Dùng thuyết “Hướng của dòng sông chảy ra biển” giải thích hiện tượng bồi lấp tại cảng Lạch Huyện ! – KS. Doãn Mạnh Dũng
Biểu tượng của bài viết này là ảnh chụp tài liệu Kỹ yếu của Hội nghị khoa học kỹ thuật Đông Nam Á tại Hà Nội ngày 24/12/2000 với bài viết “Hiện tượng Hòa Duân” sử dụng luận thuyết “Hướng của dòng sông chảy ra biển” do KS Doãn Mạnh Dũng tìm ra .
Bài viết rất đơn giản, sử dụng công thức của nhà vật lý Chezy tính toán lưu lượng của một dòng chảy qua kênh hở với các tham số : độ sâu, độ rộng, độ nghiêng của mái kênh, độ dốc … nhưng được giản lược cho phù hợp với trạng thái thực tiển. Khi lũ lụt và thủy triều lên xuống, ta thấy độ rộng của dòng chảy là vô cùng lớn so với độ sâu h. Từ đó ta có thể giản ước công thức Chezy thành công thức “Formula 1″ như trong ảnh chụp bảng tiếng Anh ở hình trên.
Công thức (1) ( ” Formula1″) trên phương diện toán học, đó là một hàm Parabola, có nghĩa là khi h biến đổi rất nhỏ thì Q tăng rất lớn. Hay nói cách khác, khi thay đổi độ sâu dù rằng rất nhỏ nhưng lưu lượng sẽ thay đổi cực kỳ lớn.
Khi nghiên cứu thủy triều, ta hiểu mặt nước biển là độ cao trung bình của tất cả biên độ của thủy triều tại điểm đang nghiên cứu. Nơi nào có biên độ thủy triều cường cao, rõ ràng khi thủy triều xuống, đó sẽ là điểm trũng nhất của vùng bờ biển đó. Hay nói một cách khác, dòng sông khi chảy ra biển, chúng sẽ chọn nơi có biên độ thủy triều cao nhất để ra biển. Tác giả tự hào đã đưa ra một học thuyết mang tính phổ quát và rất nhiều ứng dụng cho con người.
Nhiều hiện tượng tại Việt Nam chứng minh luận cứ trên.
– Hiện tượng Hòa Duân được giải thích như sau :
Sông Bồ và sông Ô Lâu từ dãy Trường Sơn đổ ra biển. Khi xuống đồng bằng, sông Ô Lâu chảy về hướng Bắc, sông Bồ chảy về hướng Nam. Nguyên nhân vì vùng bờ biển phía Bắc và phía Nam có biên độ thủy triều cao. Vì lý do đó đã hình thành cửa biển Thuận An ở phía Bắc và cửa biển Tư Hiền ở phía Nam.Hòa Duân là vùng bờ biển phía Nam cửa Thuận An. Nơi đây bị bồi lấp từ hướng biển và cũng bị nước từ phá Tam giang dồn nén. Khi mùa lũ lớn, vị trí Hòa Duân bị nước trong phá Tam Giang dâng cao, tạo ra sự nổ lớn đẩy đập Hòa Duân ra biển với nhiều tai nạn chết người. Sau sự kiện đập Hòa Duân bị phá cuối năm 1998, nhà nước Việt Nam đã bê tông hóa đập Hòa Duân.
Hình mô tả biên độ thủy triều cường đặc biệt tại Thừa Thiên -Huế . Cửa Thuận An và cửa Tư Hiền có biên độ thủy triều cao là nguyên nhân hình thành 2 cửa biển rất gần nhau và tạo nên hiện tượng đặc trưng thủy văn tại Thừa Thiên – Huế cũng như hướng di chuyển của sông Ô Lâu và sông Bồ từ chân dãyTrường Sơn ra biển.
Thừa Thiên -Huế nên nghiên cứu định vị 3 vị trí đặc biệt về địa lý để hình thành điểm du lịch khoa học:
- Vị trí X phía Nam Hòa Duân, nơi có biên độ thủy triều dự kiến là số “0”, đó vị trí đặc biệt hiếm trên thế giới.
- Vị trí Sông Bồ và sông Ô -Lâu sau khi rời dãy Trường Sơn thì đổi hướng, sông Ô Lâu quay ngược về hướng Bắc và sông Bồ quay về hướng Nam. Hai vị trí này chỉ ra quy luật hướng của dòng sông khi chảy ra biển , đó là vùng bờ biển có biên độ thủy triều cao hơn.
Hình vị trí sông Ô Lâu phía Bắc ( màu đõ) và sông Bồ phía Nam ( màu đõ ) đổi hướng khi đổ ra biển tại Thừa Thiên- Huế.
– Dòng Mêkong khi đến Long Xuyên cách bờ biển phía Tây -vịnh Thái Lan – 58 km , cách bờ biển phía Đông – Sóc Trăng – 132 km.
Vị trí Long Xuyên với bờ biển Đông và Tây
Vì biên độ thủy triều cường ở Rạch Giá là 1,8 m, còn biên độ thủy triều cường ở Sóc Trăng đến 5m nên dòng Mê Kong chọn hướng chảy ra biển tại Biển Đông.Nhưng vì thủy triều ở Nam bộ : bờ Biển Đông là bán nhật triều, bờ biển Tây là nhật triều. Nhờ pha triều lệnh nên khi lũ lớn ở miền Tây có thể chuyển một phần lũ ra bờ biển Tây. Đây là lý thuyết có thể chuyển lũ về bờ Tây vịnh Thái lan nhưng cần mở cửa biển tại Rạch Giá và không thể mở cửa biển tại Hòn Đất. Để thoát lũ từ ĐBSCL ra vịnh Thái Lan, mở kênh tại Hòn Đất là sai vì biên độ thủy triều cường tại Rạch Giá là 1,8 m còn biên độ thủy triều cường tại Hòn Đất chỉ có 0,9 m. Hậu quả con lộ liên tỉnh từ Hòn Đất đến Rạch Giá thường xuyên bị phá hũy.
Hình chụp biên độ thủy triều cướng bờ biển phía Đông và Tây của Long Xuyên và đoạn bờ biển từ Rạch giá đến Hà Tiên.
-Khi một thành phố ven biển bị ngập lụt như Băngkok. Nước lũ từ Băng Kok thoát ra biển ở phía Tây là tốt hơn ở phía Đông vì biên độ triều phía Tây Băng Kok cao hơn phía Đông.
Bờ biển Đông và Tây phía Nam thành phố Bankok
Biên độ thủy triều cường bờ Đông và bờ Tây ở Nam Bangkok
Thủy triều Mae Kolong ở phía tây BangKok luôn luôn cao hơn thủy triều phía đông Bang Pakong.
-Ở Quảng Nam, sông Trường Giang từ Thăng Bình có vĩ độ 150 50 chảy về hướng Nam đến Kỳ Hà có vĩ độ 150 28 . Biên độ thủy triều cường bờ biển Quảng Nam ở phía Bắc sông Trường Giang khoãng 1 m. Biên độ thủy triều cường bờ biển phía Nam Kỳ Hà cao độ đến 1.8 m. Vì vậy dòng Trường Giang buộc chảy về cảng Kỳ Hà để ra biển. Dòng sông Trường Giang mang theo nhiều sa bồi Vì vậy không thể xây dựng cảng nước sâu tại Kỳ Hà như đề xuất của ông GS Trần Kim Thạch.
Cao độ triều cường biến thiên từ Đà Nẵng đến Quy Nhơn năm 2007
-Ở bờ biển Đông Bắc Việt Nam, bạn xem bản đồ thủy triều được tác giả ghi lại như sau :
Thủy triều ngày 5/6/2007 | Hòn Dấu | Hòn Gai | Cửa Ông |
Cao độ triều cường | 3,7m | 4,0 m | 4,5 m |
Khoãng cách từ Hòn Dấu đến | 60 Km | 70 Km |
Với tài liệu trên, chúng ta khẵng định, hệ thống sông của vùng Đông Bắc Việt Nam có xu hướng đổ về Bắc Hòn Dấu.
Hệ thống sông khu vực Đông Bắc là hệ thống sông ngắn. Nhưng hệ thống sông Hồng là dòng sông lớn. Phù sa từ sông Hồng trộn với hệ thống sông ngắn tại Lục Đầu Giang đổ sang sông Thái Bình, theo sông Kinh Thầy về sông Cấm tạo ra sa bồi cho cảng Hải Phòng từ xưa và cả hôm nay. Dù rằng trên hệ thống sông Hồng có nhiều đập thủy điện nhưng vì độ dốc rất lớn nên lượng sa bồi đổ ra biến thường xuyên rất lớn. Sông Mê Kong cũng có rất nhiều thủy điện nhưng độ dốc ở hạ lưu rất nhỏ nên lượng sa bồi về ĐBSCL giảm nhanh. Vì vậy không thể đưa hiện tượng sông Mê Kong ứng dụng cho hệ thống sông Hồng.
Hình : Hai dòng nước đục và trong đang trộn nhau – do Ks Doãn Mạnh Dũng tự chụp tại hạ lưu Lục Đầu Giang ngày 26/9/1996 từ thuyền nhìn thấy dòng nước đục từ sông Đuống đang hòa với sông Thái Bình.
Ảnh vệ tinh của JICA Nhật chụp đầu thập niên 1990 về phù sa từ hệ Sông Hồng đổ về vùng nước phía Bắc Hòn Dấu.
Tổng quan địa hình Hải Phòng và Nam Quảng Ninh hiện nay
Xưa, cảng Hải Phòng cũng bị cạn, nhưng nhờ có cửa sông Cấm nên một lượng lớn sa bồi ra cửa Cấm. Người Pháp đào kênh Đình Vũ để nối sông Bạch Đằng với sông Cấm để sử dụng cửa Nam Triệu đưa tàu lớn ra vào cảng Hải Phòng.
Hình : Sơ đồ tổng quan sông cửa Cấm, cửa Nam Triệu, cửa Lạch Huyện, kênh Đình Vũ, đập Đình Vũ,sông Bạch Đằng, kênh Tráp.
Thời đầu thập niên 1980, ông Đoàn Duy Thành cho đắp đập Đình Vũ. Như vậy xóa cửa Cấm và biến kênh Đình Vũ thành dòng sông chính đưa sa bồi hướng ra phía bắc cửa Cấm. Đây là một sai lầm mang tính lịch sử khó mà khắc phục được.
Khi sa bồi qua kênh Đình Vũ thì chúng có xu hướng đổ về hướng bắc của cửa Nam Triệu, các loại kênh hình thành phía bắc cửa Nam Triệu đều bị bồi lấp nhanh chóng.
Việc đề xuất làm cảng nước sâu tại Lạch Huyện đã không tính đến quy luật sa bồi đang có xu hướng bồi lấp vùng phía bắc cửa Nam Triệu. Việc nạo vét cửa Lạch Huyện đã kích thích sa bồi đổ nhanh hơn về Lạch Huyện. Việc làm cầu Tân Vũ với hàng cọc đóng xuống sông Bạch Đằng cũng góp phần chặn dòng sa bồi ra cửa Nam Triệu và đổ nhanh hơn về cảng Lạch Huyện.
Trước khi Chính phủ quyết định xây dựng cảng Lạch Huyện, tôi cũng đề xuất một hệ thống cảng biển cho Hải Phòng tại sông Ruột Lợn sau khi cân nhắc đến nhiều yếu tố để kinh doanh có hiệu quả cho hệ thống cảng biển tại thành phố Hải Phòng cùng nguyên tắc xây dựng theo thiên nhiên.
Luồng tàu biển và vị trí cảng Ruột Lợn
Quan điểm đề xuất cảng tại sông Ruột Lợn từ các lý do sau :
- Hải Phòng quá xa đường hàng hải quốc tế , chỉ nên chọn vai trò là cảng vệ tinh cho Hồng Kông hoặc Vân Phong. Vì vậy khi tính đến cự ly Hải Phòng- Hồng Kong và cự ly Hải Phòng -Vân Phong thì nên chọn loại cầu cảng cứng cho tàu 3 vạn tấn là thích hợp. Còn nhu cầu cao với hàng rời thì nên chuyển tải tại Nam vịnh Hạ Long.
- Luồng tàu biển ra vào cảng từ cửa Lạch Huyện chạy thẵng vào khu cảng cứng Ruột Lợn.
- Không xây dựng hệ thống cầu có cọc chắn dòng sông Bạch Đằng.
- Nhà nước nên phá đập Đình Vũ để mở lại cửa sông Cấm như vậy sẽ giảm nhiều chi phí cho nạo vét.
- Sử dụng cảng tại sông Ruột Lợn sẽ giảm chi phí di chuyển hàng hóa đi từ nội địa ra cảng. Như vậy hệ thống cảng sẽ hình thành tại Thủy Nguyên, còn hệ thống tài chính nằm bên thành phố Hải Phòng. Cách làm này thuận cho việc đưa đường sắt vào cảng Ruột Lợn.
Tóm tắt lại, có 4 giải pháp cho cảng Hải Phòng :
1- Cắt nguồn sa bồi từ hệ thống sông Hồng sang hệ thống sông Cấm.
Giải pháp này làm giảm năng suất nông nghiệp ở một số lưu vực sông Thái Bình.
2- Khôi phục cửa Cấm để giảm nguồn sa bồi về vùng bờ biển phía Bắc cửa Cấm.
3- Xây dựng cảng Hải Phòng với giới hạn là vệ tinh cho cảng Hồng Kông và cảng Vân Phong tính đến cự ly Hồng Kông – Hải Phòng và Vân Phong – Hải Phòng. Vì vậy chọn cảng Hải Phòng với chức năng tiếp nhận tàu 3 vạn tấn.
4- Xây dựng cảng nhân tạo tại Hòn Dấu , nối đường bộ và đường sắt ra Hòn Dấu. Đây là cảng nhân tạo đáp ứng độ sâu theo yêu cầu của con người.
Với góc độ chuyên gia, tôi cho rằng trước mắt nên chọn phương án 3 kết hợp cùng phương án 2. Khi đất nước giàu có thì nên chọn phương án 4.
Quy luật hướng dòng sông chảy ra biển do người Việt Nam tìm ra. Vì người Việt Nam phải đối diện với nhiều thực tiển ngay trên đất nước mình. Hiện nay các trường Đại học trên thế giới hoàn toàn không biết quy luật này. Các trường Đại học Việt Nam quen trọng với bằng cấp nên lại càng ngỡ ngàng với học thuyết do một kỹ sư đưa ra. Nhưng sự thật luôn luôn là quan Tòa cuối cùng của mọi sự phán xét . Người Việt Nam lại thường thiếu tự tin nên dù rằng tài liệu đã được công bố cách đây trên 20 năm giữa thủ đô Hà Nội, nhưng chẵng ai quan tâm. Vì vậy cái giá phải trả là không nhỏ về tài chính và cả cơ hội phát triển đất nước./.