Cảm nghĩ trước ngày khởi động Dự án Cảng Trung chuyển Quốc tế Vân Phong – Lê Vũ Khánh

Kể từ khi chuyển về Cục Hàng hải Việt Nam, giữa năm 2001, bản thân tôi đã  tham gia vào việc nghiên cứu, thuyết trình, chứng minh, cổ động cho dự án cảng Trung chuyển Quốc tế Văn Phong, cùng với kỹ sư Doãn Mạnh Dũng và các cộng sự khác, dưới sự chỉ đạo của Tiến sỹ Chu Quang Thứ, Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải lúc bấy giờ. Đầu tháng 10 năm 2003, tôi là người được Cục Hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải cử tham gia đoàn vận động đầu tư của Chính phủ Việt Nam sang Mỹ kêu gọi đầu tư và đã trực tiếp trình bày dự án này trước các nhà đầu tư Mỹ lúc đó. Những ngày ấy, tư tưởng ủng hộ dự án Cảng Trung chuyển Quốc tế còn chưa thật rõ ràng nên việc vận động cho dự án cảng này gặp nhiều khó khăn. Tôi còn nhớ đã cùng kỹ sư Doãn Mạnh Dũng mang máy tính, máy chiếu đến thuyết trình tại Viện Chiến lược Phát triển, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, gặp Bộ trưởng Bộ Thương mại, gặp Văn Phòng TW và các Ban của Đảng vv.., thuyết trình cho đoàn của Đại sứ Hoa Kỳ và tổ chức đưa đoàn đi thăm Vịnh Văn Phong cũng như tham luận và phát biểu tại các hội nghị, hội thảo khác về dự án này. Bản thân tôi đã chắp bút dự thảo một số báo cáo chính thức cũng như không chính thức về dự án, đồng thời cũng có những bài đăng trên các báo, tạp chí để ủng hộ cho dự án cảng, trên quan điểm vì lợi ích lâu dài có tính chiến lược của quốc gia.  

Trải qua bao thăng trầm, thậm chí cũng đã có những thời điểm thật khó khăn khi một dự án thép của Posco cũng muốn vào đúng vị trí của cảng và lễ khởi công dự án cảng của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam dù đã có kế hoạch cũng bị tạm đình lại. Ngày ấy, Đại diện của Posco đề nghị gặp mấy anh em chúng tôi với tư cách là một nhóm tư vấn. Nghĩ rằng họ muốn tham khảo ý kiến mình để chuyển đổi dự án thép tới một địa điểm phù hợp khác nên chúng tôi đồng ý gặp. Nhưng trong cuộc gặp ngắn ngủi đó mới biết rằng họ tin chắc rằng dự án thép sẽ thắng dự án cảng và muốn chúng tôi trở cờ, hỗ trợ cho họ, hay ít nhất thì cũng không phản đối dự án thép. Anh Doãn Mạnh Dũng thì trả lời thẳng rằng anh sẽ không bao giờ làm như vậy. Bản thân tôi thì cũng tức, nhưng chưa bao giờ dám phát biểu mạnh mẽ như anh Dũng cả.  

Đặt tấm giấy mời trước mặt, tôi lần giở lại từng trang những báo cáo, những bài thuyết trình, những bài báo của anh em chúng tôi và rất nhiều tác giả khác viết về Văn Phong mà tôi vẫn sưu tầm, cất giữ. Tôi cũng ngồi xem lại từng dòng ý kiến của các bộ, ngành về dự án cảng này, ý kiến của các Bộ Xây dựng, Bộ Thương mại, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng Hải Việt Nam vv.. mà hầu như tất cả đều ủng hộ viêc có dự án cảng. Tôi cũng ngẫm thấy rằng cái gì đúng thì trước sau gì vẫn đúng, dù rằng con đường đi có thể còn nhiều khó khăn gian khổ. Và cũng ngẫm ra rằng phần đóng góp của cá nhân mình vào dự án cảng này thật nhỏ bé trong cả một sự nghiệp chung. Tuy nhiên dù nhỏ bé thì cũng rất đáng tự hào. 

Mừng thì thật mừng, nhưng lo cũng thật lo. Mừng vì dự án cảng Trung chuyển Quốc tế ngày nay đã được khẳng định và chính thức khởi công, nhưng lo là vì cơ hội cho phát triển cảng này cũng không còn được thuận lợi như trước. Vào thời điểm những năm 2002 – 2003, các số liệu về vận tài biển quốc tế cho thấy rằng các cảng trung chuyển quốc tế quanh ta như Hồng Công và Singapore đều đã sát tới ngưỡng trên giới hạn phát triển, trong khi nhu cầu cảng biển cho trung chuyển container quốc tế rất lớn, với mức thiếu hụt công suất cảng khoảng 30 triệu TEUs/năm, trong đó riêng miền Nam Trung Quốc đã là 20 triệu TEUs. Nếu Việt Nam ta có được một cảng Trung chuyển quốc tế lúc đó thì có thể nhanh chóng thu hút được một phần lượng hàng, là tiền đề tốt cho sự phát triển của cảng sau này và từ đó làm bàn đạp cho phát triển kinh tế của khu vực miền Trung, của cả quốc gia và khu vực. Nhưng trong thời gian 5-6 năm qua, mô hình vận tải biển và trung chuyển quốc tế cũng đã có những thay đổi có ảnh hưởng đến dự án cảng trung chuyển quốc tế này. Các cảng như Singapore, Hồng Công cũng đã tìm đựợc cách gia tăng thêm một phần công suất của mình. Các cảng khác trong khu vực như Tanjung Pelapas của Malaysia, Lem Chabang của Thái Lan cũng đã có cơ hội phát triển, thu hút thêm lượng hàng trung chuyển. Đặc biệt là cảng Thượng Hải của Trung Quốc trong nhiều năm gần đây liên tục có tốc độ tăng trưởng khoảng trên 30%/năm đã làm biến đổi đi mô hình vận tải, tạo luồng lưu chuyển mới mà trong mô hình đó rất khó cho người mới tham gia cuộc chơi, chia sẻ nguồn hàng. Trong khi đó, suy thoái kinh tế thế giới từ năm 2007 làm giảm nhu cầu vận chuyển quốc tế tới mức nhiều hãng vận tải quốc tế lớn cũng phải cho tàu lay-up. Tôi mường tượng đây sẽ là một thử thách thực sự đối với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam trong việc tìm kiếm nguồn hàng ban đầu. Làm được điều đó, đòi hỏi Tổng Công ty phải có một nỗ lực đặc biệt trong việc huy động tạo nguồn hàng nội địa từ các nơi trong nước về Văn Phong; liên kết với các hãng vận tải lớn trên thế giới để họ mang tàu, mang hàng trung chuyển của họ đến Văn Phong; hợp tác với các chủ hàng trong nước và quốc tế để họ biết đến và muốn trung chuyển hàng của họ tại Văn Phong vv.. Điều đặc biệt quan trọng là cần có cơ chế hỗ trợ của chính phủ, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành giúp cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam có được thành công bước đầu, không chỉ là xây dựng cầu cảng mà quan trọng hơn là tạo được nguồn hàng bền vững. Một khi đã hình thành được các tuyến trung chuyển quốc tế đi và về Văn Phong thì tự cảng không chỉ nuôi nó mà còn tạo điều kiện cho hàng loạt các hoạt động kinh tế theo sau, tạo tăng trưởng cho miền Trung và cả nước.  

Dù khó khăn nhiều, nhưng tôi vẫn vững tin rằng một ngày mai kia, Cảng Trung chuyển Quốc tế Văn Phong sẽ tấp nập tàu bè qua lại, mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước và niềm vui cho mọi người và cho những người đã hết lòng vì dự án cảng.