Vân Phong cần một nhà quy hoạch giỏi

Với các lợi thế hiếm có như độ nước sâu (từ 20-40 mét), không bị bồi lấp, kín gió, cách hải phận quốc tế chỉ 14km, các chuyên gia hàng hải trong và ngoài nước đã nhận định: Vân Phong (Khánh Hòa) là nơi duy nhất của Việt Nam có đủ điều kiện cạnh tranh mạnh trong hệ thống dịch vụ cảng trung chuyển container quốc tế. Thế nhưng, sau hơn 10 năm đề xuất ý tưởng và đã từng nhận được nhiều ủng hộ của Chính phủ, đến nay, Vịnh Vân Phong vẫn chưa phát triển đúng kỳ vọng của những người dành tâm huyết với nó. NCĐT đã trao đổi Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kỹ thuật biển TP.HCM, người đã đưa ra ý tưởng đầu tiên cho cảng Trung chuyển container trong “Hội thảo quy hoạch du lịch Văn Phong- Đại Lãnh” tại Nha Trang năm 1997. Vân Phong đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư , song gần 10 năm qua dự án vẫn chưa có chuyển biến nào rõ rệt. Ông nghĩ sao về vấn đề này? Ông Doãn Mạnh Dũng: Chính phủ và các bộ ngành đều hiểu rõ tầm quan trọng về kinh tế của Vân Phong. Song theo tôi, Vân Phong hiện bị chựng lại là do thiếu quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, 1/1.000 trên toàn bán đảo. Tức là chia dự án ra từng nhóm dự án nhỏ rồi cho đấu thầu từng mảng phù hợp với gói đầu tư. Theo tôi, nên phát triển Vân Phong thành Khu kinh tế mở. Chính khu kinh tế mở này sẽ quyết định khả năng thu hút đầu tư vào Vân Phong. Để quy hoạch chi tiết toàn bộ bán đảo Vân Phong, yếu tố cần và đủ ở đây là gì? Ông Doãn Mạnh Dũng: Tài chính và một nhà quy hoạch giỏi. Cả hai thứ đó hiện chúng ra chưa có. Trước hết là tài chính. Năm 2004, khi đương chức Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển Vân Phong, tôi đã từng đề xuất và được Bộ Xây dựng đồng ý, cho phép quy hoạch Vân Phong thành Khu kinh tế mở. Song nguồn lực tài chính lúc đó không cho phép, nên chúng tôi không thực hiện được. Để quy hoạch tốt Khu kinh tế mở Vân Phong, ít nhất phải bỏ ra 20-25 triệu USD. Hiện tại, chúng ta chưa đủ khả năng để tự quy hoạch. Do đó, nên tổ chức cuộc thi mời gọi các nhà quy hoạch nước ngoài tham gia. Sau khi quy hoạch, chúng ta mới nên kêu gọi đầu tư. Hiện có không ít nhà đầu tư đang nhòm ngó vào Vân Phong song nếu không quy hoạch bài bản, đầu tư lẻ tẻ, ta sẽ làm hỏng Vân Phong mất. Nếu xét về tầm một khu kinh tế mở của quốc gia, 25 triệu USD không phải là con số quá lớn? Ông Doãn Mạnh Dũng: Đúng, không lớn nếu nhìn lợi ích của dân tộc. Tôi đã từng viết bài khẳng định rằng, Vân Phong là nguồn lợi của dân tộc chứ không phải của địa phương,của nhóm hay tập đoàn kinh tế nào. Ở đây, cần một tư duy đúng về Vân Phong trước khi nói chuyện đầu tư và phát triển. Vậy tư duy đúng đó, theo ông cụ thể thế nào? Ông Doãn Mạnh Dũng: Vân Phong cần một nhạc trưởng đứng trên tầm phát triển của quốc gia chứ không phải phát triển vùng, càng không thể giao cho cán bộ cấp tỉnh quản lý như bấy lâu nay. Thứ hai là chính Bộ Xây dựng nên mạnh đạng đứng ra làm đầu mối cho các Bộ , làm chủ đầu tư, vay khoảng 25 triệu USD để tổ chức thi quy hoạch chi tiết, sau đó mời gọi đầu tư… Hiện Dubai có khu kinh tế mở rất thành công, Singapore là một đất nước có tư duy xây dựng kinh tế mở ngay từ khi kiến thiết, HongKong cũng đáng học hỏi. Điều đáng lo với Vân Phong hiện tại là gì, thưa ông? Ông Doãn Mạnh Dũng: Ngoài quan ngại đầu tư nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch, nếu để chậm nữa, hệ thống vận tải của các nước trên thế giới và trong khu vực sẽ mở rộng dần và ổn định, lúc đó, Vân Phong sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn. Bởi khi hệ thống cảng biển quốc tế này đi vào guồng hoạt động, ràng buộc nhau về quyền lợi, Vân Phong đi sau sẽ khó chen chân vào guồng cho dù có lợi thế hơn các cảng khác gấp nhiều lần. Tôi nhấn mạnh, cảng nước sâu như Vân Phong trên thế giới rất hiếm có. Mức mớn nước sâu nhất của tàu container lớn nhất thế giới hiện chỉ 16,5 mét, trong khi độ sâu của Vân Phong từ 22-27 mét, có giới hạn lên đến 40 mét. Một độ sâu quá tuyệt vời, nhưng nếu để chậm nữa, tôi e rằng ta mất không ít cơ hội, mà cơ hội là chính là tiền. Ý tưởng xây dựng một cảng trung chuyển container quốc tế tại Vân Phong của ông đang trở thành sự thật. Theo ông, cảng nước sâu Vân Phong nên tham khảo thiết kế của cảng nào? Ông Doãn Mạnh Dũng: Với cảng nước sâu, có thể tham khảo học hỏi thiết kế của cảng Busan của Hàn Quốc, Rotterdam của Hà Lan hay khu kinh tế Thâm Quyến của Trung Quốc. Tuy nhiên, cần nhớ một điều, tiếp thu cố vấn nước ngoài nhưng phải biết tỉnh táo chọn lọc và đặt quyền lợi của quốc gia lên trên hết chứ không phải mọi lời tư vấn đều hữu ích. Nếu xây cảng Vân Phong vào năm 2015, sẽ cạnh tranh với cảng Singapore (đứng thứ nhất thế giới về số container nhập cảng năm qua trên 30 triệu TEU/ năm, hoặc với cảng Thâm Quyến (hiện đứng thứ 4 thế giới với trên 20 triệu TEU/ năm). Busan của Hàn Quốc, Thượng Hải của Trung Quốc, Cao Hùng và Keelung của Đài Loan, Klang và Tanjung Pelepas của Malaysia, Laem Chabang của Thái Lan… đều là những cảng trung chuyển container hàng đầu khu vực. Vân Phong hơn tất cả về độ sâu ổn định không bị phù sa bồi lắp, kín gió, gần hải phận quốc tế… là đối thủ đáng gờm của họ. Theo ông, ai có thể làm nhạc trưởng cho Vân Phong lúc này? Ông Doãn Mạnh Dũng: Nhẽ ra không nên nói cụ thể cá nhân nào, nhưng qua trải nghiệm của bản thân, tôi nghĩ tầm như các ông như Bộ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư, hoặc ông Vũ Khoan ( nguyên Phó Thủ tướng) ,Trương Đình Tuyển (nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại), ông Trần Xuân Giá (nguyên Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư)… có thể vào vị trí đó. Nếu được người như ông Trương Đình Tuyển thì tuyệt vời nhất. Vì chúng ta đang phải làm một việc chưa có tiền lệ vì vậy đòi hỏi người chỉ huy không chỉ nắm chắc lý thuyết ngọai thương mà biết vận dụng khéo léo vào thực tiển của đất nước, phải dám làm và dám chịu trách nhiệm. Có như vậy chắc chắn bộ mặt của Vân Phong sẽ thay đổi nhanh chóng.. BOX: Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng: Nguyên trưởng Ban cơ sở hạ tầng (Cục Hàng hải Việt Nam), nguyên Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển Vân Phong. Hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển TP.HCM. “Năm 1992, khi đang công tác tại công ty môi giới hàng hải ở Anh, tình cờ tôi đọc được trên một tờ tạp chí vận tải biển nổi tiếng cho rằng: “trong tương lai, tàu container sẽ đạt độ sâu 21 mét”. Từ đó ý tưởng nghiên cứu một cảng nước sâu ở Việt Nam trong tôi bắt đầu. Cuối năm 1992, sau khi về nước, tôi bắt đầu nghiên cứu khảo sát độ sâu tất cả các cảng biển, vùng vịnh của nước ta, tôi biết chỉ có Vân Phong hội đủ điều kiện trên”.