Trãi nghiệm và lý thuyết

Tại Vũng tàu, đoàn chúng tôi được mời lên họp với Ban chỉ huy quân sự thành phố Vùng tàu để lên kế hoạch “tiếp đón” tàu Trung Quốc.
Trong cuộc họp, chúng tôi được lệnh sẽ lên tàu Trung Quốc và yêu cầu thuyền trưởng với sự trợ giúp hoa tiêu Việt Nam đưa tàu Trung Quốc di chuyển đến vị trí neo cách ly. Nếu tàu Trung Quốc không theo lệnh mà chạy thẵng vào luồng sông Lòng Tàu thì sẽ bố trí các tàu quân sự dưới hình thức tàu đánh cá giăng lưới, chặn tàu Trung Quốc. Nếu việc chặn không thành công thì sẽ dùng hỏa lực đánh chìm tàu Trung Quốc ngay trong vịnh Gành Ráy.
Trong quy định của ngành đại lý tàu biển lúc đó, khi lên tàu nước ngoài bao giờ cũng phải đi hai người để kiểm soát nhau. Trong hai đại lý viên, anh Quản, lúc đó đã trên bốn mươi tuổi- người Thanh Hóa- tuy không phải là đảng viên nhưng anh rất bình tỉnh và sẵn sàng thực thi nhiệm vụ. Tôi thật sự trân trọng tấm lòng sẵn sàng hy sinh vì đất nước của anh. Còn tôi đã trãi qua bom đạn trong những năm đi biển 1971-1973 nên nhẹ nhàng nhận nhiệm vụ. Tình hình căng thẵng tính từng giờ với chúng tôi.
Và nhờ tin từ BBC, tôi biết Trung Quốc quyết định đơn phương hủy đưa tàu đến Việt Nam đón “nạn kiều”. Sau khi nghe tin trên, ông Liêm đại diện ngành đường biển Việt Nam lúc đó đang chỉ đạo tại Vũng Tàu chấp nhận cho chúng tôi nghĩ xã hơi. Tôi theo xe ông Liêm – chiếc siêu xe thể thao tốc độ cao- về Tp HCM thăm gia đình. Vừa về đến cơ quan tại 7 Nguyễn Huệ, Quận I, ông Kim Long – Phó Tổng Giám đốc VOSA – đã mắng tôi sao dám rời vị trí được phân công. Tôi trả lời là đã được phép ông Liêm.
Thời điểm trên, con trai đầu lòng của tôi mới hơn một tuổi. Tôi mới ba mươi hai tuổi. Với tuổi trên và đang sống trong một gia đình hạnh phúc nhưng tôi đã phải nặng gánh chọn lựa giữa sự sống và cái chết vì trò trở tráo của Trung Quốc. Có lẽ vì vậy, sự nhận thức về Trung Quốc của tôi không chỉ là các tài liệu lịch sử trên những trang giấy mà là sự trãi nghiệm của chính cuộc đời mình.
Tôi không muốn các con cháu và các bạn trẻ phải có sự chọn lựa khắc nghiệt như tôi trong tương lai. Đó là tội ác. Và người Việt Nam tìm cách tránh tội ác đó từ trứng nước. Đó là lý do mà tôi đã cùng các đồng nghiệp ở Hội Biển Tp HCM có thư gửi Quốc hội đề nghị dừng việc thông qua chính sách các Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc với lý dó ” Việc hình thành các Đặc khu kinh tế nếu luật pháp chưa hoàn thiện có thể tạo tranh chấp trong kinh tế, do đó tạo điều kiện và lý do để Trung Quốc có thể đưa quân vào Việt Nam bất cứ lúc nào.”

KS Doãn Mạnh Dũng

Tái bút : Ngày 26/6/2018 trên mạng xã hội có đăng “Câu chuyện cảnh giác” của tác giả Hoàng Lại Giang. Qua câu chuyện này, tôi mới thật sự hiểu sự quyết tâm đánh chìm tàu Trung Quốc tại Vũng tàu của ông Võ Văn Kiệt. Mong rằng các chính khách của Việt Nam hôm nay nên biết những trãi nghiệm khắc nghiệt này để cảnh giác khi muốn mở các Đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc theo lý thuyết gia Đào Nhất Đào của Trung Quốc. 
CÂU CHUYỆN CẢNH GIÁC
Đất nước chúng ta từng có vụ “nạn kiều” vào những năm 70 của thế kỷ 20.
Lúc ấy giữa ta và Tàu rất căng thẳng. Nhiều người Hoa, dù đã sống lâu đời ở ta cũng được Tàu vận động treo cờ Trung Quốc và ảnh Mao Trạch Đông, vận động khai mình là người Tàu, mặc dù họ đã chuyển sang quốc tịch Việt Nam từ năm 1956… và vận động người Hoa biểu tình, vận động người Hoa trở về nước.
Lê Duẩn và Lê Đức Thọ bàn với nhau cho tàu Trung Quốc cập cảng Sài Gòn chở người Hoa về nước. Lê Đức Thọ điện cho bí thư thành ủy TP.HCM: Võ Văn Kiệt…
Võ Văn Kiệt trả lời dứt khoát: “Không thể!!!”
– Không được.
Lê Đức Thọ :
– Đây là mệnh lệnh của anh Ba (Lê Duẩn)
Võ Văn Kiệt :
– Nếu đây là mệnh lệnh của anh Ba thì nhờ anh Sáu (Thọ) về báo cáo lại với anh Ba, tôi xin chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào cũng được, nhưng chấp hành mệnh lệnh anh Ba cho tàu Trung Quốc cập cảng Sài Gòn thì tôi không thể…Dừng lại một lúc ,ông tiếp:
-Tôi đã cho rải mìn dày đặc dưới lòng sông rồi. Ngay cả cập cảng Cần Giờ cũng không thể huống hồ cập cảng Sài Gòn…
Thế hệ tôi & trên tôi: hiểu sức mạnh siêu quyền lực của Lê Đức Thọ là như thế nào.
Nhưng Võ Văn Kiệt đã thẳng thừng… không chấp hành.
Lê Đức Thọ im lặng…
Võ Văn Kiệt tư lự, phân vân .
Lê Đức Thọ sốt ruột:
-Có gì Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) cứ nói, tớ nghe.
Võ Văn Kiệt nói:
– Tôi hỏi anh Sáu, nếu cho nó vào đây, rồi nó ở lại , không chịu đi nữa, anh Sáu làm cách nào?
Lúc bấy giờ Lê Đức Thọ như mới tỉnh ra…
Về Hà Nội, Lê Đức Thọ báo cáo lại với Lê Duẩn. Lê Duẩn im lặng nhìn Lê Đức Thọ một lúc rồi nói:
– Sáu Dân có cái lý của nó. Nếu như thằng Tàu vào cảng Sài Gòn, nó ở lại, không chịu ra, chẳng lẽ ta đánh, ta bắt … nó. Lúc ấy nó lu loa lên… Thế là ta tạo cớ cho nó mang quân sang xâm lược nước ta… (*)
Câu chuyện “CẢNH GIÁC” của bí thư Thành ủy TP.HCM hồi ấy vẫn là bài học vô giá cho nhiều thế hệ sau này.
(theo Hoàng Lại Giang – TP.HCM ngày 24/3/2014 – Sửa lại ngày 26/8/2017)
(*) câu chuyện trên được ông Võ Văn Kiệt kể lại cho tác giả nghe tại nhà riêng 16 Tú Xương SG