Nhật kí buổi phỏng vấn đề bạt giáo sư- GS Nguyễn Văn Tuấn

Tôi về Úc vào năm 2000. Ở Mĩ tôi đã là “associate professor”, nhưng khi về Úc, họ chỉ bổ nhiệm “Senior Lecturer” vì họ nói Assoc Prof bên Mĩ tương đương với Senior Lecturer bên Úc. Thật ra, tôi biết đó là một cách “đì”, nhưng tôi không nói gì. Sau 5 năm trụ ở chức Assoc Prof, tôi đệ đơn xin đề bạt chức Prof. Hồ sơ của tôi có 8 người ngoài trường bình duyệt. Khi nhận được bình duyệt của họ, hội đồng học thuật của UNSW đồng ý cho tôi một cuộc phỏng vấn.
Khổ nỗi ngày phỏng vấn rơi đúng vào ngày hai anh em tôi (tôi và Nguyên) công tác bên Hà Nội. Hội đồng UNSW thì dứt khoát không dời ngày, vì họp được một hội đồng như thế rất khó, còn tôi thì cũng không bỏ được việc bên VN. Thế là họ cho tôi được phỏng vấn qua … điện thoại. Điều này làm tôi không thoải mái, vì sợ họ nghĩ lầm là mình đi nghỉ mát, trong khi họ đang làm việc vì tôi …
Đúng 6 giờ sáng, chuông điện thoại phòng reo. Không chờ đến tiếng chuông thứ hai, tôi nhấc ngay điện thoại. Phía bên Sydney là tiếng nói của ông khoa trưởng PS. Ông ta hỏi tôi thời tiết Hà Nội ra sao và vài câu vớ vẩn khác. Lúc đó, tôi nghĩ thầm trong bụng: mẹ kiếp, mình đang nôn nóng gần chết, mà ổng cứ nhẩn nhơ hỏi chuyện … tào lao. Nhưng may quá, ông nói để tiết kiệm thì giờ, ông sẽ đi vào cuộc phỏng vấn.
Mở đầu, ông nói về “luật chơi” của cuộc phỏng vấn, như tôi có quyền phản đối câu hỏi nhưng không có quyền chất vấn lại người hỏi, người hỏi không có quyền hỏi những câu mang tính cá nhân hay xâm phạm cá nhân. Cuộc phỏng vấn sẽ có người ghi âm lại tất cả những câu hỏi và trả lời. Nếu tôi đồng ý luật chơi thì tiếp tục, còn không thì … ngừng. Nghe qua mấy “luật chơi” này tôi cũng chẳng ngạc nhiên vì mình từng là người phỏng vấn người khác, tôi thấy ông ấy nói với tôi hơi thừa, nhưng vì lí do pháp lí nên ông phải nói rõ ràng như thế.
Ông vào đề bằng cách giới thiệu hội đồng phỏng vấn, gồm có 8 giáo sư, dưới sự chủ tọa của ông. Trong số 8 người này, có một vài người trong khoa y (họ là chuyên gia về tim mạch, nội tiết, thần kinh, dịch tễ học, và di truyền học), 1 người từ khoa khoa học (science faculty), và 2 người từ trường đại học Sydney. Tôi chẳng quen biết ai trong 8 người này. Có thể đó cũng là cách họ chọn người để đảm bảo tính khách quan. Sếp của tôi cũng có mặt trong cuộc phỏng vấn, nhưng ông chỉ dự với vai trò “quan sát viên”, ngồi ở góc phòng, chỉ được nghe chứ không được có ý kiến gì cả. Tám người này luân phiên hỏi tôi, có câu hỏi họ yêu cầu tôi chỉ trả lời trong một số phút nhất định. Họ không bình luận gì về câu trả lời, mà chỉ tập trung lắng nghe tôi nói. Những câu hỏi mà tôi còn nhớ là:
• Nói cho chúng tôi biết tại sao ông muốn đề bạt lên chức danh professor? Ông tự đánh giá mình so với các tiêu chuẩn của trường như thế nào? Ông có 5 phút để trả lời. Đây là câu hỏi của khoa trưởng (ông ta chỉ hỏi 1 câu duy nhất).
• Nói cho chúng tôi nghe 3 công trình nghiên cứu tiêu biểu của ông. Xin đừng nói quá chi tiết, chúng tôi chỉ muốn nghe câu chuyện đằng sau của công trình và ảnh hưởng như thế nào.
• Nếu ông bước vào một hội nghị quốc tế, người ta có nhận ra ông không? Nếu nhận ra, thì ông được biết đến về lĩnh vực gì?
• Trong số hàng trăm công trình khoa học và bài báo ông liệt kê, có bao nhiêu ông thực sự là người chủ trì, và bao nhiêu là do nghiên cứu sinh của ông làm và ông chỉ đứng tên tác giả.
• Ông làm việc với Gs JE khá lâu và ông ấy cũng là thầy cũ của ông, vậy ông có thể chứng minh cho chúng tôi biết ông độc lập với thầy cũ mình như thế nào.
• Trong thời gian 1999-2001, số lượng bài báo của ông có vẻ suy giảm. Tại sao?
• Ông tự đánh giá chất lượng các công trình khoa học của ông như thế nào?
• Chỉ số trích dẫn của ông rất ấn tượng. Xin nói cho chúng tôi biết có bao nhiêu bài báo chưa bao giờ được trích dẫn, và ông có bình luận gì không?
• Triết lí đào tạo tiến sĩ của ông là gì. Ông có 2 phút để nói.
• Nghiên cứu sinh postdoc của ông có vẻ thành công nhiều. Bao nhiêu thành công là do ông và bao nhiêu là do công sức của họ?
• Ông làm gì để phát triển lab nghiên cứu của ông trong tương lai?
• Nếu ông là khoa trưởng y khoa, ông sẽ làm gì để nâng cao vị thế và uy tín của khoa trên trường quốc tế?
• Ông có đóng góp gì cho chính sách khoa học và y tế của Úc không?
• Ông nghĩ gì về y học thực chứng? Theo ông, y khoa nên đi về định hướng nào trong tương lai?
• Ông liệt kê một số cuốn sách xuất bản mà ông xem là đóng góp cho cộng đồng. Thì giờ đâu mà ông làm nhiều thế? Đây là câu hỏi cuối cùng; ông giáo sư hỏi tôi câu này có vẻ đùa vui vì tôi nghe ông ấy cười trong điện thoại.
Tôi nghĩ mình trả lời ok, nhưng như bất cứ việc gì, tôi nghĩ nếu làm lại lần nữa, tôi sẽ làm tốt hơn. Nói chung, tôi không có vấn đề gì trong phỏng vấn. Trước khi phỏng vấn tôi đã được trường tập dượt và cũng biết được những nguyên tắc của cuộc phỏng vấn. Nhưng cũng có vài ba câu tôi thiếu chuẩn bị nên trả lời chưa được thông lắm. Chẳng hạn như câu hỏi có bao nhiêu bài chưa bao giờ trích dẫn, vì không có con số cụ thể nên tôi hơi chao đảo và nói … lạc đề (ngay cả sếp tôi còn nhận được điều này). Những câu hỏi về chính sách khoa học, về “nếu là khoa trưởng” cũng làm tôi lúng túng (vì chưa bao giờ nghĩ họ hỏi), phải mất cả vài chục giây định thần để trả lời.
Tôi nghiệm ra những câu hỏi cắc cớ nhưng quan trọng này là nhằm mục tiêu thử xem mình có tầm nhìn cao và xa hay chỉ quay quẩn tầm nhìn của một người làm chuyên môn. Tôi chợt nhớ đến câu nói của sếp JS trước đây rằng làm khoa học cần phải quan tâm đến cái mà ông ấy gọi là “big picture” (bức tranh lớn) chứ không chỉ chúi đầu vào những chuyện nhỏ. Tôi trả lời dựa vào những gì mình đã viết trước đây trên báo đại chúng, và “chêm” vài câu về định hướng nghiên cứu để khoa y UNSW có thể sánh vai với các đại học hàng đầu bên Mĩ. Tôi không biết ông khoa trưởng nghĩ gì về câu trả lời “đao to búa lớn” đó, nhưng rõ ràng là tôi khác quan điểm với ông ấy.
Tuy nhiên, tôi thấy thái độ phỏng vấn của họ không quá khó khăn như lần phỏng vấn chức danh NHMRC senior fellow. Thật ra, tôi thấy họ có vẻ thân thiện, và tạo điều kiện cho mình trả lời hay biện minh. Trong 8 người phỏng vấn, tôi để ý 2 người hỏi một số câu có thể gọi là “critical” (và thách thức), như chú ý đến biểu đồ về số bài báo công bố, định lượng mức độ độc lập, hay câu hỏi mang tính “khiêu khích” rằng thành tựu tôi chỉ là do nghiên cứu sinh làm, hay tôi chỉ nhân danh sếp mà lấy công của học trò. Nhưng tôi lại thấy đó là cơ hội để mình giải trình trường hợp của mình tốt hơn. Nguyên lí của tôi là lúc nào cũng cố gắng biến câu hỏi khó thành một cơ hội để mình … nói thêm (hay nói như ông bà mình hay nói là biến thế yếu thành thế mạnh.
Sau đó 6 tháng thì tôi nhận lá thư sau đây từ sếp. Hiệu trưởng UNSW không có bằng tiến sĩ nhưng được phong giáo sư và điều hành UNSW rất thành công:
“DOCTOR TUAN VAN NGUYEN
The Garvan Institute of Medical Research
The University of New South Wales
Dear Tuan,
I am very pleased to advise you that I have approved the recommendation of the Qualifications Committee that you be promoted to Professor of Medicine.
You were recommended for promotion by your Faculty Promotions Committee, which itself shows the highest regard in which you are held by your peers, and I am happy to say this was endorsed by the University Promotions Committee.
Promotion to Professor at UNSW is a significant achievement, given the standard of scholarly work and effort reflected in the criteria. Please accept my warmest congratulations. I look forward to hearing more of your outstanding achievements in the years ahead.
Yours sincerely,
Fred G Hilmer
Vice-Chancellor”
Thế đó. Chẳng có lễ tiến phong gì cả. Chẳng có chụp hình, tặng bông gì hết. Tất cả chỉ là một lá thư với vài dòng chữ như trên. Tại sao nước mình không làm nhẹ nhàng như thế, mà phải làm rình rang và hình thức làm gì để vừa tốn kém, lại vừa chẳng thuyết phục ai.

GS Nguyễn Văn Tuấn