Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực
, một ngành được coi là vai trò “động lực thời đại” trong bối cảnh loài người đang tiến ra biển và đại dương. Nghị quyết 4 của Ban chấp hành TW. Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa X về “chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” ra đời đầu năm 2007 đánh dấu một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển kinh tế biển của đất nước. Tuy nhiên, cho đến nay sự chuyển động của xã hội cũng như các ngành chức năng liên quan hình như còn khá chậm chạp, chưa tương xứng với quyết tâm của một nước ven biển có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để trở thành một quốc gia mạnh về biển trong tương lai. Chắc hẵn là có nhiều lý do…… Bài viết xin nêu một phần suy tư để tiện tham khảo. I. CẦN THỐNG NHẤT KHÁI NIỆM VỀ KINH TẾ BIỂN : Qua các cuộc hội thảo ở cấp quốc gia, chuyên ngành và địa phương, như : “Hội thảo về tầm nhìn kinh tế biển và phát triển thủy sản Việt Nam”, “ Hội thảo đào tạo nguồn nhân lực biển trong thời kỳ hội nhập quốc tế” …..cũng như nghiên cứu nhiều bài viết có giá trị học thuật và thực tiễn được đăng tải trên những tạp chí chuyên ngành biển. Chúng tôi nhận thấy điều trước tiên là chúng ta nên nhất trí về khái niệm kinh tế biển theo đúng tinh thần Nghị quyết 4 của TW khóa X và những điều kiện thực tế của nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay trên bình diện quốc tế, các nước cũng chưa hoàn toàn đồng thuận về khái niệm kinh tế biển, mỗi quốc gia biển có cách nhìn riêng phụ thuộc vào giá trị đóng góp của ngành này đối với nền kinh tế quốc dân. Nhưng về cơ bản thì kinh tế biển là khái niệm mang tính thực tiễn, có thể chia làm hai phần chủ yếu : Một là : Toàn bộ những hoạt động kinh tế diễn ra trên biển : • Kinh tế hàng hải (vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ liên quan) • Hải sản (đánh bắt, nuôi trồng, khai thác cảng cá) • Khai thác dầu khí trên biển • Du lịch biển • Nghề muối biển • Dịch vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển • Kinh tế hải đảo Hai là : Những hoạt động trực tiếp liên quan đến khai thác, có thể không diễn ra ngay trên biển, nhưng dựa vào yếu tố biển và diễn ra từ đất liền : • Đóng và sửa chữa tàu biển (có nước xếp vào kinh tế hàng hải) • Công nghiệp chế biến dầu khí • Công nghiệp chế biến hải sản • Cung cấp dịch vụ biển (khí tượng thủy văn, logistic, và một số lĩnh vực khác….) • Thông tin liên lạc biển (đài phát tín ven biển, hệ thống định vị) • Nghiên cứu khoa học – công nghệ biển • Điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển • Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển • Bảo vệ môi trường, sinh thái biển. II. TÌNH TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC QUỐC GIA VÀ NHÂN LỰC CỦA MỘT SỐ NGÀNH CHỦ CHỐT CỦA KINH TẾ BIỂN VIỆT NAM Như chúng ta biết, chiến lược phát triển kinh tế biển là cốt lõi của chiến lược biển Việt Nam vì kinh tế biển là nền kinh tế của Khoa học – công nghệ hiện đại, của tiềm lực tài chính, của sức mạnh chính trị, quân sự và ngoại giao của một quốc gia. Lịch sử nhân loại đã chứng minh những cường quốc phát triển trên thế giới đều là những quốc gia biển. Sự thành công của họ được quyết định phần lớn là ở nguồn nhân lực dồi dào có nghề nghiệp với kỹ năng cao đủ sức khai thác tài nguyên của biển và đại dương một cách hiệu quả và bền vững. Chính vì vậy, việc xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế biển phải được đặt lên hàng đầu trong tình hình vốn dĩ nguồn nhân lực Việt Nam có tay nghề và kỹ năng đang thiếu và yếu so với các nước trong khu vực, khi chúng ta hội nhập thế giới. Cả nước hiện có 53 triệu người ở tuổi lao động (chiếm 63% dân số) thì chỉ mới có 27% được đào tạo chính quy, đạt chất lượng quốc tế, còn lại 73% chưa được đào tạo tay nghề, nhất là ở nông thôn. Nếu lấy 10 làm thang điểm cho nguồn nhân lực có kỹ năng để so sánh với một số quốc gia láng giềng, chúng ta có kết quả tương ứng : – Hàn Quốc là 6,91/10, Trung Quốc 5,73/10, Malaysia 5,59/10, Việt Nam 3,79/10. Về năng suất lao động, Việt Nam được xếp 77/125 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Rõ ràng, vấn đề đào tạo tay nghề cho dân là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay. Kinh tế hàng hải (vận tải biển, khai thác cảng và những dịch vụ liên quan đến kinh tế hàng hải). Là ngành sử dụng tương đối nhiều nhân lực, có thể tạo ra lợi thế phát triển và cạnh tranh. Đội tàu biển quốc gia năm 2007 có 1.199 chiếc với tải trọng 4,3 triệu DWT, đã vận chuyển được 61,3 triệu tấn hàng hóa, trong đó 18% là hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đội tàu phấn đấu đến 2020 đạt 11 triệu DWT, để đảm bảo được 35% hàng xuất nhập khẩu và 45% hàng trong nước. Hệ thống cảng biển năm 2007 đã thông qua, 181,1 triệu tấn hàng hóa, trong đó hàng container là 4,4 triệu TEU’S. Theo dự kiến đến năm 2020 phải đưa năng lực thông qua của hệ thống cảng biển lên 550 triệu tấn hàng hóa thì mới thỏa mãn nhu cầu phát triển của ngành hàng hải. Hiện nay, nguồn nhân lực cho Ngành này được cung cấp bởi hai Trường Đại học và 3 Trường Cao đẳng, mỗi năm đáp ứng khoảng 70% lượng sỹ quan hàng hải và thuyền viên cho đội tàu (kể cả xuất khẩu) và một phần lực lượng quản lý, khai thác các cảng biển, đóng tàu biển và các ngành dịch vụ khác của kinh tế hàng hải. Tuy nhiên, sỹ quan và thuyền viên vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn và ngoại ngữ, đội ngũ quản lý khai thác hệ thống cảng biển thì trình độ lẫn đẳng cấp chưa ngang tầm quốc tế, nên các cảng hoạt động năng suất thấp, không đủ sức cạnh tranh với những cảng trong khu vực và trên thế giới. Để khắc phục tình trạng này cần đầu tư mở rộng và nâng cao cấp bậc đào tạo cho các Trường hàng hải, chú trọng chất lượng và kỷ năng nghề nghiệp đi biển, nhất là thuyền viên xuất khẩu, một thế mạnh của chúng ta, quốc gia có nguồn lao động dồi dào. Ngành Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (tập đoàn Vinashin) Đây là ngành phát triển nóng trong kinh tế biển và Công nghiệp ở Việt Nam, với mức tăng trưởng hàng năm từ 30% – 40%. Vinashin đã đóng được tàu biển có trọng tải trên 10 vạn tấn DWT với nhiều chủng khác nhau, đạt tiêu chuẩn quốc tế cho các chủ hàng trong và ngoài nước. Năm 2007 đóng mới và hạ thủy gần 750.000 DWT các loại. Hiện giờ tập đoàn đang quản lý trên 300 đơn vị thành viên nằm rải rác từ Bắc đến Nam, sử dụng hơn 10 vạn lao động có tay nghề cao. Từ nay đến 2015, mỗi năm cần bổ sung từ 10.000 – 15.000 nhân lực có kỹ thuật, trong đó có khoảng 1.800 – 2.000 trình độ đại học. Với quy mô đào tạo hiện nay, vừa không đủ số lượng vừa kém chất lượng, mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhân lực cho ngành này. Vinashin đã đề nghị Nhà nước cho phát triển hệ thống đào tạo bậc Cao đẳng và Đại học khép kín cho Ngành mình. Có thể đây là bài toán khó giải cần đến sự phối hợp và liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, Nhà trường và Người sử dụng nhân lực thì mới tìm ra đáp số thích hợp. Ngành hải sản (đánh bắt, nuôi trồng, khai thác cảng cá) Tuy chưa phải là ngành sản xuất công nghiệp qui mô, hiện đại, chủ yếu vẫn là khai thác nhỏ của nhân dân ở ven bờ và khu vực biển gần, nhưng với lợi thế có bờ biển dài và phương tiện nhiều (87.000 tàu thuyền với 4.800.000 mã lực, trong đó 87% có công suất máy dưới 90 mã lực) nên sản lượng tương đối cao. Việt Nam được xếp một trong 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu về hải sản của thế giới. Năm 2006 đạt kim ngạch gần 3,5 tỷ USD, chiếm vị trí quan trọng trong kinh tế biển Việt Nam. Đây là ngành sử dụng nhiều lao động, chỉ tính các lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ ở các cảng cá đã có trên 1,4 triệu lao động tham gia, đó là chưa kể khoảng 20 triệu dân sống ở 115 huyện ven biển gắn bó và có quan hệ với quyền lợi biển. Phần lớn lao động của ngành hải sản đều là ngư dân chưa qua đào tạo có hệ thống và bài bản nên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là sắp đến Ngành đang cơ cấu lại sản xuất để đi vào công nghiệp và hiện đại hóa. Nên chăng, ngay từ bây giờ cần tiến hành đào tạo nguồn nhân lực mới lấy từ lao động dồi dào trong ngư dân để vừa nâng cao trình độ dân trí, vừa xây dựng lực lượng hùng hậu có tay nghề và kỹ năng, chẳng những góp phần phát triển Ngành hải sản mà còn chủ động mở rộng thế trận an ninh quốc phòng trên biển khi có sự cố. Ngành khai thác dầu khí trên biển : Là ngành công nghiệp mới, bắt đầu hoạt động tù 1986 trên cơ sở sử dụng chuyên gia nước ngoài của các liên doanh và một phần lao động Việt Nam được huấn luyện đào tạo cấp tốc từ Viện xây dựng công trình biển của Trường Đại học xây dựng và một số Trường Đại học Khoa học tự nhiên và Đại học Bách khoa trong nước. Qua 22 năm hoạt động và trưởng thành, ngành khai thác dầu khí trên biển đã trở thành ngành mũi nhọn của kinh tế biển Việt Nam. Năm 2005 khai thác được 18,8 triệu tấn dầu thô và 6,89 tỷ m3 khí. Sản phẩm dầu thô hầu như được xuất khẩu toàn bộ với kim ngạch đạt 7,44 tỷ USD, chiếm 22% – 24% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia. Đến nay, ngành dầu khí Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới là đã hình thành công nghiệp chế biến và mở rộng hợp tác quốc tế để khai thác nguồn dầu khí bên ngoài biên giới quốc gia. Hành trang về vốn liếng và khoa học công nghệ đang còn khiêm tốn, nhưng cũng đủ lực để phát huy hợp tác với thế giới. Chính lúc này cần phải bổ sung nguồn nhân lực kỹ năng cao để đi vào công nghệ hiện đại. Nếu trước đây nguồn đào tạo chỉ cung cấp hàng năm trên dưới 100 sinh viên thì nay phải tăng gấp 4 – 5 lần nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững cho ngành dầu khi trong quá trình hội nhập. Các ngành khác liên quan đến khai thác kinh tế biển diễn ra từ đất liền . Là những ngành thuộc nhóm thứ hai của kinh tế biển mà hoạt động chủ yếu diễn ra từ đất liền được gắn chặt với những công trình nghiên cứu khai thác biển từ các Trường Đại học, các Viện nghiên cứu của một số Bộ quản lý Nhà nước. Với lực lượng không nhiều các nhà trí thức đầu ngành của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, xây dựng, thủy lợi, khí tượng, thủy sản, môi trường…..chưa được tập hợp và phát huy đầy đủ năng lực để cống hiến cho sự nghiệp phát triển biển Việt Nam, đó là chưa kể một số ngành và lĩnh vực bị bỏ ngỏ như : khai thác vật liệu hóa phẩm trong nước biển, Công nghệ hóa lý (công nghệ màng) trong khai thác nước ngọt từ biển, công nghệ khai thác năng lượng biển (sóng biển, thủy triều, thủy nhiệt)……là những lĩnh vực rất cần cho một nền kinh tế biển hiện đại. III. SUY NGHĨ VỀ CHIẾN LƯỢC ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHO KINH TẾ BIỂN VIỆT NAM . Trong hai phần đầu, chúng ta đã định hình cũng như tiếp cận với nguồn nhân lực của một số ngành chủ chốt của kinh tế biển Việt Nam, đó chính là tiền đề và nền tảng cho tư duy về một chiến lược đào tạo hợp lý và hiệu quả. Phải có tầm nhìn rộng với tư duy mới. Cho đến nay, khi nói đến kinh tế biển, người ta chỉ nghĩ về tàu bè, dầu khí, hải sản, du lịch, tức là những ngành có đóng góp lớn tăng trưởng GDP của quốc gia. Điều đó dễ hiểu và hợp với logic của sự bắt đầu quá trình phát triển. Nó xuất phát từ tư duy của nền văn minh nông nghiệp lúa nước ở giai đoạn chuyển sang công nghiệp để chuẩn bị tiến ra biển và Đại dương theo xu thế thời đại, có nghĩa kinh tế biển là sự kéo dài của kinh tế đất liền, chứ chưa phải là động lực của nền kinh tế quốc dân. Có lẻ vì thế mà đến nay chúng ta chưa có được một chiến lược hoàn chỉnh về đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển, trong khi Nghị quyết 4 của TW. X nêu rõ :” Nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển……”. Vậy, có người hỏi :” Hiện nay chúng ta đang ở đâu ? Về mặt quyết tâm chính trị thì rõ ràng chúng ta đang tiến ra biển, nhưng thực tế cho thấy chúng ta vẫn đứng trước biển…..nếu như không có được tầm nhìn rộng và xa với tư duy mới về biển. Thống nhất quản lý công tác đào tạo Ai cũng hiểu kinh tế biển là lĩnh vực phức hợp, đa ngành nghề, sử dụng nhiều lao động. Nguồn nhân lực của kinh tế biển phải là lao động có tay nghề, có kỹ thuật được huấn luyện và đào tạo hệ thống, bài bản theo chiến lược phát triển quốc gia nhằm khai thác có hiệu quả nhất tài nguyên thiên nhiên của biển và Đại dương. Tuy nhiên, kinh tế biển Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với thực trạng ngược lại, đó là nguồn nhân lực thiếu và yếu. Năng lực khai thác biển còn thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/7 của Hàn Quốc, 1/20 của Trung Quốc và 1/49 của Nhật Bản. Nguyên nhân thì ai cũng có thể nêu, nhưng thiết nghĩ cách khắc phục đơn giản mang tính khả thi là phải thống nhất công tác đào tạo về một đầu mối để phát huy sức mạnh tổng hợp về trí tuệ nhằm xây dựng một chiến lược đào tạo có hiệu quả, nâng tầm vóc nguồn nhân lực kinh tế biển Việt Nam ngang bằng với thế giới . Mở rộng phạm vi đào tạo và phát triển một số ngành nghề mới. Nếu tính chung trên cả nước hiện có 8 Trường Đại học chuyên ngành và không chuyên thuộc 7 Bộ quản lý Nhà nước, cùng nhiều Trường Cao đẳng, Trung cấp dạy nghề (chưa kể số cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật của rất nhiều Nhà máy, Xí nghiệp) cung cấp nhân lực cho các ngành kinh tế biển. Số cơ sở nêu trên nghe thì nhiều nhưng lượng cung cấp lại không thỏa mãn cho yêu cầu phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Điều đáng lưu ý là số lượng cán bộ quản lý và nghiên cứu khoa học của một số ngành mà hoạt động diễn ra từ đất liền, nhưng lại rất quan trọng đối với kinh tế biển đang bị khiếm khuyết nghiêm trọng. Hải dương học (Oceanography) một ngành khoa học tổng hợp trí thức cơ bản về tự nhiên của biển và đại dương vẫn không được quan tạm đúng mức. Các ngành công nghệ biển (Ocean Engineering) như : công nghệ bờ biển (Coastal Engineering), công nghệ biển khơi (Offshore Engineering) và công nghiệ môi trường biển (Environmental Engineering) đều là những ngành công nghệ mới mang tính cạnh tranh cao, đang rất cần cho quốc gia biển trong thời kỳ hội nhập thì bị bỏ ngỏ, chưa được hình thành….. Từ đó cho thấy rằng việc phát triển mới và mở rộng đào tạo thêm nhiều ngành nghề liên quan đến khoa học – công nghệ và kinh tế biển ở các Trường Đại học Việt Nam là nhiệm vụ cấp bách chẳng những để phát triển kinh tế mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của quốc gia biển trước thảm họa biến đổi khí hậu toàn cầu đang đe dọa an sinh Tổ quốc. Khoa học – công nghệ tiên tiến và nhân lực có kỹ năng là yếu tố quyết định cho sự thành công . Hoạt động khoa học – công nghệ biển Việt Nam tuy bắt đầu khá sớm từ những năm 30 của thế kỷ trước, rồi được đẩy mạnh trong thời gian ngắn ở thập niên 60 và mở rộng qui mô từ sau năm 1975. Đến nay đã tròn 70 năm, là ngành khoa học – công nghệ có thâm niên cao, đã ghi nhiều thành tựu nhất định trong lịch sử phát triển khoa học – công nghệ của dân tộc. Tuy nhiên, Khoa học – công nghệ biển Việt Nam vẫn được đánh giá là loại yếu trong khu vực, về lực lượng, trình độ, đẳng cấp, trang bị kỹ thuật cũng như đầu tư phát triển……. Lịch sử của nhiều cường quốc biển xưa và nay cho thấy :”Để có một nền kinh tế biển mạnh thì phải có một nền khoa học công nghệ tiên tiến làm hạt nhân”, đó là qui luật phát triển, đồng thời cũng là bài học cho những nhà hoạch định chiến lược phát triển biển quốc gia. Thực hiện Nghị quyết 4 của TW. X về “chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, nhằm tạo điều kiện cho kinh tế biển phát triển nhanh, Nhà nước dự kiến trong vòng 15 năm tới sẽ đầu tư khoảng 500 triệu USD cho khoa học công nghệ biển, trong đó 40% dành cho nghiên cứu khoa học và trang bị kỹ thuật, 15% cho đào tạo nhân lực. Con số này chưa phải là lớn đối với thế giới, nhưng cũng tạo niềm tin và sự phấn khởi cho những người tâm huyết với biển Việt Nam, bởi đã có sự thay đổi tư duy trong cách nhìn đối với sự nghiệp phát triển biển. Chúng ta tin tưởng các nhà khoa học – công nghệ Việt Nam sẽ có cơ hội cống hiến tốt hơn, các nhà giáo dục đào tạo sẽ có điều kiện cung cấp nguồn nhân lực kỹ năng cao hơn, cùng nhau tìm con đường ngắn nhất để sớm đến mục tiêu “Một quốc gia biển giàu mạnh, văn minh có nền công nghiệp hiện đại ở biển Đông”. Ngô Lực Tải- Phó Chủ tich Hội KHKT Biển Tp HCM TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chiến lược kinh tế biển. Cách tiếp cận và những nội dung chính, Viện KHXH.VN và Bọ NN và PTNT Bùi Tất Thắng – Hà nội tháng 12/2007. 2. Một số định hướng chính về quản lý phát triển kinh tế biển bền vững – Viện KHXH VN và Bộ NN và PTNT – Nguyễn Tác An, Hà Nội tháng 12/2007 3. Khoa học công nghệ trong chiến lược phát triển kinh tế biển VN, Viện KHXH.VN và Bộ NN và PTNT – Lê Đức Tố – Đăng Ngọc Thanh, Hà Nội tháng 12/2007 4. Mục tiêu phát triển của Ngành hàng hải VN đến năm 2020 – Visaba Times số 102, tháng 1 – 2/2008 5. Đổi mới đào tạo nhân lực Khoa học công nghệ biển ở VN – thực trạng và yêu cầu của sự phát triển – Đình Văn Ưu – Đoàn Bộ – Hội KHKT biển VN. TP.HCM tháng 4/2008 6. Suy gẫm về biển và Đại dương thế kỷ 21 – Phạm Nguyên Long, Viện KHXH.VN và Bộ NN và PTNT, tháng 12/2007