Đặc khu kinh tế: Tại sao có nỗi lo Trung Quốc là mối họa lớn?

 

DMD :

Mới đây, Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM vừa có Thư kiến nghị gửi Quốc hội đề nghị tạm đình hoãn chính sách mở các Đặc khu kinh tế trong năm 2018.

Việt Nam đã xác định việc cải cách đất nước cần lấy mục tiêu 4.0 trong công nghệ. Nhưng thời điểm này, Mỹ đang tìm cách rút vốn từ nước ngoài về nước, còn Châu Âu chưa ký hợp tác thương mại với Việt Nam (EVFTA). Như vậy rất có thể đối tác chủ yếu của các Đặc khu kinh tế là Trung Quốc. Ngoài Biển Đông, Trung Quốc đã biến các đảo chiếm được của Việt Nam thành các căn cứ quân sự và từng bước chiếm đoạt “Đường lưỡi bò” bằng sức mạnh. Vì vậy, việc mở các Đặc khu kinh tế là tạo điều kiện để Trung Quốc hợp pháp đạt được ý đồ hiện diện tại các vùng ven biển Việt Nam.
Truyền thông và báo chí đã nhiều lần đưa tin Trung Quốc lợi dụng sự mở rộng đầu tư và du lịch của Việt Nam để đưa dân di cư chui và kinh doanh bất hợp pháp tại Quảng Ninh, Đà Nẵng và Nha Trang. Hơn nữa, Hiến pháp Trung Quốc chấp nhận đưa quân ra nước ngoài để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc. Việc hình thành các Đặc khu kinh tế, nếu luật pháp chưa hoàn thiện có thể tạo tranh chấp trong kinh tế, do đó tạo điều kiện và lý do để Trung Quốc có thể đưa quân vào Việt Nam bất cứ lúc nào.

– NĐT :

Thưa ông, so với Vân Đồn và Phú Quốc, hiện nay hoạt động thu hút đầu tư vào Vân Phong được nhận xét là còn khá trầm lắng. Tuy nhiên ông cho rằng không lo ngại thiếu nhà đầu tư vào cảng Vân Phong. Nhưng nếu với dự thảo Luật về ba đặc khu mà Quốc hội đang bàn hiện nay, thì ông lo ngại “Trung Quốc sẽ đưa tiền vào mua vinh Vân Phong, biến cảng Vân Phong thành căn cứ kiểm soát và vô hiệu hóa cảng Cam Ranh. Với cách làm trên, Trung Quốc kiểm soát Biển Đông bằng giải pháp hợp pháp”. Ông có thể phân tích rõ hơn về các vấn đề này?

-DMD :

Tiềm năng chính tại vịnh Vân Phong là tiềm năng của cảng Trung chuyển quốc tế container. Ba yếu tố cơ bản để vịnh Vân Phong có thế mạnh trên là:
a/ Nằm đúng vị trí giao nhau của các đường hàng hải quốc tế qua biển Đông: Bắc – Nam và Đông – Tây của Bắc bán cầu.
b/ Là cảng có độ sâu tự nhiên và kín gió vào hạng nhất trên thế giới. Vùng nước và vùng đất liền thích hợp xây dựng cảng với giá thành thấp, và đủ khả năng cung ứng nước ngọt đáp ứng cho việc xây dựng cảng biển trung chuyển lớn nhất trong khu vực.
c/ Có thể kết nối thuận lợi bằng đường bộ, đường sắt với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan. Từ Nam Phú Yên có thể xây dựng đường bộ và đường sắt nối với Tây Nguyên mà không có đèo nguy hiểm như hướng đi lên từ Ninh Thuận, Khánh Hòa và Bình Định.
Nhà đầu tư vào vịnh Vân Phong phải có tầm là chủ hệ thống trung chuyển quốc tế như ở Hà Lan, Singapore. Với những nhà đầu tư nhỏ thì khó phát triển tại vịnh Vân Phong, vì sẽ bị cạnh tranh khốc liệt. Do đó việc đầu tư vào vịnh Vân Phong hiện nay là trầm lắng.
Vì tiềm năng đó nên vịnh Vân Phong là đối thủ cạnh tranh lớn với cảng Singapore và Hong Kong. Nguyên nhân này chỉ rõ cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong chỉ có thể hình thành và phát triển khi Việt Nam có tinh thần tự cường, dám ngẩng cao đầu cạnh tranh với các nước trong khu vực. Chúng ta cũng nên nhớ chiến lược cạnh tranh cảng trung chuyển là chiến lược cạnh tranh quốc gia, mang tính bí mật quốc gia. Nhiều người đi du học nhưng không thế tìm được sách dạy chuyện này. Chiếc lược này chỉ hình thành với những tư duy tự do và biết sức mạnh của trí tuệ.
Về mặt quân sự, vịnh Vân Phong rất gần vịnh Cam Ranh, nó như một gọng kềm kiểm soát toàn bộ biển Đông. Nhìn bản đồ, bạn sẽ thấy vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong là tâm của một vòng tròn, mà chu vi đi từ Phòng Thành, Bắc Hải của Trung Quốc, vòng sang hướng Đông qua Philippine, xuống bán đảo Malaysia. Từ Cam Ranh và Vân Phong, sử dụng tên lửa và tầu ngầm nhỏ phóng ngư lôi là có thể kiểm soát toàn bộ tàu thuyền qua biển Đông. Hơn nữa tàu đối phương khi qua biển Đông mà gặp sự cố kỹ thuật hay người rơi xuống nước thì gió và nước sẽ tự động đưa vào bờ biển Việt Nam khi có gió mùa Đông Bắc. Đó là điểm rất bất lợi của Trung Quốc khi hàng hải qua biển Đông.Từ các yếu tố phân tích trên, rõ ràng cần phải cân nhắc đầy đủ yếu tố quốc phòng khi biến Vân Phong thành đặc khu.

NĐT :

Tương tự, đã có ý kiến cho rằng cần xóa bỏ hai đặc khu Vân Đồn và Vân Phong. Còn quan điểm của ông?

DMD :

Có người lo lắng về sự hứa hẹn của các vị lãnh đạo Việt Nam với các nhà đầu tư, nên chọn giải pháp dung hòa bằng cách có thể chỉ xem xét chính sách Đặc khu Phú Quốc, và không mở các Đặc khu Bắc Vân Phong và Vân Đồn.

NĐT :

Ủy Ban Kinh tế Quốc hội đã cho rằng “3 đặc khu dự kiến thành lập đều có tiềm năng, lợi thế đặc biệt so với khu vực khác, và mỗi khu lại có đặc thù, lợi thế, tiềm năng và chiến lược phát triển khác nhau. Sau khi thành lập, 3 đặc khu sẽ tạo thành thế chân kiềng, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của cả nước”. Tuy nhiên, như ông đánh giá, Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc là ba vị trí ven biển cực kỳ quan trọng, cùng với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm trong hệ thống phòng thủ đất nước. Vậy, nếu được thông qua, nguy cơ ở đây là gì, thưa ông?

DMD :

Mỗi vùng đất đều có nhiều nguồn tài nguyên. Nhưng nguồn tài nguyên nào là chính thì cần phải xác định chính xác, để ưu tiên sử dụng.
Đầu mối giao thông của đồng bằng Bắc Bộ với Đông Nam Á là vùng cảng Lạch huyện, không phải là Vân Đồn. Vân Đồn rất thuận lợi trong việc đưa chợ đường biên ở Móng Cái áp sát vào vùng đồng bằng sông Hồng và thực hiện dịch vụ du lịch vịnh Hạ Long với du khách Trung Quốc.
Phú Quốc có tiềm năng chính là du lịch và nghĩ dưỡng. Khi kênh Kra của Thái Lan mở thì Phú Quốc cũng khó cạnh tranh trong lĩnh vực cảng vì khó kết nối với Đồng bằng Sông Cửu Long.
Còn vịnh Vân Phong như trên đã nói, đó là tiềm năng cảng biển trung chuyển quốc tế.
Tư duy Đặc khu kinh tế tại vịnh Vân Phong đã được viết và đăng trên báo từ năm 1998. Thời gian lúc đó là cơ hội vàng để đưa ngành hàng hải Việt Nam phát triển với nền tảng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong. Nhưng tư duy sử dụng vịnh Vân Phong cho mục tiêu cảng trung chuyển còn quá mới với nhận thức của người Việt.
Các tiềm năng của ba vùng đất Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là hoàn toàn khác xa nhau, đối tác rất khác xa nhau, nên không thể sử dụng chung một chính sách Đặc khu. Kẻ buôn bán chợ đường biên khác với đối tác tổ chức du lịch nghĩ dưỡng. Những nhóm đó không thể có đủ năng lực và cả ước mơ để tổ chức cảng trung chuyển quốc tế.
Theo tôi, vấn đề không phải là tư duy 99 năm cho thuê đất hay nhượng địa, mà chỉ cần 50 năm đã hoàn toàn đáp ứng được mục tiêu của Trung Quốc. Việc mở cửa mà không chọn lọc là hợp pháp hóa việc đưa Trung Quốc vào Việt Nam.
Nếu dự thảo luật 3 Đặc khu được thông qua, tôi cho rằng nó chỉ tạo điều kiện sự có mặt của người Trung Quốc tại các vùng đất trên.

NĐT :

Hiện nay dù Vân Phong, Vân Đồn và Phú Quốc chưa là đặc khu nhưng thực tế các hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch… tại đây đã nhộn nhịp, sôi động, đặc biệt là Vân Đồn và Phú Quốc. Trong trường hợp, nếu chính sách mở các Đặc khu kinh tế không được bấm nút thông qua, thì trong phát triển kinh tế tại ba vùng này hiện nay, theo ông, cần lưu ý những vấn đề gì để đảm bảo về an ninh quốc phòng nhưng vẫn đảm bảo được nhu cầu phát triển kinh tế bền vững?

DMD :

Nếu chính sách mở các Đặc khu kinh tế không được thông qua, tôi nghĩ Quảng Ninh vẫn có thể mở khu chợ đường biên tại Vân Đồn. Với Phú Quốc, vẫn tiếp tục xây dựng các khu vực dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng.
Việt Nam nên khuyến khích người Việt Nam tham gia kinh doanh tại Vân Đồn, Phú Quốc hay Vân Phong, nhưng phải sử dụng đúng tài nguyên của từng vùng đất, không được phép làm ngược. Ví dụ, vùng bờ ở vịnh Vân Phong chỉ được pháp làm cầu cảng với độ sâu tự nhiên của nó, mà không được sử dụng vùng bờ có cảng nước sâu để xây cầu cảng cho tàu du lịch.
Để đảm bảo vừa an ninh quốc phòng vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế bền vững, Việt Nam cần có Luật quy định về việc chuyển đổi quyền sở hữu doanh nghiệp từ công dân Việt Nam sang công dân nước ngoài.

Lê Quỳnh (thực hiện)