Thành phố Hồ Chí Minh cần cơ chế đặc thù gì ?

Tài nguyên đất và thủy sản ở Tp. HCM kém so với các tỉnh lân cận . Nhưng việc giao lưu bằng các phương tiện thủy và bộ theo truyền thống giữa các tỉnh miền Tây với các tỉnh miền Đông và miền Tây nguyên đều phải qua Tp. HCM. Quan trọng hơn là giao lưu của các tỉnh miền Tây, miền Đông và Tây nguyên ra biển đều phải qua cảng Sài Gòn. Nhờ tài nguyên đặc biệt “Cảng Sài gòn” là đầu mối giao thông nên Tp. HCM từng là “Hòn ngọc Viễn Đông ” và hiện nay là một thành phố lớn nhất nước.
Từ 5/1975, với sự quản lý của chính quyền mới, việc quy hoạch thiếu khoa học đã làm tắc nghẽn cảng Sài Gòn. Việc chính quyền Tp. HCM buộc phải di chuyển cảng Sài Gòn về cảng Hiệp Phước , cảng Cát Lái và các tỉnh lân cận đã làm mất nhiều việc làm và nguồn tài chính.
Không rút kinh nghiệm tắc nghẽn cảng Sài Gòn, Tp HCM lại thả lõng trong quy hoạch và để tắc nghẽn sân bay Tân Sơn Nhất. Hơn nữa tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Tp HCM đáng lẽ phải ưu tiên cho tuyến đường từ chợ Bến Thành đến sân bay Tân Sơn Nhất thì họ lại ưu tiên đến Suối Tiên – nơi chứa nhiều lợi ích của những người có quyền lực. Hậu quả Nhà nước phải tìm giải pháp sân bay Long Thành gây tổn thất vô cùng to lớn cho cả quốc gia.
Chúng ta biết vùng đất Tp. HCM cao ở Củ Chi , Thủ Đức và thấp dần về phía Nhà Bè, Cần Giờ. Nếu sau 1975, Tp. HCM duy trì cảng Sài Gòn, xây dựng các đô thị mới như Phú Mỹ Hưng ở Cũ Chi , Thủ đức thì không chỉ phân luồng giao thông thuận lợi hơn mà còn tránh bị ngập do mưa lớn hay triều cường. Vùng thoát nước cho cả Sài Gòn xưa là quận Nhà Bè đã bị bê tông hóa và con đê chắn chính là con đường Nguyễn Văn Linh.
Thời Pháp và Mỹ chẵng ai sử dụng luồng Soài Rạp cho tàu biển, nay chính quyền Tp. HCM lại kêu gọi khai thác luồng Soài Rạp.
Tp. HCM có 12 km bờ biển tại Cần Giờ. Đáng lẽ phải tìm cách khai thác vùng đất bờ biển hiện có thì các nhà quản lý Tp. HCM lại kêu gọi lấn biển Cần Giờ, dùng tiền ngân sách chiếm mặt tiền biển của dân.
Với những sự kiện trên,Tp HCM đã tự hủy hoại nguồn tài chính của chính mình và tạo ra sự kẹt xe và ngập nước.
Về nhân sự, từ 1975 đến năm 6-11-2015 lảnh đạo Tp. HCM là người Nam Bộ. Ngày 6-11-2015 ông Tập Cận Bình phát biểu rất hữu nghị với Quốc hội Việt Nam. Nhưng sáng ngày 7-11-2015 tại Singapore ông Tập Cận Bình “ngang nhiên khẳng định những hòn đảo trên Biển Đông là của Trung Quốc từ thời cổ xưa”. Như vậy bộ mặt xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông đã bộc lộ hoàn toàn từ ngày này.
Người dân Tp. HCM nhớ lại lảnh đạo Tp. HCM đã từng đập bàn tại tòa nhà Thanh Niên mắng những người biểu tình chống hành động gây chiến của Trung Quốc ở Biển Đông.
Người Nam Bộ – là những người Việt Nam hay chọn Việt Nam làm quê hương – đã tiên phong khai phá đất phương Nam. Để vượt qua những khắc nghiệt của thiên nhiên, người Nam Bộ hình thành tính cách đoàn kết và công bằng trong cuộc sống. Hành trình tìm tự do là bản năng truyền thống của những con người sinh ra ở xứ này. Thể hiện tư duy áp đặt của quan lại là xa lạ với tính cách người Nam Bộ mà mang đầy sắc màu của chủ nghĩa Mao – một trường phái tư duy ích kỹ , độc ác nhưng được ngụy trang bằng  những ngôn từ hoa mỹ.
Gần đây, một tờ báo của Tp. HCM- tờ báo duy nhất của cả nước- công kích Bộ ngoại giao Đức trong vụ Trịnh Xuân Thanh gây khó khăn trong quan hệ giữa Việt Nam và Đức cũng như giữa Việt Nam với Châu Âu. Dù tờ báo đã rút các bài trên nhưng hậu quả họ để lại không thể khắc phục trong tương lai gần.
Những sự kiện trên chứng tõ những nhà lảnh đạo Tp HCM thiếu tầm nhìn trong quan hệ quốc tế.
Vì vậy để có những con người đủ tài , đủ đức lảnh đạo Tp HCM , tôi tin rằng việc đầu tiên là Tp HCM cần một cơ chế dân chủ và minh bạch. Trước hết là dân chủ trong khoa học. Mọi việc cần đối thoại để tìm giải pháp tối ưu. Đó là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển của Tp. HCM.

 

KS Doãn Mạnh Dũng