Đề xuất làm khu phức hợp cảng biển nước sâu 6 tỷ USD

Để thực hiện đầu tư thành công ở Việt Nam không thể trên nền tảng một thể chế tồn tại bằng sự tham nhũng và thiếu minh bạch. Việc chia sẽ lợi ích giữa nhà đầu tư với chính quyền và nhân dân địa phương cần công khai. Những lao động nghiên cứu mấy chục năm qua tại cảng Trần Đề cần được tôn trọng… Đó là nền tảng để mọi người cùng tồn tại và phát triển trong sự văn minh.
Theo Báo Giao thông 12/03/2018

Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tháng 5/2017, tại buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng,

 

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương bổ sung cảng biển Trần Đề vào quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, đồng thời chỉ đạo ưu tiên vận động vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài để thực hiện dự án.
Đề cập đến công tác kêu gọi đầu tư, ông Chuyện nói: “Thời gian qua, UBND tỉnh Sóc Trăng nhận được văn bản của một số nhà đầu tư đề nghị thực hiện dự án đầu tư cảng biển nước sâu tại Sóc Trăng, điển hình là Tập đoàn International Development Consortium (ILDC – Cộng hòa Pháp) là một nhà đầu tư có ý tưởng tốt và có tiềm năng thực hiện dự án”.
Theo đó, nhà đầu tư ILDC đề xuất đầu tư khu phức hợp cảng biển nước sâu Mekong ILDC với tổng mức đầu tư khoảng 136.500 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD), gồm: Cụm cảng biển (quy mô 200.000 DWT), khu dịch vụ cảng và khu đô thị, công nghiệp gắn liền với cảng, với nhu cầu sử dụng đất khoảng 6.000 ha.
Cụ thể, quy mô cụm cảng biển: 4.000 ha, gồm: 2.000 ha mặt nước để xây dựng cầu cảng và 2.000 ha khu vực chuyển tải hàng hóa, neo đậu tàu; khu vực bãi trên bờ: 500 ha; khu đô thị, công nghiệp 1.500 ha. “Nhà đầu tư cam kết tiến độ thực hiện khảo sát, thiết kế, phê duyệt dự án trong 18 tháng; xây dựng cảng và khu khai thác nội địa trong vòng 7 năm và hoàn thành đưa vào hoạt động năm 2026”, ông Chuyện nói.
Khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của dự án đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu Trần Đề không chỉ thúc đẩy phát triển KT-XH của Sóc Trăng mà còn tạo động lực phát triển cho toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Chuyện kiến nghị Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành thủ tục để bổ sung cảng nước sâu Trần Đề vào quy hoạch nhóm cảng loại IA, đồng thời, ủng hộ chủ trương để nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu dự án.
Về đề xuất của tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, theo quy định hiện hành của pháp luật về hàng hải, cảng biển loại 1A phải là cảng đặc biệt, có chức năng phục vụ phát triển kinh tế của cả nước, của vùng, cảng cửa ngõ quốc tế,… Theo quy hoạch về cảng biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển loại 1A ở phía Bắc có Lạch Huyện, phía Nam có Cái Mép – Thị Vải, miền Trung có hai cảng tiềm năng là Liên Chiểu và Vân Phong.“Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành với 18 triệu dân với nhu cầu về vận tải rất lớn, trong đó chủ yếu là vận tải đường thủy và đường biển. Trên cơ sở đánh giá nhu cầu và sự cần thiết, Vụ KH-ĐT thống nhất với đề nghị của tỉnh Sóc Trăng và sẽ dự thảo tờ trình để Bộ GTVT trình Thủ tưởng Chính phủ bổ sung cảng Trần Đề là loại cảng biển 1A, làm cở sở để tỉnh kêu gọi đầu tư”, ông Lâm nói.Thông tin thêm về cơ sở pháp lý, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải cho biết, Thông tư 05 ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch – Đầu tư quy định về những trường hợp được bổ sung quy hoạch tổng thể đã nêu rõ: Khi triển khai các dự án trọng điểm có ảnh hưởng đến phát triển KT-XH của tỉnh, của khu vực sẽ được bổ sung vào quy hoạch tổng thể. “Theo đề xuất của tỉnh Sóc Trăng về dự án cảng biển nước sâu Mekong ILDC, căn cứ vào quy mô, tổng mức đầu tư dự án thấy rằng, đây là dự án rất quan trọng và phù hợp với điều kiện của Thông tư 05/2013 của Bộ Kế hoạch – Đầu tư. Do vậy, đề xuất bổ sung quy hoạch cảng biển nước sâu của Sóc Trăng vào cảng biển loại 1A là có cơ sở”, ông Sang nói.Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, cảng nước sâu Trần Đề là một cảng khu vực mang tính liên vùng và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chứ không chỉ riêng Sóc Trăng.
“Toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để làm được một cảng nước sâu cho tàu 50.000 – 70.000 tấn ra vào, chỉ duy nhất Sóc Trăng là có vị trí thuận lợi nhất về giao thông thủy bộ, các điều kiện khí hậu, thủy văn. Bộ GTVT rất ủng hộ địa phương trong việc vận động, xúc tiến để hình thành cảng biển Trần Đề với trọng tải tàu ra vào dao động từ 50.000 – 100.000 tấn”, Bộ trưởng khẳng định và cho biết thêm, Bộ GTVT sẽ có văn bản báo cáo để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung cảng nước sâu Trần Đề vào quy hoạch cảng biển loại 1A.
Đối với chính quyền địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng cần khẩn trương đề xuất bằng văn bản chính thức với Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT về việc bổ sung quy hoạch cảng nước sâu Trần Đề vào quy hoạch nhóm cảng loại 1A. Đồng thời, địa phương phải sớm hoàn thiện báo cáo về quá trình nghiên cứu cảng nước nước sâu Trần Đề từ trước đến nay, chuẩn bị hồ sơ cho các bộ ngành liên quan xem xét.
Đình Quang