Lịch sử Việt Nam dạy người Việt những gì ?
Hành vi cần làm :
“Nhiểu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Hay : “Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống những chung một giàn ”
Điều đó có nghĩa là khi trong làng có sự bất đồng, những người thật sự yêu làng thì hảy cùng nhau bàn bạc cách giải quyết. Nếu ai cũng đi cầu cứu làng bên thì làng mình tất yếu thành bãi chiến trường.
Trong kinh doanh cũng vậy, có người khi có quyền lực đã bán những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam được hình thành qua nhiều thế hệ chỉ vì những lợi ích nhỏ nhoi của cá nhân mình.
Chính sách chia để trị ở Việt Nam
Trịnh – Nguyễn phân tranh đã tạo “Màu nhơ bẩn, muôn đời không rửa sạch” trong bài Hận sông Gianh của Đằng Phương. Người Pháp đã sớm biết sử dụng vũ khí chia rẽ Bắc -Trung- Nam để cai trị Việt Nam. Người viết những dòng chữ này là nhân chứng trong nhiều biến động ở đất Sài Gòn từ cuối thập niên 1940 đến năm 1957. Tác giả chứng kiến cuộc duyệt binh sau ngày Trưng cầu dân ý 23/10/1955 ở Sài Gòn. Ông Tổng thống Ngô Đình Diệm mặt bộ vét trắng, đứng trên xe geep,mui trần,chạy chậm trên đường Trần Hưng Đạo từ hướng Chợ Lớn về Sài Gòn. Tổng thống họ Ngô có khuôn mặt hiền và nghiêm nghị, giơ tay chào mọi người. Còn tác giả lúc đó là thằng nhỏ bụi đời đứng ngay hàng đầu ngã tư Camette và Trần Hưng Đạo chỉ cách Tổng thống vài bước chân. Hơn nữa, tác giả đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình kêu gọi Bắc tiến sau 1954 giữa đất Sài Gòn.
Trong chương trình “Ông Nguyễn Cao Kỳ và hòa giải dân tộc”, ông Nguyễn Cao kỳ nói về việc Bắc tiến : “Tôi và họ ( các anh ở hải ngoại ) đã không làm được việc đó, những người anh em phía bên kia đã làm được. Bây giờ mình phải chấp nhận lịch sử “ .
Tác giả hiểu khát vọng thống nhất đất nước mà tiêu biểu là bài thơ “Hận sông Gianh” đã hình thành tư tưởng Bắc tiến để thống nhất đất nước. Và cũng chính khát vọng thống nhất đất nước đã thúc dục trái tim ông Nguyễn Cao Kỳ chọn lựa con đường trở về Việt Nam hợp tác, xây dựng đất nước.
Tôi muốn viết những dòng này để thế hệ trẻ hiểu rằng lịch sữ Trịnh -Nguyễn phân tranh đã dạy người Việt Nam chống lại mọi hành vi chia cắt Việt Nam. Nếu không có cuộc chiến Nam tiến, thì chắc chắn sẽ có cuộc chiến Bắc tiến. Những người miền Nam ra Bắc như chúng tôi đều nuôi ý chí, chọn hành trình cho sự thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Văn Thiệu trước khi từ giã cuộc đời cũng dùng từ “Ngàn năm một thuở ” để chỉ cơ hội người Việt hảy cùng nhau hợp tác xây dựng đất nước. Đó là tấm lòng của những người yêu nước dù rất nhiều khác biệt về chính trị.
Chuyện một nữ nhà văn khóc sau ngày thống nhất đất nước giữa đường Hàm Nghi đất Sài Gòn và tự cho là mình bị lừa dối. Đó là sự nhận thức riêng của nhà văn. Còn người viết những dòng này từng ra đi từ đường Hàm Nghi đất Sài Gòn năm 1957 và không ân hận với số phận đã dẩn dắt vào con đường Nam tiến, thực hiện mục tiêu thống nhất đất nước.
Lịch sử đã tạo ra nhiều khác biệt về chính trị trong cộng đồng người Việt Nam, nhưng người Việt đều có chung một khát vọng là xây dựng một đất nước Việt Nam thống nhất, độc lập hùng cường. Tôi viết những dòng này muốn nhắn đến thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại biết rằng khát vọng thống nhất đất nước là khát vọng không chỉ từ những người của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà cả từ những người Việt Nam Cộng hòa. Vì vậy, thống nhất đất nước là thành quả chung của cả dân tộc. Vấn đề còn lại là Việt Nam cần một nền cộng hòa thật sự đúng với bản chất của nó để mọi người có quyền sống, quyền mưu cầu hành phúc như trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945.
Vì vậy việc chia rẽ người Việt với nhau không chỉ là một thứ văn hóa độc hại mà là một loại tội ác !
Cái bẩy đất đai, ngân hàng và quyền lực
Để có thể tồn tại, con người phải sản xuất hay làm dịch vụ. Muốn vậy, con người phải dựa vào 3 thứ : Lao động cơ bắp, Tài nguyên thiên nhiên và Tài nguyên trí tuệ. Các yếu tố sau đem lại lợi nhuận nhiều hơn yếu tố trước. Đất phương Nam với Tài nguyên thiên nhiên quá phong phú nên người Việt phương Nam xưa thường ít nghĩ suy về giàu hay nghèo. Vì ai chịu khó là có thể làm giàu.Vì vậy người Việt phương Nam thường tôn trọng cuộc sống riêng tư của người khác. Thậm chí họ coi những người quá lo xa , lo tích lũy là sự phí phạm một cuộc đời tự do. Chuyện công tử Bạc Liêu, chuyện giàu có của dân miền Tây Nam bộ xưa … là thiên đàn không chỉ của người miền Trung và cả những người ở miền Đông Nam bộ xưa. Có lẽ với môi trường sống đầy đũ đó, những người Nam Bộ khó mà chịu đựng được cuộc sống khó khăn ở những vùng kinh tế khó khăn và bị kiểm soát theo tiêu chí của những người cộng sản xưa. Nhiều cán bộ Nam bộ tập kết ra Bắc chỉ ước mơ trở về quê sống với mảnh vườn đầy ắp rau, trái … Nhưng khi Tài nguyên thiên nhiên đã trở thành hàng hóa, Nam bộ đâu chỉ cung ứng thực phẩm cho một số người … mà cho cả thế giới. Thiên nhiên Nam bộ lại trở nên nhỏ bé trong hành trình tìm lợi nhuận của những con người hiện đại. Những đại gia theo kiểu truyền thống của đất Sài Gòn xưa, khó mà tránh những cái bẩy làm giàu bằng cách chiếm hữu tài nguyên hay công quỹ. Vì vậy chuyện đất đai, ngân hàng, quyền lực … đã trở thành những cái bẩy đốt sạch những danh gia, vọng tộc.
Để thoát cái bẩy đó, nền giáo dục của Việt Nam cần đi trước và dạy con người biết sử dụng Tài nguyên trí tuệ , biết chọn sự tự do trong khuôn khổ ước lệ chung của cộng đồng. Quyền tự do sống trong ngày hôm nay và không cần biết quyền tự do trong ngày mai của những con người đi khai hoang đã không thể tiếp tục tồn tại trong một xã hội pháp quyền.
Trong xã hội Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, để đưa một tội phạm ra Tòa thì đó là điều ai có quyền lực cũng có thể làm được. Nhưng điều khó hơn và tốn rất nhiều công sức hơn đó là cần một thể chế, biến những con người có thể thành tội phạm trở thành những người hữu ích cho xã hội. Những ai cầm súng vì yêu con người thì chuyện đầy đọa con người là điều xa lạ. Vì vậy chống tham nhũng là một quá trình thay đối nền văn hóa, nó cần thời gian và rất nhiều công sức của cả cộng đồng.
KS Doãn Mạnh Dũng