“Nóng” chuyện giải phóng hàng hóa cho ĐBSCL

Theo ông Dũng, ngoài chuyện thiên tai, sâu bệnh…, một trong những nguyên nhân chính là sản phẩm nông nghiệp tại ĐBSCL không thể xuất khẩu trực tiếp mà phải vận chuyển lên các cảng của TP.HCM nên chi phí đội lên cao và người dân, doanh nghiệp phải chịu thiệt thòi.
Ngay cả TP Cần Thơ là trung tâm của ĐBSCL nhưng việc thu hút đầu tư cũng rất hiếm vì khi tìm hiểu thực trạng cảng ở ĐBSCL thì họ “đến rồi đi không trở lại”. Ông Bùi Ngọc Sương – phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ – dẫn chứng trong số 10 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2012 của ĐBSCL từ các mặt hàng chủ lực (gạo, thủy sản, trái cây), phần lớn số hàng hóa này “phải chở lên TP.HCM xuất khẩu”. Con số 4,5 triệu tấn hàng hóa qua cửa Định An năm 2011 và 4,9 triệu tấn năm 2012 (theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ) chủ yếu là các hàng hóa khác, không phải hàng chủ lực của ĐBSCL.
Theo báo cáo của Cục Hàng hải VN ký ngày 6-5, 20 cảng khu vực của ĐBSCL gồm Cần Thơ (16 bến cảng), Đồng Tháp (3 bến), An Giang (1 bến) chỉ đáp ứng khoảng 30% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp, số lượng hàng hóa còn lại phải chuyển lên TP.HCM không chỉ làm tăng chi phí mà còn gây ách tắc giao thông đường bộ và đường thủy mà nguyên nhân là do luồng Định An cạn, không tiếp nhận được tàu trọng tải lớn.
Không lẽ bó tay?
Bàn về cách khơi thông nút thắt luồng Định An, tại cuộc họp đã có hai luồng ý kiến khác nhau: hoặc phải nạo vét quy mô hơn, không làm nhỏ giọt như thời gian qua hoặc kiến nghị Chính phủ, Quốc hội bố trí vốn khởi động lại dự án kênh Quan Chánh Bố để giải quyết nhu cầu bức bách cho ĐBSCL.
Theo ông Phạm Đình Vận – tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, qua khảo sát thực tế nạo vét luồng Định An hàng chục năm qua cho thấy nếu nạo vét càng sâu thì mức độ bồi lắng ở luồng Định An càng nhanh, thời gian duy trì độ sâu nạo vét dài lắm cũng chỉ được 60 ngày. Ông Vận tính toán nếu nạo vét rộng 100m và sâu 4,5m phải cần tới 97 tỉ đồng, đồng thời cho rằng việc nạo vét thời gian qua là không hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Công – thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải – cho rằng điều quan trọng là “đổ tiền vào (nạo vét luồng Định An) thì giữ được bao lâu chứ nạo vét xong rồi lấp lại thì thà dùng tiền đó hỗ trợ cho phương tiện thủy nội địa bù chênh lệch giá còn hơn”. Ông Nguyễn Văn Cống, giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp, đặt vấn đề: “Cần phải có giải pháp mới chứ không lẽ bó tay?”. Giải pháp mới, theo ông Cống, là có thể biến các cảng ở ĐBSCL thành cảng trung chuyển hàng hóa lên TP.HCM, thậm chí là làm cảng nổi bên ngoài sông Hậu cũng chỉ để đóng vai trò trung chuyển.
Ông Bùi Ngọc Sương cũng thông tin trong buổi làm việc với các tỉnh thành ĐBSCL mới đây, lãnh đạo các địa phương đề nghị đã đến lúc phải xác định rõ: đẩy nhanh tiến độ dự án kênh Quan Chánh Bố hoặc nếu dừng dự án này thì phải có giải pháp cho tàu trên 10.000 tấn có thể vào sông Hậu. Theo ông Nguyễn Văn Công, điều quan trọng hiện nay là Bộ Giao thông vận tải, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các tỉnh thành kiến nghị quyết liệt, đưa các số liệu mang tính thuyết phục để đầu tư xây dựng và hoàn thành dự án cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu (kênh Quan Chánh Bố) để giải quyết bức bách cho ĐBSCL.
Trong thời gian chờ đợi dự án này khởi động lại, ông Công yêu cầu Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải VN khẩn trương thực hiện nạo vét luồng Định An theo kế hoạch được duyệt và đề nghị các đơn vị tư vấn nghiên cứu, đề xuất phương án khả thi để kiến nghị Chính phủ bố trí vốn, trang thiết bị hiện đại phục vụ nạo vét hiệu quả trong thời gian tới. 
-Không thể nạo vét với tàu hút bùn hiện có:
Không tham dự hội nghị, GS Nguyễn Ngọc Trân – ủy viên Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển ĐBSCL – đã gửi tham luận đến đề nghị phải nạo vét cửa Định An hằng năm vì đường vào các cảng trên thế giới đều được nạo vét như vậy nhưng phải làm nghiêm túc, không thể nạo vét với hai tàu hút bùn hiện có (được đóng từ năm…1970, với trọng tải nhỏ, công suất thấp – PV). Theo ông Trân, việc thuê một tàu hiện đại, dư công suất hút bùn cho dự án này là cần thiết. “Vì sự phát triển của đất nước và của ĐBSCL, tôi đề nghị hội nghị nên có quyết định đúng, không vì lợi ích nhóm mà quay mặt với yêu cầu chính đáng này”.
Nguồn : http://tuoitre.vn/kinh-te/547531/nong-chuyen-giai-phong-hang-hoa-cho-dbscl.html