Cảng cá miền Trung nên ở trong sông hay ven biển ?
Đồng bằng ven biển miền Trung hình thành ở mái phía đông dãy Trường Sơn. Những con sông ở miền Trung ngắn, độ dốc lớn. Khi bão đến miền Trung thì kèm theo mưa và lũ. Vì dòng sông ngắn và độ dốc lớn nên giữa lúc bão và lũ thì các con tàu rất khó nhập bờ qua cửa sông để lên thượng nguồn. Những con tàu đang trong thượng nguồn thì có xu hướng bị dòng chảy làm đứt neo và bị kéo ra biển. Ở những cửa sông lại có núi đá như cửa sông Trà Bồng thì càng nguy hiểm hơn cho tàu thuyền.
Lưu lượng dòng chảy của các sông ở miên Trung phân bổ không đều trong năm nên cửa sông luôn luôn bị biến động nên gây ra hiện tượng tàu thuyền bị mắc cạn ngay tại cửa sông.
Thủy triều khu vực miền Trung rất thấp so với Hải Phòng và Sài Gòn nên tàu dể bị mắc cạn, và sau khi mắc cạn cũng khó thóat cạn.
Khi bão hay gió mùa đông bắc lớn, các tàu thuyền có xu hướng bị đẩy theo hướng từ đông bắc về tây nam. Dòng chảy sát bờ biển miền Trung lại rất mạnh, bờ biển lại có nhiều đá nên sóng lớn, nguy hiểm. Lúc đó nếu tàu không thể vào vịnh Vũng Rô, VânPhong, Cam Ranh hay khi không vào được các cảng sông thì khó mà tránh sự nguy hiểm. Có trận bão đã đưa tàu hàng lớn từ vịnh Đà Nẵng ném lên bờ. Đó là nguyên nhân giải thích mật độ tàu thuyền bị chìm nhiều trong quá khứ ở miền Trung Việt Nam.
Để phát triển kinh tế đánh bắt hải sản và hàng hải ở miền Trung, người Việt Nam nên xem xét lại chiến lược phát triển các cảng cá ở những dòng sông hẹp và dốc ở miền Trung. Chỉ nên chọn dòng sông có vịnh lớn ở cửa để làm cảng cá. Vị trí cảng cá đặt ở vịnh lớn khu vực cửa sông nhằm giãm tốc độ dòng chảy từ thượng nguồn sông ra biển khi có lũ lớn. Với cửa sông có những núi đá, có thể vận động nhân dân hiểu rõ và đồng tình phá bõ nhằm giúp tàu cá có thể vào sông khi có bão lũ. Về lâu dài nên xây dựng cảng cá và vùng trú bão ngay tại bờ biển. Cách làm nầy không chỉ đám ứng nhu cầu các tàu cá ngày càng có mớn nước lớn hơn vì đi xa hơn và giúp cho cả tàu hàng ven biển có chổ để tránh bão lũ.
Cảng cá Sa Huỳnh là cảng cá tốt, cuối thập niên 2000, các công trình xây dựng mới với 2 đê chắn sóng đã làm cảng bị cạn nhanh hơn. Với tình trạng biến đổi khí hậu, khi trái đất ấm lên, dòng ngầm bắc nam có xu hướng mạnh lên. Xu hướng này có nghĩa là sự xói lỡ bờ biển miền Trung sẽ mạnh mẽ hơn nhiều. Luồng vào cảng tại các cửa sông sẽ thay đổi lớn. Sự thay đổi trên có thể xác định được. Vì vậy hiện tượng bờ biển Hội An bị phá hủy, sự thay đổi luồng tàu ở cửa sông Ba … là sự đương nhiên.
Vấn đề là con người phải hiểu được những quy luật tự nhiên và đưa ra giải pháp để có thể tồn tại tốt nhất với tự nhiên.
Chúng tôi cho rằng cần khởi động việc nghiên cứu tòan diện lại hệ thống cảng cá và khu lưu trú cho tàu thuyền ở miền Trung Việt Nam theo nguyên tắc đưa các cảng cá từ trong sông ra ven biển. Chúng tôi sẵn sàng hổ trợ các địa phương có nhu cầu để đưa ra những giải pháp cụ thể hơn.
Các địa phương có nhu cầu , xin liên lạc với Hội Khoa học Kỹ Thuật và Kinh tế Biển TP HCM( hoibienhcm@gmail.com)
KS Doãn Mạnh Dũng