Luồng Định An ngốn chi phí nạo vét khổng lồ

Đê vỡ thực ra là cái bờ kè
Thưa ông, vì sao phải thực hiện dự án mở tuyến mới cho tàu biển vào sông Hậu mà không tận dụng luồng Định An bằng việc nạo vét?
Trong nhiều năm qua, Bộ GTVT đều chỉ đạo các đơn vị chức năng khảo sát, xem xét lựa chọn tuyến luồng ở cửa Định An để nạo vét, duy tu với độ sâu tối ưu cho tàu lớn vào sông Hậu. Kết quả cho thấy, độ sâu sau khi nạo vét chỉ duy trì được một hoặc hai tháng. Nhiều lúc nạo vét xong, thả phao dẫn luồng thì tuyến luồng đã bị dịch chuyển ra ngoài phạm vi phao luồng. Tình trạng này cứ liên tục lặp đi lặp lại. Điều này cực kỳ nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào.
Liên tục trong 20 năm qua, nhiều nghiên cứu đã được các chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện. Chẳng hạn như: Nghiên cứu khả thi luồng vào sông Hậu của Haecon, Vương quốc Bỉ, năm 1995-1999; Nghiên cứu khả thi luồng tàu qua kênh Quan Chánh Bố của Liên danh SNC-Lavalin International, Canada & Royal Haskoning, Hà Lan & Delft Hydraulics, Hà Lan & Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng – Kỹ thuật Biển (Portcoast) năm 2002-2005; Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện năm 2003- 2007; Thiết kế kỹ thuật luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu do Liên danh Portcoast-Nippon Koei, Nhật Bản -Viện Thủy lực Đan Mạch DHI thực hiện năm 2008-2013….
Các kết quả nghiên cứu đều đưa đến một kết luận là: Phương án đưa tàu lớn vào sông Hậu qua cửa Định An là không khả thi và không hiệu quả, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của ĐBSCL.
Theo ông, việc mở tuyến mới vào sông Hậu qua kênh Tắt và kênh Quan Chánh Bố liệu có bị bồi lắng như cửa Định An không? Các đo đạc đã được tính toán thế nào?
Việc cho tàu đi trên kênh Quan Chánh Bố cũng đã được nghiên cứu nhưng không khả thi. Cuối cùng phương án được chọn đi bằng kênh này và ra cửa biển bằng cách đào thêm một kênh Tắt dài 9km. Để nghiên cứu, Portcoast sử dụng “mô hình dòng chảy“ của dòng nước và mô hình “Vận chuyển và khuếch tán bùn cát“. Đây là phần mềm tiên tiến được Viện Thủy lực Đan Mạch ứng dụng nhiều năm. Qua nghiên cứu, lượng bùn từ sông Hậu đổ ra cửa biển nhiều nhất tập trung vào cửa Định An và cửa Trần Đề. Còn khu vực kênh Tắt, lượng bùn cát đổ ra là nhỏ nhất.
Nói như vậy thì việc làm đê chắn sóng có cần thiết không? Có nguy cơ vỡ như ở Trà Vinh không?
Việc làm đê chắn sóng là cần thiết và phải làm để kéo dài luồng cho tàu ra vào, nếu không làm thì không giữ được luồng. Trên thế giới người ta cũng làm như thế. Lúc đầu dự án thiết kế 2 đê chắn sóng kéo ra ngoài. Sau đó dự án Trung tâm điện lực Duyên Hải triển khai cũng nghiên cứu xây 2 đê chắn sóng. Tư vấn đã đưa ra phương án kết hợp cùng Cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải, từ phương án 4 đê như ban đầu rút còn 2 đê sau khi phối hợp. Hiện đê phía Bắc do Trung tâm điện lực Duyên Hải đang triển khai xây dựng, đê Nam chưa tiến hành.
Còn cái kè vừa bị vỡ ở Trà Vinh thực chất chỉ một bờ bao do Trung tâm điện lực Duyên Hải xây tạm để họ san lấp mặt bằng, sau khi san mặt bằng xong thì bờ bao này cũng được phá dỡ.
Bao nhiêu tiền nạo vét cho đủ?
Có ý kiến cho rằng, các đánh giá tác động môi trường được cho là chưa thực hiện đầy đủ, các số liệu đo đạc thực tế, các nghiên cứu để đánh giá luồng mới vào sông Hậu sẽ ra sao trong khoảng 5 -10 năm nữa cũng chưa thực sự thuyết phục? 
Về ý kiến cho rằng tại sao dự án không trình Bộ TN&MT phê duyệt mà lại trình Bộ GTVT phê duyệt? Ở đây cần nói rõ là theo Luật Bảo vệ môi trường 2005 và Nghị định hướng dẫn thực hiện của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ TN&MT, Nghị định 16/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý công trình xây dựng cơ bản, Chủ đầu tư chỉ phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong giai đoạn nghiên cứu khả thi. Trước đây, Ban Quản lý các dự án đường thủy đã thẩm định Báo cáo ĐTM với Sở TN&MT tỉnh Trà Vinh (vì dự án chỉ nằm trong phạm vi tỉnh Trà Vinh) và sau đó là văn bản chấp thuận Báo cáo của Bộ TN&MT. 
Việc đội tổng mức đầu tư dự án lên hơn 3,2 lần là vì lý do gì? Chi phí này so với chi phí nạo vét luồng Định An thì phương án nào tốn kém hơn?
Tổng mức đầu tư của dự án ban đầu được Bộ GTVT phê duyệt năm 2007 là 3.148,5 tỷ đồng. Còn tổng mức đầu tư điều chỉnh ngày 9/8/2013 là 9.781,2 tỷ đồng. Sở dĩ tổng mức đầu tư tăng là do tất cả các chi phí đều tăng. Trong đó lớn nhất là chi phí dự phòng tăng từ 286,2 tỷ đồng lên 2.742,5 tỷ đồng, tăng 35,9%. Do quy định mới, phí dự phòng tính bằng 10% khối lượng cộng dự phòng trượt giá trong suốt thời gian thực hiện dự án. Ngoài ra, chi phí trượt giá cũng tăng 45%… Còn chi phí tăng do thay đổi khối lượng chỉ tăng 19,2%.
Như đã phân tích ở trên, luồng Định An là luồng không ổn định, nếu có nạo vét thì chỉ sử dụng được 2 tháng nên chi phí duy tu luồng là khổng lồ. Theo bảng giá về nạo vét luồng Định An do Cục Hàng hải tính toán năm 2012 thì nạo vét 1 triệu m3 tiêu tốn khoảng 150 tỷ đồng, nhưng luồng cũng chỉ dùng trong 2 tháng. Như vậy với tổng mức đầu tư dự án là trên 9.781,2 tỷ đồng thì chỉ bằng khoảng 60 lần nạo vét cho chục năm sử dụng luồng Định An!
Đó là chưa kể nếu nạo vét 1 triệu m3 thì chỉ đào ở độ sâu 4,5m, cho tàu 5.000 tấn vào, khoảng 2 tháng sau bồi lắng có khi lên đến 3 triệu m3. Trong khi dự án chúng ta đang thực hiện là cho tàu trên 10.000 tấn đầy tải hoặc 20.000 tấn vơi tải và sử dụng lâu dài về sau.
Cảm ơn Tiến sĩ!
Phan Tư (Ghi)
Ông Trần Doãn Thọ – Chủ tịch VAPO:
ĐTM luồng sông Hậu do những đơn vị mạnh nhất VN làm
Liên quan đến vấn đề thẩm quyền cũng như chất lượng Báo cáo ĐTM dự án luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu, trong buổi làm việc giữa Bộ GTVT và ông Nguyễn Ngọc Trân, ông Trần Doãn Thọ, Chủ tịch Hội cảng đường thủy và thềm lục địa VN (VAPO), nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT đã khẳng định Báo cáo ĐTM dự án luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu rất có chất lượng.
Ông Thọ cho biết, dự án có 2 báo cáo đánh giá tác động môi trường. Báo cáo đầu tiên là đánh giá tác động môi trường sơ bộ. Báo cáo này đã được Bộ TN&MT khẳng định là trong báo cáo “các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường được thể hiện đầy đủ đối với từng đối tượng bị tác động, tuy nhiên, đây chỉ được xem là những đề xuất mang tính định hướng“.
Báo cáo ĐTM thứ 2 là báo cáo chi tiết được Bộ GTVT phê duyệt tháng 10/2009. “Báo cáo này được thực hiện bởi 6 đơn vị mà theo đánh giá của tôi là 6 đơn vị mạnh nhất VN về môi trường. Đó là Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường trực thuộc Bộ TN&MT đã phối hợp cùng Trung tâm Ứng dụng Công nghệ và Bồi dưỡng nghiệp vụ khí tượng thủy văn và môi trường (HYMETEC), Viện TN&MT biển Hải Phòng (HIMRE), Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (IBRE), Viện Khoa học Xã hội, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, Sở TN&MT tỉnh Trà Vinh lập ĐTM chi tiết. Qua rất nhiều góp ý, Báo cáo ĐTM đã được Bộ GTVT tổ chức thẩm định và phê duyệt tại Quyết định số 3153/QĐ-BGTVT ngày 29/10/2009 theo đúng quy định. Ông Trần Văn Dung – Phó Tổng Thư ký VAPO:
Đừng hy vọng tàu 1 vạn tấn qua cửa Định An
Khẳng định việc lựa chọn vị trí cửa kênh Tắt là phương án luồng tối ưu nhất hiện nay, Phó Tổng thư ký Hội cảng đường thủy và thềm lục địa Việt Nam (VAPO) Trần Văn Dung nhấn mạnh: Đừng hy vọng có thể cho tàu 1 vạn tấn qua cửa Định An. Chính VAPO cũng đã tổ chức Hội thảo ngay tại Cần Thơ về vấn đề luồng cho tàu lớn vào sông Hậu và cảnh báo đừng hy vọng cải tạo tuyến luồng này. 
Theo ông Dung, có ít nhất 10 đơn vị, cả trong và ngoài nước, đã nghiên cứu việc nạo vét luồng Định An và chứng minh luồng này không thể cho tàu 1vạn tấn vào làm hàng được. Việc này hoàn toàn không khả thi do đặc điểm tuyến luồng qua cửa Định An là tuyến luồng động, chịu ảnh hưởng khắc nghiệt giao thoa của các yếu tố sông và biển. Công tác nạo vét duy tu và ổn định luồng rất khó khăn, thời gian duy trì độ sâu luồng sau nạo vét chỉ từ 1-2 tháng rồi lại bị bồi lấp trở về hệt như cũ.
Cũng theo ông Dung thì một số nhà khoa học, trong đó có ông Nguyễn Ngọc Trân đã nói đi nói lại về chuyện này nhiều rồi. “Họ cứ nói vo thế chứ có nghiên cứu đâu. Trong khi đó các tổ chức tư vấn nổi tiếng trên thế giới đã nghiên cứu. Tư vấn SNC Lavalin (Canada), Tư vấn Heacon (Bỉ)…, toàn những tổ chức tư vấn nổi tiếng thế giới đều đã vào cuộc và lắc đầu với cửa Định An“ – ông Dung chia sẻ.
Thanh Bình (Ghi)
Nguồn : http://giaothongvantai.com.vn/giao-thong-phat-trien/ha-tang/201311/luong-dinh-an-ngon-chi-phi-nao-vet-khong-lo-412080/