Rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế ven biển để tập trung đầu tư phát triển trong giai đoạn từ năm 2013- Vũ Đại Thắng (Bộ KHĐT)

Từ bài học thành công của các KCN, KCX, năm 2002, Chính phủ đã thí điểm, từng bước xây dựng và hình thành hệ thống các KKT ven biển để tận dụng những lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của đất nước cũng như áp dụng thể chế và chính sách kinh tế mới nhằm huy động tối đa nguồn nội lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững an ninh, quốc phòng.
Đến nay, cả nước có 15 KKT ven biển được thành lập, gồm 2 KKT ở vùng Đồng bằng sông Hồng; 10 KKT ở vùng Duyên hải miền Trung và 3 KKT ở đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù có quá trình hình thành và phát triển chưa dài nhưng một số các KKT đã thu hút được các dự án công nghiệp nặng, quy mô lớn trong lĩnh vực cơ khí, hoá dầu, nhiệt điện…, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế hướng biển, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển. Những ví dụ điển hình là công nghiệp cơ khí ô tô tại KKT Chu Lai, công nghiệp luyện kim tại KKT Vũng Áng, lọc-hóa dầu tại KKT Dung Quất, KKT Nghi Sơn,…
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, quá trình phát trỉen các KKT còn có một số vấn đề bất cập như chất lượng quy hoạch chưa tốt, phát triển quá nhanh về số lượng, đầu tư phát triển còn dàn trải ; cơ cấu đầu tư chưa hợp lý…. Trong đó, vấn đề bất cập chủ yếu là các KKT hiện vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách Trung ương, trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn và phải phân bổ cho nhiều KKT, chưa huy động nhiều các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển KKT.
Thực tiễn nêu trên đã dẫn tới một nhiệm vụ cấp bách là phải lựa chọn một số KKT ven biển có tiềm năng, thuận lợi nhất để tập trung nguồn lực triển khai thực hiện để sớm phát huy hiệu quả, tạo tác động tích cực lan toả cho khu vực xung quanh và toàn bộ nền kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chúng tôi ngay trong quá trình xây dựng kế hoạch năm 2012 đã có Tờ trình báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bộ tiêu chí tạm thời để có thể xác định nhóm các KKT trọng điểm và tiến hành phân bổ nguồn lực năm 2012 chủ yếu cho nhóm các KKT này.
Đồng thời, nhiệm vụ rà soát, lựa chọn các KKT để đầu tư tập trung trong giai đoạn tới cũng đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu tại Nghị quyết 470/NQ-UBTVQH13 ngày 27/2/2012 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các KKT, KKT cửa khẩu cũng như tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KKT, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp.
Sau một thời gian nghiên cứu, hôm nay, tôi xin phép được thay mặt cho nhóm nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin trình bày một số nội dung cơ bản của ”Đề án rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế ven biển để tập trung đầu tư phát triển trong giai đoạn từ năm 2013” để xin ý kiến của quý vị đại biểu trong Hội nghị để bổ sung, hoàn thiện Đề án để sớm trình Thủ tướng Chính phủ.
Do thời gian có hạn, tôi xin đi vào một số nội dung cơ bản nhất của Đề án.
Mục đích nghiên cứu của Đề án là đề xuất bộ tiêu chí khách quan, khoa học để đánh giá lựa chọn trong 15 KKT ven biển đã được thành lập một số KKT có tiềm năng, thuận lợi nhất; đề xuất các giải pháp và biện pháp tổ chức thực hiện để tập trung nguồn lực cũng như cơ chế chính sách phát triển các KKT được lựa chọn, làm tiền đề và động lực thúc đẩy các KKT còn lại phát triển trong giai đoạn sau.
Để có cơ sở xây dựng tiêu chí, chúng tôi đã rà soát, tổng kết thực trạng hoạt động của các KKT ven biển hiện nay, trong đó rút ra một số kết quả và đánh giá nhận xét như sau:
Thứ nhất, khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương phát triển các KKT. Với mô hình khác biệt so với KCN, KCX cả về quy mô và chức năng hoạt động, KKT ven biển là chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm tạo đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và của cả nước, góp phần tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Thứ hai, về thành lập và quy hoạch khu chức năng:Hiện nay, cả nước đã có 15 KKT ven biển được thành lập với tổng diện tích 662.249 ha. Theo quy hoạch chung xây dựng, có khoảng 54.300 ha đất trong KKT dành cho mục đích sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ (chiếm 8% tổng diện tích đất các KKT); 12.100 ha đất khu phi thuế quan (2%); đất nông-lâm-ngư nghiệp 71.100 ha (11%); đất dân cư khoảng 36.800 ha (6%); đất công trình công cộng, khu hành chính khoảng 25.200 ha (4%) và đất mặt nước, sông ngòi, đồi núi khoảng 318.800 ha (48%). Như vậy, trong các KKT ven biển chỉ có khoảng 10% diện tích đất phục vụ trực tiếp cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại là các ngành tạo ra giá trị sản xuất cho KKT. Đất hành chính, công cộng, phục vụ dân sinh và đất mặt nước, đồi núi chiếm phần diện tích chủ yếu trong các KKT.
Thứ ba, về xây dựng kết cấu hạ tầng: Các KKT ven biển cũng huy động được nguồn vốn khá lớn từ các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển hệ thống hạ tầng. Đến hết năm 2011, tổng số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các KKT ven biển trên cả nước là gần 250.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ một phần cho một số công trình thiết yếu trong KKT với tổng vốn hỗ trợ đến nay hơn 11 nghìn tỷ đồng. Một số KKT đã cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng như Chu Lai, Dung Quất, Nghi Sơn. Do mới được thành lập, phần lớn các KKT ven biển đều đang trong giai đoạn đầu tư, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bước đầu đã hoàn thành một số công trình hạ tầng quan trọng để hoạt động. 
Thứ tư, về thu hút đầu tư:Trong thời gian qua, việc thu hút vốn đầu tư vào KKT ven biển bước đầu đạt những kết quả khả quan. Luỹ kế đến nay, các KKT ven biển đã thu hút được hơn 31 tỷ USD vốn FDI và gần 564 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất trong KKT ven biển khoảng trên 20.000 ha, chiếm gần 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong KKT ven biển; trong đó có khoảng 7.000 ha đã triển khai các dự án thứ cấp.
Thứ năm, về hiệu quả của các KKT thì hầu hết các KKT vẫn trong giai đoạn mới hình thành, khác với KCN, KKT có diện tích lớn hơn rất nhiều lần, bao gồm cả núi, đồi, sông biển và các hoạt động xã hội, dân sinh, mặt khác các KKT được hình thành chủ yếu ở vùng duyên hải, khó khăn, xuất phát điểm thấp hơn so với nơi có các KCN rất nhiều. Các KKT hình thành trên cơ sở xác định các dự án công nghiệp động lực, chủ yếu là những lĩnh vực như hoá dầu, luyện thép, điện năng, cảng biển…Đây là những dự án khổng lồ, thời gian thực hiện rất lâu, quy mô vốn lớn. Do đó, để các dự án động lực này đi vào hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của KKT cũng cần thời gian dài hơi hơn. Vì vậy, chưa có một quá trình đủ điều kiện để có thể đánh giá hiệu quả của các KKT.
Sau đây tôi xin chuyển sang phần xác định bộ tiêu chí đánh giá, lựa chọn KKT, đây là nội dung quan trọng nhất của Đề án.
Về cơ sở xây dựng tiêu chí
Trước hết, cần khẳng định rằng, mỗi KKT đều có những điều kiện, lợi thế riêng tác động tới thành công của các KKT. Mặt khác, ngoài những điều kiện khách quan về vị trí, tự nhiên, hạ tầng còn có những điều kiện chủ quan khác về cơ chế, chính sách, bộ máy, con người. Vì vậy, để tìm ra một bộ tiêu chí phản ánh hoàn toàn chính xác, đầy đủ mức độ thuận lợi của từng KKT để so sánh, lựa chọn là khó khả thi. Mục tiêu của Đề án là xây dựng một bộ tiêu chí, bảo gồm những tiêu chí quan trọng nhất, phản ánh một cách tương đối khách quan, khoa học điều kiện phát triển của KKT để đánh giá, lựa chọn.
Để thực hiện được mục tiêu trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành rà soát, đánh giá các điều kiên, lợi thế, các yếu tố tác động tới hoạt động của từng KKT.
Từ việc đánh giá nêu trên, đồng thời qua thực tiễn hoạt động quản lý Nhà nước các KKT thời gian qua, Đề án rút ra một số điều kiện chung mà các KKT phải đáp ứng để làm tiền đề cho sự phát triển. Đó là:
(i) Thuận lợi trong giao thông đi lại và vận chuyển hàng hóa, trong đó yếu tố hàng đầu là cảng biển, sân bay và đường giao thông: thực tế cho thấy các KKT Dung Quất, Chu Lai, Nghi Sơn, Vũng Áng có những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư nhờ có những lợi thế này.
(ii) Vị trí của các KKT cũng có vai trò khá quan trọng, ngoài việc gắn với cảng biển, sân bay; KKT ở gần trung tâm kinh tế của vùng, của địa phương sẽ là những điều kiện tốt cho giao lưu kinh tế, thương mại, dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực.
(iii) Ngoài ra còn có những yếu tố xuất hiện sau nhưng rất quan trong là hệ thống kết cấu hạ tầng trong KKT đảm bảo cho hoạt động của các dự án đầu tư và vai trò dẫn dắt của các dự án đầu tư trong KKT, thúc đẩy các nhà đầu tư khác vào KKT.
Những điều kiện trên chỉ là vài điều kiện trong số những điều kiện cần để phát triển KKT tuy nhiên đây là những điều kiện quan trong nhất vì những lý do sau:
Thứ nhất, các điều kiện nêu trên cũng đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn quản lý các KKT thời gian qua, được thể chế hóa trong Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về KCN, KCX, KKT.
Thứ hai, qua khảo sát kinh nghiệm phát triển các KKT của các quốc gia tương đồng với Việt Nam thì đây cũng là các yếu tố quan trọng góp phần vào thành công trong phát triển KKT, đặc KKT của các quốc gia đó. Tại các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc rất chú trọng tới việc phát triển kết cấu hạ tầng và tận dụng tối đa lợi thế vị trí, hạ tầng cảng, sân bay trong phát triển các KKT.
Đề xuất bộ tiêu chí
Từ những cơ sở nêu trên, Đề án đề xuất bộ tiêu chí để lựa chọn và xác định một số KKT ven biển trong 15 KKT đã được thành lập để tập trung trong giai đoạn 2012-2015 gồm các tiêu chí cụ thể sau:
(i) Cảng biển đầu mối vận chuyển hàng hóa: quy mô, trọng tải, công suất cảng, vai trò đầu mối vận chuyển của cảng đối với địa phương, vùng, tình trạng hoạt động của cảng.
(ii) Cảng hàng không thuận lợi cho KKT: vị trí, khoảng cách, quy mô, mức độ thuận lợi của cảng hàng không đối với hoạt động của KKT.
(iii) Dự án động lực của KKT: vai trò của dự án trong việc tạo động lực phát triển kinh tế vùng, thu hút các dự án đầu tư.
(iv) Thu hút đầu tư: kết quả thu hút đầu tư, triển khai các dự án đầu tư vào các KKT ven biển và đóng góp của các dự án vào phát triển kinh tế địa phương.
(v) Vị trí chiến lược KKT đối với phát triển vùng: đánh giá vị trí, vai trò của địa phương trong phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng.
Về phương pháp đánh giá, lựa chọn KKT dựa trên tiêu chí
Về phương pháp tính điểm
– 5 tiêu chí được xác định trên cơ sở thực tiễn vai trò của các tiêu chí này đối với phát triển KKT ven biển trong thời gian qua và được sắp xếp ưu tiên theo tầm quan trọng tương đối của mỗi tiêu chí đối với sự phát triển của các KKT ven biển (cảng, vị trí chiến lược của địa phương, dự án động lực, thu hút đầu tư, sân bay).
– Mỗi tiêu chí được đánh giá tầm quan trọng khác nhau và trọng số tương ứng trong tổng thể 5 tiêu chí (tổng cộng 1.000 điểm cho 5 tiêu chí, trong đó cảng 250 điểm; vị trí chiến lược: 250 điểm; sân bay 200 điểm; dự án động lực: 150 điểm; thu hút đầu tư và hiệu quả dự án: 150 điểm). Tầm quan trọng của các tiêu chí được sắp xếp theo thứ tự từ các tiêu chí cần có ngay từ giai đoạn đầu phát triển (vị trí chiến lược, cảng, sân bay) đến các tiêu chí ở giai đoạn sau (dự án động lực, thu hút đầu tư).
– Đối với mỗi tiêu chí cũng sẽ đánh giá tầm quan trọng, mức độ tác động tới sự phát triển từng KKT và sắp xếp theo 3 mức độ (1-3) quan trọng từ cao xuống thấp, tương ứng với một số điểm nhất định trong tổng điểm tối đa dành cho từng tiêu chí (mức 1: 100% tổng điểm, hệ số 1,0; mức 2: 70%, hệ số 0,7 và mức 3: 50%, hệ số 0,5).
Điểm số cho một KKT được tính bằng tổng điểm của 5 tiêu chí đối với KKT đó. Áp dụng theo phương pháp này, Đề án đã tính tổng điểm của từng KKT như sau: KKT Chu Lai – Dung Quất: 1000 điểm; KKT Đình Vũ – Cát Hải: 880 điểm; KKT Nghi Sơn và Vũng Áng: 825 điểm; KKT Phú Quốc: 805 điểm; KKT Chân Mây – Lăng Cô và Vân Phong: 775 điểm; KKT Vân Đồn: 675 điểm; KKT Nhơn Hội: 665 điểm; KKT Đông Nam Nghệ An và Năm Căn: 590 điểm; KKT Hòn La và Nam Phú Yên: 540 điểm; KKT Định An: 500 điểm.
Trên cơ sở điểm số các KKT, Đề án xác định Nhóm các KKT ven biển ưu tiên đầu tư tập trung trong giai đoạn từ 2013 gồm: (1) Nhóm KKT Chu Lai – Dung Quất; (2) KKT Đình Vũ – Cát Hải; (3) KKT Nghi Sơn; (4) KKT Vũng Áng; (5) KKT đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới.
Cuối cùng, tôi xin trình bày phần định hướng và giải pháp thực hiện đầu tư phát triển các KKT được lựa chọn
Để sớm phát huy hiệu quả của KKT thì việc lựa chọn được các KKT để tập trung đầu tư phát triển chỉ là một bước ban đầu. Bước quan trọng tiếp theo là phải thực hiện những giải pháp hiệu quả, thiết thực để thúc đẩy các KKT này phát triển, trong đó có các giải pháp huy động nguồn lực và xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù. 
Về chủ trương phát triển KKT giai đoạn tới: KKT có quy mô rất lớn, đòi hỏi phải tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư để phát huy được vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Tuy cả nước đã thành lập 15 KKT ven biển nhưng chỉ có một số rất ít KKT thể hiện được phần nào vai trò động lực và đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội vùng. Vì vậy, trong giai đoạn tới, từ cấp Trung ương tới cấp địa phương cần tập trung cơ chế, chính sách, nguồn lực để nâng cao hiệu quả của các KKT đã thành lập mà trước mắt là 5 nhóm KKT đã được lựa chọn.
Về giải pháp phát triển KKT:
Trước hết, cần thống nhất quan điểm xác định 5 nhóm KKT ưu tiên không có nghĩa là loại bỏ các KKT còn lại mà thực chất là một giải pháp lựa chọn KKT để phân kỳ đầu tư phát triển cho hợp lý, phù hợp với nguồn lực hiện có. Ngoài ra, việc lựa chọn ra 5 nhóm KKT không chỉ nhằm tập trung vốn đầu tư phát triển mà còn nhằm định hướng xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên thu hút đầu tư phát triển và vận hành KKT.
Các giải pháp về nguồn lực:
– Sau khi đã lựa chọn được 5 nhóm KKT ưu tiên nêu trên, cần tập trung ưu tiên các nguồn lực, trong đó có cả nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho nhóm các KKT này.
– Xây dựng cơ chế, chính sách riêng huy động các nguồn vốn đầu tư, sự tham gia của các thành phần kinh tế vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất kinh doanh trong KKT dưới các hình thức đầu tư, trong đó trọng tâm là các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Đầu tư phát triển KKT cần tiến tới việc giảm dần trợ cấp tài chính của Nhà nước và tăng dần tỷ trọng vốn đầu tư khu vực tư nhân.
Các giải pháp về cơ chế, chính sách
– Ngoài những giải pháp về vốn đầu tư phát triển, cần nghiên cứu xây dựng định hướng phát triển phù hợp với đặc điểm, lợi thế của từng KKT nhằm phát huy tối đa tiềm năng tự nhiên, địa lý, nguồn lực kinh tế, xã hội, hạ tầng của địa phương. Trước mắt cần điều chỉnh Quy hoạch phát triển KKT ven biển cả nước đến năm 2020 theo hướng:
+ Bổ sung định hướng, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của từng KKT;
+ Điều chỉnh mô hình hoạt động, quy mô diện tích của từng KKT, kể cả các KKT được ưu tiên đầu tư cho phù hợp với nguồn lực đầu tư, phát huy được hiệu quả kinh tế – xã hội của các KKT.
– Sau khi xác định được các lĩnh vực, ngành nghề định hướng phát triển của các KKT, cần xây dựng cho mỗi KKT những chính sách đặc thù để dẫn dắt các KKT phát triển theo đúng định hướng chiến lược đề ra; trước mắt ưu tiên xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho 5 nhóm KKT được lựa chọn.
– Xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật về KKT, trước mắt sửa đổi, bổ sung Nghị định 29/2008/NĐ-CP để điều chỉnh một số quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo sự thống nhất trong cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về KKT.
– Xây dựng Luật Khu kinh tế để ban hành hệ thống quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách áp dụng riêng, mang tính đặc thù cho các KKT nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất, phát huy được vai trò của KKT trong việc tạo đột phá trong phát triển kinh tế. Việc ban hành Luật KKT sẽ giải quyết được dứt điểm sự chồng chéo, không thống nhất giữa pháp luật về KKT hiện nay với các văn bản luật và dưới luật chuyên ngành trên các lĩnh vực.
Việc lựa chọn KKT, phân kỳ phát triển KKT vừa nhằm nâng cao hiệu quả đóng góp của KKT trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, vùng và cả nước vừa để thực hiện định hướng chiến lược của Đảng, Chính phủ trong tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Trên cơ sở nội dung Đề án nêu trên, chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của quý vị đại biểu để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 6/2012.