Án lệ tàu Bình Định River : Cáo trạng với thuyền trưởng Hồ Văn Tạo

Án lệ tàu Bình Định River : Cáo trạng với thuyền trưởng Hồ Văn Tạo
 
VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
 
Căn cứ điều 36, 166, 167 Bộ luật tố tụng hình sự;
 
Căn cứ quyết định khởi tố vụ án hình sự số: 03 và Quyết định khởi tố bị can số: 08, ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bình Định, đối với Hồ Văn Tạo- về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 285 Bộ luật hình sự.
 
 
 
Trên cơ sở kết quả điều tra, đã xác định được như sau:
Công ty Cổ phần vận tải- Công nghiệp tàu thủy Bình Định (gọi tắt là: Vinashin Binh Dinh) được thành lập vào tháng 5 năm 2004, là doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước (tỷ lệ 90%) và được phép kinh doanh vận tải đường biển. Tháng 02/2007 Vinashin Binh Dinh mua tàu chở hàng cũ mang tên Phương Bắc 1 rồi tiến hành sửa chữa, nâng cấp rồi đổi tên thành tàu Binh Dinh River. Tháng 10/2007, tàu Binh Dinh River được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận là tàu cấp “*VRH II*”, được hoạt động trong vùng hạn chế II, tức là: “Tàu được phép hoạt động trong vùng hạn chế cách xa bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 50 Hải lý”. Cũng trong 10/2007, Vinashin Binh Dinh ký hợp đồng thuê Hồ Văn Tạo làm Thuyền trưởng tàu Binh Dịnh River và giao cho Hồ Văn Tạo các giấy tờ liên quan đến tàu, trong đó có giấy chứng nhận phân cấp tàu, giấy chứng nhận khả năng đi biển (Bút lục: 51- 66, 89- 113, 573- 582).
Ngày 26/12/2008, Hồ Văn Tạo nhận lệnh của Công ty Vinashin Binh Dinh đưa tàu Binh Dinh River đến cảng Vũng Tàu để xếp và vận chuyển 245,1 tấn thiết bị dầu khí của Công ty Schlumberger đến cảng Muara- Brunei. Đến ngày 30/12/2008, việc xếp hàng hoàn tất, nhưng do thời tiết xấu (gió đông bắc cấp 6, 7, biển động và sóng lừng), nên Hồ Văn Tạo cho tàu neo đậu tại cảng Vũng Tàu. Đến 10h30 ngày 06/01/2009, thời tiết tốt, Hồ Văn Tạo bắt đầu điều khiển tàu Binh Dinh River đến cảng Muara- Brunei, theo hải trình thông thường: Từ Cảng Vũng Tàu đến cảng Muara qua biển Nam Trung Quốc theo hướng Đông Nam, với tốc độ khoảng 6 – 7 hải lý/giờ. Đến 3h ngày 07/01/2009, tàu Binh Dinh River gặp thời tiết xấu (gió đông bắc cấp 7, 8, biển động và sóng lừng), tàu lắc mạnh, thuyền trưởng chuyển hướng tàu nhằm tránh tác động của sóng và yêu cầu Đại phó và Thủy thủ kiểm tra, chằng buộc lại hàng hóa trên tàu. Nhưng do thời tiết tiếp tục xấu, biển động mạnh, sóng to, nên đến 4h30 ngày 08/01/2009, từ hầm 2 có tiếng va đập mạnh, tàu mất thăng bằng và nghiêng 7 đến 10 độ về mạn phải. Hồ Văn Tạo yêu cầu kiểm tra hầm hàng số 2 thì phát hiện hàng hóa bị xê dịch, va đập làm thủng mạn tàu, nước tràn vào hầm số 2. Trước tình thế nguy hiểm, Hồ Văn Tạo huy động toàn bộ thuyền viên sử dụng máy bơm để bơm nước ra ngoài nhằm cứu đắm tàu và cứu hàng hóa, nhưng nước vẫn tràn vào làm tàu tiếp tục nghiêng về mạn phải khoảng 15 độ. Thấy không còn cứu vãn được, Hồ Văn Tạo quyết định đưa tàu tới cảng Paula (Indonexia), điện báo về Công ty và phát lệnh cấp cứu. Nhận được tín hiệu cấp cứu, có một tàu mang quốc tịch Hàn Quốc chạy đến. Thấy vậy Hồ Văn Tạo đã điện đàm với tàu Hàn Quốc, nhờ cứu thuyền viên và lai dắt tàu Binh Dịnh River đến nơi an toàn. Tuy đàm phán trong nhiều giờ liền, nhưng tàu Hàn Quốc chỉ đồng ý cứu thuyền viên chứ không thể cứu được tàu Binh Dinh River vì tình hình thời tiết quá xấu. Đến 10h cùng ngày mũi tàu lún xuống nước, bánh lái không còn tác dụng. Đến 10h30, nhận thấy tàu có nguy cơ bị chìm, để đảm bảo tính mạng thuyền viên, nên Hồ Văn Tạo quyết định bỏ tàu, đưa thuyền viên xuống phao cứu sinh taih vị trí có tọa độ 05°13N – 108°02E; Hồ Văn Tạo mang theo các giấy tờ cần thiết và rời tàu sau cùng. Đến 17h cùng ngày (sau hơn 6h đồng hồ), toàn bộ thuyền viên được tàu Hàn Quốc cứu sống, và đưa về Singapore an toàn. Ngày 12/01/2009, Hồ Văn Tạo làm kháng nghị hàng hải, thông báo về vụ tai nạn. Tàu Binh Dinh River tiếp tục trôi dạt và mắc cạn tại đảo Palau Sagudamar (Indonexia). Qua khảo sát, cơ quan giám định thấy rằng tàu Binh Dinh River đã hư hỏng toàn bộ không thể trục vớt được, nên Vinashin Binh Dinh công bố tổn thất toàn bộ đối với tàu Bình Định River (Bút lục: 583 – 596, 656 – 662, 668 – 675, 636 – 641, 648 – 655).
Kết quả giám định của Công ty TNHH Braemar Falconer Việt Nam; vị trí Hồ Văn Tạo rời bở tàu ở tọa độ 05°13N – 108°02E; “Khoảng cách từ vị trí ròi bỏ tàu đến cảng Muara, Brunei vào khoảng 418 hải lý và từ vị trí bỏ tàu tới cảng Kuching – được xem là cảng lánh nạn gần cảng đích nhất là khoảng 250 hải lý. Ngoài ra thì vị trí bỏ tàu cách mũi Sekatung thuộc đảo Laut khoảng 25 hải lý. Tuy nhiên, đảo này không được xem là nơi trú ẩn an toàn vì xung quanh đảo toàn san hô ngầm”; “vị trí tàu tại thời điểm rời bỏ tàu đã vượt ra ngoài phạm vi hoạt động cho phép của tàu”. Kết quả giám định của Công ty TNHH Braemar Falconer Việt Nam về tổn thất của 245,1 tấn thiết bị dầu khí là 2.203.000 USD (tương đương 39.303.720.500 đồng) (Bút lục: 264 – 300).
Hội đồng giám định tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Bình Định đã định giá và kết luận thân tàu Binh Dinh River có giá trị là 6.839.465.521 đồng (BL: 86 – 88).
Căn cứ vào các tình tiết và chứng cứ nêu trên;
 
KẾT LUẬN
Hồ Văn Tạo là thuyền trưởng lâu năm, là người có chuyên môn, có kinh nghiệm trong việc điều khiển tàu biển; được công ty Vinashin Binh Dinh ký hợp đồng là thuyền trưởng tàu Binh Dinh River vận chuyển hàng hóa đi trên đường biển. Khi nhận tàu; Hồ Văn Tạo được công ty Vinashin Binh Dinh giao các giấy tờ liên quan đến tàu, trong đó có Giấy chứng nhận cấp tàu và Giấy chứng nhận khả năng đi biển. Trong các giấy chứng nhận này ghi rõ tàu Binh Dinh River là tàu “*VRH II”, được hoạt động trong vùng hạn chế II, tức là “tàu được phép hoạt động trong vùng biển hạn chế cách xa bờ hay nơi trú ẩn không quá 50 hải lý”. Khi nhận lệnh của chủ tàu vận chuyển 245,1 tấn thiết bị dầu khí của Công ty Schlumberger đến cảng Muara- Brunei, lẽ ra Hồ Văn Tạo phải điều khiển tàu Binh Dinh River đi theo hải trình trong vùng hạn chế cho phép. Tuy nhiên vì cẩu thả, và tự tin vào kinh nghiệm, đã không xem xét kỹ các quy định trên các Giấy chứng nhận này, nên khoảng 10h30 ngày 06/01/2009, Hồ Văn Tạo điều khiển tàu Binh Dinh River vận chuyển 245.1 tấn thiết bị dầu khí của Công ty Schlumberger rời cảng Vũng Tàu đi đến cảng Muara – Brunei và duyệt hải trình đi ra ngoài giới hạn cho phép. Do vậy, khi gặp thời tiết xấu, tàu Binh Dinh River không đủ khả năng đảm bảo an toàn, nên tàu rung lắc mạnh, thủng mạn tàu, nước tràn vảo làm nghiêng tàu. Khi tàu Binh Dinh River gặp nạn, Hồ Văn Tạo đã hết sức cố gắng thực hiện mọi thao tác để cứu tàu, hàng hóa. Đến 10h30 nhận thấy tàu có nguy cơ bị chìm, để đảm bảo tính mạng cho thuyền viên, nên Hồ Văn Tạo quyết định bỏ tàu, đưa thuyền viên xuống phao cứu sinh taih vị trí có tọa độ 05°13N – 108°02E; sau đó, tàu Binh Dinh River tiếp tục trôi dạt và mắc cạn tại khu vực Palau Sagudamar (Indonexia); làm thiệt hại toàn bộ hàng hóa trên tàu là 2.203.000 USD (Tương đương 39.303.720.500 đồng) và thân tàu Binh Dinh River trị giá 6.839.465.521 đồng.
Hành vi của Hồ Văn Tạo là nguy hiểm cho xã hội; chỉ vì cẩu thả và quá tự tin, nên đã gây ra thiệt hại đặc biệt nghiên trọng về tài sản. Do đó, cần xử lý bằng hình sự để giáo dục bị can và phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, khi tàu Binh Dinh River gặp nạn; Hồ Văn Tạo đã thực hiện mẫn cán trách nhiệm của thuyền trưởng nhằm cứu tàu và hàng hóa như: chỉ huy chuyển hướng đi của tàu nhằm tránh gió, chỉ đạo kiểm tra, chằng buộc hàng hóa, kiểm tra mực nước, bơm nước tràn vào tàu; …;khi tàu mất lái, nghiêng 15 độ và có khả năng chìm, Tạo đã điện báo công ty để xin ý kiến; báo động cấp cứu; đàm phán trong nhiều giờ liền với tàu Hàn Quốc để cứu tàu và hàng hóa; khi tàu bị trôi tự do, nguy cơ chìm tàu và hàng hóa sẻ xảy đến; thấy nguy cơ đến tính mạng thuyền viên, Hồ Văn Tạo đã quyết định bỏ tàu, chỉ đạo thuyền viên xuống phao cứu sinh, nên toàn bộ thuyền viên đã được cứu sống. Do đó, cần được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi xét xử.
Như vậy, đủ căn cứ xác định bị can có lý lịch dưới đây đã phạm tội như sau:
LÝ LỊCH BỊ CAN
Họ và tên: Hồ Văn Tạo
Sinh năm: 1958 tại Quảng Bình.
Nơi ĐKHKTT và chổ ở: số 20 Đỗ Quang, Thảo Điền, Quận 2, TP HCM.
Quốc tịch: Viêt Nam Dân tộc: Kinh Tôn giáo: Không
Nghề nghiệp: thuyền trưởng;
Trình độ học vấn: 10/10
Con ông: Hồ Phụ (Đã chết).
Con bà: Lê Thị Luyên Sinh năm: 1927
Vợ: Đoàn Thị Mai Sinh năm: 1959
Con: có 03 đứa ( Lớn nhất 31 tuổi nhỏ nhất 26 tuổi).
Tiền án tiền sự: Không.
Bị khởi tố, bắt tạm giam từ ngày 16/11/2012 đến ngày 28/12/2012 thay đổi biện pháp ngăn chặn Tạm giam bằng biện pháp Bảo Lĩnh. Hiện bị can đang tại ngoại và cư trú tại số nhà 20 đường Đỗ Quang, phường Thảo Điền, thành phố Hồ Chí Minh.
Hành vi nêu trên của Hồ Văn Tạo đã phạm tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự.
Điều 285/BLHS, tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định:
 
Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
 
Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba đến mười hai năm.
 
… …
 
 
 
Vì các lẽ nêu trên;
QUYẾT ĐỊNH
Truy tố ra trước tòa án nhân dân tỉnh Bình Định để xét xử bị can Hồ Văn Tạo có lý lịch nêu trên về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự.
Về dân sự: đề nghị hội đồng xét xử tuyên buộc Hồ Văn Tạo chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thân tàu Binh Dinh River là 6.839.465.521 đồng.
Riêng khoản thiệt hại về hàng hóa 245.1 tấn thiết bị dầu khí trị giá 2.203.000 USD (Tương đương 39.303.720.500 đồng) đã được Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng xét xử tại Bản án số: 14/2010/KDTMPT ngày 15/12/2010.
Vật chứng vụ án: Không.
Kèm theo cáo trạng là toàn bộ hồ sơ vụ án./.
 
KT.VIỆN TRƯỞNG
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
Nơi nhận; (đã ký)
 
Lê Văn Minh
 
 
Vụ 2 – Viện KSND tối cao;
 
Viện KSXXPT tại Đà Nẵng;
 
Lãnh đạo VKS Bình Định;
 
HSVA + HSKS;
 
Bị can; 
 
Lưu.
 
Cáo trạng trang 1:
 
Cáo trạng trang 2:
 
Cáo trạng trang 3:
 
Cáo trạng trang 4: