đủ sức cạnh tranh trên phạm vi tiểu vùng ASEAN và quốc tế. Những tiêu chuẩn về đội tàu (tàu chủ lực, tàu mục tiêu) và cảng cần được ấn định cụ thể trong quá trình lập đề án phát triển kinh tế địa phương (LED project).
Không ủng hộ đề xuất xây dựng cảng nhô Mỹ Thanh đến khi nguy cơ sa bồi, hiệu quả tài chính và hiệu quả KT-XH của các dự án cảng Duyên Hải và kênh Quan Chánh Bố được đánh giá phân minh trên cơ sở thực tiễn khai thác vận hành và kết quả nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh hơn.
PGS. TS. Hoàng Xuân Nhuận