Quốc Hội không cần phải làm gì đối với Công thư 1958- Hồ Minh Châu

Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn do Thời Báo Kinh Tế SG Online thực hiện ngày 16/6/2014, TS Tạ Văn Tài đã đề nghị: “Quốc hội, với quyền giải thích Hiến pháp và các văn bản pháp quy, các văn kiện luật và dưới luật cho ra một tuyên bố, nói rằng công thư mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958 chỉ là một tuyên bố đơn phương (unilateral declaration) chỉ nhằm mục đích ủng hộ Chu Ân Lai khi hai nước Việt Nam và Trung Quốc là đồng minh. Phần giải thích của Quốc hội nói rõ công thư chỉ ủng hộ về cái gọi là 12 hải lý lãnh hải mà ông Chu Ân Lai tuyên bố cho Trung Quốc”, và thêm rằng: “Quốc hội Việt Nam chỉ cần ra một tuyên bố chấp nhận lời giải thích của ông Tài với tư cách là một học giả độc lập, mang tính khách quan và ghi vào biên bản phiên họp. Cũng theo ông Tài thì ” đây là một hành vi nghị trường nhẹ nhàng và đúng mực nhưng cũng rất công chính, không sợ phía Trung Quốc xuyên tạc” (http://www.thesaigontimes.vn/116322/Quoc-hoi-va-cong-thu-Pham-Van-Dong.html).

Mới đây nhất là bài “CHXHCN Việt Nam có bị ràng buộc bởi công thư 1958?” ngày 20/06/2014 của báo Thanh Niên Online (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140620/chxhcn-viet-nam-co-bi-rang-buoc-boi-cong-thu-1958.aspx). Ngoài vấn đề thừa kế quốc gia đối với hiệp ước quốc tế, Thanh Niên Online còn đi xa hơn khi nêu ra Công ước Vienna về Thừa kế của các Quốc gia đối với Tài sản, Văn kiện Lưu trữ và Nợ của Quốc gia – Vienna Convention on Succession of States in Respect of State Property, Archives and Debts – dù rằng công ước này chỉ hoàn thành ngày 08 tháng 8 năm 1983, nhưng chưa có hiệu lực (http://legal.un.org/ilc/texts/instruments/english/conventions/3_3_1983.pdf).

Đúng ra là Vienna Convention on Succession of States in respect of TREATIES (mà TS Tạ Văn Tài dịch là “Công ước Kế tục Quốc gia đối với HIỆP ƯỚC” – người viết cố tình viết hoa để nhấn mạnh và xin tạm dịch dài dòng hơn nhưng để cho rõ nghĩa hơn là “Công ước Vienna về Thừa kế của các Quốc gia đối với Hiệp ước”) được hoàn thành ngày 23 tháng 8 năm 1978, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6 tháng 11 năm 1996 (http://legal.un.org/ilc/texts/instruments/english/conventions/3_2_1978.pdf), nhưng chỉ có ý nghĩa ràng buộc đối với các nước đã phê chuẩn xong công ước này.

Như vậy, (1) công thư – DIPLOMATIC NOTE – của cố TT Phạm Văn Đồng đâu có phải là hiệp ước. Nhập hiệp ước và công thư làm một là không thấy được được sự khác biệt về cả hình thức lẫn nội dung 2 loại văn kiện quốc tế này; (2) đó là chưa kể chỉ mới có 22 nước đã phê chuẩn xong Công ước 1978 này (Bosnia, Croatia, Cyprus, Czech Republic, Dominica, Ecuador, Egypt, Estonia, Ethiopia, Iraq, Liberia, Macedonia, Moldova, Montenegro, Morocco, Saint Vincent and the Grenadines, Serbia, Seychelles, Slovakia, Slovenia, Tunisia, Ukraine), vậy thì Việt Nam và Trung Quốc dính dáng gì mà đưa cả 2 nước vào Công ước 1978 để suy diễn sai lệch về mục đích và ý nghĩa của công ước này?

B. QUESTION OF LAW

TS Tạ Văn Tài đã sai khi nêu ra Công ước Vienna 1978 để áp dụng vào trường hợp Công thư 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Hơn thế nữa, TS Tạ Văn Tài đã sai trong phần phỏng vấn ở http://www.thesaigontimes.vn/116322/Quoc-hoi-va-cong-thu-Pham-Van-Dong.html khi chỉ nêu ra vấn đề Question of Fact (vấn đề sự kiện) mà không nói gì đến Question of Law (vấn đề pháp lý) – vốn là vấn đề cốt lõi của tất cả các vụ kiện tụng: một khi đã đuối lý về Question of Law thì viện dẫn đến Question of Fact là thừa, mà nêu ra nguyên tắc Estoppel lại càng thừa thãi hơn (http://www.thesaigontimes.vn/115437/Kien-Trung-Quoc-o-toa-nao?—Phan-3.html).

C. Án lệ Australia & New Zealand v. France 1974

Ngoài ra, “Phụ lục lời giải thích của Luật sư Tạ Văn Tài về công thư/công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958” đã dẫn chứng sai lạc nội dung án lệ Australia & New Zealand v. France 1974 (http://www.thesaigontimes.vn/115437/Kien-Trung-Quoc-o-toa-nao?—Phan-3.html) .

Sau đây, xin phép được tóm tắt ngắn gọn án lệ này (http://www.icj-cij.org/docket/files/59/6161.pdf):

Australia và New Zealand (Plaintiff – Nguyên đơn) yêu cầu Pháp (Defendant – Bị cáo) chấm ngưng thử nghiệm hạt nhân trong khí quyển ở Nam Thái Bình Dương. Để đáp lại, Pháp yêu cầu ICJ bác đơn kiện của Úc và New Zealand.

(1) Question of law – vấn đề pháp lý : hành vi đơn phương của một quốc gia qua việc quốc gia này tuyên bố điều gì đó có sẽ tạo ra nghĩa vụ pháp lý đối với điều ấy hay không?

(2) Rule of public international law – quy định của công pháp quốc tế: theo công pháp quốc tế, hành vi đơn phương của một quốc gia có thể tạo ra nghĩa vụ pháp lý cho chính quốc gia này.

(3) Relevant facts – Sự kiện có liên quan: Pháp đã hoàn thành một loạt các vụ thử hạt nhân ở miền Nam Thái Bình Dương. Úc và New Zealand kiện Pháp ra Tòa án Quốc tế ICJ đòi hỏi Pháp chấm dứt thử nghiệm ngay lập tức. Trước khi ICJ xử xong vụ kiện, Pháp đơn phương tuyên bố rằng họ đã hoàn thành việc thử nghiệm và không có kế hoạch thử nghiệm nào khác nữa.

(4) Apply the rule of public international law (2) to the facts (3) – áp dụng các quy tắc của công pháp quốc tế (2) đối với sự kiện (3) : hành động Pháp đơn phương tuyên bố rằng họ đã hoàn thành việc thử nghiệm và không có kế hoạch thử nghiệm nào khác nữa có hiệu lực tạo ra nghĩa vụ pháp lý.

(5) Opinion held by ICJ – Ý kiến ​​của ICJ: thông qua nguyên tắc chung là hành vi đơn phương có thể có tác động tạo ra nghĩa vụ pháp lý, và áp dụng trong trường hợp này thì các tuyên bố của Pháp có liên quan đến hoàn cảnh và ý định mà họ sẽ thực hiện. Vì vậy, những tuyên bố của Pháp có sự ràng buộc pháp lý – có nghĩa là Pháp bị ràng buộc không thử nghiệm tiếp hạt nhân trong khí quyển ở Nam Thái Bình Dương. Và do đó, ICJ đã bác đơn kiện của Úc và New Zealand.

Tóm lại, khi trích dẫn án lệ Australia & New Zealand v. France 1974, TS Tạ Văn Tài đã sai cả question of fact lẫn question of law:

(a) Sai trong question of fact vì án lệ này liên quan đến sự kiện thử nghiệm hạt nhân trên vùng biển quốc tế không có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải, trong khi đó vụ việc công thư 1958 liên quan đến sự kiện chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam.

(b) Sai trong question of law vì qua án lệ này ICJ đã xác định lại một quy định của công pháp quốc tế là hành vi đơn phương của một quốc gia có thể tạo ra nghĩa vụ pháp lý cho chính quốc gia này; trong khi đó TS Tạ Văn Tài lại nêu ra án lệ này để biện luận rằng Việt Nam không bị Công thư 1958 ràng buộc.

Đến đây có thể kết luận là Quốc Hội không cần phải làm gì đối với Công thư 1958. Để bác bỏ các tuyên truyền bóp mép của Trung Quốc trong vụ việc này đối với dân chúng Việt Nam thì có lẽ báo chí Việt Nam có đủ chức năng để làm việc này.

Hồ Minh Châu