Ngày 16-6-2011 Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế Biển TPHCM ra TUYÊN BỐ như sau :

Ngày 16-6-2011 Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế Biển TPHCM ra TUYÊN BỐ như sau :
– Hội cực lực phản đối hành động nói trên của các tàu phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); đồng thời vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc cũng đã đi ngược lại cam kết tại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002, cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, làm tổn hại nghiêm trọng đến tình hình hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Hoa. 
– Hội kêu gọi phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc là nước thành viên, cũng như Luật pháp quốc tế liên quan; thực hiện nghiêm túc các cam kết được nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; bồi thường những tổn thất mà các tàu của Trung Quốc đã gây ra cho tập đoàn Dầu khí Việt Nam. 
– Hội luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt-Trung, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, vì lợi ích của hòa bình, an ninh và hợp tác trong khu vực. 
Hội hoàn toàn ủng hộ thái độ cương quyết, mềm dẻo của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa và bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước của Liên hiệp quốc năm 1982. Qua vụ việc trên Hội xin đóng góp một số đề xuất lên Chính phủ và Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam như sau: 
Thứ nhất, cần đưa các sự kiện tàu Bình Minh 02 ngày 26/5/2011 và tàu Viking II ngày 9/6/2011 bị các tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn và cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên biển Đông ra Hội đồng trọng tài kinh tế thế giới. 
Thứ hai, Quốc hội Việt Nam cần sớm ban hành Luật Biển Việt Nam để có cơ sở pháp lý bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước; cần xem xét lại chiến lược Biển quốc gia đảm bảo tính khả thi và tăng nhanh sức mạnh phát triển kinh tế Biển Việt Nam. 
Với chức năng tư vấn, phản biện, giám định xã hội, nghiên cứu khoa học và phổ biến những vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế và bảo vệ môi trường biển…Hội KHKT và Kinh tế Biển TPHCM mong muốn được đóng góp sức mình vào công cuộc bảo vệ và phát triển kinh tế Biển quốc gia. 
HỘI KHOA HỌC KỸ THUẬT VÀ KINH TẾ BIỂN TPHCM