Vì sao chọn cửa Trần Đề để xây dựng cảng cửa ngõ cho ĐBSCL ?
Ở bờ biển Đông Việt Nam, các vịnh có cửa nhìn về hướng bắc đều bị bồi lấp như vịnh bắc Vũng Áng, Chân Mây, Dung Quất. Các vịnh có cửa vịnh nhìn về hướng bắc hay hướng đông đều không có khả năng chống bão vì bão xoáy theo chiều ngược kim đồng hồ như vịnh bắc Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất. Vì bờ biển miền Trung và Nam Bộ là vùng đón nhận sa bồi từ dãy Trường Sơn nên các vịnh có cửa sông lớn đều bị cạn khi có lũ lớn, như vịnh Đà Nẵng có cửa sông Hàn, vịnh Dung Quất có cửa Trà Bồng, đầm Thị Nại có cửa sông Côn, còn ĐBSCL xưa có chín cửa sông lớn.
Vì sự chênh lệch nhiệt giữa Xích Đạo và Bắc Cực nên tồn tại dòng hải lưu tầng đáy trong 365 ngày/năm chảy từ Bắc cực về Xích Đạo. Vì trái đất quay từ Tây sang Đông nên dòng hải lưu tầng đáy vừa di chuyển từ Bắc cực về Xích Đạo vừa di chuyển từ Đông sang Tây. Nhờ địa hình bờ biển Nhật, Trung Quốc lệch về hướng Tây khi hướng về Xích Đạo nền dòng hải lưu trên đem nhiều năng lượng đến bờ biển miền Trung và Nam Bộ của Việt Nam. Nguồn năng lượng trên đã tạo nên những dãy đê biển bằng cát giống nhau về góc ( 30 độ so với kinh tuyến) và tương tự về độ dài ( 17-18 km) tại vịnh Vân Phong, vịnh Cam Ranh,cửa Trần Đề. Đê cát tại vịnh Vân Phong cao nhất đến 100m, đê cát tại vịnh Cam Ranh cao khoãng 18 m còn con đê cát tại cửa Trần Đề cao – 1,8 m. Những con đê cát đã giúp vịnh Vân Phong, vịnh Cam Ranh hình thành những cảng biển tự nhiên lớn nhất và đặc biệt trên thế giới. Chính khi xác định rõ ràng con đê cát tại cửa Trần Đề đã giúp người Việt Nam đưa ra tư duy xây dựng một cảng cửa ngõ cho ĐBSCL theo phương pháp mô phõng theo cảng Vân Phong và Cam Ranh.
Lịch sữ đã chứng minh rằng, các cửa sông ĐBSCL đã không thể ổn định khi đưa tàu biển lớn qua cửa sông để vào cảng cá Trần Đề hay Cần Thơ. Nguyên nhân động của luồng Định An là dòng hải lưu Bắc Nam mạnh nhất vào giữa tháng 9 hàng năm khi có gió mùa Đông Bắc và đẩy luồng Định An di chuyển từ Bắc xuống Nam. Hiện tượng mang tính chu kỳ năm. Kênh Quan Chánh Bố nằm ngay phía Bắc luồng Định An. Như vậy khi cửa kênh Quan Chánh Bố được mở rộng thì hiện tượng tại cửa Định An sẽ hình thành tại cửa kênh Quan Chánh Bố.
Trong kế hoạch xây dựng kênh Quan Chánh Bố, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất xây cầu Đại Ngãi 1 qua sông Định An có tỉnh không là 37,5 m nhưng cầu Đại Ngãi 2 qua sông Trần Đề có tỉnh không 11m. Cách làm này của Bộ Giao thông Vận tải sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng về kinh tế cho ĐBSCL khi cửa kênh Quan Chánh Bố bị di chuyển như cửa Định An.
Việc xây dựng cảng nhân tạo hay cảng ở đảo đều đối mặt với việc phải nâng cấp tàu chạy sông lên tàu chạy biển. Còn việc xây dựng đường bộ ra cảng nhân tạo hay cảng ở đảo thì chúng ta đã không biết sử dụng ưu thế vận tải sông ở ĐBSCL. Bản chất của nó là phải biết sử dụng ưu thế tự nhiên để giảm chi phí trong vận tải.
Việc xây dựng cảng cửa ngõ Trần Đề cho ĐBSCL là phương pháp xây dựng dựa theo quy luật tự nhiên, dùng động năng của dòng chảy để bồi lấp hệ thống bờ cát bảo vệ luồng tàu và vùng nước trong cảng.
Tỉnh Sóc Trăng có loại tài nguyên đặc biệt, đó là đủ các yếu tố hình thành cảng cửa ngõ của ĐBSCL cho thị trường không chỉ ĐBSCL mà cả Campuchia.
Ngày 30/3/2017 Nhóm nghiên cứu đã có cơ hội trình bày với các vị lảnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Ngày 10/4 /2017 ông Trần Văn Chuyện-Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng đã ra văn bản ủng hộ. Chúng tôi hy vọng có cơ hội trình bày với Chính phủ – những nhà hoạch định chính sách kinh tế của Việt Nam.
Trong khoa học, những phát kiến ban đầu bao giờ cũng bắt đầu từ thiểu số. Vì vậy để hiểu bản chất của tư duy mới nên bắt đầu từ sự đối thoại.
KS Doãn Mạnh Dũng