Tổ chức nạo vét luồng lạch cho tàu sông biển cần giao cho Công ty công ích
Trong lý thuyết và thực tiển việc chấp nhận nạo vét một luồng sông hay biển nào đó là cả một quá trình am hiểu quy luật của dòng sông không chỉ nơi nạo vét mà cả những tác động của nó đến những luồng lạch khác, vùng đất khác.
Ví dụ, thành phố Hồ Chí MInh quyết định nạo vét luồng sông Soài Rạp nhưng không tính đến việc nước triều từ biển áp mạnh hơn vào thành phố, gây nhiểm mặn sâu hơn, ngập lâu hơn vùng nội thị thành phố Hồ Chí Minh khi cùng lúc có mưa. Hơn nữa việc nạo vét luồng sông Soài Rạp còn đe dọa làm cạn luồng tự nhiên sông Lòng Tàu và buộc phải đổ chi phí nạo vét luồng sông Lòng Tàu trong tương lai.
Doanh nghiệp sinh ra là tìm lợi nhuận. Chắc chắn doanh nghiệp chỉ nạo vét những nơi chất nạo vét đủ tiêu chuẩn bán và không thể nạo vét vì thông luồng tàu.
Rất tiếc các văn bản của Bộ Xây dựng gần đây cấp phép các doanh nghiệp nạo vét lại không ghi những chi tiết rất quan trọng như : tọa độ luồng, độ rộng , độ sâu luồng hiện tạị, độ rộng và độ sâu cần nạo vét, thời gian thực hiện nạo vét trong ngày, đơn vị giám sát độc lập, trách nhiệm bồi thường khi có sự khiếu nại của người chịu hậu quả của việc nạo vét.
Ví dụ :
1- Công văn số 143/BXD -VLXD ngày 27/1/2015 của Bộ Xây dựng viết như sau:
“Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng hướng dẫn việc Công ty cổ phần …làm thủ tục xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ Dự án đầu tư xây dựng nạo vét mở rộng, hạ độ sâu và điều chỉnh hướng luồng vào cảng vật liệu và cảng tàu cá vũ trang Vùng 4, Quân chủng Hải quân với khối lượng tối đa 1.000.000 m3 (Một triệu mét khối), trong khoảng thời gian từ nay đến ngày 31/7/2015. Căn cứ vào tình hình triển khai thực tế của Công ty, sự giám sát và đề xuất của các đơn vị liên quan, Bộ Xây dựng sẽ cho ý kiến bằng văn bản về khối lượng cát nhiễm mặn tận thu từ Dự án được phép xuất khẩu trong thời gian tiếp theo.”
2-Công văn số 666 /BXD -VLXD ngày 2/4/2015 của Bộ Xây dựng viết như sau :
” Bộ Xây dựng thống nhất gia hạn việc Công ty TNHH… làm thủ tục xuất khẩu khối lượng cát nhiễm mặn tận thu từ Dự án “Nạo vét luồng thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm đoạn cạn cửa cửa sông ra biển trên sông Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình” với khối lượng tối đa 847.000 m3 (Tám trăm bốn mươi bảy nghìn mét khối) trong khoảng thời gian từ nay đến ngày 31/10/2015. Căn cứ vào tình hình triển khai thực tế của Công ty, sự giám sát và đề xuất của các cơ quan liên quan, Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến bằng văn bản về khối lượng cát nhiễm mặn tận thu từ Dự án để xuất khẩu trong thời gian tiếp theo.”
3- Công văn số 668/BXD-VLXD ngày 2/4/2015 của Bô xây dựng viết như sau :
“Bộ Xây dựng thống nhất việc Công ty TNHH …. làm thủ tục xuất khẩu khối lượng cát nhiễm mặn tận thu từ Dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia trên sông Trường Giang, tỉnh Quảng Nam với khối lượng tối đa 1.000.000 m3 (Một triệu mét khối) trong khoảng thời gian từ nay đến ngày 31/12/2015. “
Với phương pháp quản trị nhà nước vô tình hay cố ý đại khái như vậy sẽ tạo sự tùy tiện của doanh nghiệp và tất yếu gây sự bất bình của dân chúng khi môi trường sống bị xâm phạm.
Để hạn chế hậu quả của việc nạo vét luồng lạch và tham nhũng trong bán tài nguyên nạo vét, nên giao nhiệm vụ trên cho doanh nghiệp công ích của địa phương. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đưa kế hoạch nạo vét luồng lạch như chương trình an sinh của cộng đồng vào kế hoạch và thực hiện theo sự tư vấn của các nhà khoa học tại địa phương. Cơ quan quyền lực cấp phép nạo vét là cơ quan phải chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại của dân do quá trình thực hiện. Các nhà tư vấn đề xuất nạo vét phải chịu trách nhiệm trước công luận và có thể bị cấm hành nghề nếu đề xuất sai.
Với mô hình trên sẽ kiểm sóat được việc nạo vét luồng lạch, tránh vì lợi nhuận gây bất ổn cho xã hội.
Việc cân đối giữa xuất khẩu tài nguyên và để lại sử dụng trong nước cần có sự tính tóan nghiêm túc. Ở Việt Nam , nhóm nọ xuất than, nhóm kia nhập than. Rõ ràng các nhóm đang “tự cứu lấy mình” thì nền kinh tế Việt Nam sẽ đi về đâu ?
KS Doãn Mạnh Dũng