Xây dựng lực lượng giám sát tài nguyên biển Việt Nam – TS. Dư Văn Toán

Trong khi đó việc giám sát khai thác tài nguyên vùng ven biển 28 tỉnh và ngoài khơi của nước ta còn nhiều điều chưa hợp lý. Công việc quản lý, thanh kiểm tra ngư nghiệp tuy đã có, nhưng chưa có hiệu quả gây ra việc đánh bắt không trật tự, không phép giữa tàu thuyền các tỉnh ven biển, tàu nước ngoài và bằng các phương pháp hủy diệt như thuốc nổ, tàu cào dẫn đến nguồn lợi ven bờ suy giảm nghiêm trọng. Tàu thuyền ngư dân Việt Nam vẫn còn vi phạm vào các vùng biển chủ quyền quốc gia khác. Trật tự, pháp lý trên biển còn chưa được thực thi nghiêm chỉnh đối với nghề khai thác tài nguyên biển như: hải sản, dầu khí và khoáng sản khác trên biển, với các khu bảo tồn biển-đa dạng sinh học biển, với các bãi cá, các loài động vật biển quý hiếm và các khu có hệ sinh thái san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn.

Năm 2008, Chính phủ đã thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam(1) với chức năng nhiệm vụ quản lý tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo, nhưng thực tế Tổng cục chưa có lực lượng giám sát tổng hợp tài nguyên biển để thực thi pháp chế trên biển, nên công tác quản lý biển hầu như chưa thực hiện được gì. Lực lượng này cần phải được trang bị tàu thuyền và máy bay dân sự giám sát tài nguyên biển đối với toàn vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Nếu không có lực lượng giám sát tài nguyên và lãnh thổ biển đối với vùng ven bờ và vùng đặc quyền kinh tế thì chúng ta khó có thể đảm bảo thực thi luật pháp trên biển và việc phát triển kinh tế biển sẽ rất khó khăn và khó đạt mục tiêu đóng góp 53-55% vào năm 2020 như Chiến lược biển Việt Nam năm 2007 đã đề ra(2).
Hiện chúng ta đang có quá nhiều cơ quan quản lý biển với vai trò chủ yếu là của lực lượng Hải quân thuộc Bộ Quốc Phòng có phương tiện tàu thuyền-máy bay. Các bộ ngành kinh tế biển chính như Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Tập đoàn dầu khí chưa có những phương tiện tàu thuyền và máy bay để giám sát quản lý tài nguyên biển chuyên ngành của mình vùng ven bờ và ngoài khơi. Trách nhiệm quản lý thì đã được giao cho từng bộ, ngành nhưng việc giám sát thực thi pháp luật của chúng ta còn hạn chế – chủ yếu là chỉ khai báo trên đất liền, còn trên biển (trừ vùng sát bờ) thì hầu như không có lực lượng tàu thuyền của cơ quan bộ ngành nào.

Để thực thi pháp chế trên biển chúng ta cần phải sớm:

• Ban hành Luật Biển Việt Nam và Luật Tài nguyên môi trường biển và cần phải có qui định Lực lượng giám sát tổng hợp TN biển là lực lượng thực thi pháp luật-giám sát tổng hợp trên các vùng biển Việt Nam.

• Thành lập ngay lực lượng giám sát tổng hợp tài nguyên biển Việt Nam, trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam với chỉ tiêu tương lai hướng tới đạt tiêu chuẩn 1 tàu/1000km2 và phân vùng và chia ra từng giai đoạn. Từ nay đến 2020 cố gắng chuyển đổi và đóng mới khoảng 30 tàu từ 1000-4000 tấn cho khu vực biển Trung Bộ.

• Tiến tới xây dựng Hệ thống giám sát tài nguyên và lãnh thổ biển thống nhất bằng các phương tiện: vệ tinh VINASAT, máy bay do thám có và không người lái, lực lượng giám sát biển, các tàu thuyền hải quân, vận tải, ngư chính, đánh cá, các trạm, phao nghiên cứu khoa học.

• Đề xuất với ASEAN và Trung Quốc thành lập ủy ban hỗn hợp hay quốc tế về Hải giám Biển Đông nhằm duy trì trật tự, hòa bình và tăng cường an ninh, hợp tác quốc tế.

***

Nhằm duy trì phát triển kinh tế biển và an ninh quốc phòng ổn định của Việt Nam và các quốc gia khu vực Biển Đông, việc hoạt động của các tàu giám sát tổng hợp tài nguyên biển của các quốc gia cần được công khai minh bạch và đưa lên bàn đàm phán quốc tế. Nếu ở tầm khu vực thì các nước ASEAN cần thành lập một tổ chức hay ủy ban quốc tế nhằm kiểm soát hoạt động lực lượng giám sát biển sát biển của các nước trên Biển Đông để tăng cường lòng tin và duy trì sự hiểu biết lẫn nhau và đối phó với các hoạt động xâm phạm phá hoại của các lực lượng hải giám của Trung Quốc. Cần có sự thống nhất từ các nhà lãnh đạo về phương thức, giải pháp để các cơ quan quản lý dân sự về Biển của các quốc gia Biển Đông như Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng Cục Hải dương Trung Quốc, Bộ công tác biển Indonexia,.. có các cuộc họp, trao đổi thường kì, thường niên để tránh xung đột tiếp diễn về giám sát tài nguyên biển. Dĩ nhiên chúng ta cũng cần phải cân đối các khả năng hợp tác thật chặt chẽ với các nước có cùng nhu cầu và lý tưởng về biển đảo để tránh đầu tư du thừa và chảy máu tài chính của đất nước.

Lực lượng giám sát tổng hợp tài nguyên – lãnh thổ biển TQ

TQ là quốc gia có đủ cả 6 lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bao gồm hải quân, cảnh sát biển, tuần tra biển, giám sát biển, hải quan và ngư chính. Đội tàu “hải giám”- chính là một phần lực lượng giám sát tổng hợp tài nguyên biển TQ, thuộc Tổng cục Hải dương- Bộ Tài nguyên và Đất đai TQ.

Tổng đội tàu hải giám Nam Hải tính tới nay đã có 12 năm lịch sử (được thành lập vào ngày 14.6.1999). Tính đến năm 2010, tổng đội Nam Hải này đã có 13 con tàu, 3 máy bay, 25 xe hơi chuyên dụng. Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2011 đến 2016 TQ lập kế hoạch sẽ đóng mới 30 chiếc tàu tuần tra biển, tức là với tần suất 6 tàu/năm.

Hiện tổng đội Nam hải có 2 chiếc Hải giám 83 và 84 rất hiện đại được mệnh danh là “lá cờ đầu” của lực lượng “giám sát biển” TQ đã được biên chế cho Phân cục Nam Hải. Đây là những chiếc tàu tuần tra biển tiên tiến nhất, hiện đại nhất của TQ hiện nay.

Tàu “Hải giám TQ 83” có lượng giãn nước 3980 tấn, được trang bị hệ thống truyền dẫn thông tin – hình ảnh hiện đại, được biên chế phối thuộc một trực thăng số hiệu B-7112 thuộc dòng trực thăng do TQ tự chế tạo3.

Lực lượng Hải giám TQ gồm tàu thuyền và máy bay đang ở thế mạnh trên biển Đông và đang buộc các quốc gia khác phải thành lập lực lượng tương đương để có thể cùng được hoạt động như Hải giám TQ trên các vùng biển chủ quyền của mình. Các cơ quan quản lý tổng hợp về biển cần phải có phương thức ngồi đàm phán, hợp tác với Tổng Cục Hải dương TQ để phân định ranh giới biển về công ước Luật biển UNCLOS 82, luật biển của từng quốc gia.