Xây dựng cảng biển hay lấn biển tại Hải Phòng ! – KS. Doãn Mạnh Dũng
Ảnh vệ tinh đầu thập niên 1990 khi đất nước vừa mở cửa của Jica ( Nhật ).
Bản chất của ảnh trên là sa bồi từ hệ sông Hồng, qua sông Đuống, đến Lục Đầu Giang hòa vào sông Thái Bình đổ về sông Kinh thầy,sang sông Cấm về Hải Phòng và đang hướng về bờ biển Quảng Ninh.
Với quy luật tự nhiên, thời gian là thuốc hiện hình nhanh nhất để chỉ ra sự thật. Mới cách đây vài năm , từ Sài Gòn ra Hải Phòng trước khi xây dựng cảng Lạch Huyện, tôi buộc phải nói sự thật là cần tránh xây dựng cảng nước sâu tại Lạch Huyện và cần tránh hệ thống cầu dẩn có cọc vượt kênh Đình Vũ và sông Bạch Đằng vì 2 lý do đơn giản như sau :
- Vùng nước phía Bắc Đồ Sơn có biên độ thủy triều cường tăng nhanh từ biên độ khoãng 4 m tăng đến 5 m tại bờ biển Phòng Thành – Trung Quốc. Từ biên độ thủy triều cường , ta biết các dòng chảy từ sông ra biển ở Hải Phòng đang tìm cách thoát ra ở Quảng Ninh. Đây là một quy luật cực kỳ quan trọng của thiên nhiên và quyết định chính sách quy hoạch cảng biển của Hải Phòng.
- Việc xây cầu có cọc đóng xuống hạ lưu sông Cấm, sông Bạch Đằng là điều cần tránh vì chúng kích thích nhanh hơn dòng chảy từ sông ra biển chuyển nhanh từ bờ biển Hải Phòng sang bờ biển Quảng Ninh. Trong tương lai xa, vịnh Hạ long sẽ bị lấp đầy và có cảnh quan như vùng đất trũng ở Ninh Bình.
Khi quyết định xây dựng cảng nước sâu tại Lạch Huyện, có nghĩa là chúng ta phải nạo vét một lượng lớn sa bồi lại cửa luồng Lạch Huyện. Việc đào sâu vùng bờ biển Lạch Huyện đã kích thích dòng chảy từ cửa kênh Đình Vũ đổ nhanh hơn vào hạ lưu sông Bạch Đằng , lấp toàn bộ vùng trũng bên tã ngạn sông Bạch Đằng, chạy ngược dòng lên sông Chanh và bồi lấp toàn bộ các kênh có lối thoát ra cửa Lạch Huyện. Đây là nguyên nhân bị bồi lấp của cảng Lạch Huyện.
Việc xây dựng cầu Tân Vũ có chân cọc đóng xuống hạ lưu kênh Đình Vũ, hạ lưu sông Bạch Đằng đã góp phần ngăn cản sa bồi ra cửa Nam Triệu và đẩy nhanh sự bồi lấp toàn bộ vùng trũng ở lưu vực sông Bạch Đằng, cửa Nam Triệu. Sa bồi khó ra cửa Nam Triệu nên lại di chuyển nhanh về cảng Lạch Huyện.
Bằng phương pháp luận như trên, bạn sẽ dể dàng hình dung đáy sông Đình Vũ, đáy sông Bạch Đằng cùng các vùng trũng chung quanh đang bị bồi lấp rất nhanh. Khi các vùng hạ lưu sông Bạch Đằng, kênh Đình Vũ và các vùng trũng khác bị bồi lấp thì đó là nguồn sa bồi dự trữ sẽ đổ tiếp ra cửa Lạch Huyện.
Nói cách khác, chiến lược xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện đang trở thành chiến lược mở rộng đất định cư nhân tạo với quy mô lớn nhất ở bờ biển Bắc Bộ trong lịch sử. Những mặt bằng cần nâng cao để xây dựng kho bãi ở hậu phương cảng Lạch Huyện sẽ sớm thực hiện được nhờ nguồn phù sa trên, nhưng chính cảng Lạch Huyện sẽ biến mất nếu không bõ vào đó những khoãng tiền khổng lồ để thực hiện nạo vét thường xuyên. Lợi nhuận của cảng Lạch Huyện sẽ phải đổ vào chi phí nạo vét – loại chi phí mà những công ty làm việc ở “âm phủ” nhưng hưởng tiền ở “trần gian” luôn luôn ủng hộ vì thường xuyên có việc làm.
Quy luật “Hướng dòng sông chảy ra biển” rất phổ biến tại Việt Nam vì Việt Nam là nơi tụ hợp nhiều đặc tính thiên nhiên của 2 vùng đồng bằng giáp biển, có dãy Trường Sơn chạy dọc theo bờ biển. Quy luật “Hướng dòng sông chảy ra biển” khó phát hiện ở các nước khác, đặc biệt với các nước hình thành bởi nhiều đảo. Phải chăng nền văn hóa phụ thuộc thời hoang dã xa xưa còn tồn tại, đã phải trả giá quá lớn cho dự án cảng nước sâu tại Lạch Huyện- Hải Phòng ? ./.