Sự bất hợp lý trong chủ trương cấm đánh cá ở Biển Đông từ 16/5 đến 1/8 và sử dụng khảo cổ để xác nhận chủ quyền của Trung Quốc.
Để bảo vệ ngư trường biển Đông thì cần cấm đánh bắt cá tại bờ biển Trung Quốc vào mùa đông.
Ngư trường là các điểm hội tụ và phân kỳ của dòng hải lưu. Dòng hải lưu hay gọi là dòng chảy trên biển mang theo các chất phù du từ các cửa sông ra, từ vùng biển khác đến. Trong nghề cá, người ta quan tâm đến dòng hải lưu chảy tầng mặt hình thành chủ yếu do gió hoặc do sự hoàn lưu nhiệt. Các đàn cá đều tập trung ở các vùng mà dòng hải lưu hội tụ hay phân kỳ để tìm thức ăn. Để biết dòng tầng mặt trên biển, người ta thả các phao nổi có phát tín hiệu định vị và theo dỏi sự di chuyển của nó.
Chúng ta hãy khảo sát các phao thả trôi trong 12 tháng ở biển Đông. Cùng xem vệt di chuyển của phao nổi trong 12 tháng. Trong kháng chiến chống phong tỏa Mỹ trên đường biển, chúng ta đã sử dụng quy luật trên để tiếp tế gạo cho quân khu IV. Gạo có các lớp bao nilon bọc kín được thả từ Hòn Ngư và Hòn Mê ở Nghệ An đã trôi vào Nghi Xuân thuộc Hà Tỉnh đến Quảng Trị trong mùa gió đông bắc.
Biển Đông Việt Nam có hai mùa gió rõ rệt. Mùa gió Tây Nam khoảng từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch. Mùa gió Đông Bắc khoảng từ tháng 10 đến tháng 3 dương lịch. Hai mùa gió đã hình thành hai mùa đánh cá chính của ngư dân Việt Nam. Mùa vụ Nam, đàn cá từ phía bờ biển ngoài khơi miền Trung Việt Nam di cư về phía bờ biển Trung Quốc. Mùa vụ Bắc, đàn cá từ bờ biển Trung Quốc di cư về phía bờ biển miền Trung Việt Nam. Mùa vụ Nam chiếm 70% sản lượng cá biển ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.
Trung Quốc cấm đánh bắt từ 16/5 đến 1/8 hàng năm với hy vọng luồng cá từ phía ngoài khơi miền Trung Việt Nam đi lên bờ biển Trung Quốc được bảo vệ. Nếu vì bảo vệ nguồn thủy sản biển Đông Việt Nam thì Trung Quốc cần cấm bắt cá vào mùa Đông ở ngoài khơi Trung Quốc khi đàn cá từ Trung Quốc trên đường di chuyển về biển Đông. Vì sao chỉ bảo vệ luồng cá vào biển Trung Quốc vào vụ Nam mà không bảo vệ luồng cá vào biển Việt Nam vào vụ Bắc. Nếu thật sự vì bảo vệ môi trường thủy sản biển Đông là phải cấm bắt cá ngoài khơi bờ biển Trung Quốc về mùa Đông. Nếu vì muốn bảo vệ nguồn cá cả bờ biển Việt Nam và Trung Quốc thì hai nước cần thương lượng trên cơ sở bình đẳng và công bằng giữa hai quốc gia có chủ quyền và đều là thành viên của Liên hiệp quốc.
Các tàu chìm tại bờ biển của Trung Quốc đều bị trôi dạt vào Hoàng Sa, Trường Sa và bờ biển Đông Việt Nam.
Do chênh lệnh nhiệt giữa Xích đạo và Bắc Cực nên có dòng hoàn lưu chảy ngầm tầng đáy dưới biển từ Bắc cực về Xích đạo.
Mặt khác do trái đất quay từ Tây sang Đông nên dòng hảy lưu chạy tầng đáy trên có xu hướng chuyển dịch từ Đông sang Tây do lực quán tính Côriolic.
Dòng hải lưu trên là con tàu chuyên chở các vật chìm từ bờ biển Trung Quốc đến Hoàng Sa, Trường Sa và bờ biển Việt Nam. Chính vì vậy, các đội quản lý Hoàng Sa xưa của triều đình Nhà Nguyễn hàng năm được cử ra Hoàng Sa thu nhặt các vật lạ trên các bãi cát.
Chúng ta nhớ hiện tượng vết dầu loang tại bờ biển Việt Nam từ Hà Tĩnh đến Sóc Trăng và Côn Đảo từ tháng 12-2006 đến cuối tháng 4-2007. Vùng biển Đông nước ta đã hứng chịu từ 21.620 – 51.400 tấn dầu thô trôi nổi. (SGGP 3-5-2007). Dầu không chỉ ở trạng thái loãng trôi trên biển mà còn vón thành cục chìm trong nước và di chuyển dưới đáy biển. Dầu vón cục tấp vào bãi biển Nha Trang ở mật độ có kích thước nhỏ cỡ từ 1-2cm hoặc 3-8cm. Hiện tượng dầu tràn năm 2007 là hiện tượng tổng hợp sự di chuyển vật không chỉ ở trạng thái nổi (khi trạng thái váng dầu) và khi bị kết dính và chìm xuống đáy biển.
Gần đây nhân dân có phát hiện cột “Thổ địa giới tiêu ” dài 5 tất, bằng nhựa tại bờ biển Côn Đảo. Vì bằng nhựa nên chắc chắn đây là sản phẩm của thời đại plastic gần đây và nhiều khả năng được thả từ các ghe, tàu của Trung Quốc từ vùng biển đông bắc của Côn Đảo. Đây là hành động chuẩn bị cho chiến lược “khảo cổ” để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc với Côn Đảo khi có cơ hội.
Tóm lại, sự cộng hưởng của dòng mặt và dòng ngầm về mùa đông đã giúp các vật nổi và chìm cùng di chuyển gần như theo một hướng trên bờ biển Đông của miền Trung và Nam Việt Nam đó là sự cộng hưởng của hai hướng: bắc-nam và đông-tây.
Từ đặc điểm tự nhiên này, chúng ta không thể chấp nhận giải pháp khảo cổ học để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa.
KS Doãn Mạnh Dũng