Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn với  vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong- KS. Doãn Mạnh Dũng

Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn với  vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong- KS. Doãn Mạnh Dũng

Tối nay 11/9/2021, từ Tp Hồ Chí Minh tôi gọi điện hỏi  thăm sức khỏe ông Lê Ngọc Hoàn- nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Tôi nhắc lại chuyến khảo sát vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong cách đây 20 năm – ngày 10/9/2001. Hồi đó nước Nga đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế nên họ muốn rút khỏi cảng Cam Ranh. Lúc đó chưa có hệ thống mạng in-tơ-nét. Các báo chính thống đưa ý kiến của vài chuyên gia cấp cao  muốn sử dụng cảng Cam Ranh làm cảng Trung chuyển quốc tế. Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông trình bày quan điểm. Vì vậy ông Lê Ngọc Hoàn đã tổ chức một đoàn đi khảo sát vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong. Khi đó, tôi chỉ là cán bộ của Công ty vận tải Biển Việt Nam ( VOSCO) làm nghề Đại lý tàu biển, nhưng Bộ Giao thông có văn bản gửi xuống VOSCO đề nghị tôi tham gia đoàn khảo sát. Vừa đến khách sạn Hải Yến – Nha Trang, sau khi ăn tối tôi nhận được điện thoại của thư ký Bộ trưởng mời tôi đến gặp Bộ Trưởng. Khi chỉ còn có Bộ trưởng và tôi, tôi mới bắt đầu trình bày.

Tôi nói rất ngắn rằng , vịnh Vân Phong hơn vịnh Cam Ranh 5 điểm :

1-Độ sâu của vịnh Vân Phong  trên 30 m , còn độ sâu ở vịnh Cam Ranh chỉ khoãng 20m và vịnh Vân Phong đáp ứng xu thế phát triển độ sâu khi cạnh tranh.

2-Diện tích mặt nước vịnh Vân Phong gấp ba lần vịnh Cam Ranh.

3-Tuyến cầu tầu tại vịnh Vân Phong cũng gấp ba lần vịnh Cam Ranh.

4-Vịnh Vân Phong thuận lợi trong việc kết nối đường sắt và đường bộ lên Tây Nguyên theo đường dọc theo hữu ngạn sông Ba. Từ Cam Ranh chỉ có thể lên Tây nguyên bằng đường bộ.

5-Vịnh Vân Phong thuận lợi cho việc cung ứng nước ngọt lấy từ sông Ba, còn vịnh Cam Ranh sẽ khó khăn về cung ứng nước ngọt khi làm cảng Trung chuyển.

Hệ thống cảng biển cho Hải quân Việt Nam không nơi nào tốt bằng vịnh Cam Ranh. Vì từ vịnh Cam Ranh sử dụng tàu ngầm chạy diesel cũng khống chế được toàn bộ tuyến hàng hải qua Biển Đông. Việc đánh bom Cam Ranh khó khăn vì núi cao bao quanh, còn Vân Phong núi bao quanh thấp. Có thể ví vịnh Cam Ranh như một lô cốt trong chiến tranh vừa công, vừa thủ. Còn  vịnh Vân Phong như một hotel cho hòa bình. Nên giữ Cam Ranh cho Hải quân Việt Nam và sử dụng vịnh Vân Phong cho một vai trò của một cảng trung chuyển lớn nhất Đông Nam Á.

Tôi nhớ , tôi nói rất ngắn chỉ vài phút. Đột ngột Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn bước vào buồng trong, quay lại,ông đưa tôi một xếp tiền.

Tôi ngại ngùng nói với ông :

  • Thời đại này chỉ có cấp dưới biếu cấp trên làm gì có chuyện cấp trên cho cấp dưới ?

Ông nói lần thứ ba, tôi mới cầm và nói :

  • Em xin cảm ơn Bộ trưởng, đây là phần thưởng của Bộ trưởng dành cho một người lính.

Tối nay, tối nhắc lại chuyện cũ và nói với ông :

  • Với ngành hàng hải, anh là Bộ trưởng đầu tiên đã chọn lựa vịnh Vân Phong cho mục tiêu cảng Trung chuyển Quốc tế. Anh đã để lại một quyết định hữu ích cho đất nước. Ngày nay, nhiều người hiểu vịnh Vân Phong hơn, hy vọng vịnh Vân Phong sẽ phát triển đúng với tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng cho người Việt Nam. Em mong anh vui, vì cuộc đời của anh rất có ý nghĩa với đất nước.

Chuyện điện thoại tối nay, ghi chép lại. Trước hết để ghi nhận sự lắng nghe và dấu ấn đặc biệt của ông Lê Ngọc Hoàn trong chiến lược sử dụng vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong. Đó là đóng góp của ông Lê Ngọc Hoàn với đất nước./.