Ông Trần Xuân Giá – kẻ sĩ đất Việt

Tôi được mời viết và trình bày với Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ đề tài “Tuyến nước sâu cũng là nguồn lực quý giá cho phát triển”. Hội nghị tổ chức tại Nha Trang với nhiều chủ đề khác vào ngày 4 và 5 tháng 11/2003. Trong Hội nghị trên có báo cáo của TS Nguyễn Quang A “ Vài nhận xét về công nghệ viển thông Việt Nam”, TS Trần Du Lịch về “Phát triển và hòan thiện thị trường vốn : lý luận, kinh nghiệm quốc tế và vấn đề ở Việt Nam”.
Trước khi bản tham luận của tôi được trình bày, Ban tổ chức đã đưa tất cả đại biểu tham quan vịnh Vân Phong. Hội nghị được tổ chức vào buổi tối. Ông Trần Xuân Giá và ông Võ Đại Lược đồng điều khiển phiên trình bày của tôi. Sau khi trình bày tham luận bằng hình chiếu, tôi từ bục bước xuống thì thấy ông Trần Xuân Giá đang nói chuyện với anh Lê Vũ Khánh.Tôi lo ngại mình có gì sơ suất trong trình bày nên đến hỏi Lê Vũ Khánh. Khánh kể ông Trần Xuân Giá trách Khánh rằng :

– Cậu biết nhà tôi, điện thọai tôi tại sao đến bây giờ mới để tôi biết tiềm năng của vịnh Vân Phong?

Nghe vậy, tôi mừng nhưng cần chờ xem hành động của ông Trần Xuân Giá thì mới biết đó là suy nghĩ thực hay chỉ là xã giao của các quan chức hiện nay !
Vài hôm sau, tôi được tin ông Võ Văn Kiệt gửi thư lên cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước phản đối sử dụng vịnh Vân Phong cho mục tiêu cảng Trung chuyển Quốc tế mà cần tiếp tục thực hiện cho mục tiêu du lịch. Tìm hiểu thêm, tôi biết trong đòan đại biểu dự hội nghị có một vị là Tiến sĩ đầu ngành xã hội học. Rất tiếc ông đã không hiểu và cũng không hỏi tác giả những gì mình còn nghi ngờ nhưng lại báo cáo với ông Võ Văn Kiệt. Vì vậy mọi việc trở nên căng thẵng giữa Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải và ông Võ Văn Kiệt.
Khi đó tôi chỉ còn biết chờ bản lỉnh của ông Trần Xuân Giá với tư cách là Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.
Thật không hổ danh đất Phú Lộc – Thừa Thiên Huế đã sinh ra Trần Xuân Giá, ông đã ra văn bản số 671/BNC ngày 17/11/2003 gửi Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ 10 ngày sau khi trở về Hà Nội. Trong văn bản trên ông ghi rõ quan điểm :

” Chúng ta đã có chủ trương trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội nói chung và quy hoạch cảng biển nói riêng, lựa chọn địa điểm thích hợp để xây dựng một cảng trung chuyển quốc tế lớn và dự kiến sơ bộ chọn khu vực vịnh Vân Phong cho việc này là thích hợp nhất. Những thông tin tìm hiểu được của Ban nghiên cứu trong thời gian vừa qua cũng cho thấy hướng lựa chọn này có nhiều triển vọng tốt và cần xúc tiến khẩn trương hơn trong việc triển khai thực hiện chủ trương này.”

( Trích văn bản 671/BNC ngày 17/11/2003 ).

 

Để đi tìm cái mới, tính quyết đóan và dám chịu trách nhiệm của những cán bộ cấp Bộ trưởng là rất cần thiết. Nếu tất cả những cán bộ cấp Bộ trưởng chỉ biết làm theo lệnh của Thủ tướng thì đó là dấu hiệu tan rả của một thể chế. Ông Trần Xuân Giá đã thành công trong việc bảo vệ quan điểm mới với vịnh Vân Phong dù quan điểm mới rất khác biệt với ông Võ Văn Kiệt- người có uy tín rất lớn trong xã hội thời đó.
Quay lại cáo trạng với ông Trần Xuân Giá, Việt Nam đã chấp nhận nền kinh tế thị trường, việc một doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một doanh nghiệp khác để kiếm lợi nhuận là một việc bình thường. Quá trình đầu tư bị lừa đảo đó là việc khác. Ai tham gia lừa đảo thì phải chịu trách nhiệm với pháp luật. Tôi hy vọng những ý kiến này giúp làm rõ hơn và công bằng hơn khi tòa lượng hình phạt với ông Trần Xuân Giá.
Tôi chưa lần nào nói chuyện với ông Trần Xuân Giá và chỉ biết ông trong Hội nghị 5/11/2003, nhưng ông đã để lại tôi tấm gương : luôn luôn cố gắng tìm cái mới vì sự nghiệp xây dựng đất nước.
Đi tìm cái mới, thành bại là chuyện thường tình. Kẻ sĩ đất Việt phải chấp nhận rủi ro !
Ks Doãn Mạnh Dũng