Người Việt Nam có đủ tố chất tiến ra biển lớn không ?

Trở lại công việc trên tàu, bạn hiểu sự an tòan của chính bạn không chỉ ở sự chăm chỉ, lòng dũng cảm và kỹ năng sống của bạn mà rất phụ thuộc vào những đồng đội của bạn trên con tàu. Hiện thực dạy cho bạn biết sống và tồn tại theo nhóm. Nhiều ngày lang thang trên biển , nghe một tiếng hát, một tiếng nói của ai đó … sẽ là nổi mong nhớ và khao khát tình người của bạn. Nghề đi biển dạy cho con người những đức tính tốt đẹp nhất. Đó là đức tự tin,quyết đóan, tình yêu thương con người và biết hợp tác giữa con người và con người. Đó là những đức tính hùng ca của phái mạnh. Cho nên có câu hát của nhạc sĩ Hoàng Vân, thơ của nhà thơ Mai Liên  trong bài “Tâm tình người Thủy thủ ” : “Nếu có chàng trai chưa từng qua sóng gió…có lẽ nào xứng với tình em”.
Nếu bạn đã đi biển, bạn sẽ đủ tinh thần và ý chí để sống một cuộc đời không nhàm chán với sự say mê vô tận, lòng khao khát khám phá và biết tận hưởng những niềm hạnh phúc dù nhỏ nhoi như lúc về già không thể ra biển phải ngồi ngắm mặt nước phẵng lặng của một dòng sông.
Để phát triển kinh tế biển, ngành hàng hải là một mũi nhọn. Vì sức mạnh hàng hải không chỉ giúp phát triển giao thông hàng hải, khai thác các tài nguyên biển và còn là lực lượng bảo vệ tự do và an tòan hàng hải. Nhiều người lo lắng Việt Nam vốn là dân “lúa nước” nên không quen nghề đi biển. Nhưng với tôi, dân Việt Nam có đầy đủ tố chất của những người đi biển.
Tôi may mắn gặp và biết thuyền trưởng Nguyễn Công Hệ (Capt. Hệ). Ông vốn là dân  Phủ Khoái – Hưng Yên. Đang học lớp 7 năm 1959 thì đi bộ đội hải quân, sau đó tự học và  thi vào Trung cấp hàng hải, Cao đẵng và tại chức Đại học hàng hải. Tốt nghiệp ông về dạy 10 năm tại Trung cấp hàng hải. Năm 1974 về Cục Đường biển đi tàu. Năm 1997 được  làm thuyền trưởng tàu biển. Ông đã hòan thiện được chính mình và thực hiện được hợp đồng dài hạn làm thuyền trưởng cho tàu Nhật liên tục trong ba kỳ kéo dài gần năm năm. Chỉ huy một con tàu chuyên chở hàng bách hóa gần năm năm trời, chạy ngày đêm từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á ghé rất nhiều cảng, nhiều nước khác nhau  nhưng mọi việc trôi chảy … Nhờ đó mà ông có thu nhập nuôi các con ăn học, trưởng thành và cũng tích lũy sống những năm tháng tuổi già.
Để có thể thành công với cương vị thuyền trưởng, trước hết việc điều hành con tàu phải trở thành một nghệ thuật. Nhưng muốn biết đủ các thông tin về khí tượng thủy văn để đưa vào điều động con tàu phải cần biết cách lấy thông tin và biết cách đọc tiếng Anh. Tàu chở hàng bách hóa, các hợp đồng thay đổi mỗi chuyến, thuyền trưởng lại phải biết đọc hợp đồng để hiểu trách nhiệm và quyền lợi các bên. Từ ngoài khơi, thuyền trưởng phải liên lạc với chủ tàu, chủ hàng, hoa tiêu, các cơ quan liên quan tại cảng để điều động tàu. Nhu cầu nói và nghe tiếng Anh trở thành nhu cầu tất yếu như bữa cơm hàng ngày.
Để có thể làm thuyền trưởng, ông đã nghiên cứu khá sâu về lý thuyết điều động tàu, tâm quay của con tàu… Tất cả với ông đã thành một nghệ thuật.
Để có thể tiếp cận với quốc tế, ông phải tự học tiếng Anh. Chẵng có cơ hội đến trường, Capt. Hệ đã tìm những cuốn sách dạy Anh văn từ đóng sách cũ ở ven đường Calmette- Sài Gòn. Không trường lớp, không thầy dạy, ông tự tập đánh vần bằng cách đặt lưỡi, môi, răng như hình vẽ trong sách. Sự kiên trì và ý chí quyết tâm lập nghiệp từ nghề đi biển đã giúp ông thành công. Từ giữa biển, ông có thể nói chuyện với chủ tàu, hoa tiêu, chính quyền cảng bằng ngôn ngữ tiếng Anh chuẩn xác không thể hiểu nhầm. Không chỉ nói tốt tiếng Anh, ông có thể đọc và hiểu các hợp đồng với trách nhiệm và quyền lợi của thuyền trưởng, các thông tin thủy,hải văn, các hướng dẩn của chính quyền cảng và chủ tàu…
Không chỉ đủ trí tuệ thực hiện chuyên môn, Capt. Hệ còn phải biết xử lý những tình huống bất ngờ khó lường trong quá trình quản lý thủy thủ Việt Nam.Có lần, tàu ông ghé vào cảng Hàn Quốc giao và nhận hàng. Một nhân viên Hàn Quốc xuống giao nhận hàng, trong lúc đi vệ sinh thì ba lô với các giấy tờ để ở phòng khách biến mất. Sự việc được báo cáo cho thuyền trưởng và thông báo tòan tàu nhưng không ai nhận. Tìm kiếm mãi không thấy. Anh chàng Hàn Quốc đành mời cảnh sát trên bờ xuống tàu can thiệp. Capt. Hệ tự mình đi tìm kiếm thì thấy cái ba lô nằm ở kho mũi không có khóa. Chiếc ba lô được trả cho anh chàng Hàn Quốc, nhưng anh ta tức mình và nhất định yêu cầu cảng sát xuống tàu làm rõ sự việc. Capt. Hệ không còn cách nào khác phải lấy biên bản và tự ghi : “Kẻ ăn cắp là thuyền trưởng Nguyễn Công Hệ.” Đến nước này, anh chàng Hàn Quốc đành xé biên bản và gọi điện cho cảnh sát hủy chương trình xuống tàu. Capt. Hệ hiểu rằng khi cảnh sát điều tra thì kế hoạch của con tàu có thể bị thay đổi và danh dự thuyền viên Việt Nam bị tổn thương.
Một lần khác, nhà vệ sinh bị nghẹt. Capt. Hệ yêu cầu nhân viên phục vụ trên tàu thông toa lét để tránh bị phạt. Tàu vào cảng, nhưng nhà vệ sinh vẩn bị tắt. Để tàu không bị phạt, Capt. Hệ tự thò tay móc toa lét. Mọi việc vượt qua, từ đó mọi người trên tàu tự thấy xấu hổ và có trách nhiệm việc giữ vệ sinh chung.

 

Với sự quán xuyến và lo xa, trước chuyến đi, mọi việc đều được chuẩn bị chu đáo. Nhưng khi bão tố, sóng gió lớn, sĩ quan say sóng những bất ngờ luôn luôn xảy ra. Khi đó Capt. Hệ lại bình tỉnh chỉ huy giải quyết và mọi việc đều vượt qua.
Với chủ tàu Nhật “thân nhưng không quen”, mọi việc cứ theo Hợp đồng. Thuyền trưởng mà gây ra bất cứ sự cố nào làm nhẹ túi  tiền của chủ tàu …thì chỉ có thể nhận ngay vé máy bay rời tàu. Có thuyền trưởng từng bị đuổi ngay khi lên bờ làm việc với đại diện chủ tàu và không cho phép quay về tàu tạm biệt đồng nghiệp.
Tôi hỏi Capt. Hệ :
– Sức mạnh nào mà anh có thể đạt được những thành công trên ?
Ông thản nhiên nói :
– Quê tôi đất bãi, cua đồng cũng không có mà ăn. Nên chết đuối không sợ bằng chết đói. Nhưng quan trọng hơn, mẹ tôi luôn dạy tôi rằng “Ra đường gọi trẻ bằng anh”.
Tôi hiểu ở ông  đó là sự khiêm nhường nhưng luôn luôn phải học tập và làm việc với trách nhiệm tận cùng của một con người có lòng tự trọng , đó là việc mà bất cứ một người bình thường nào cũng có thể làm được.
Từ sự thành công của Capt. Hệ, tôi tin rằng người Việt Nam có đầy đủ tố chất để đi biển kể cả với cương vị cao nhất là thuyền trưởng. Vấn đề là các trường Đại học hay Cao đẵng Hàng hải cần nâng cao chất lượng dạy học và Nhà nước cần có chính sách ưu đải với người đi biển vì họ đã hy sinh những tình cảm gia đình, chấp nhận nhiều rủi ro vì lợi ích lớn lao của nhân loại. Với tuổi trẻ, hoài bão lập thân, sống bằng lao động của chính mình lại được tiếp cận với những vùng đất lạ, những nền văn minh đa dạng … lại được rèn luyện từ kỹ năng và ý chí để có một cuộc đời đẵng cấp phượng hoàng thì nghề đi biển là con đường mà bạn nên chọn.
KS Doãn Mạnh Dũng