BÀI TOÁN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG – Ngô Lực Tải – PCT. Hội KHKT & KT Biển Tp. HCM

Cao độ trung bình phần diện tích tại Việt Nam là 0,80m so với mực nước biển. Lũ lụt giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của người dân ĐBSCL. Hàng năm nước lũ từ sông làm ngập 1,9 triệu hecta diện tích đất. Tuy nhiên, những trận lũ “vừa” rất cần thiết cho sản xuất lương thực và đánh bắt thuỷ sản, nên việc chung sống với lũ đã trở thành tập quán truyền thống của cư dân địa phương.
Dân số:
ĐBSCL thuộc loại có mật độ cao nhất VN và thế giới, khoảng 17 triệu người (22% dân số cả nước) trong đó 85% sống ở nông thôn. Dự báo năm 2020 là 19 triệu, 2050 là 31 triệu người. Có 13 tỉnh, thành với 132 thành phố, thị xã, thị trấn trong đó có (1 thành phố trực thuộc TW, 12 Tp và thị xã cấp tỉnh, 98 thị xã và 14 thị trấn cấp huyện). Trình độ dân trí chưa cao, thiếu nghiêm trọng đội ngũ khoa học – công nghệ lành nghề ở đẳng cấp thế giới, cần gấp rút đào tạo để xây dựng kinh tế.
Sản xuất:
Đây là vùng nông nghiệp trù phú của đất nước, sản xuất lúa gạo, hoa màu, trồng cây ăn quả, nuôi thuỷ sản nước ngọt, nước lợ (chưa kể kinh tế biển đảo) cung cấp lương thực, thực phẩm cho khu vực, đồng thời làm nhiệm vụ xuất khẩu của quốc gia.
Năm 2010 sản lượng lúa đạt trên 21 triệu tấn, hoa màu khoảng 4 triệu tấn, cây ăn quả trên 3 triệu tấn, mía đường trên 5 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 19,15 tỷ USD về xuất khẩu nông lâm thuỷ sản thì ĐBSCL chiếm 1/3 thị phần. Riêng gạo đã đạt trên 5 triệu tấn, giữ vị trí thứ hai xuất khẩu gạo của thế giới. Trong nhiều năm qua là nhân tố góp phần ổn định an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn ở trình độ thủ công, phần lớn việc canh tác dựa vào sức người nên năng suất chưa thể đạt mức cao so với những nền nông nghiệp được cơ giới hoá trong khu vực ASEAN.

Tác động của Biến đổi khí hậu toàn cầu
Châu thổ sông MêKông hay ĐBSCL là một trong 4 đồng bằng lớn của thế giới đang bị tác động nguy hiểm của biến đổi khí hậu toàn cầu, chẳng những gây lo ngại cho Việt Nam mà cũng là mối quan tâm của các nước trên địa cầu. Dựa theo kịch bản đã được Bộ Tài Nguyên & Môi trường Việt Nam công bố vào 2009 thì đến năm 2100 (tức là cuối thế kỷ 21), mực nước biển sẽ tuần tự dâng 65cm (kịch bản B1 – thấp), 75 cm (kịch bản B2- trung bình) và 100cm (kịch bản A1 F1 – cao). Cả ba tình huống đều gây nguy hiểm cho đất nước. Nếu lấy kịch bản A1 F1 làm chuẩn thì ĐBSCL sẽ bị ngập từ 12,8% đến 37,8% diện tích, nhiễm mặn tăng thêm 334.000 hecta đất đai với độ mặn 4% vào mùa khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến canh tác 3 vụ mùa, sản lượng lúa gạo bị sút giảm đáng kể, đe doạ an ninh lương thực quốc gia.
Như vậy, tác động của biến đổi khí hậu sẽ tạo thêm nhiều bất cập và nguy cơ lớn hơn cho phát triển kinh tế – xã hội và đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL. Trong bối cảnh nói trên, chúng ta cần tập trung vào các vấn đề:

Sử dụng hiệu quả và hợp lý nguồn tài nguyên nước sông Mêkông.

Phát triển nông nghiệp bền vững theo phương hướng mới để giữ ổn định an ninh lương thực quốc gia.

Ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, trong đó cố gắng hạn chế hiểm hoạ nước biển dâng cao và xâm nhập mặn nhanh ở các tỉnh đồng bằng.

Nâng cao năng lực giao thông thuỷ và hệ thống cảng biển
Sông Mêkông và những con sông lớn của vùng châu thổ.
Sông Mêkông chảy vào Việt Nam qua hai con sông lớn Tiền Giang và Hậu Giang với dòng chảy hàng năm khoảng 400 tỷ m3 nước, lắng đọng phù sa về mùa lũ làm tăng độ phì nhiêu cho vùng châu thổ, rửa chua mặn cho đất phèn, tưới tiêu cho đồng ruộng, cung cấp nước ngọt cho dân sinh rồi đổ thẳng ra biển qua 9 cửa: Tiểu, Đại, Balai, Hàm luông, Cổ chiên, Cung hầu, Định an, Bắc sắc và Trần Đề. Lượng nước ngọt sông Mêkông tương đối lớn nhưng chúng ta chưa đủ điều kiện xây những hồ chứa cũng như hệ thống thuỷ lợi hiện đại để trữ nước ngọt vào mùa lũ, nên qua mùa khô vùng giao thoa giữa nước ngọt và mặn, vùng ven biển thường thiếu nước ngọt cho sinh hoạt của dân. Hiện tại, việc cung cấp nước ngọt an toàn chỉ mới đạt 60% – 65% ở khu vực đô thị, còn ở nông thôn thì thấp hơn nhiều, trong bối cảnh đô thị hoá diễn ra nhanh chóng ở ĐBSCL.
Ngoài ra, vùng sông nước Mêkông cũng được biết đến từ xưa như một bàn cờ vĩ đại, với sông ngòi, kênh rạch chằn chịt,. toả ra từ trung tâm là thành phố Sài gòn đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ, vùng trù phú của đất nước. Sông Tiền và Sông Hậu, có nơi độ rộng đến 1500m và sâu từ 10m – 15m chảy qua vùng trung tâm đồng bằng, hợp lưu với các con sông loại vừa, chiều dài không quá 100km, nước lợ về mùa khô, đều hoạt động tuỳ thuộc vào thuỷ triều rõ rệt tức là càng gần đến biển thì dòng chảy càng nhanh mạnh.
Ở Kiên Giang có Sông Cái Lớn, sông Cái Bé. Bán đảo Cà Mau có sông Ông Đốc, sông Bảy Háp, sông Gành Hào và sông Cái Tàu… cùng với hệ thống 15.000km kênh cấp 1, 27.000km kênh cấp 2, khoảng 50.000km kênh cấp 3, hệ thống cống hở, cống luồn, đê và trạm bơm tạo ra cơ sở hạ tầng thuỷ lợi đạt 80-100m/hecta đất đai, rất thuận tiện cho phát triển nông nghiệp và lưu thông phân phối.
Trong thời gian đổi mới, mở của hội nhập, nhờ hệ thống hạ tầng thuỷ lợi được đầu tư (chưa phải là nhiều), chủ yếu là để đối phó với những khó khăn thường xuyên bị lũ lớn đe doạ 1,9 triệu hecta phía trên Châu thổ, để chống xâm nhập mặn cho 1,4 triệu hecta ở khu vực ven biển và rửa chua mặn cho 1 triệu hecta vùng trũng nên nông nghiệp ĐBSCL mới đạt được thành tích từ 1976 lượng lúa gạo là 4,5 triệu tấn thì năm 2010 là 21 triệu tấn.
Tuy nhiên, mặc dù được thiên nhiên ưu đãi, với nhiều thuỷ đạo nổi tiếng đi từ Sài gòn đến khắp các tỉnh Nam bộ và thậm chí sang nước bạn Kampuchia. Nhưng đến nay chưa thấy rõ nét chiến lược đầu tư cho kết cấu hạ tần đường thuỷ ở Nam bộ. Hình như chúng ta chỉ tận dụng sông ngòi, kênh rạch thiên nhiên để đi lại chứ chưa hề chỉnh trang hay xây mới tuyến đường thuỷ nào có giá trị cao.
Ví dụ: Kênh Cái Sắn (nối liền Kiên Giang và An Giang), kênh Chợ Gạo (Tiền Giang), là một trong tuyến độc đạo từ miền tây đến Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu mở rộng để giải quyết ghe thuyền ứ đọng nhưng đến nay vẫn đang bỏ ngỏ…
Đương nhiên, những việc nêu trên tồn tại là do nhiều nguyên nhân. Có thể là tạp quán quen dùng đường bộ trong thời gian dài của hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Song dù nói gì đi nữa, đáng trách vẫn là thiếu tư duy chiến lược đối với vận tải thuỷ ở đồng bằng.
Sắp đến, trong cơ cấu lại sản xuất, chúng ta phải nâng cao năng lực và vai trò của đường thuỷ lên thành phương thức vận tải chủ lực ở ĐBSCL để thay thế dần những phương thức khác, nhất là đường bộ đang trong giai đoạn khan hiếm vốn đầu tư và mặt bằng bị hạn chế do hiểm hoạ của nước biển dâng cao.
Phát triển bền vững không thể thiếu cảng biển và hệ thống Logistics đồng bộ
Việt Nam là quốc gia biển Đông, có bờ biển chạy suốt chiều dài đất nước, thuận lợi cho xây dựng và phát triển cảng biển. Hệ thống cảng biển Việt Nam được nâng cấp và xây dựng qui mô lớn từ khi đổi mới. Hiện đang khai thác 160 bến với 305 cầu cảng, tổng chiều dài tuyến đạt 36,164 km do nhiều đơn vị và địa phương đầu tư quản lý. Tuy số lượng cảng xem ra nhiều, nhưng năng lực xếp dỡ và quản lý rất yếu kém, lạc hậu so với nhiều nước trong khu vực ASEAN trong những năm qua. Đến nay thì tình hình đã được cải thiện rõ rệt, khu vực Miền Bắc đang hình thành cụm cảng nước sâu lạch Huyện, phía Nam cụm cảng Cái Mép – Thị Vải và Tp Hồ Chí Minh với nhiều cảng nước sâu liên doanh hiện đang dư thừa công suất, hứa hẹn đến 2030 đủ sức thông qua trên 15 triệu TEUs theo qui hoạch. Riêng khu vực ĐBSCL mới có cảng Cái Cui (Cần Thơ) là cảng biển lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, có thể đón tàu 20.000 DWT. Xây xong năm 2006, đến nay phải nằm chờ vì luồng Định an trên sông Hậu luôn thay đổi do phù sa bồi đắp liên tục, nạo vét không hiệu quả, chỉ dành cho tàu 5000T ra vào. Để bảo đảm đúng công năng của Cảng Cái Cui cần phải mở luồng qua kênh Quan Chánh bố trên địa bàn của tỉnh Trà Vinh với chi phí có thể gấp đôi, việc mở luồng mới cũng như cải tạo cảng đã tiến hành hơn 3 năm nhưng chưa thông được luồng. Bất cập do đâu không thuộc phạm vi bài này đề cập đến. Bài viết chỉ khẳng định sự phát triển bền vững của ĐBSCL phải đi kèm với những cảng biển hoạt động hiệu quả và hệ thống Logistics đồng bộ, thiên về sử dụng đường thuỷ nội địa trong vận tải, thì mới phát huy tối ưu năng lực vùng Đồng bằng nhiều tiềm năng của quốc gia.
Gần đây, có nhà nghiên cứu đề xuất phương án xây dựng hệ thống cảng biển ĐBSCL ở Cửa Trần Đề, ít tốn kém hơn những giải pháp khác mà vẫn đảm bảo tiếp nhận khối lượng nhập khẩu nguyên liệu cho ba nhà máy nhiệt điện đang được hình thành ở vùng Châu thổ, đồng thời hạn chế lượng hàng hoá đi bằng phương tiện đường bộ từ các tỉnh Miền tây chuyển đến Tp Hồ Chí Minh để xuất khẩu. Chúng tôi hoan nghênh và trân trọng những ý kiến nêu trên, mong cấp có thẩm quyền nghiên cứu sớm.
Lời kết
Phát triển bền vững là mục tiêu phấn đấu của các ngành, mỗi địa phương và cả nước trong thế kỷ 21, có nhiều biến động và thách thức này. Đồng bằng sông Cửu Long càng quan trọng hơn vì nó giữ vai trò bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời góp phần ổn định lương thực toàn cầu.
Hiện nay, Đan Mạch sắp hoàn thành qui hoạch tổng thể châu thổ sông Mêkông (ĐBSCL). Một công trình khoa học quốc tế, tầm cỡ thế giới được các nhà khoa học Đan Mạch hợp tác với 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long và các ngành vĩ mô của Việt Nam thực hiện, do GS/Tiến sĩ Cees Veerman đứng đầu. Có 8 chuyên đề nghiên cứu để phục vụ cho qui hoạch tổng thể vùng châu thổ Mêkông và biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó việc hình thành cảng biển và hệ thống đồng bộ logistics là nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long tương lai.