Lòng yêu nước của người Việt Nam ! KS. Doãn Mạnh Dũng
“Chính lòng yêu nước, chứ không phải là lý tưởng cộng sản, là nguồn cảm hứng cho tôi”
Hồ Chí Minh.
Bảng chữ tại Ủy Ban mặt trận Tổ quốc,ở số 20 đường Huỳnh Tịch Của, Phường Võ Thị Sáu, Quận III, Tp HCM. Ảnh chụp tháng 1 năm 2023.
Ngày mồng một năm Quý Mão- 2023- tôi và thằng em trai đến thăm ông Tư Thành – tức Đoàn Hồng Đoàn – nguyên Bí thư tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông Tư Thành đã ở tuổi 99. Phải có người đỡ, ông mới ngồi dậy được. Khi tôi tự giới thiệu là Doãn Mạnh Dũng đã 78 tuổi và Doãn Mạnh Trung đã 72 tuổi con ông Chín Nghiệp thì ông Tư mới nhận ra. Ông nhắc lại những ngày ông ở tù với ba tôi ở căn Lái Thiêu. Ông nhắc chị Chín – má tôi – đã đưa 5 chị em chúng tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội bằng chuyến máy bay từ Pnôm Pênh ra Hà Nội. Dù ba tôi bị tù đày nhiều năm trong thời gian kháng chiến chống Pháp, má tôi giữa Sài Gòn vẩn bươn chải buôn bán nuôi được cả đàn con. Khi được tin ba tôi còn sống ở Hà Nội, má đã thu xếp cho chuyến đi của gia đình thành công. Sau này tôi biết, gia đình tôi là gia đình đông người nhất với đầy đủ 6 thành viên đều đến được Hà Nội an toàn. Nhiều gia đình người miền Nam khác khó mà có cơ hội may mắn như gia đình tôi.
Ông Tư nhắc nhiều đến những kỹ niệm với ba tôi trong những ngày gian khổ và khen sự đảm đang của má tôi với các con.
Với tôi, ba là một tấm gương về trách nhiệm với đất nước. Khi ba mất, tôi có 2 câu thơ gắn trên vòng hoa tiễn ba :
Nặng tình non nước, từ giã đời nhung lụa,
Nhẹ gánh phong trần, đã chọn kiếp thanh liêm.
Thằng em tôi đã nhờ người khắc trên bia mộ ba tại nghĩa trang Củ Chi.
Tám năm sau khi ba mất, năm 2015 , Nhà xuất bản Đồng Nai xuất bản sách “Lịch sử Đảng Bộ quân sự tỉnh Đồng Nai ( 1945-2010 )” trang 24 viết :
Hình chụp bài viết : Đội giải phóng quân trên là đội quân đầu tiên của chiến khu Đ.
Ba tôi – Doãn Tấn Nghiệp-( trong sách còn gọi là Doãn Tiến Nghiệp ) và ông Đặng Văn Tổng ( tức Hai Lùn ) ở xã Thiện Tân , Vĩnh Cữu , Đồng Nai -chủ nhà mà gia đình tôi đang ở – cùng bị Pháp bắt vào năm 1949.
Tôi nhớ mãi năm 1952, khi tôi mới 6 tuổi nhưng đã được theo má và cả nhà dự phiên Tòa đại hình của Thực dân Pháp xử ba tôi và các đồng chí của ông. Trong phiên Tòa trên, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được má mời bảo vệ cho ba tôi. Phiên Tòa nói tiếng Pháp , tôi không hiểu. Các tù nhân bị xích bằng xích sắt, chân của người này dính với chân của người khác. Ba tôi nói nhiều tại phiên Tòa. Giọng ông tự tin và âm vang trước phiên Tòa. Âm thanh đó gắn bó với cuộc đời của tôi, dạy tôi về lòng yêu đất nước Việt Nam.
Ảnh : Má dẩn em út Doãn Mạnh Trung lên thăm ba ở căn Lái Thiêu trước khi ba được trao trả ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954. Ảnh chụp ngày 6/9/1954 tại nhà tù Lái Thiêu- Thủ Dường Một- Đồng Nai.
Má tôi kể, khi ba tôi ở căn Lái Thiêu được giao quét chợ, bà con biết nên thường xuyên gửi bánh trái cho các tù nhân. Những ngày ba tôi bị ở tù, nhà tôi ở mặt tiền đường Nguyễn Thiện Thuật , Bàn Cờ , Quận III. Hàng xóm biết ba tôi là Việt Minh nhưng mọi người đều đối xữ rất tốt kể cả bà con người miền Bắc di cư vào Nam. Những chuyện đó đã dạy tôi rằng đồng bào mình kể cả người miền Bắc di cư vào Nam đều yêu nước và họ yêu nước theo cách của mình.
Mới đây, có việc ra Phường, tôi thấy lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh như ảnh ở đầu bài viết. Tôi thật sự thích lời trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi hiểu những thứ khác chỉ là phương tiện để thực hiện Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. Nhờ học giỏi và tham gia các hoạt động tại trường cấp I và cấp II Nguyễn Du-Hoàn Kiếm-Hà Nội, tôi được 3 lần tham gia đoàn thiếu nhi Hà Nội lên lể đài Ba Đình tặng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lảnh đạo đất nước và khách quốc tế. Các nhà lảnh đạo cách mạng Việt Nam thời dựng nước, luôn luôn là một tấm gương sáng về lòng yêu nước. Với gia đình tôi, chính lòng yêu nước đã giúp ba từ giã đời nhung lụa để tham gia cách mạng, còn má đã vượt qua cuộc sống an phận của một tiểu thư nhà giàu, chấp nhận nuôi chồng đi làm cách mạng.
Cuộc đời tôi khi trưởng thành, thường xuyên có cơ hội đi nước ngoài. Chưa bao giờ ba và má tôi dặn tôi mua cái gì đó cho ba má.
Vốn là tù nhân từng nhận nhiều đòn thù nên ba tôi luôn nhắc tôi :
– Sức mạnh chỉ dành cho kẻ thù, không bao giờ sử dụng nó với anh em và đồng chí .
Có lẽ ba đã nghe má kể về những trận tôi từng đánh nhau với hành vi rất nguy hiểm ở trường Phi Khanh- cạnh chợ Vườn Chuối – Bàn Cờ. Tôi thật sự ân hận và mong muốn được trực tiếp xin lỗi về những hành vi khi tôi ở tuổi lên mười nhưng tôi đã không thể tìm được các bạn.
Từ nhỏ má thường kể cho tôi nghe những tấm gương thiếu nhi đất Biên Hòa chống Pháp . Lớn lên, má luôn nhắc tôi hảy trở thành người công dân tốt.
Nhưng hạnh phúc nhất của tôi có lẽ là việc xác định được ở miền Trung Việt Nam là nơi tập trung động năng dòng hải lưu cao nhất tại bờ tây Thái Bình Dương và phát minh ra tua-bin “Trống quay ” để lấy năng lượng dòng chảy tự nhiên. Tua-bin đã khử được trọng lượng của vật quay bằng cách sử dụng lực Ác-si-mét. “Trống quay “ trên được tôi đặt tên là “Trống quay họ Doãn” hay “Cánh quạt họ Doãn” tiếng Anh gọi là “Doan blade”.
Đây là giải pháp hoàn toàn mới của nhân loại , giúp tối ưu khi lấy động năng dòng chảy tự nhiên như dòng sông, dòng thủy triều, dòng hải lưu.
Đó là cách tôi muốn ghi nhớ đến công ơn ông, bà và cha mẹ đã sinh ra tôi.
Hôm nay ngày 10 tháng giêng năm Quý Mão là ngày giổ của ba. Tôi xin viết đôi lời về ba, má và cũng trả lời nhiều nhà khoa học đã trực tiếp hỏi tôi :
-Vì sao anh nghĩ ra tua-bin trống quay.
Chính văn hóa của gia đình tôi, tham gia cách mạng là để cống hiến cho đất nước. Mảnh đất văn hóa gia đình đã nuôi dưỡng khát vọng và giúp tôi tự tin đề xuất nhiều dự án hữu ích cho đất nước.
Đôi dòng trên xin được thay nén hương gửi đến hương hồn ông, bà, ba, má.
Con vẩn nhớ lời dạy của ba má. /.