Má tôi- người mẹ trong những năm tháng khói lữa !

Từ Khánh Hòa tôi ra Hà nội để gặp ông Bùi Kiến Thành – nguyên là Đại điện Ngân hàng của Việt Nam Cộng hòa thời Tổng thống Ngô Đình Diệm ở Hoa Kỳ – vào chiều thứ Năm ngày 24/3/2005 để bàn chuyện vận động đưa tàu chiến Mỹ vào sữa chữa và cung ứng dịch vụ tại vịnh Cam Ranh. Khi đó văn phòng của ông Bùi Kiến Thành gần đê Yên Phụ. Tôi không nghĩ đó là cơ hội gặp má cuối cùng mà tôi đã đánh mất vì khát vọng tìm kiếm cơ hội hợp tác với Mỹ.

 

Sáng ngày 25/3/2005, em tôi báo tin má đã mất lúc 05:00 sáng ngày 25/3/2005 tức ngày 16 tháng 3 năm Ất Dậu. Trưa cùng ngày tôi đã trở về Sài Gòn nhưng không còn cơ hội vĩnh biệt má.

Nhưng tôi hiểu, má tôi luôn luôn nhắc tôi phải sống có ích cho xã hội. Khi nhỏ má thường ru :

Làm trai cho đáng nên trai,

Phú Xuân cũng tỏ, Đồng Nai cũng tường.

Má tôi sinh 1/5/1919 tại Bình Trước, Biên Hòa, với tên khai sinh là Huỳnh Thị Muội. Má là người con thứ chín và có cả em trai. Ông ngoại tôi là người Hoa từ Quảng Châu sang Biên Hòa lập nghiệp bằng nghề làm thuốc. Nếu đến chợ Biên Hòa, căn nhà đối diện với chính giữa chợ là nhà thuốc bắc mang hiệu Bang Tân của ông ngoại. Nay căn nhà trên khắc chữ Huỳnh Hiệp là cháu nội của ông Bang Tân. Bà ngoại tôi là người Việt, gốc ở Tân Ba – Bình Dương bây giờ. Ông bà cố, bên ngoại là người Việt, tham gia xây dựng đình Tân Ba và mộ của ông bà cố ngoại hiện cũng ở khuôn viên đình Tân Ba. Má tôi học không nhiều nhưng sử dụng tiến Pháp khá thành thạo. Bà không biết tiếng Hoa.

Tôi hơi dài dòng về má để nói một chuyện đặt biệt về người phụ nữ nhỏ bé nhưng đã vượt qua những thác ghềnh trong kiếp làm người.

Khi ba tôi – Doãn Tấn Nghiệp- từ sĩ quan của Pháp ở sân bay Biên Hòa đã tham gia cách mạng và từ đầu năm 1945 và trở thành người chỉ huy, huấn luyện đội du kích đầu tiên của chiến khu Đ. Mọi sự tiếp tế cho cha tham gia cách mạnh đều từ đôi vai nhỏ bé của má tôi.

Khi ba tôi bị Pháp bắt và buộc đưa về Sài Gòn quản thúc, cũng một tay má tôi chạy vại để giữ sự sống của chồng ở nhà giam Catina.

Khi ba tôi ra Tòa, cũng một tay má tôi phải thuê Luật sư Nguyển Hữu Thọ cãi giúp để ba khỏi bị đày ra Côn Đảo. Tiền thuê Luật sư thời năm 1952 là một  ngàn ba trăm năm mươi đồng tiền Đông Dương ( 1350 Đ ) vì theo Luật, văn phòng Luật sư phải nộp thuế. Tôi đã tham gia phiên Tòa xử ba tôi và đồng đội tại Tòa Đại hình Sài Gòn.

Trong chín năm kháng chiến, ba tôi bị bắt ba lần và gần như ở tù suốt chín năm. Giữa Sài Gòn, một mình má tôi mở cửa hàng tạp hóa và cả giặt ủi để nuôi sáu người con, vừa lo thăm nuôi chồng trong lao tù. Má phải làm việc cật lực từ sáng sớm đến tối. Đến khuya, 12 giờ đêm lại còn phải ra phông-tên nước ở đường Nguyển Thiệt Thuật, Quận 3 gánh nước vì khi đó vắng người.

Khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 ký kết, ba tôi được trao trả ra Bắc. Má nhận được thiệp từ Hà Nội gửi qua Pháp, báo tin ba còn sống, đã tìm cách đưa cả gia đình ra Bắc. Thằng em út tên Thành bị bệnh thương hàn và mất khi nó mới lên năm, lúc ba đang ở tù.

Chuyến vượt biên từ Nam ra Bắc của gia đình tôi là chuyến đi hiếm có trong lịch sử vượt biên ở Việt Nam. Má và năm chị em , tất cả sáu người đều đi chung vừa an toàn nhất và thời gian ngắn nhất. Má bí mật bán nhà, rời Sài Gòn đi xe hơi lên Pnôm Pênh vào tháng 7 năm 1957 và ra Hà Nội vào tháng 12/1957. Khi đó chị Hà lớn nhất mới 16 tuổi, anh Hùng 14 tuổi, tôi 12 tuổi, em Hải 10 tuổi và thằng Đạt mới 7 tuổi. Má làm thủ tục cho cả gia đình đi nghĩ hè tại Pnom Pênh, sau đó làm hộ chiếu mới tại Pnom Pênh và ra Hà Nội bằng chuyến bay từ Pnom Pênh – Viên Chăn- Gia Lâm ( Hà Nội ).

Trên thế giới này có nơi đâu như má tôi  vừa phải nuôi đàn con nhiều miệng ăn, vừa lo cho chúng học hành đầy đũ, vừa  phải cung cấp tài chính cho  chồng đi chiến đấu, nuôi chồng khi bị giặc bắt, bõ tiền thuê luật sư để cứu chồng  lúc hoạn nạn giữa pháp đình. Không những thế má tôi đã đưa đàn con vượt hàng ngàn cây số để gia đình đoàn tụ. Đó là người mẹ tuyệt vời của chị em gia đình chúng tôi,

Những thành tựu nghiên cứu khoa học của tôi không thể so sánh với những thành công khác thường của má tôi trong những năm  tháng khói lữa lan tràn ở mọi miền Việt Nam. 

Chỉ có người mẹ  trí tuệ , nghị lực và văn hóa  mới có thể  thành công như vậy. Nhiều người miền Nam hoàn toàn bất ngờ với con đường tự lựa chọn của má tôi.

Lịch sử chiến tranh và chia cắt đất nước Việt Nam đã chứng minh nhiều sự mất mát, gia đình tan nát. Cảnh chồng đi tù, gia đình phải tan đàn sẽ nghé. Chồng tham gia cách mạng rồi thêm vợ , thêm con. Vợ ở nhà hoặc đi bước nữa hoặc bõ con bơ vơ, vô học. Nhưng với sự chèo chống của má, gia đình tôi đã vượt qua nhiều bão tố. Ba má đã sống thủy chung bên nhau lúc hoạn nạn trong sự tận cùng của kiếp người. Ba mất khi thọ 93 tuổi, má mất khi thọ 87 tuổi. Riêng anh ba Hùng, sau khi học khóa Tài chính khóa 1 đã trở về Ban kinh tài Long An và hy sinh khi bị phục kích vào ngày 25/2/1975. Tôi tự hiểu, để có sự thống nhất đất nước, sự hy sinh của người thân là tất yếu. Vấn đề quan trọng là người còn sống phải làm gì để không hổ thẹn với những người đã hy sinh !

Không thể gặp và chia sẽ với má lúc lâm chung, nhưng tôi hiểu má luôn luôn bên tôi và khuyến khích tôi vươn lên, đối mặt với mọi thử thách của cuộc đời vì trách nhiệm làm trai với đất nước.

Nhân ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3/2020 , cùng thời gian ngày giổ của má ngày 9/3/2020, đúng lúc tàu sân bay USS Theodore Roosevelt thăm Đà Nẵng từ 5/3/2020 đến 9/3/2020 xin có đôi lời :

Khát vọng Việt Nam hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ để bảo vệ chủ quyền Việt Nam đã đánh mất cơ hội con về vĩnh biệt má lúc lâm chung, nhưng khát vọng trên đã thành hiện thực hôm nay. Đất nước đang từng bước tiến tới văn minh. Đó là niềm vui lớn của những con người đã suốt đời gắn bó với đất nước.

Nhân ngày giổ má, con muốn kể lại vì sao con không thể về kịp để vĩnh biệt má. Mong má an nghĩ vĩnh hẵng.

Kính,

Con trai của má

Doãn Mạnh Dũng