Việt Nam kiên quyết đấu tranh đến cùng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc

Trả lời phỏng vấn phóng viên Nhật Bản về hành động sai trái của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế trong thềm lục địa của Việt Nam và có những hành động leo thang gây căng thẳng tại vùng Biển Đông, ông Vũ Văn Hiền cho biết Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng đã lường trước được rằng sự việc này sớm muộn sẽ xảy ra bởi ý đồ độc chiếm Biển Đông, thực hiện giấc mộng “Đại Trung Hoa” siêu cường trên biển của Chính phủ Trung Quốc đã rất rõ ràng.

Việt Nam và các nước láng giềng đều nhận thức được ý đồ này. Chính vì thế, việc xảy ra xung đột ở Biển Đông là khó tránh khỏi vì nó nằm trong chuỗi chính sách và định hướng của chính Quyền Trung Quốc. Trong 2 năm, 2011 và 2012, phía Trung Quốc đã có những hành vi cắt dây cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Việt Nam đã dùng tất cả các biện pháp ngoại giao để yêu cầu phía Trung Quốc ngừng ngay những hoạt động sai trái.
Mặc dù vậy, phía Trung Quốc đã không dừng ở đó mà ngược lại còn đẩy mạnh việc thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông với việc ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa của Việt Nam và liên tục có những hành động leo thang căng thẳng trên Biển Đông.
Chính phủ Việt Nam và dư luận quốc tế đã lên án hành vi của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, quyền tài phán quốc tế theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) năm 1982, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đồng thời đi ngược lại thỏa thuận cấp cao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Ông Vũ Văn Hiền nhấn mạnh, Đảng và Chính phủ Việt Nam lúc nào cũng muốn đoàn kết với tất cả các quốc gia trên thế giới, nhất là với Trung Quốc- một quốc gia láng giềng lớn. Dù hai nước cũng đã trải ra nhiều biến cố song Việt Nam luôn luôn tôn trọng tình hữu nghị, luôn thực hiện các biện pháp hòa hảo nhằm tạo ra không khí hòa bình hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam là kiên quyết giữ vững chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc và đấu tranh đến cùng để bảo vệ bằng được chủ quyền đó, cố gắng đảm bảo môi trường hòa bình phát triển và thịnh vượng trong khu vực, tránh phức tạp hóa tình hình, giữ hòa khí với nước láng giềng, bảo đảm sự ổn định và bình yên trong khu vực Biển Đông.
Ông Vũ Văn Hiền cũng cho biết lịch sử Việt Nam và thế giới đã có rất nhiều chứng cứ thể hiện rõ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Từ thời Hán (Năm 203-220 TCN) cho tới thời nhà Thanh (1644-1912) của Trung Quốc không hề có một tài liệu nào, văn bản nào thể hiện chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa là của Trung Quốc.
Ngay trong bản đồ Đế chế Trung Hoa cũ Hoàng Triều nhất thống dư địa tổng đồ đã thể hiện lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.
Cuốn Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư (1906) cũng ghi rõ điểm cực nam Trung Quốc là bờ biển Nhai Châu, đảo Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) nằm ở vĩ tuyến 18.
Bản đồ Atlas thế giới của Philip Vantermanden xuất bản năm 1927 tại châu Âu cũng ghi rõ chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đồng thời bản đồ này cũng ghi rõ vị trí cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.

Tại hội nghị San Francisco, Mỹ vào tháng 9/1951 thảo luận về vấn đề giải quyết lãnh thổ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đã có 46/51 Quốc gia bỏ phiếu quyết định hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam.
Ông Vũ Văn Hiền khẳng định Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm lấn chủ quyền phần phía đông của Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1956 sau khi chính Trung Quốc tham gia ký Hiệp định hòa bình tại bán đảo Đông Dương.
Năm 1974, phía Trung Quốc lại một lần nữa dùng vũ lực chiếm phần phía tây của quần đảo này. Nghiêm trọng hơn, năm 1988, một lần nữa phía Trung Quốc đưa quân đánh chiếm bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục có các hoạt động leo thang xâm lấn của mình ở Biển Đông như chính thức nêu yêu sách “đường lưỡi bò” (5/2009); cắt cáp tàu Bình Minh 2 và Viking 2 của Việt Nam (tháng 5, 6/2011),thành lập “thành phố Tam Sa” (6/2012) đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông hàng năm, đưa ra “Biện pháp thực thi Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của tỉnh Hải Nam” (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014).
Ngoài ra, Trung Quốc còn tổ chức nhiều đợt tuần tra, diễn tập quân sự tại Biển Đông nhằm phô trương sức mạnh và răn đe các bên tranh chấp khác, tăng cường các hoạt động thăm dò dầu khí, khảo cổ, phát triển du lịch và củng cố các cơ sở chiếm đóng và tấn công xua đuổi tàu cá của Việt Nam theo hướng ngày càng công khai, trắng trợn, bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tuyên bố “hoàn toàn có quyền” thành lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông.
Năm 2013, Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng lên 10,7%, đạt 116 tỷ USD, trong đó tập trung vào phát triển lực lượng Hải quân. Trung Quốc cũng không ngừng củng cố các cơ sở ở “Tam Sa”, thành lập “Đài phát thanh truyền hình Tam Sa”.
Như vậy, các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam là có chủ ý và được tính toán kỹ lưỡng nhằm thực hiện âm mưu lâu dài độc chiếm Biển Đông.

Tại Đại hội 18, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định quyết tâm chiến lược đưa Trung Quốc trở thành “cường quốc biển”. Để thực hiện quyết tâm này, Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách tăng cường sự “quản lý thực tế” ở Biển Đông như: công bố Sách trắng Quốc phòng “Vận dụng đa dạng hóa các lực lượng vũ trang Trung Quốc” (16/4) và “Sách trắng ngoại giao 2013” (17/7), trong đó lần đầu tiên dành mục riêng về “bảo vệ quyền và lợi ích biển Trung Quốc” nhấn mạnh kiên quyết bảo vệ lợi ích cốt lõi quốc gia, khẳng định nhiệm vụ quan trọng của quân đội là bảo vệ quyền và lợi ích biển.
Đáng chú ý, Trung Quốc đã quyết định thành lập Ủy ban An ninh quốc gia để thống nhất điều hành công tác an ninh biển đảo; củng cố cơ quan quản lý về biển đảo, cải tổ lực lượng chấp pháp trên biển, thành lập Cục Cảnh sát Biển thuộc Bộ Công an thống nhất chỉ huy các lực lượng chấp pháp trên biển như Hải giám, Cảnh sát biển, Ngư chính, Hải quan; tăng cường và mở rộng phạm vi hoạt động của các lực lượng chấp pháp trên biển; Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cũng đã thành lập “Trung tâm nghiên cứu hải đảo”…
Qua nghiên cứu quá trình Trung Quốc tiến xuống Biển Đông, có thể thấy tham vọng của Trung Quốc là:
Hợp thức hóa yêu sách biên giới biển “lưỡi bò”. Từng bước hiện thực hóa yêu sách này, bắng cách áp dung nhiều thủ đoạn trên tất cả các lĩnh vực: truyền thông, pháp lý, ngoại giao, kinh tế, sử dụng vũ lực có hạn chế, gây xung đột cục bộ, sử dụng ngón đòn kinh tế là phương tiện tấn công để thực hiện được chủ trương “gác trang chấp cùng khai thác”, thực chất là tìm cách biến không thành có, biến vùng không tranh chấp thành vung tranh chấp, “xí phần” tài nguyên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven Biển Đông.
Từ đó, Trung Quốc sẽ coi Biển Đông là ao nhà của mình, khai thông con đường ra các đại dương với tư thế là quốc gia biển phát triển mạnh, trở thành siêu cường quốc tế, khống chế con đường biển huyết mạch quốc tế qua Biển Đông và nguồn tài nguyên thiên nhiên của Biển Đông.
Ông Vũ Văn Hiền khẳng định Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, luôn luôn muốn gìn giữ hòa khí với Trung Quốc.
Việt Nam cũng chân thành cám ơn những tuyên bố thiện chí của các quốc gia láng giềng, của Nhật Bản, Mỹ lên án hành vi sai trái về mặt đạo đức và vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam quan niệm rằng an ninh của Biển Đông là lợi ích không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực và thế giới trong đó có Mỹ và Nhật Bản. Việc Mỹ và Nhật Bản quan tâm sâu sắc đến vấn đề này là điều hoàn toàn chính đáng và cũng là gợi mở cho một tương lai tốt đẹp ở Biển Đông./.
Thu Hà/VOV 5