Bán tháo đội tàu triệu đô

Ông Nguyễn Thành Niên, chủ một hãng tàu biển ở Hải Phòng, cho biết: “Số lượng hàng hóa vận chuyển ngày càng ít trong khi chi phí phát sinh tăng cao nên hầu hết các hãng tàu VN đều rơi vào tình trạng thua lỗ. Để giải quyết các khoản nợ vay và lãi suất ngân hàng, hầu hết các doanh nghiệp (DN) vận tải biển sử dụng phương án bán tàu để bù lỗ”.

Bán để bù lỗ

Theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải VN, hiện đội tàu biển VN có hơn 1.880 chiếc với tổng trọng tải xấp xỉ 8,4 triệu tấn (đứng thứ 4/10 trong khối các nước Asean). Trong đó, chỉ có hơn 400 tàu biển chạy các tuyến hàng hải quốc tế, còn phần lớn khai thác tuyến trong nước.

Trong thời kỳ phát triển, các đại gia vận tải biển đã chi hàng chục triệu USD để mua một loạt các tàu trọng tải lớn, chạy tuyến quốc tế. Riêng VINASHIP đã ký hợp đồng mua nhiều tàu lớn như Hà Nam, Hà Đông, Hà Tiên, Chương Dương, Mỹ Hưng… Đội tàu của VINASHIP được đánh giá là một trong những đội tàu mạnh của khu vực và chiếm lĩnh phần lớn thị phần vận tải biển VN.

Từ cuối năm 2009, ngành vận tải biển bước vào thời kỳ “thoái trào”, lại gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng tàu ngoại như Maesk, CMA, Hapag-Lloyd…

Một thành viên của Hiệp hội Chủ tàu VN cho hay nếu như trong giai đoạn 2003-2007, các DN vận tải biển “đua” nhau sắm tàu biển trọng tải lớn thì đến cuối năm 2010 đã đồng loạt rao bán tàu.

Theo báo cáo tài chính của Công ty CP Vận tải Biển VN (Vosco), cuối năm 2010, DN này rao bán ba chiếc tàu, đến giữa năm 2011 tiếp tục bán thêm một tàu nữa. Các khoản thu từ việc bán tàu đã giúp DN duy trì mức tăng trưởng nhưng thấp hơn so với giai đoạn đầu năm 2010.

Cũng chung tình trạng trên, Công ty CP Vận tải và Thuê tàu Biển VN Vitranschart (JSC) quyết định bán tàu Phương Đông I với giá 58 tỉ đồng và tàu Phương Đông 3 với giá hơn 2,8 triệu USD để bù vào các khoản thua lỗ.

Công ty CP Vận tải Xăng dầu Đường thủy (Petrolimex) và Công ty CP Hợp tác lao động với nước ngoài (ILC) cũng lần lượt rao bán các tàu Phú Xuân 01 và Inlaco Glory 2.

Mới đây, Tổng Công ty Hàng hải VN (Vinalines) cũng vừa đề nghị rao bán đội tàu cũ chuyển từ Vinashinlines sang gồm các tàu: Lash Sông Gianh, tàu Vinashin Atlantic để bù lỗ.

Nguy cơ mất thị phần vào tay tàu ngoại

Tổng Thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận VN Nguyễn Hùng cho biết hiện đội tàu biển VN đang bị “lép vế” trước các đội tàu nước ngoài có sức mạnh tài chính dồi dào và kinh nghiệm hoạt động hàng hải nhiều năm.

Ông Hùng nói: “Mặc dù khối lượng hàng xuất, nhập khẩu của VN không ngừng tăng cao trong những năm qua nhưng đội tàu container của VN chỉ chiếm lĩnh được 20% thị phần vận tải. Nguyên do các tàu này đã quá già, tải trọng thấp, phần lớn làm nhiệm vụ gom hàng chuyên chở đến các tàu mẹ neo tại cảng lớn ở Singapore, Hong Kong, Macao…”.

Ông Đỗ Xuân Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu VN, nhận định: “Hiện các công ty vận tải lần lượt thanh lý tàu già để giảm bớt áp lực về tài chính. Tuy nhiên, nếu rao bán hàng loạt mà không đầu tư sắm mới thì sẽ khiến năng lực của đội tàu VN giảm sút, rất khó phục hồi. DN vừa muốn cạnh tranh với tàu ngoại nhưng lại không muốn bị thua lỗ nên việc ổn định đội tàu biển sẽ rất khó khăn”.

Theo một chuyên gia kinh tế, việc bán tháo các tàu biển chỉ là phương án “dập lửa” trước mắt, không thể duy trì lợi nhuận của DN. Báo cáo của Công ty CP Vận tải Biển VN Vosco cho thấy trong khoảng cuối năm 2010, công ty này từng thanh lý nhiều tàu biển trong tổng số 28 chiếc thuộc đội tàu nhằm tiếp tục đạt mức tăng trưởng ổn định.

Tuy nhiên, việc đầu tư đóng mới chậm hơn so với việc bán tàu khiến hoạt động của DN bị ảnh hưởng. Trong năm 2011, Vosco lần lượt rao bán hai tàu Vĩnh Long và Sông Tiền đồng thời có kế hoạch sắm tàu mới nhưng không thực hiện được vì khó khăn về tài chính. Tương tự Vitranschart cũng rao bán các tàu cũ để mua tàu mới song cũng không thực hiện được như kế hoạch. Dự kiến trong quý III-2011, công ty này sẽ đầu tư mua một tàu Handysize để đưa vào khai thác nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thực hiện được.
Theo Ông Đỗ Xuân Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu VN :
Cần có biện pháp hỗ trợ các chủ tàu VN đủ sức cạnh tranh với các đội tàu ngoại, tránh trường hợp DN thua lỗ phải bán tàu. Việc gia hạn các khoản vay và hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho các DN vận tải biển là điều cần thiết để chủ tàu có đủ năng lực tài chính vượt qua khủng hoảng. Phát triển kinh tế biển phải gắn liền với sự phát triển của đội tàu trong nước. Trong khi thực tế đội tàu biển VN chỉ nắm xấp xỉ 5% thị phần vận tải biển VN, số còn lại nằm trong tay các hãng tàu lớn nước ngoài .

Theo Tấn Tài
Pháp Luật TPHCM