Mũi Cà Mau chỉ được bồi thêm chứ không biến mất!-

Mũi Cà Mau chỉ được bồi thêm chứ không biến mất!-

Khi phù sa ra biển thì động lực nào là động lực chủ yếu sắp xếp sa bồi? Gió, sóng là những động lực quan trọng, nhưng động lực chính là dòng hoàn lưu chảy tầng đáy. Dòng này hình thành vì có sự chênh lệch nhiệt giữa cực Trái đất và xích đạo. Sự chênh lệch nhiệt giữa cực bắc và xích đạo đã tạo ra dòng chảy tầng đáy từ bắc xuống nam (gọi tắt là dòng bắc nam).Còn dòng tầng mặt chảy từ nam lên bắc không ảnh hưởng đến bờ Biển Đông Việt Nam mà chỉ ảnh hưởng đến bờ biển tây nam Việt Nam. Vì Trái đất quay từ tây sang đông nên dòng tầng đáy vừa di chuyển theo hướng từ bắc xuống nam vừa di chuyển từ đông sang tây. Vì dòng chảy tầng đáy, nên khi vào gần bờ thì có xu hướng dồn phù sa tầng đáy đẩy lên bờ. Khi phù sa đã lên bờ thì nhờ gió dồn lên cao thành những đụn cát cao hàng chục mét như ở vịnh Vân Phong. Chính vì đặc điểm trên của dòng hải lưu nên mũi Cà Mau cong về hướng tây.
Cơ hội để mở rộng lãnh thổ Việt Nam về hướng nam…
Khi Trái đất nóng dần thì dòng bắc nam càng mạnh. Sự thay đổi này làm thay đổi sự cân bằng bờ Biển Đông Việt Nam. Có nghĩa là bờ Biển Đông sẽ bị lở mạnh để tạo ra sự cân bằng mới. Vì tốc độ Trái đất không thay đổi nên tốc độ dòng theo hướng quán tính từ đông sang tây không đổi. Vì vậy khi Trái đất ấm dần thì dòng bắc nam sẽ mạnh lên, đưa sa bồi về mũi Cà Mau nhiều hơn và có xu thế kéo dài mũi Cà Mau nhanh hơn.
Khi nghiên cứu địa hình Nam bộ, chúng ta thấy sát bờ Biển Đông có những giồng cát cao hơn vùng đất phía bên trong. Sự hình thành những giồng cát này là từ nguyên lý di chuyển của dòng bắc nam. Vì vậy khi nước dâng, một sự cân bằng mới hình thành. Cũng sẽ xuất hiện các giồng cát mới ven biển bao bọc các vùng trũng phía trong lục địa. Như xưa kia vùng đất Nam bộ đã bao bọc tạo nên Biển Hồ ở Campuchia và hồ Đồng Tháp Mười.

 

Với mũi Cà Mau, chúng ta cần có ý thức lấn biển để mở rộng bờ cõi. Cách làm đơn giản nhất là trồng rừng, bảo vệ rừng. Tích cực hơn, chúng ta nên dùng thân cây dừa già đóng cọc theo hướng đông bắc – tây nam ở vùng cực nam, nơi chưa có rừng ngập mặn. Dùng loại dừa già, hết thời gian thu hoạch, cao trên 10 m. Nguồn vật tư này rất phong phú ở Nam bộ. Mỗi năm đóng 2 km với 2.000 cây dừa, mỗi cây cách nhau 1 m. Thân cây dừa tạo nên các điểm bám cho phù sa và giúp phát triển nhanh mũi Cà Mau về hướng nam. Sự phát triển mũi Cà Mau về phía nam sẽ nâng cao vai trò nhiều mặt của Việt Nam trong cộng đồng các nước khu vực vịnh Thái Lan.
Với quan điểm trên, vịnh Thái Lan có xu hướng sẽ bị bịt kín ở cửa phía đông, như vậy vịnh Thái Lan sẽ bị ngọt hóa trong tương lai. Có lẽ giải pháp ổn định môi trường của vịnh Thái Lan sẽ là sự lưu thông giữa hai biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua kênh Kra của Thái Lan. Nó không những có ý nghĩa cân bằng nồng độ muối trong vịnh Thái Lan mà còn có ý nghĩa trong giao thông giữa Đông Á với Trung Đông và châu Âu. Cũng với mô hình trên, ta thấy luồng tàu biển từ Biển Đông vào vịnh Thái Lan trong tương lai sẽ gặp khó khăn vì dòng bắc nam.
Trước mắt để bảo vệ bờ Biển Đông Việt Nam, nhà nước cần có đạo luật nghiêm khắc bảo vệ rừng ven bờ Biển Đông. Với mũi Cà Mau, chúng ta cần coi sự khó khăn khi Trái đất ấm dần thành cơ hội để mở rộng lãnh thổ Việt Nam về hướng nam.
KS. DOÃN MẠNH DŨNG (Hội khoa học kỹ thuật kinh tế biển TP.HCM)(Theo Báo KHPT số 18/11(1444) 20-0502011)