Nghề thủy thủ thời bom đạn

Tại Hải Phòng , tàu Cữu Long thường thả neo ở vùng nước ở sông Bạch Đằng , đoạn gần cửa sông Ruột Lợn , phía Bắc kênh Đình Vũ cùng với các tàu Trạm Giang, Hoàng Phố. Tàu Cữu Long nhận hàng từ tàu Liên Xô tại Hải Phòng sau đó đi Hòn Ngư. Tại Hòn Ngư các tàu nhỏ như Việt Trung, các tàu dầu tự lực chuyển tải từ Cữu Long vào bờ, sau đó bơm từ đây vào tận chiến trường B cho xe tăng. Thời đó thuyền trưởng là ông Trần Khánh Dư , máy trưởng là ông Tùng – người Bình Định. Sau sự kiện gặp hai máy bay Mỹ vào sáng 31/12/1971 tại Lạch Trường , Thanh Hóa – trên đường hành trình Hòn Ngư- Hải Phòng, ông Trần Khánh Dư lên bờ và ông  Bữu Vị – hoa tiêu người Nam Bộ xuống thay thế. Lúc đó đại phó là ông Chánh – người Nam Bộ, ông Đoàn Đình Long , học Ba Lan , là Phó 2 , ông Trần Đình Tha – người Bình Định , học Liên Xô về là Phó 3. Chiến thuật không ngụy trang tàu Cữu Long đã thành công. Phi công Mỹ quan sát từ bên ngoài tưởng rằng tàu ngoại quốc, vì chúng tôi luôn luôn giữ lớp sơn bên ngoài trắng bóng trong mọi thời gian. Khi tàu hành trình, thủy thủ đi ca hai người : một người lái và người còn lại thì cảnh giới. Để tăng lượng dầu cung cấp cho chiến trường, tàu Cữu Long cần tranh thủ khi gió to, sóng lớn để chạy. Vì thời gian đó không thuận cho các hoạt động biệt kích của lực lượng Việt Nam Cộng Hòa. Có lẽ nhớ nhất trong đời làm thủy thủ là thời gian đi ca cảnh giới lúc tàu chạy không hàng từ Hòn Ngư ra Hải Phòng trong mùa gió Đông Bắc cấp 7, cấp 8. Lúc đó nhiệm vụ của tôi là phải đứng ngày cột đèn đầu mũi tàu quan sát biệt kích suốt ca 4 tiếng. Bạn hiểu với gió cấp 7 và cấp 8, tàu lại rổng, mũi tàu chồm lên, chồm xuống liên tục 5- 6 mét. Tôi đứng đó, mặc áo mưa,thân thể chịu đựng mọi sự vùi dập đau đớn của sóng gió theo từng giây, từng phút. Có lẽ đó là công việc khắc nghiệt nhất mà cuộc đời đi làm việc mà tôi đã trãi qua. Ý chí và lòng tự trọng, tôi chấp nhận đối mặt với tất cả , không xin nghĩ phép và ở trên con tàu này đến ngày hòa bình thấy máy bay Mỹ vào cửa Nam Triệu rà phá bom mìn.

Nghề thủy thủ trong chiến tranh rõ ràng đầy cơ bắp và sức chịu đựng cũng đã ở đỉnh cao của cơ bắp. Chúng tôi là những trí thức-đang là thủy thủ trên tàu- vì vậy tôi không thể đề xuất với Ban chỉ huy tàu cách quan sát khác để thay thế cho nhiệm vụ của chính mình phải đứng ngay ở cột đèn mũi tàu.

Nhưng khi về Hải Phòng vào cuối năm 1971, tổ boong phải thống kê các vật tư. Cả kho dây ở mũi tàu làm sao có thể đo được ! Tôi quan sát kho và trình với anh Nhai- thủy thủ phó- một công thức tính toán số dây tồn kho dựa vào thuật toán cấp số. Biết đường kính của loại dây, đường kính của cuộn dây, số vòng của từng cuộn là có thể tìm ra chiều dài cả cuộn dây. Anh Nhai cho kiểm tra thử một cuộn dây buộc tàu loại có đường kính bằng cổ chân và dài trên 10 m và thấy công thức chính xác đến phạm vi  xăng ti mét. Các thủy thủ lão thành trên tàu như ông Thẩm thủy thủ trưởng, ông Nhai… ngạc nhiên và tôn trọng giới kỹ sư làm thủy thủ.

Chúng tôi những trí thức được học giữa rừng, tài liệu học chỉ là các lời giãng của thầy cô giáo. Thiếu mọi thứ, phải viết trên đất để học. Sau giờ ăn, chưa biết đã ăn chưa! Những năm tháng chiến tranh, chúng tôi hoàn thành nghĩa vụ của chính mình. Những năm xây dựng đất nước, chúng tôi phải làm việc kiệt sức vì hy vọng sự thay đổi bộ mặt của đất nước này. Chúng tôi không có thời gian để nghĩ đến những bằng cấp và học vị. Nhưng chúng tôi tự tin chính chúng tôi đã vượt qua những cửa hẹp trí tuệ của loài người trong lỉnh vực chuyên môn đang làm việc. Việc tìm ra cảng Vân Phong, cảng cửa ngõ Trần Đề cho ĐBSCL , nguồn tài nguyên động năng dòng hải lưu ở miền Trung, công nghệ Điện hải lưu bằng cánh quạt “ Trống quay” … là những sự việc, tự nó biết nói, tự nó tồn tại với lịch sữ.

Thế hệ chúng tôi, năm nay đã thuộc U80. Nhìn các quan chức tranh nhau ghế và ra Tòa vì tham nhũng, không hiểu họ suy nghĩ gì ? Không hiểu cha ông họ đã thật sự làm được những gì trong những năm tháng đất nước khó khăn ?

Vì văn hóa trong từng gia đình, tự nó biết thành hương hay thành mùi lạ ngay trong thế hệ con và cháu. Chỉ những ai thực sự hy sinh cho dân tộc, mới hiểu cái giá của sự sống từng giây, từng phút trong hòa bình. Từ đó mới thiết tha làm điều gì đó để dân tộc này mãi mãi không phải sợ ai và mọi người được quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc !

Những ngày gió lạnh – 12/2020

KS Doãn Mạnh Dũng