“Thuyết 3 Tài nguyên”                                         KS. Doãn Mạnh Dũng

“Thuyết 3 Tài nguyên”                                         KS. Doãn Mạnh Dũng

Khai bút đầu năm 2024

Việt Nam đã đại thành công trong ngoại giao trong năm 2023. Vấn đề còn lại là Việt Nam cần tổ chức lại nền kinh tế của đất nước để mỗi thành viên cần tham gia cung ứng hàng hóa hay dịch vụ hữu ích  cho xã hội, từng bước giảm dần tệ nạn lừa đảo, trộm, cướp, mua bán ma túy và tham nhũng. Tác giả tin rằng, “ Thuyết 3 Tài nguyên” hữu ích cho từng cá nhân cách tư duy  thoát nghèo để làm người lương thiện và làm giàu theo luật pháp, đồng thời cũng giúp cho tư duy khi đề xuất chính biện hay phản biện các dự án xây dựng đất nước.

Cách đây 20 năm, “Thuyết 3 Tài nguyên” được KS. Doãn Mạnh Dũng sử dụng khi trình bày tham luận “ Tuyến nước sâu cũng là Tài nguyên quý báu của đất nước “ tại Hội nghị mùa thu ngày 4-5/11/2003 ở Nha Trang do Ban nghiên cứu Chính phủ Phan Văn Khải tổ chức dưới sự điều hành của các ông Trần Đức Nguyên, Trần Xuân Giá và Võ Đại Lược.

Ngày 28/12/2023“Thuyết 3 Tài nguyên” lại được sử dụng cho tham luận “ Cách tiếp cận, quan điểm và hướng đi mới trong quy hoạch và tổ chức lãnh thổ”.

Tác giả đã có cơ hội trình bày trong 15 phút trước nhiều GS-TS chuyên ngành địa lý Việt Nam và được GS-TS KH Phạm Hoàng Hải – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội địa lý Việt Nam- đánh giá cao về đề xuất của KS Doãn Mạnh Dũng  : Hướng dòng sông khi chảy ra biển và Cảng Vân Phong năm 2000. Hoan nghênh ” Thuyết 3 Tài nguyên”.

Tóm tắt :   

Con người muốn sản xuất hay làm dịch vụ đều phải sử dụng sức khỏe hay gọi là Tài nguyên sức khỏe , Tài nguyên thiên nhiên và Tài nguyên trí tuệ. Theo thứ tự trên, Tài nguyên sau sẽ đem nhiều lợi nhuận hơn tài nguyên trước.

Việc quy hoạch và tổ chức lãnh thổ ảnh hướng rất lớn đến  cơ hội phát triển kinh tế và an ninh quốc gia. “Thuyết 3 Tài nguyên” giúp con người nhanh chóng tìm ra lời giải  quy hoạch là đúng hay sai và cách điều chỉnh để tìm ra giải pháp tối ưu cho quy hoạch và tổ chức lãnh thổ.

Mục lục

  1. Tài nguyên là nguồn lực hình thành hàng hóa và dịch vu

1.2 Tài nguyên sức khỏe

1.3 Tài nguyên thiên nhiên

1.4 Tài nguyên trí tuệ

1.5 Giá trị hàng hóa và dịch vụ

  1. Quy hoạch và tổ chức lãnh thổ tác động kinh tế và an ninh quốc gia.
  2. Với một quốc gia khởi nghiệp, cần sử dụng Tài nguyên thiên nhiên sẵn có.
  3. Nâng cấp Tài nguyên thiên nhiên để sử dụng.
  4. Tạo ra Tài nguyên thiên nhiên nhân tạo để sử dụng.
  5. Sử dụng Tài nguyên trí tuệ để khai thác Tài nguyên thiên nhiên.
  6. “Thuyết 3 Tài nguyên” xác định quy hoạch và tổ chức lãnh thổ đúng hay sai.
  7. Bảo vệ và phát triển 3 Tài nguyên của quốc gia.
  8. Kết luận.

 

  1. Tài nguyên là nguồn lực hình thành hàng hóa và dịch vụ

 

  • Tài nguyên sức khỏe

Trong quá trình tiến hóa, con người biết dùng đôi chân để di chuyển và đôi tay thực hiện các thao tác cho mục tiêu hái lượm và săn bắt. Năng lực di chuyển của đôi chân và hoạt động của đôi tay là Tài nguyên sức khỏe hay Tài nguyên sức lao động.

  • Tài nguyên thiên nhiên

Để tồn tại, con người cần có nước uống, trái cây để hái lượm, thú vật để săn bắt… Nguồn nước uống , thực vật, động vật, đất, khoáng sản, khí hậu … được gọi là Tài nguyên thiên nhiên. Nếu không có Tài nguyên thiên nhiên, con người không thể tồn tại. Vì vậy việc bảo vệ môi trường thiên nhiên ổn định và bền vũng là bảo vệ sự tồn tại của con người. Việc thay đổi nhân tạo đặc tính tự nhiên của một vùng lãnh thổ cần hết sức cân nhắc về  những tác động mà con người không thể lường trước.

Một vị trí địa lý có nhiều Tài nguyên thiên nhiên khác nhau. Sử dụng Tài nguyên thiên nhiên nào để đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài là một thử thách lớn với con người và sự tối ưu chỉ tăng dần trên hành trình đến văn minh. Vùng đất Sài Gòn- Gia định  xưa là vùng đất phèn, nhưng khi xác định đây là đầu mối giao thông của miền Đông, miền Tây Nam Bộ và Tây nguyên ra biển thì vùng đất này đã trở thành một thời là Hòn ngọc viễn Đông.

Hai vị trí khác nhau trên trái đất thì luôn luôn có Tài nguyên thiên nhiên khác nhau. Điều đó chỉ rõ thặng dư giá trị hàng hóa và dịch vụ sẽ khác nhau.

 

  • Tài nguyên trí tuệ

Tài nguyên trí tuệ là tri thức tích lũy được về quy luật tự nhiên và quy luật xã hội. Quan sát hai người đi câu cá. Cùng đứng trước một môi trường thiên nhiên, người có kỹ năng câu cá sẽ câu được nhiều hơn. Người thành công vì đã  tích lũy nhiều kinh nghiệm và kỹ năng trong quá khứ. Khả năng đó gọi là Tài nguyên trí tuệ. Hai con người khác nhau luôn luôn có Tài nguyên trí tuệ khác nhau. Điều đó chỉ ra thặng dư giá trị tạo ra giữa 2 người luôn luôn khác nhau. Đó là nguyên nhân chính đã tạo ra sự khác nhau giữa giàu và nghèo. Vì vậy, trước sự khác biệt giữa giàu và nghèo, người nghèo cần học kỹ năng và trí tuệ của người giàu. Người giàu cần trả lời với lương tâm rằng  đã biết sử dụng quy luật tự nhiên để thành công, đã thật sự công bằng khi sử dụng Tài nguyên thiên nhiên và không chiếm đoạt thành quả lao động của người khác.

Trong quy luật tự nhiên, khi chiếc máy đã hoạt động và ổn định trong tự nhiên thì đó là sự thật, có giá trị hơn mọi lý thuyết viết về chiếc máy đó. Vì  vậy, thay vì phải đi bán các bài viết về khoa học, giới trí thức hãy làm ra chiếc máy để bán thì tốt hơn.

Ngược lại, trong quy luật xã hội, con người cần rất nhiều thời gian để xác định quy luật đúng hay sai.

Tài nguyên trí tuệ  bao hàm lịch sử văn hóa, truyền thống của dân cư. Lịch sử văn hóa và truyền thống tốt là lợi thế lớn trong Tài nguyên trí tuệ.Tài nguyên Trí tuệ đem lại lợi ích nhiều hơn Tài nguyên Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên  đem lại lợi ích nhiều hơn Tài nguyên sức khỏe.

 

  • Giá trị của hàng hóa và dịch vụ

G = Tsk + Ttn   + Ttt

Trong đó :

G:     Giá  trị hàng hóa hay dịch vụ

Tsk : Tài nguyên sức khỏe.

Ttn  :  Tài nguyên thiên nhiên.

Ttt  : Tài nguyên trí tuệ.

Ba Tài nguyên cơ bản để tạo nên hàng hóa và dịch vụ là Tài nguyên sức khỏe, Tài nguyên thiên nhiên và Tài nguyên trí tuệ. Tùy theo hàng hóa và dịch vụ khác nhau mà tỷ lệ các Tài nguyên trên trong hàng hóa và dịch vụ sẽ khác nhau. Theo thứ tự trên, Tài nguyên sau sẽ đem nhiều lợi nhuận hơn Tài nguyên trước. Khi hàng hóa hay dịch vụ chứa càng nhiều Tài nguyên trí tuệ thì hàng hóa và dịch vụ đó sẽ có giá trị cao hơn.

Khi từ giã cuộc sống hoang dã, mô hình xã hội đầu tiên của loài người thường là chế độ nô lệ, bộ tộc dựa trên nền tảng là Tài nguyên sức khỏe hay gọi là Tài nguyên cơ bắp. Những người có sức khỏe  thường là thủ lĩnh của dòng tộc. Khi con người bắt đầu định cư, những người chủ đất là người có thế lực nhất. Đó là chế độ phong kiến dựa trên Tài nguyên sức khỏe và Tài nguyên đất, còn hàm lượng Tài nguyên trí tuệ  chiếm tỷ lệ thấp trong hàng hóa và dịch vụ. Khi máy hơi nước ra đời, chế độ tư bản hình thành dựa vào 3 Tài nguyên là Tài nguyên sức khỏe, Tài nguyên thiên nhiên và Tài nguyên trí tuệ. Giai đoạn đầu của chế độ tư bản, Tài nguyên trí tuệ còn giản đơn, nhà tư bản tìm lợi nhuận ở các đại công trường chủ yếu từ “ cường độ và thời gian” làm việc của người công nhân. Đầu thế kỹ XIX, với nhận thức bằng tri giác tại các đại công trường, hai yếu tố “cường độ và thời gian ” đều có giới hạn, nếu tăng lên thì tất yếu mâu thuẫn giữa người công nhân và nhà tư bản sẽ là mâu thuẫn đối kháng. Nhưng trong quá trình sản xuất, nhờ trí khôn của con người,Tài nguyên trí tuệ đã được tích lũy và có tỷ lệ tăng dần  ngày càng cao trong hàng hóa và dịch vụ. Năng suất nhà máy và  tỷ suất lợi nhuận của nhà tư bản  ngày càng cao đủ thỏa mãn lợi nhuận cho nhà tư bản và cả chi phí trả cho  người công nhân để người công nhân  ngày càng gắn chặt với nhà tư bản.

 

  1. Quy hoạch và tổ chức lảnh thổ tác động kinh tế và an ninh quốc gia

Việt Nam trong quá trình hàng ngàn năm chống ngoại xâm với các thế lực phương Bắc, hòa bình tại Việt Nam thường được bắt đầu từ các trận đại chiến thắng cùng khát vọng hòa bình và hòa hiếu của Việt Nam. Cường quốc phương Bắc trong thế buộc phải thừa nhận thực tiễn, nhưng luôn tìm mọi cách để Việt Nam yếu hèn, chia cắt và phụ thuộc, kể cả giải pháp hướng Việt Nam sử dụngngược” nguồn Tài nguyên thiên nhiên.

Vùng đất phương Nam mới được khai phá từ đầu thế kỹ XIII nhờ chiến lược hòa hiếu của vua Trần Nhân Tông và lòng yêu nước của Công chúa Huyền Trân. Tiếp theo, Chúa Nguyễn Phúc Ánh, năm 1620, gã Công nữ Ngọc Vạn cho vua Cao Miên Chư Chetta, để dân Việt vào khai phá vùng đất Thủy Chân Lạp  của Cao Miên và năm 1631, gã Công nữ Ngọc Khoa cho vua Chiêm Po Rome để xây dựng sự hòa hợp Việt Chiêm.

Trong bối cảnh lịch sử trên, việc xây dựng đất nước cần gắn liền với an ninh và chủ quyền của đất nước.

Đất  nước Việt Nam hình chữ S, rộng 331.690 km2  với bờ biển dài 3260 km theo hướng kinh tuyến từ Bắc xuống Nam. Nơi hẹp nhất là Quảng Bình với chiều ngang chỉ rộng 40,3 km.Với địa hình đất nước Việt Nam dài và hẹp như trên nên rất dể bị chia cắt khi có chiến tranh.

 

  1. Với một quốc gia khởi nghiệp, cần sử dụng Tài nguyên thiên nhiên sẵn có.

 

3.1 Khai thác Đồng Bằng Sông Cửu Long và Đồng bằng Sông Hồng

Với một quốc gia nghèo, khởi đầu xây dựng đất nước như Việt Nam cần ưu tiên sử dụng Tài nguyên thiên nhiên sẵn có.  Việt Nam có 2  Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ, trong đó lớn nhất là Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Việc Chính phủ tập trung phát triển ĐBSCL thành một “Bếp ăn ” cho khu vực và thế giới là hướng đi đúng.  Vì có đầy đủ lương thực và thực phẩm, xã hội sẽ ổn định dù đất nước còn khó khăn.

 

3.2 Tài nguyên tuyến nước sâu tại đầu mối giao thông hàng hải

Trong Tài nguyên thiên nhiên, tuyến nước sâu tự nhiên tại các đầu mối giao thông hàng hải là cực kỳ quý hiếm. Từ năm 1955, người Mỹ phát minh ra công-ten-nơ để  chứa hàng  giúp giảm giá thành trong quá trình trung chuyển  giữa các phương tiện khác nhau. Từ đó, khái niệm cảng Trung chuyển quốc tế ra đời với vai trò như một bưu cục khổng lồ : tiếp nhận, vận chuyển và giao nhận hàng hóa theo phương thức công nghiệp. Bờ biển miền Trung Việt Nam là giao điểm đường hàng hải giữa bán cầu Bắc và bán cầu Nam, giữa bờ Đông và bờ Tây của Thái Bình Dương , giữa Trung Đông với Đông Nam Á qua eo Malacca. Tuyến nước sâu của vịnh Vân Phong là độc đáo và không có vịnh nào trên thế giới có thể so sánh về độ sâu, độ rộng luồng tàu, độ rộng mặt nước, khả năng cung ứng nước ngọt từ sông Ba, khả năng kết nối đường bộ và đường sắt từ vịnh Vân Phong- Buôn Hồ- Ban Mê thuộc- Bản Đôn – Stungtơreng ( Kampuchia) – Pác-xế ( Lào )-Ubon- ( Thái Lan)  Bangkok. Tư duy trên được tác giả đề xuất từ 1997, rất tiếc Việt Nam đang thực hiện chiến lược sử dụng “ngược” Tài nguyên thiên nhiên tuyến nước sâu tại vịnh Vân Phong. Nếu vịnh Vân Phong được sử dụng cho mục tiêu cảng Trung chuyển quốc tế thì việc các tàu biển đa quốc gia đi và đến vịnh Vân Phong là giải pháp hòa bình để thực hiện mục tiêu tự do hàng hải ở Biển Đông.

 

  1. Nâng cấp Tài nguyên thiên nhiên để sử dụng.

Đê cát đồng dạng tại vịnh Vân Phong, vịnh Cam Ranh và cửa sông Trần Đề.

Trong quá trình nghiên cứu cảng Vân Phong và cảng Cam Ranh, tác giả phát hiện chính con đê nối từ lục địa ra đảo là nguyên nhân tạo ra nguồn Tài nguyên cảng tại vịnh Vân Phong và vịnh Cam Ranh. Khi nghiên cứu sa bồi các cửa sông ở ĐBSCL, tác giả tình cờ phát hiện con đê tại cửa sông Trần Đề là đồng dạng về góc và độ dài với các con đê đã tạo nên vịnh Vân Phong và vịnh Cam Ranh như hình 1. Nhờ vậy tác giả đưa ra ý tưởng nâng cấp con đê tại cửa sông Trần Đề để tạo hệ thống che chắn sa bồi, luồng tàu và đưa mô hình cảng Cam Ranh để tạo cảng nhân tạo tại cửa Trần Đề. Với ý tưởng trên, ĐBSCL sẽ có một cảng biển cứng  nhân tạo theo quy luật của tự nhiên để đón tàu 3 van tấn  và khu vực chuyển tải cho tàu 15 vạn tấn. Ý tưởng trên đã thuyết phục các chuyên gia Hà Lan và các chuyên gia Việt Nam khi đối thoại ngày 4/8/2015 tại Bộ GTVT.

 

Hình 1

  1. Tạo ra Tài nguyên thiên nhiên nhân tạo để sử dụng.

Xây cảng nhân tạo để tạo thêm việc làm cho thành phố Đà Nẵng.

Đà Nẵng xưa là một cảng lớn của miền Trung và đã hình thành  một thành phố lớn và đẹp. Vì có dòng sông Hàn từ dãy Trường Sơn đổ vào vịnh Đà Nẵng nên vịnh Đà Nẵng cạn không thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn. Bố cục vịnh Đà Nẵng không thích hợp cho việc neo đậu tàu thuyền khi có bão vì cửa vịnh nhìn về hướng Đông Bắc. Các tài nguyên thiên nhiên tại Đà Nẵng khó giúp hình một khu công nghiệp lớn. Kinh doanh du lịch không ổn định, bị động  nhất là mùa mưa lũ, dịch bệnh. Việc sử dụng trí tuệ tin học để phát triển Đà Nẵng  là hướng đi đúng nhưng cần nhiều thời gian để có sự trưởng thành. Nếu Đà Nẵng  có cảng nước sâu cho tàu chuyên dùng lớn 10-15 vạn tấn thì có thể tiếp nhận nguyên vật liệu từ nơi khác, ví dụ như gổ từ phía Đông nước Nga về chế biến để dùng trong nước và xuất khẩu. Với cảng nước sâu, tàu có trọng tải lớn, giá thành gổ sẽ rẽ. Như vậy sẽ tạo thêm việc làm cho dân Đà Nẵng vốn có tay nghề cao về mộc.

Từ nghiên cứu sự hình thành các cảng miền Trung Việt Nam chúng ta có thể cải tạo phía Nam bán đảo Sơn Trà thành một cảng chuyên dụng nước sâu cho tàu biển.

 

  1. Sử dụng Tài nguyên trí tuệ để khai thác Tài nguyên thiên nhiên.

Giữa năm 2015, tôi có cơ hội trình bày với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Chủ tịch phủ về Tài nguyên động năng dòng hải lưu ở miền Trung Việt Nam. Tôi tin rằng dòng hải lưu qua bờ biển miền Trung Việt Nam là hiện tượng đặc biệt trên trái đất này với mật độ tập trung cao và thuận lợi cho khai thác công nghiệp thành điện năng.

Thời gian đó thế giới chưa có công nghệ có hiệu quả để khai thác động năng dòng hải lưu.Trong hoàn cảnh trên, với “Thuyết 3 Tài nguyên”, tác giả chọn giải pháp sử dụng Tài nguyên trí tuệ của Việt Nam để tìm công nghệ mới  khai thác Tài nguyên thiên nhiên động năng dòng hải lưu.

Thế giới đang sử dụng công nghệ truyền thống là dùng cánh quạt đưa xuống nước để lấy năng lượng. Cách làm trên có 3 nhược điểm  như hình 2 :

1/ Chỉ lấy được năng lượng tác động vào cánh quạt nên hiệu quả thấp.

2/ Cánh quạt nào cũng có trong lượng hiệu suất máy sẽ thấp.

3/ Máy phát điện đặt trong nước phải kín nước nên giá thành cao.

 

Với “Thuyết 3 Tài nguyên”, đến năm 2016 tôi đã thành công tìm ra công nghệ chuyển đổi động năng dòng hải lưu thành điện năng  bằng giải pháp “Trống quay”. Giải pháp mới là sử dụng  chiếc phao hình trụ, nổi lơ lững trong nước và có thể quay quanh trục của nó. Nhờ có khung che nữa hình trụ theo trục và vỏ hình trụ có gờ dặt lực, hình trụ sẽ quay bằng mô-men lực khi dòng chảy có tốc độ  v > 0.

Giải pháp “Trống quay” giúp mỗi mô-đun lấy tối đa động năng dòng hải lưu theo chiều sâu của dòng nước di chuyển.

 

 

Hình 2

 

Khi sắp xếp các mô-đun với hai hàng lệch nhau, sẽ lấy được tối đa động năng theo chiều ngang của dòng nước di chuyển như hình 2.

Đây sẽ là cuộc cách mạng về năng lượng sạch không chỉ với Việt Nam mà sẽ tác động rộng rải với thế giới. Vì đặc thù địa lý tự nhiên, dòng hải lưu qua bờ biển miền Trung là nơi tập trung với mật độ cao nhất trên trái đất này. Đó là nguồn năng lượng vũ trụ rất sạch mà thiên nhiên đã tặng cho người Việt Nam. Với thế giới, dòng đuôi của các thủy điện đang sử dụng thế năng của các hồ nước, các dòng sông, các dòng thủy triều, dòng hải lưu một chiều hay hai chiều đều là nguồn Tài nguyên phong phú cho giải pháp “ Trống quay”.

 

  1. “Thuyết 3 Tài nguyên” xác định quy hoạch và tổ chức lảnh thổ đúng hay sai.

7.1 Xác định nguồn Tài nguyên sức khỏe.

Ví dụ :  Việt Nam đang muốn xây dựng cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Vậy công nhân cảng với năng lực lao động phổ thông hay gọi là Tài nguyên sức khỏe  sẽ sống tại vị trí nào để làm việc tại cảng. Các cao ốc xây tại Cần Giờ có chân móng rất sâu ( khoảng 50 m) nên  giá thành xây dựng nhà ở rất cao. Lương của công nhân có đủ trả cho chi phí tại các cao ốc. Nếu công nhân sống tại Tp. HCM thì chi phí vận chuyển và thời gian cho việc đi lại sẽ lớn. Nếu công nhân sống tại Cần Giờ thì cần mở rộng vùng xanh đang điều tiết khí hậu để xây dựng khu dân cư. Như vậy chi phí cho Tài nguyên sức khỏe là vô cùng lớn làm tăng chi phí cho sự hình thành cảng chưa tính đến chi phí để tạo Tài nguyên tự nhiên luồng tàu biển, vùng neo đậu hàng trăm chiếc tàu khổng lồ cho nhu cầu một cảng Trung chuyển quốc tế.

 

7.2. Xác định nguồn Tài nguyên thiên nhiên cung ứng cho quy hoạch và tổ chức lảnh thổ.

 

Ví dụ 1 : Quy hoạch luồng tàu biển 1 vạn tấn vào cảng Cần Thơ

Khi đất nước chuẩn bị mở cửa thập niên 1980, thuyền trưởng  Đặng Văn Qua khát vọng  quy hoạch  Cần Thơ thành trung tâm cảng biển cho Đồng Bằng Sông Cửu Long ( ĐBSCL) để đón tàu 1 vạn tấn bằng giải pháp nạo vét cửa Định An. Tiếp theo là kế hoạch đào kênh Quan Chánh Bố từ năm 2009 đến năm 2016 cũng cho mục tiêu đưa tàu 1 vạn  tấn vào cảng Cần Thơ. Đến năm 2023, khát vọng của 2 chương trình trên đều không thể thực hiện. Nguyên nhân như sau :

Do chênh lệnh nhiệt giữa Bắc Cực và Xích đạo nên hình thành dòng hải lưu tầng đáy theo hướng Bắc Nam dọc theo bờ biển Việt Nam. Vì trái đất quay từ Tây sang Đông nên dòng hải lưu tầng đáy trên vừa di chuyển từ Bắc xuống Nam vừa di chuyển từ Đông sang Tây. Đây là động lực chính bồi lấp toàn bộ cửa sông ở bờ Biển Đông Việt Nam. Việt Nam lại có gió mùa Đông Bắc về mùa Đông. Vì vậy  về mùa Đông, dòng hải lưu tầng mặt hình thành từ gió  đã cộng hưởng với dòng hải lưu tầng đáy đã làm di chuyển luồng Định An từ Bắc xuống Nam.

Lập luận trên chỉ ra  từ  cửa Định An đến cảng sông Cần Thơ không có Tài nguyên thiên nhiên và cả giải pháp nhân tạo  hình thành ổn định luồng tàu biển nên  quy hoạch phát triển kinh tế vùng bị thất bại. Sự thất bại trên không chỉ là mất nhiều tỷ đô la Mỹ mà cả cơ hội thời gian 40 năm phát triển vùng ĐBSCL.

Phương pháp tìm nguồn Tài nguyên thiên nhiên cung ứng cho dự án là giải pháp giản đơn để xác định quy hoạch đúng hay sai.

 

Ví dụ 2 : Khát vọng xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh

Nếu bạn quan sát các chợ ở Việt Nam từ chợ nhỏ ở đầu làng cạnh góc đa đến các thành phố thì thấy rằng  nơi đầu mối giao thông nhỏ thì chợ nhỏ, nơi đầu mối giao thống lớn thì chợ lớn, khi đầu mối giao thông mất đi thì chợ sẽ mất đi. Các chợ ở cấp huyện đều có thể có cửa hàng vàng để chuyển đổi về tài chính. Đầu mối giao thông lớn thì chợ lớn và cửa hàng  vàng cũng lớn.  Đầu mối giao thông là Tài nguyên, chợ hình thành từ Tài nguyên.

Thành phố Hồ Chí Minh xưa là hòn ngọc viễn Đông vì là đầu mối giao thông của miền Đông, miền Tây, Tây nguyên ra biển. Khi đó cảng Sài Gòn với sông Lòng tàu có thể tiếp nhận các tàu 4 vạn tấn,nhưng nay các tàu đã có tải trọng tăng hơn 10 lần. Sài Gòn đã trở thành cảng vệ tinh cho Singapore và Hong Kong. Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành từng cho rằng khi vịnh Vân Phong thành cảng Trung chuyển quốc tế thì vịnh Vân Phong sẽ là Trung tâm tài chính quốc tế.

 

7.3 Công nghệ khai thác Tài nguyên thiên nhiên

 

Để khai thác Tài nguyên thiên nhiên, chúng ta cần có công nghệ. Nếu không có công nghệ thì buộc phải mua công nghệ và nội địa hóa từng bước. Hiện nay nếu chúng ta đưa điện gió hay điện mặt trời vào miền Trung Việt Nam cần biết ai là chủ cung ứng các máy móc và vật tư để xác định quy hoạch phải gắn với an ninh của đất nước.

 

  1. Bảo vệ và phát triển 3 Tài nguyên của quốc gia

 

Để có Tài nguyên sức khỏe, cần phát triển y tế để chăm  lo sức khỏe toàn dân, duy trì nguồn sức lao động cơ bắp. Toàn dân cần được bảo hiểm y tế.

Để có Tài nguyên thiên nhiên cần duy trì sự ổn định trạng thái tự nhiên hiện có và ưu tiên sử dụng các nguồn Tài nguyên có thể tự tái tạo.

Với các Tài nguyên tuyến nước sâu là loại Tài nguyên vô cùng quý giá của đất nước nên khi cần sâu thì dùng sâu, cần nông thì dùng nông, nơi chưa dùng cần được bảo vệ vùng trên bờ và dưới nước để khi cần thì cỏ thể dùng. Với Việt Nam, tuyến nước sâu tại vịnh Vân Phong là vô giá.

Sự hình thành khu dân cư gần cảng là nhu cầu tự nhiên. Thời Pháp và Mỹ , Quận 4 là vùng đô thị cảng nên định vị là ở vành đai thành phố Sài Gòn, không phát triển đô thị tập trung. Chính quyền Tp. HCM đã lấy khu dân cư cảng Sài Gòn làm trung tâm thành phố  nên buộc phải di dời cảng Sài Gòn như vậy mất nguồn Tài nguyên cảng – nơi tạo việc làm và nguồn thu của thành phố Hồ Chí Minh.

Chúng ta cần  cân nhắc khi bán Tài nguyên thiên nhiên cho nước ngoài. Việc Hà Tỉnh bán Tài nguyên cảng ở Sơn Dương, trong khi người dân Hà Tỉnh rất thiếu Tài nguyên cảng để nhận nguyên liệu, sản xuất và xuất khẩu.

Để có Tài nguyên trí tuệ cần có kế hoạch thực hiện lời dạy “Trăm năm trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh,  phổ cập toàn dân hết lớp 12. Học sinh học phổ thông cần được học kiến thức cơ bản về quy luật tự nhiên và quy luật xã hội để tránh hiện tượng cực đoan trong xã hội. Cần giúp học sinh được vay tiền học nghề và học Đại học. Cần chăm sóc các thầy cô giáo yên tâm dạy học.

Khi yếu tố Tài nguyên sức khỏe tốt, yếu tố Tài nguyên trí tuệ tốt thì  con người bình thường tự tìm được công việc thích hợp để đóng góp hàng hóa hay dịch vục cho xã hội. Như vậy  xã hội sẽ ổn định, sẽ giảm các vụ án,  giảm chi phí an ninh, trật tự. Đó là con đường đầu tư giúp đất nước phát triển bền vững, ổn định.

 

  1. Kết luận

“Thuyết 3 Tài nguyên” trước hết giúp từng cá nhân tự tin chọn con đường học tập để thoát đói nghèo và thành con người lương thiện. Học không phải để được làm quan theo truyền thống  xưa hay trang trí cho danh phận mà sử dụng tri thức học tập để tạo ra hàng hóa hay dịch vụ tốt hơn, trước hết để tự kiếm sống  và góp phần giúp xã hội văn minh hơn. Hay nói cách khác dạy con người tìm hạnh phúc trong lao động cống hiến cho xã hội.

Với xã hội, “Thuyết 3 Tài nguyên ” giúp nhà nước quy hoạch và tổ chức lãnh thổ theo Tài nguyên thiên nhiên, đồng thời biết sử dụng trí tuệ để quy hoạch đạt được tối ưu. Đó là hướng “Xây dựng theo tự nhiên”. Cần tránh những quy hoạch và tổ chức lãnh thổ theo khát vọng chủ quan hay sử dụng “ngược” nguồn Tài nguyên thiên nhiên vừa mất cơ hội phát triển, vừa tốn kém nguồn lực của đất nước./.