Hội Biển Tp HCM bàn về Du lịch Biển Cần Giờ
Những tài liệu trên đã chĩ rõ sự khác biệt trong tiếp cận từ mục tiêu của dự án đến quan điểm của Hội Biển Tp HCM không trái ngược với Chủ trương của Chính phủ và các Tổ chức quốc tế xác định vùng dự trữ sinh quyễn Cần Giờ, từ chọn giải pháp xây dựng theo thiên nhiên đến giải pháp dung hòa lợi ích giữa người dân địa phương và doanh nghiệp đầu tư.
Đại diện Cty Cổ phần Đô thị Du lịch Biển Cần Giờ cho biết dự án “Khu đô du lịch biển Cần Giờ” có vốn đầu tư đến 217.000 tỷ VND ( Hai trăm mười bảy ngàn tỷ VND ).
Với số vốn vô cùng lớn như trên, dù từ nguồn nào, mọi người liên đới với dự án đều lo lắng với trách nhiệm của chính mình trong sự thành, bại của dự án.
Mỗi kết quả nghiên cứu là một lớp phù sa. Việc chọn lựa lớp phù sa nào để cho dự án thành công còn tùy thuộc các góc nhìn khác nhau. Vì vậy chuyển thông tin đến bạn đọc để mong có sự chọn lựa tối ưu là mục tiêu mà Hội Biển Tp HCM luôn luôn hướng tới.
Vì vậy trước đây chúng tôi đã công bố “Khu du lịch rừng ngập mặn và tắm biển Cần Giờ” và hôm nay công bố tiếp “Góp ý về Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ “.
Toàn văn bài viết như sau :
Góp ý về Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ
Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế biển Tp HCM có nhận công văn số 132/CV-CTC ngày 18/3/2019 của Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ. Chuyên gia nghiên cứu độc lập trình bày quan điểm nhận xét như sau :
Đặc điểm tự nhiên giồng đất ven biển Cần Giờ- Tp HCM :
Sự hình thành giồng đất cao ven biển Cần Giờ
Ở Nam Bộ có nhiều giồng đất cao theo hình vòng cung hướng về phía Tây. Các giồng đất trên có nguồn gốc động lực từ các dòng hải lưu ven biển. Vùng tiếp giáp biển Cần Giờ là một dôi cát dài 12 km chạy theo hướng Tây Bắc xuống Đông Nam với phương vị 205 độ. Phía Bắc dôi cát là vùng rừng ngập mặn. Giồng cát này có cao độ khoãng 1m, phía Tây Nam và khoãng 2m phía Đông Bắc.
Bờ biển Cần Giờ chịu tác động trực tiếp dòng hải lưu tầng đáy hình thành do chênh lệnh nhiệt giữa Xích đạo và Bắc Cực và trạng thái quay của trái đất từ Tây sang Đông. Dòng hải lưu tầng đáy tồn tại 365 ngày trong năm.
Bờ biển Cần Giờ chịu tác động trực tiếp bởi dòng hải lưu tầng mặt hình thành do gió Đông Bắc trong 9 tháng/ năm.
Huyện Cần Giờ nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Lòng Tàu.
Sông Lòng Tàu hẹp và có tốc độ dòng chảy cao hơn sông Soài Rạp, đưa chất thải của Tp HCM ra biển và là luồng tàu chính cho tàu biển ra,vào Tp HCM và tỉnh Đồng Nai.
Huyện Cần Giờ nằm ở tả ngạn hạ lưu sông Soài Rạp.
Sông Soài Rạp rộng, tốc độ dòng chảy chậm hơn sông Lòng Tàu. Đây là cửa sông chính của dòng sông Đồng Nai và cũng có nhiệm vụ đưa chất thải từ Tp HCM ra biển.
Thủy triều tại Vũng Tàu
Khu vực Cần Giờ có biên độ thủy triều tương đương như Vũng Tàu. Thủy triều ở đây có chế độ bán nhật triều không đều. Cao độ lớn nhất đến gần 5 m.Thủy triều cao trên 3,8 m chiếm đến 68% số ngày/năm, còn thủy triều cao trên 3,4 m chiếm đến 96 % số ngày/năm.
Những ý kiến nhận xét
2.1 Mục tiêu xây dưng đô thị tạo ra nguy cơ ảnh hưởng chiến lược vùng sinh thái Cần Giờ.
Phía Bắc Tp HCM có đô thị du lịch biển Vũng Tàu. Việc chọn mục tiêu dự án là Đô thị du lịch biển Cần Giờ là có xu hướng đi theo hướng phát triển của Tp Vũng Tàu. Tại Cần Giờ có rừng ngập mặn mà Vũng Tàu và các tỉnh Nam Trung Bộ không có. Vậy tại sao ta không hướng sự lựa chọn vào phân khúc thị trường du lịch sinh thái rừng ngập mặn. Sự lựa chọn này sẽ tạo ra sự khác biệt với du lịch biển vùng Nam Trung Bộ. Đây là phân khúc thị trường mà Tp HCM đang có thế mạnh để thu hút lượng lớn du khách.
Rừng ngập mặn Cần Giờ đã được xác nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Vì vậy ý đồ xây dựng “đô thị du lịch biển Cần Giờ” là tạo nguy cơ, đi ngược lại chiến lược “Cần giờ là khu dự trữ sinh quyển của thế giới”. Việc chấp nhận Khu đô thị biển Cần Giờ sẽ tạo nền tảng để khuyến khích tập trung dân cư khu vực Cần Giờ và sẽ khó kiểm soát trong tương lai. Khi mật độ dân cư đông, thì tất yếu xuất hiện nguy cơ lấn vào diện tích rừng ngập mặn.
Từ hai tư duy trên, chúng tôi cho rằng cần giới hạn mục tiêu của dự án này là Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Chỉ tạo điều kiện để khách vãng lai và hạn chế việc cư trú. Vì vậy tên gọi của dự án nên là : Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ hoặc Khu du lịch rừng ngập mặn Cần Giờ.
2.2 Sự phá hủy bờ biển Đông Việt Nam trong tình hình biến đổi khí hậu
Hiện tượng trái đất ấm dần nên tốc độ dòng hải lưu tầng đáy và cả dòng hải lưu tầng mặt tăng lên. Tốc độ dòng hải lưu tăng lên đã làm tăng góc của lực tác động vào bờ biển Đông Việt Nam. Hiện tượng này gây ra trạng thái bất ổn định của bờ biển Đông. Đó là nguyên nhân sự xói lỡ nhiều đoạn bờ biển miền Trung và Nam Bộ. Các kè đá của khu vực đô thị Hội An – Quảng nam và vùng bờ Đông của Cà Mau hiện đang bị phá hủy là minh chứng cho nhận định trên.
Hình 1 : Tuyến bờ biển cực Nam của Cần Giờ đối diện với Biển Đông
Tuyến bờ biển cực Nam của Cần Giờ, màu đỏ, sẽ đối diện với sự phá hủy của dòng hải lưu.
2.3 Nguy cơ ngập sâu khi mưa lớn hay triều cường khu vực hành chính và dân cư Cần Giờ
Mặt đất tự nhiên của Tp HCM nghiêng và dốc theo hướng Bắc-Nam.
Tại Tp HCM, việc xây dựng con đường Nguyễn Văn Linh và Khu Phú Mỹ Hưng tương đương tạo ra con đê bê tông chạy ngang qua thành phố. Đó là một trong các nguyên nhân chính gây cho Tp HCM ngập sâu khi mưa lớn, triều cường.
Tại Tp Nha Trang, dù rằng phía Bắc và Nam Nha Trang đều sông bao bọc nhưng khi mưa lớn thì Tp Nha Trang bị ngập sâu. Nguyên nhân dãy đường Trần Phú như con đê chắn ngang, ngăn chặn nước mưa thoát ra biển.
Với cả hai bài học trên, không khó để thấy rằng khu vực hành chính và dân cư Cần Giờ có nguy cơ ngập khi có mưa lớn sau khi hình thành Khu đô thị bị bê tông hóa (theo tuyến màu đen ).
Hình 2 : Bê tông hóa tuyến màu đen sẽ gây ngập sâu khu vực hành chính và dân cư huyện Cần Giờ.
2.4 Khu đô thị mới ven biển vẩn bị ô nhiểm chất bẩn từ sông Lòng Tàu.
Tuy cả hai dòng sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp đều đưa chất thải từ Tp HCM ra biển. Nhưng do đặc điểm dòng hải lưu ven biển nên sông Lòng Tàu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bờ biển Cần Giờ.
Với mô hình Khu đô thị mới như hình vẽ thì những chất thải từ Tp HCM theo sông Lòng Tàu ra biển tiếp tục phủ xung quanh toàn bộ Khu đô thị mới như trạng thái hiện nay.
Hiện nay bờ biển Cần Giờ không thể thu hút khách tắm biển thì tương lai cũng không khác hiện nay. Khu mặt nước nằm phía Nam vạch đen cũng không thể tắm được vì đó là nước không luân chuyển. Nếu khắc phục bằng cách tạo ra sự luân chuyển nước thì mật độ nhà cửa định cư chung quanh cao sẽ khó duy trì nước sạnh như mong muốn. Nếu cố gắng làm vệ sinh và lọc thường xuyên thì vùng nước này cũng chỉ phục vụ cho khách du lịch có yêu cầu không cao về vệ sinh trong tắm biển.
2.5 Xung đột lợi ích giữa Doanh nghiệp đầu tư và nhân dân địa phương
Nhân dân địa phương đang sở hữu mặt tiền có biển. Dù rằng hiệu quả kinh doanh của người dân rất nhỏ nhưng khi một doanh nghiệp đến chiếm mặt tiền biển của họ thì khó tránh được sự phản ứng của người dân. Giải pháp nào để người dân có thể chấp nhận doanh nghiệp sử dụng mặt tiền biển của họ để lấn biển và xây dựng đô thị mới ? Sự xung đột giữa lợi ích doanh nghiệp và người dân đang có lợi ích trên tài nguyên mặt biển cần được sử lý công khai và minh bạch để giữ gìn uy tín của Chính quyền.
2.6 Các mô hình toán thủy lực còn hạn chế khi tính toán bờ biển Việt Nam
Trên thế giới hiện nay sử dụng nhiều mô hình toán nhưng chỉ có ý nghĩa cho các dòng chảy trong đất liền. Với các bờ biển, nhất là ở Việt Nam còn rất nhiều bí ẩn. Vì Việt Nam nằm ở bờ Tây của Đại dương nên khác xa với bờ Đông của đại dương. Trái đất hình tròn, Việt Nam lại nằm gần Xích đạo nên khác với vùng bờ biển gần Cực hay quá gần Xích đạo. Các dòng hải lưu ven bờ bị phụ thuộc rất nhiều vào địa hình khi tích lũy năng lượng. Ví dụ bờ biển phía Bắc miền Trung khác xa với bờ biển phía Bắc vịnh Florida. Những yếu tố trên đã tạo ra nhiều khác biệt về động lực tác động vào bờ biển. Vì vậy đưa các kinh nghiệm của châu Âu, Nhật, Singapore, Mỹ vào đây là không hợp lý.
Bài học quá khứ ở Việt Nam : Ở miền Trung Việt Nam, chỉ các vịnh quay cửa về phía Nam thì sâu. Trong khí đó nhiều trí thức có học vị cao đã ngộ nhận về độ sâu và ổn định độ sâu của vịnh Dung Quất và Chân Mây.
Bờ biển Cần Giờ có biên độ thủy triều cao đến 5 m trong khi bờ biển Rạch giá có biên độ thủy triều cao nhất là 1,8 m. Hơn nữa dòng hải lưu ở Rạch Giá giúp bờ biển Kiên Giang rất cạn và dể lấn biển. Còn dòng hải lưu qua Cần Giờ có xu hướng phá hủy mọi sự cản trở và đưa sa bồi về hướng Nam. Vì vậy không thể nói rằng ở Rạch Giá lấn biển được nên Cần Giờ có thể làm được. Vì vậy vội vã xác định sự ổn định của tuyến bờ cực Đông của Khu đô thị Cần Giờ là sự phiêu lưu.
Kết luận
Dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ đã chưa lường hết những xung đột với thiên nhiên trong rủi ro bị xói lỡ bờ biển Đông Cần Giờ khi trái đất ấm dần cũng như rủi ro bị ngập úng khu hành chính và dân cư huyện Cần Giờ khi mưa lớn.
Khó khăn lớn nhất của Cần Giờ là bãi tắm bị dơ nhưng chưa có giải pháp căn cơ.
Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ cần có giải pháp thõa đáng để giải quyết sự xung đột giữa dân địa phương và doanh nghiệp khi doanh nghiệp chiếm dụng mặt tiền biển của họ để kinh doanh. Việc đưa ra chiến lược xây dựng Khu đô thị du lịch Cần Giờ tạo ra nguy cơ tăng dân số về định cư tại bờ biển Cần Giờ và báo hiệu khó bảo vệ được quỹ đất đang dành cho rừng ngập mặn Cần Giờ trong tương lai.
Lời hướng dẩn
Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển sớm nghiên cứu “Ứng dụng đê bao bằng vãi địa kỹ thuật để xây dựng bãi tắm Cần Giờ” đã được Hội đồng Khoa học Tp HCM ngày 10/10/2007 chấm 63,29 /100 và nhận xét “Đề tài có tính cần thiết, nên thành lập thành dự án”. Hội KHKT &KT Biển đã nâng cấp dự án trên với tên gọi “Khu du lịch rừng ngập mặn Cần Giờ”. Dự án trên có bãi tắm cho cộng đồng dài 14.5 km, 5 km tuyến cầu tàu cho du thuyền, 250 ha cho sân bay trực thăng, có mặt bằng 492 ha xây dựng khu lưu trú cho khách vãng lai cao cấp, cùng các khán phòng cho Hội nghị, khắc phục được những mâu thuẩn với thiên nhiên và với nhân dân địa phương. Giải pháp của chúng tôi tiếp tục thực hiện bảo vệ vùng rừng ngập mặn như chủ trương của Chính phủ và các tổ chức sinh thái Quốc tế. Vì vậy hy vọng Chủ đầu tư có thể hợp tác với Hội KHKT và KT Biển Tp HCM để phát triển dự án Khu du lịch rừng ngập mặn Cần Giờ.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/3/2019
Chuyên gia nghiên cứu độc lập
KS Doãn Mạnh Dũng