Càng gần Đại hội Đảng, càng phải đề phòng cảnh giác sinh biến ở Biển Đông-Ts Trần Công Trục
Họ cũng không biết các sự kiện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa 1974, tấn công biên giới Việt Nam 1/1979, tấn công giết 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam không công sự tại Gạc Ma 1988 và tình hình gần đây Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự ở các đảo chiếm của Việt Nam ở biển Đông.
(GDVN)– Trong bối cảnh giao thời, chuyển giao quyền lực lãnh đạo ở hai quốc gia mà Bắc Kinh xem như “cứng đầu” nhất ở Biển Đông, thời điểm này là cực kỳ nhạy cảm.
LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về cục diện Biển Đông.
Những diễn biến mới hết sức mau lẹ ngoài Biển Đông có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam ra sao kể từ sau khi ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc thăm chính thức Hoa Kỳ, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài bình luận của Tiến sĩ Trần Công Trục.
Tình hình Biển Đông diễn biến ngày một phức tạp và ẩn chứa nhiều nguy cơ, rủi ro kể từ sau khi ông Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ. Hai bên đã không đạt được bất cứ tiến triển nào trong vấn đề đảm bảo tự do hàng không hàng hải, luật pháp quốc tế, trật tự và hiện trạng ở Biển Đông đang bị phá vỡ bởi các hành động leo thang của Bắc Kinh xây dựng, bồi lấp, quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp.
Lần đầu tiên ông Tập Cận Bình đã công khai nhắc lại quan điểm, lập trường chính thức của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Trường Sa, né tránh có chủ ý đối với Hoàng Sa trên cương vị người lãnh đạo tối cao của Trung Quốc hiện nay.
Từ phát biểu của ông Bình có thể thấy, Trung Quốc không những không có bất kỳ dấu hiệu nào xuống thang, ngược lại họ sẽ còn đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động để hiện thực hóa đường lưỡi bò bất hợp pháp ngoài thực địa.
Cục diện quốc tế và khu vực đang thuận lợi cho Trung Quốc leo thang
Đầu năm 2014 Trung Quốc chớp cơ hội nổ ra khủng hoảng giữa Nga và Mỹ tại Ukraine thu hút gần như toàn bộ sự chú ý của dư luận quốc tế để thúc đẩy hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp trên 7 bãi đá mà họ đã dùng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam năm 1988, 1995 đến nay. Hiện tại, cuộc khủng hoảng đang nổ ra tại Syria giữa Nga và Mỹ đang là một thời cơ tốt để Bắc Kinh tiến hành bước leo thang tiếp theo, quân sự hóa các đảo nhân tạo bất hợp pháp này.
Diễn biến cục diện quốc tế những tuần qua, đặc biệt kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích của họ ở Syria đã làm phân tán sự chú ý của Mỹ cũng như dư luận quốc tế khỏi Biển Đông. Không những thế, nguồn lực tài chính cũng như quân sự của Hoa Kỳ đang ngày càng bị thu hẹp khiến cho Nhà Trắng dường như bối rối khi rơi vào thế “lưỡng đầu thọ địch”.
Gửi ông Tập Cận Bình: Hãy nên noi gương Thủ tướng Hun Sen
(GDVN) – Mong ông Tập Cận Bình nên dành thời gian tìm hiểu thấu đáo những vấn đề liên quan đến chủ quyền dưới góc độ pháp lý một cách khoa học, khách quan và cầu thị.
Phản ứng bằng lời của Washington và cá nhân Tổng thống Obama cảng củng cố, kích thích Bắc Kinh lấn tới trên Biển Đông với nhận định, sức mạnh của Mỹ suy yếu là thời cơ cho Trung Quốc. Về thông tin hải quân Mỹ có thể tiến hành tuần tra vùng biển quốc tế phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Trường Sa trong 2 tuần tới còn phải quan sát, theo dõi thêm.
Mặt khác, trong khu vực Đông Nam Á mặc dù có 4 nước cùng có yêu sách ở Biển Đông và bị đường lưỡi bò Trung Quốc và các pháo đài quân sự trên 7 đảo nhân tạo bất hợp pháp đe dọa, nhưng chỉ có Việt Nam và Philippines là phản đối mạnh mẽ các hành động leo thang, bất chấp luật pháp quốc tế và dư luận của Bắc Kinh.
Nhưng tương quan lực lượng của cả hai quốc gia này, kể cả về thực lực quân sự, kinh tế cũng như chính trị đều trong trạng thái bất đối xứng so với Trung Quốc.
Trong khi đó Việt Nam đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc đầu năm 2016. Sang năm cũng là thời điểm diễn ra bầu cử Tổng thống mới ở Philippines. Trong bối cảnh giao thời, chuyển giao quyền lực lãnh đạo ở hai quốc gia mà Bắc Kinh xem như “cứng đầu” nhất ở Biển Đông, thời điểm này là cực kỳ nhạy cảm và có thể bị Trung Quốc lợi dụng để chiếm thế thượng phong ngoài thực địa.
Bài học chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988, Vành Khăn 1990-1995, “Tam Sa” 2007 và Scarborough 2012 vẫn còn nguyên giá trị.
Mặt khác, năm 2015 cũng là năm diễn ra nhiều hoạt động đối ngoại lớn của Việt Nam khiến Trung Quốc đặc biệt chú ý. Truyền thông nhà nước của họ đã từng công khai cũng như bóng gió về cái gọi là Việt Nam “ngả theo” nước nọ, nước kia để kiềm chế họ.
Trong khi chính Trung Quốc đã dồn Việt Nam vào thế buộc phải phản ứng, tìm cách bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của mình sau khủng hoảng giàn khoan 981 tháng Năm 2014 và bây giờ là khủng hoảng đảo nhân tạo ở Trường Sa.Năm nay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Trung Quốc trong tháng Tư, Hoa Kỳ trong tháng Bảy và gần nhất là Nhật Bản trong tháng Chín vừa qua. Những hoạt động này thể hiện rõ chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam, nhưng Bắc Kinh lại nghĩ khác.
Truyền thông Nhật Bản cho biết, có khả năng ông Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 9 đến ngày 11 tháng Mười Một tới. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng có thể sang thăm Việt Nam thời gian này.
Vì vậy dù chúng ta có nói hay không, Trung Quốc họ vẫn làm tới. Trước diễn biến ngày càng phức tạp khó lường, chúng ta cần chủ động trong nhận định, dự báo tình huống và cách xử trí. Đồng thời cũng để dư luận hiểu và đồng lòng trong công cuộc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tránh để hoang mang, bị động khi tình huống xảy ra.
Càng gần Đại hội Đảng càng phải cảnh giác đề phòng trên Biển Đông. Chúng ta càng không nói, Trung Quốc càng đẩy mạnh các hoạt động quân sự hóa ở Trường Sa, và khi xong xuôi, tên lửa, tàu chiến, máy bay của họ đã án ngữ trước cửa nhà chúng ta thì lúc đó có nói câu chuyện cũng đã hoàn toàn khác.
Trung Quốc có thể có những hành động gì với Việt Nam?
Nhiều học giả quốc tế đều cho rằng, Trung Quốc đã có sẵn phương án đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông trong túi họ và sẵn sàng tung ra bất cứ lúc nào. Chỉ cần có một cái cớ nào đó, mà cái cớ này có thể đến từ Việt Nam, Philippines hay Hoa Kỳ. Biển Đông và quan hệ Mỹ-Việt-Trung sau khi Tập Cận Bình thăm Mỹ
(GDVN) – Sắp tới có khả năng cả Tổng thống Obama và ông Tập Cận Bình đều sang thăm chính thức Việt Nam, đây là thách thức cũng là cơ hội để Việt Nam tỏ rõ lập trường.
Khả năng này hoàn toàn hiện hữu. Nhưng không có nghĩa là không làm gì, không nói gì, không tạo cớ thì Trung Quốc không làm. Họ sẽ vẫn làm khi có đủ điều kiện và thậm chí còn tạm “bỏ túi phương án” này để tranh thủ thời gian đem khả năng này ra mặc cả, đổi chác lấy điều gì đó có lợi cho họ.
Trên thực tế đó là một kiểu lừa gạt, giống như khủng hoảng Scarborough.
Khả năng thứ hai mà cá nhân tôi cho rằng có nhiều nguy cơ xảy ra, đó là Trung Quốc sử dụng giàn khoan khổng lồ và hạm đội tàu vũ trang trá hình Cảnh sát biển, tàu cá vỏ thép để khiêu khích, tranh thủ vơ vét tài nguyên ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Thậm chí là các bãi cạn, các khu vực giàu tài nguyên trong thềm lục địa các nước ven Biển Đông cũng có thể trở thành mục tiêu Trung Quốc đang ngắm tới, như sự kiện họ kéo tàu ra ngoài bãi Tư Chính trong thềm lục địa phía Nam Việt Nam năm 1994 hay ở những khu vực gần bở biển Malaysia, Philippines gần đây.
Sở dĩ tôi chú ý tới khả năng này vì Trung Quốc đã có sự chuẩn bị dày công trong suốt một thời gian dài cho nó: Phát triển nhanh chóng công nghiệp đóng giàn khoan, chế tạo các thiết bị phục vụ thăm dò khai thác dầu khí, phát triển lực lượng Cảnh sát biển, dân quân biển mà thực tế là lực lượng vũ trang trá hình mạnh chưa từng có ở Biển Đông.
Hơn nữa, Trung Quốc đã thấy rõ cả Việt Nam, Philippines, Nhật Bản đang gặp khó khăn trong việc thực thi pháp luật hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của mình bởi lực lượng tuần duyên mỏng và yếu hơn nhiều so với họ.
Mặt khác, khủng hoảng giàn khoan 981 tháng Năm năm ngoái chỉ là một kế nghi binh và Trung Quốc chọn vị trí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng lại gần với quần đảo Hoàng Sa vì mới bắt đầu đẩy mạnh bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa. Năm nay đảo nhân tạo đã cơ bản xong, họ đang gấp rút quân sự hóa chúng, đủ căn cứ cơ sở hậu cần để Trung Quốc có thể kéo giàn khoan, hạm đội tàu Cảnh sát biển và tàu cá trá hình xuống phía Nam trong thời gian tới.
Những sự cố tương tự như cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam năm 2011, hay sớm hơn là kéo tàu thăm dò ra bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa phía Nam Việt Nam năm 1994 hoàn toàn có thể lặp lại. Do đó Việt Nam cần chú ý hết sức đề phòng khả năng này, đặc biệt là các bãi cạn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam ở phía Nam, nơi đang diễn ra các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí hợp pháp của ta.
Khả năng thứ 3 không thể xem thường, đó là nguy cơ lặp lại một cuộc khủng hoảng Scarborough thứ 2 trên bãi cạn, rặng san hô nào đó ở Trường Sa mà hiện chưa có bên nào đóng giữ, thậm chí là những bãi cạn có lực lượng đồn trú nhưng quá mỏng và không có chiều sâu phòng ngự.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Trường Sa năm 1988 của quân đội ta, khi ấy Trung Quốc nhòm ngó các bãi cạn ở phía Tây quần đảo, thậm chí là trong vùng đặc quyền, thềm lục địa của Việt Nam chứ không phải các đảo, các thực thể phía Đông, phía Bắc hay phía Nam Trường Sa là có tính toán của họ.
Cũng không phải ngẫu nhiên Tiến sĩ Joshua Kurlantzick từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ gần đây lại cảnh báo về nguy cơ xung đột Việt – Trung trong 12 đến 18 tháng tới.
Ông nhắc nhở chúng ta lưu ý nguy cơ không chỉ đến từ trên hướng Biển Đông, mà còn phải đề phòng cả tuyến biên giới phía Bắc, và theo tôi là cả trên tuyến biên giới Tây Nam. Nói chung Trung Quốc có nhiều “con bài” để có thể “chơi” chúng ta, vì vậy cần hết sức cảnh giác với nguy cơ này.
Việt Nam nên ứng phó ra sao?
Cần nhận thức rất rõ những nguy cơ này để có kế hoạch ứng phó tối ưu trong mọi hoàn cảnh.
Cá nhân tôi tin rằng các cơ quan chức năng tham mưu chiến lược của Việt Nam đã lường trước những tình huống này và vạch kế hoạch đối phó. Chỉ xin bàn đến khía cạnh pháp lý, chính trị, ngoại giao và truyền thông xã hội để hiến kế giữ vững chủ quyền, làm chủ trong mọi tình huống.
Trước bối cảnh quốc tế, khu vực cũng như tham vọng dã tâm của Trung Quốc ở Biển Đông, hơn lúc nào hết chúng ta cần đặc biệt coi trọng mặt trận pháp lý, tuyên truyền, truyền thông, chính trị, ngoại giao kết hợp để ứng xử trong các sự vụ liên quan đến Biển Đông.
Khủng hoảng giàn khoan 981 cũng có thể cho ta những bài học. Những giải pháp này phải tiến hành song song với các giải pháp về an ninh quốc phòng, nâng cao thực lực, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và tìm kiếm sự ủng hộ của dư luận.
Do đó bây giờ chính là lúc chúng ta cần đẩy mạnh công tác đấu tranh về pháp lý, truyền thông, ngoại giao, chính trị. Chúng ta phải nói rõ cho người dân của chúng ta, dư luận khu vực và quốc tế, đặc biệt là các bên quan tâm và có lợi ích trực tiếp, gián tiếp ở Biển Đông hiểu về bản chất hành vi của Trung Quốc cũng như mức độ nguy hiểm của nó ở Trường Sa, Biển Đông.
Trung Quốc chà đạp lên luật pháp quốc tế nhưng lại vẫn muốn giữ thể diện nước lớn. Điển hình là những tuyên bố của họ về cái gọi là bảo vệ hòa bình, ổn định Biển Đông, chống quốc tế hóa vì làm “phức tạp tình hình”.
Nhất là chiêu bài dùng kinh tế để phân hóa, chia rẽ ASEAN với cái bánh “Một vành đai, một con đường” hay “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” 400 tỉ USD và thái độ do dự của nhiều nước cho thấy rõ điều này. Không phải tất cả các nước đều tin và theo Trung Quốc, chúng ta cần làm rõ cái lợi, cái hại ở đây.
Nhật Bản đã sửa đổi luật An ninh cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài. Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe đặc biệt coi trọng hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam và Philippines. Mỹ, Úc, Ấn Độ đều công khai chống bành trướng, đe dọa dùng vũ lực và dùng vũ lực ở Biển Đông, bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, DOC. Đó là những cái chúng ta phải tranh thủ triệt để.
Trong quan hệ với Trung Quốc, cần nói thẳng nói thật những vấn đề liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam đang bị Trung Quốc xâm phạm ra sao cũng như thiện chí, mong muốn giải quyết bât đồng bằng biện pháp hòa bình, đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, DOC ở mọi cấp, trong mọi diễn đàn.
Đấu tranh ôn hòa mềm dẻo trên mọi mặt trận, đấu tranh trên cơ sở pháp lý khách quan cầu thị, khoa học chính xác, cái gì của ta một cách hợp pháp phải bảo vệ đến cùng, cái gì không phải của mình cũng mạnh dạn nói rõ. Cần tránh cảm tính, tránh để lòng yêu nước bùng phát thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan, làm sao cho hợp lý hợp tình để dư luận trong và ngoài nước đều cảm thấy thuyết phục.
Ts Trần Công Trục