“KHÔNG CÓ SỰ CỐNG HIẾN CỦA THUYỀN VIÊN THÌ MỘT NỬA THẾ GIỚI CHÌM ĐẮM TRONG BUỐT GIÁ VÀ MỘT NỬA CÒN LẠI SỐNG TRONG ĐÓI NGHÈO” Thuyền trưởng Tiếu Văn Kinh Chủ tịch CLB Thuyền trưởng VN Phó Chủ tịch Hội KHKT & KT biển TP HCM

“KHÔNG CÓ SỰ CỐNG HIẾN CỦA THUYỀN VIÊN THÌ MỘT NỬA THẾ GIỚI CHÌM ĐẮM TRONG BUỐT GIÁ VÀ MỘT NỬA CÒN LẠI SỐNG TRONG ĐÓI NGHÈO” Thuyền trưởng Tiếu Văn Kinh Chủ tịch CLB Thuyền trưởng VN Phó Chủ tịch Hội KHKT & KT biển TP HCM

 

 Và các quốc gia có nền nông công nghiệp bắt đầu phát triển cũng sẽ trở thành những quốc gia sống bằng nền kinh tế tự cấp tự túc, hàng hóa sản xuất ra không trao đổi được với ai, không có cách nào đổi lấy nhiên liệu trở về để sưởi ấm và phát triển sản suất nếu không có vận tải biển.
Đầu tiên những con thuyền chạy buồm xuất hiện, manh nha của thời kỳ trao đổi mậu dịch quốc tế manh mún, đến thời kỳ tàu hơi nước chạy bằng than đá cho đến thời đại ngày nay với những con tàu hiện đại tốc độ nhanh an toàn chạy bằng dầu mỏ và nặng lượng nguyên tử , đã liên kết toàn thế giới với nhau và biến nền kinh tế của từng quốc gia thành một nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau, nương tựa vào nhau để tồn tại và phát triển. Hàng hải thương mại toàn cầu hóa ngày càng phát huy hiệu quả và sức mạnh tổng hợp của nó. Ngày nay, vận tải biển đã gánh một lượng hàng hóa lên đến 93% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của các quốc gia trên toàn thế giới.
Với lượng hàng hóa trao đổi to lớn thông qua tàu biển đã thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu phát triển với cấp số nhân. Thử tưởng tượng xem thế giới này sẽ ra sao nếu không có ngành hàng hải phát triển. Công lao của sự nghiệp phát triển vĩ đại của nhân loại tiến hóa là của từng con người trên trái đất, nhưng lực lượng thuyền viên đã đóng góp một phần rất đặc biệt trong sự phát triển đó. Chính thuyền viên là những con người điều khiển trên các con tàu ngược xuôi giữa các quốc gia đã nhận lãnh sứ mệnh thiêng liêng và cao cả kết nối các nền sản xuất toàn cầu trong điều kiện rất nghiệt ngã đầy thử thách của biển cả. Suy cho cùng thì thuyền viên hoàn toàn xứng đáng và cần thiết nhận được vinh danh về sự cống hiến của họ như câu khẩu hiệu hàm súc và sâu sắc vừa mang tính biểu cảm vừa xác thực nói trên.
Cũng chính vì vậy mà IMO giành năm 2010 để vinh danh các thế hệ thuyền viên và giành ngày 25 tháng 6 hàng năm để biểu dương sự cống hiến của hơn một triệu rưỡi thuyền viên trên toàn cầu. Toàn thể xã hội loài người phải cám ơn và giành sự quan tâm và tình cảm tốt đẹp cho đội ngũ thuyền viên về những công lao và sự hy sinh mà họ cống hiến, những thử thách mà họ vượt qua, những rủi ro mà họ gánh chịu để mang lại phúc lợi cho cả hành tinh chúng ta.
Thuyền viên Việt nam, với truyền thống từ thời lèo lái những con thuyền buồm xa xưa của cha ông cho đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ điều khiển các con tàu Tự lực, Giải phóng, tàu không số chi viện cho chiến trường, đã hiến dâng tuổi trẻ và tính mệnh góp phần vào thắng lợi vĩ đại thống nhất đất nước. Họ xứng đáng được vinh danh.
Từ khi đất nước bước vào thời kỳ xây dựng kinh tế, lực lượng thuyền viên phục vụ cho ngành vận tài biển non trẻ của chúng ta đã có nhiều công hiến cho sự nghiệp vận tải biển nước nhà. Các con tàu lớn do chính thuyền viên Việt nam điều khiển đã vươn tới hết các lục địa trên trái đất phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước.
Ngành vận tải biển Việt nam với chiến lược phát triển đến năm 2020 trở thành một quốc gia biển hùng mạnh đang đứng trước những thách thức nặng nề, thuyền viên Việt nam đang tiếp tục cống hiến, đang chịu nhiều thiệt thòi, nhiều điều bất hợp lý, thậm chí nhiều tai tiếng trong dư luận xã hội về nhiều phương diện, để dấn thân ra biển cả. Họ xứng đáng được quan tâm.
Nhưng ngày thuyền viên 25 tháng 6 của IMO ở Việt nam đã trôi qua lặng lẽ, không có một cơ quan chuyên trách nào, một quan chức có trách nhiệm nào lên tiếng. Dư luận xả hội, các phương tiện truyền thông cũng không ai biết có một ngày giành cho những người đi biển như vậy. Trong khi đó trên các trang web, mạng xã hội khắp thế giới đưa tin, bình luận, vinh danh, ca ngợi, đấu tranh đòi hỏi sự quan tâm quyền lợi thiết thực giành cho người đi biển, khuyến khích thanh niên tiếp tục sự nghiệp vươn ra đại dương. Nhìn qua nước láng giềng, nhân ngày thuyền viên ở Trung quốc nhiều lễ hội đã được tổ chức ở các địa phương, Bộ trưởng Bộ Giao thông của quốc gia này đã có thư chúc mừng gửi đến toàn thể thuyền viên toàn quốc, họ lấy năm 2011 làm năm vinh danh ngành hàng hải của họ.
Sự quan tâm của nhà nước và xã hội đối với thuyền viên, một nghề nghiệp đặc thù, là nguồn động viên khích lệ thanh niên không ngại ngần tiến ra biển lớn dốc lòng kiến tạo một quốc gia biển hùng mạnh. Một số quốc gia láng giềng đều có những chính sách đặc biệt giành cho thuyền viên của họ. Điều dễ thấy nhất như Philippine có hẳn một sắc luật giành cho thuyền viên, đó là “Sắc luật thiết chế MAGNA CARTA về thuyền viên Philippine” (AN ACT INSTITUTING THE MAGNA CARTA OF FILIPINO SEAFARERS ) được thông qua tại Thượng viện và Hạ viện Philippine.
Tại Trung quốc cũng có “Các quy định về thuyền viên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa” (Regulations of the People’s Republic of China on Seafarers) do Quốc hội TQ biểu quyết thông qua và Thủ tướng Chính phủ ban hành. Nói chung trong các sắc luật và quy định này, các quốc gia đã khẳng định rất chi tiết về nghĩa vụ và bảo vệ quyền lợi của thuyền viên, về huấn luyện và đạo tạo, chế độ đải ngộ, về trách nhiệm pháp lý của nhà nước, doanh nghiệp đối với thuyền viên…
Thiết nghĩ, một quốc gia biển như Việt nam để khuyến khích phát triển và bảo vệ người đi biển, nhà nước ta cũng nên có một sắc luật riêng cho thuyền viên. Các cơ quan chức năng của ngành vận tải, chính quyền hành chính các cấp cần giành nhiều tư duy phát triển nguồn nhân lực chủ chốt này và bỏ thêm công sức chăm sóc đội ngũ thuyền viên, nâng cao vị thế của họ trong sự đóng góp phát triển ngành.
Bản thân thuyền viên cần ý thức sứ mệnh cao cả của mình trong sự nghiệp phát triển vận tải biển của đất nước, không tự ti với nghề đi biển để không ngừng phấn đấu học hỏi, khắc phục những yếu kém chuyên môn, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tiếp nối và vươn tới đỉnh cao của nghề đi biển truyền thống của cha ông góp phần tạo dựng một quốc gia biển hùng mạnh.

Nếu nhân tài là nguyên khí quốc gia thì thuyền viên lành nghề là nguyên khí của phát triển vận tải biển, phải được đầu tư, khuyến khích phát triển, đáng được vinh danh./.
TVK