Tọa đàm “Xu hướng phát triển vùng biển Cần giờ”

Tọa đàm “Xu hướng phát triển vùng biển Cần giờ”

Tại cuộc Tọa đàm, TS Nguyễn Viết Nhiên – Chủ tịch Hội Biển Tp HCM, Thiếu tướng, nguyên đại biểu Quốc Hội, cho biết:

Báo cáo của KS Doãn Mạnh Dũng là quan điểm của Hội Biển Tp Hồ Chí Minh về “Xu hướng phát triển vùng biển Cần Giờ”. Hội Biển Tp Hồ Chí Minh muốn lắng nghe các ý kiến khác biệt của các vị đại biểu.

 

Anh Lưu Tuấn Sinh – Phó Chủ tịch , Tổng thư ký Hội phát biểu :

         Khi tôi liên hệ với Liên hiệp các Hội KHKT Tp HCM báo cáo về Hội Biển Tp HCM sẽ tổ chức Tọa đàm “Xu hướng phát triển vùng biển Cần giờ” thì được biết mọi việc đã được quyết định ở các cấp trên. Vì vậy buổi Tọa đàm chỉ tổ chức trong giới hạn hẹp trong các chuyên gia. 

Toàn văn báo cáo của KS Doãn Mạnh Dũng như sau :

 

 

Xu hướng phát triển Cần Giờ – Tp Hồ Chí Minh

 

KS. Doãn Mạnh Dũng

 

UV.BCH Hội KHKT & Kinh tế biển TP.HCM

 

Để tạo ra sản phẩm hay dịch vụ cho xã hội, loài người phải dùng đến 3 tài nguyên. Đó là Tài nguyên sức lao động, Tài nguyên thiên nhiên và Tài nguyên trí tuệ. Theo thứ tự trên, Tài nguyên sau đem lại nhiều lợi nhuận hơn tài nguyên trước. Để phát triển một vùng địa lý, ta cần biết những quy luật tự nhiên của vùng địa lý đó và nhu cầu của xã hội.

 

Những hiện tượng thiên nhiên đặc biệt của Nam Bộ

Quá trình hình thành thành phố Hồ Chí Minh là quá trình hình thành và phát triển cảng Sài Gòn. Nghiên cứu địa lý Nam Bộ, ta thấy miền Tây Nam Bộ ra biển phải qua cảng Sài Gòn. Miền Đông Nam bộ và Tây nguyên ra biển phải qua cảng Sài Gòn. Miền Tây kết nối với miền Đông Nam bộ cũng phải qua cảng Sài Gòn. Chính nhờ có Tài nguyên địa lý, là đầu mối giao thông ra biển của cảng Sài Gòn mà vùng đất Sài Gòn – Gia Định phát triển thành đô thị lớn nhất Việt Nam hôm nay.

 

Ở Việt Nam, miền Bắc xưa có phố Hiến ở Hưng Yên, miền Trung xưa có Hội An ở Quảng Nam. Khi đầu mối giao thông mất đi thì tất cả chỉ còn là viện bảo tàng và sự hoài niệm. Điều đó đưa đến nguyên lý mang tính phổ quát trên thế giới: Đầu mối giao thông nhỏ thì chợ nhỏ, đầu mối giao thông lớn thì chợ lớn, đầu mối giao thông mất đi thì chợ mất đi.

 

Lãnh đạo nhà nước nói chung và Tp Hồ Chí Minh nói riêng đã và đang có những quyết sách để xây dựng Tp Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm tài chính của khu vực, điều đó hãy bắt đầu câu hỏi rằng Tp Hồ Chí Minh có thể trở thành đầu mối giao thông của Khu vực được không ? Đó là chưa tính đến các yếu tố về thể chế, trong đó có quyền tự do của thị trường, nhất là quyền di động của đồng vốn, quyền đa dạng trong sở hữu đất đai.

 

Mỗi vùng đất đều có nhiều loại tài nguyên. Việc cần sử dụng loại tài nguyên gì luôn luôn là một bài toán khó khăn vì con người có xu hướng chọn sự tối ưu. Muốn vậy, mọi việc phải bắt đầu từ các kết quả nghiên cứu những quy luật tự nhiên của vùng đất đó. Lịch sử Việt Nam lại là lịch sử chiến tranh chống xâm lược nên còn rất nhiều khoảng trống về quy luật thiên nhiên cần được nghiên cứu sâu và thẩm định. Nghiên cứu những quy luật tự nhiên của Nam Bộ, ta thấy dòng hải lưu tầng đáy Bắc -Nam tồn tại 365 ngày/năm. Chúng vừa di chuyển từ Bắc xuống Nam vừa di chuyển từ Đông sang Tây. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự bồi lấp các cửa sông từ Quảng Bình đến mũi Cà Mau. Đây cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm bờ biển Cần Giờ và cần có giải pháp đặc biệt để xử lý chúng theo quy luật của tự nhiên. Giải pháp xử lý bãi tắm Cần Giờ dựa vào sự phát hiện quy luật của dòng hải lưu tầng đáy Bắc- Nam.

 

Thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp sớm hiểu rõ tình trạng cạn ở các cửa sông nên họ xây dựng cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn đều giống nhau về phương pháp tổ chức luồng cho tàu biển. Đó là tàu biển không dùng cửa sông chính mà dùng cửa phụ lên thượng nguồn dòng sông chính, sau đó vào cảng ở dòng sông chính. Ở cảng Hải Phòng người Pháp không dùng cửa sông Cấm, mà dùng cửa Nam Triệu, đào kênh Đình Vũ để tàu lên thượng nguồn và vào cảng Hải Phòng ở thượng nguồn sông Cấm. Ở cảng Sài Gòn, người Pháp bỏ cửa Soài Rạp, dùng cửa vịnh Gành Ráy, vào sông Lòng Tàu, lên thượng nguồn sông Đồng Nai, rồi vào cảng Sài Gòn ở thượng nguồn sông Sài Gòn.

 

Sau năm 1975, ở miền Bắc chính quyền đắp đập Đình Vũ, bỏ cửa sông Cấm, biến kênh Đình Vũ thành dòng sông chính. Hậu quả cảng Hải Phòng bị cạn và phải di chuyển về Lạch Huyện. Ở miền Nam, chính quyền bỏ cảng Sài Gòn và xây cảng mới ở Hiệp Phước và Cát Lái. Sông Soài Rạp được chọn làm luồng tàu biển chính vào cảng Hiệp Phước. Hiện nay dự án đang đối đầu với sự bất ổn của luồng Soài Rạp. Việc nạo vét sông Soài Rạp đã gây ra hiện tượng thủy triều cường ảnh hưởng sâu vào nội thị Tp Hồ Chí Minh khi có mưa vào lúc triều cường. Cảng Cát Lái đang đứng trước sự đe dọa tắc nghẽn do đô thị hóa và giá thành dịch vụ tăng nhanh khi hình thành thành phố Thủ Đức. Nhân đây tôi muốn nhắc lại bài học được các nước trên thế giới tổng kểt rằng, khi mớn nước tự nhiên của cảng quá nhỏ thì giá trị đầu tư tăng theo đường Parapol khi tăng mớn nước. Có nghĩa là để chống lại thiên nhiên, ngân sách duy trì độ sâu cảng là vô cùng lớn ngoài sức của một nước nghèo. Vì vậy việc tăng độ sâu cửa vịnh Gành Rái để đưa tàu lớn vào cảng Cái Mép -Thị Vải là một thách thức lớn về tài chính.

 

Hệ thống cảng Sài Gòn xưa có thể tiếp nhận tàu 3,5 vạn tấn và đều nằm ở hữu ngạn sông Sài Gòn hoặc hữu ngạn sông Đồng Nai. Vì Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế nông nghiệp, lượng hàng hóa nông nghiệp là vô cùng lớn so với các khu công nghiệp Đồng Nai. Quan trọng hơn, ĐBSCL có thế mạnh là vận tải đường sông. Vì vậy sản phẩm nông nghiệp di chuyển từ ruộng đồng đến cảng biển bằng đường sông là hiệu quả kinh tế nhất. Chính quyền Pháp và Mỹ hiểu rõ nguyên lý trên nên chỉ phát triển cảng biển Sài Gòn tại hữu ngạn sông Sài Gòn vì không muốn luồng tàu sông cắt qua luồng tàu biển tại sông Lòng Tàu hay sông Đồng Nai. Vì vậy, việc kêu gọi phát triển hệ thống cảng biển bên bờ tả ngạn sông Đồng Nai hiện nay của Nhà nước ta cần được xem xét kỹ đến các yếu tố nêu trên.

 

Tình trạng ấm dần của trái đất đã làm tăng tốc độ của dòng hải lưu Bắc-Nam. Điều đó dẫn đến việc hình thành sự xói lở mới để tạo ra sự cân bằng thủy lực ở bờ biển. Điều đó cũng chỉ ra rằng chất thải từ nội thành Tp Hồ Chí Minh được sông Lòng Tàu đưa ra Cần Giờ đã và đang phủ rộng hơn toàn bộ bờ biển Cần Giờ từ cửa sông Lòng Tàu đến cửa Soài Rạp. Bên cạnh đó, dân số Tp Hồ Chí Minh càng cao, chất thải càng nhiều. Việc đô thị hóa bờ biển Cần Giờ không thể làm sạch dòng nước phủ phía Đông đô thị. Để chống xói lở bờ biển Đông Việt Nam, vì vậy, cần hết sức tránh bê tông hóa tuyến bờ biển Đông. Hiện tượng xói lỡ bờ biển tại khu du lịch Hội An – Quảng Nam là một cảnh báo rõ ràng.

 

Việt Nam chủ trương dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh

Với nhà tư bản cần có lợi ích trong đầu tư:

  • Lợi ích trong quá trình đầu tư từ nguồn tài nguyên trí tuệ sẽ giúp xã hội phát triển ổn định và tiến nhanh đến văn minh.
  • Lợi ích trong quá trình đầu tư từ nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ đưa mâu thuẫn nội tại xã hội Việt Nam ngày càng gay gắt.

Với người dân:

  • Được tồn tại bằng lao động chân tay cùng với lao động trí tuệ ngày càng cao, để có cuộc sống ổn định và hạnh phúc.
  • Người dân cần được hưởng lợi ích một cách công bằng từ Tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

 

Các nhà quản lý cần hướng các nhà đầu tư sử dụng Tài nguyên trí tuệ để tăng lợi nhuận và giúp dân nâng cao năng lực cá nhân và được hưởng công bằng Tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

 

Nhu cầu của ĐBSCL là cảng chuyên dụng xuất khẩu gạo, tổng kho cho Ngân hàng thóc.

Để phát triển một vùng đất, trước hết cần biết nhu cầu của xã hội. Việt Nam đã xuất khẩu gạo trên 30 năm, nhưng đến hôm nay chưa có một cảng chuyên dụng xuất khẩu gạo với hệ thống tổng kho lưu trữ lúa mà chúng tôi gọi là Ngân hàng thóc. Cảng xuất khẩu gạo cho Nam bộ cần có ở Tp HCM và ở cảng Trần Đề – Sóc Trăng. Cảng chuyên dụng xuất khẩu gạo có thể tiếp nhận tàu biển 3 vạn tấn để có thể xuất lô gạo 2,5 vạn tấn. Cảng cần có hệ thống cảng sông để tiếp nhận thóc theo đường sông. Cảng cần có mặt bằng xây dựng các silo sấy thóc, bảo quản thóc, hệ thống xay xát lúa, dây chuyền đóng gói và đưa xuống tàu biển với công suất cao. Người nông dân có thể gửi hay bán lúa cho cho Ngân hàng thóc vào bất kỳ khi nào họ muốn. Nhờ Ngân hàng thóc, người nông dân có vốn để sản xuất và không bị ép giá khi được mùa. Ngân hàng thóc có lượng thóc lớn dự trữ thì có thể đáp ứng yêu cầu về thời gian, số lượng, chất lượng của người mua hàng nên giá bán luôn luôn cao. Giải pháp trên đồng thời giúp giảm tổn thất sau thu hoạch hiện nay khoảng từ 20% đến 25 %. Đó là nền tảng để tăng lợi nhuận cho người nông dân Nam Bộ. Ở Tp HCM, vị trí Bình Khánh – Cần Giờ là vị trí tối ưu vì chúng có thể vừa tiếp nhận tàu biển, vừa có thể tiếp nhận tàu sông mà hai luồng tàu sông và biển không cắt nhau nên hạn chế tối đa tai nạn va chạm giữa tàu biển và tàu sông.

Mô hình vị trí cảng Bình Khánh và Ngân hàng thóc tại Cần Giờ Tp Hồ Chí Minh

Tập đoàn Mỹ Silicon Sài Gòn đang làm thủ tục đệ trình thực hiện Cảng chuyên dụng xuất khẩu gạo và Ngân hàng thóc tại Bình Khánh – Cần Giờ – Tp Hồ Chí Minh và tại Trần Đề – Sóc Trăng. Với dự án này đã có thể đáp ứng nhu cầu việc làm cho nhiều lực lượng lao động của huyện Cần Giờ với nhiều bậc trình độ khác nhau.

Nhu cầu cư dân Tp Hồ Chí Minh cần khí hậu ôn hòa khi mật độ dân tại Tp Hồ Chí Minh ngày càng cao.

 

Với nhân dân Tp Hồ Chí Minh, mật độ trong đô thị ngày một tăng cao. Vì vậy nhu cầu khí hậu dịu mát là nhu cầu của toàn thể nhân dân Tp HCM. Vì vậy khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ là lợi ích chung của nhân dân Tp HCM.

 

Nhu cầu cư dân Tp Hồ Chí Minh tiêu thụ hải sản tươi và phát triển nghề đánh bắt cá vừa làm kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền đất nước.

Chúng ta thấy Tp Hồ Chí Minh nằm giữa ngư trường Bình Thuận và Cà Mau.

Dân số Tp Hồ Chí Minh 2009 là 7.123.340 người, năm 2019 là 8.993.000 người chưa kể khách vãng lai và lao động thời vụ. Với dân số trên thì Tp Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ vô cùng lớn cho sản phm cá biển.

Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa –Vũng Tàu năm 2009, có 6.180 tàu đánh cá với 830.000 CV.

Các tỉnh phía nam Tp Hồ Chí Minh gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, năm 2009, có 4.176 tàu đánh cá với tổng công suất 992.500 CV.

Tp Hồ Chí Minh năm 2009, có 33 tàu cá với tổng công suất 16.200 CV đem về sản lượng 14.700 tấn cá với tổng doanh thu 159 tỷ đồng. Trong khi đó,nuôi trồng thủy sản trong cùng năm có sản lượng 19.239 tấn với tổng giá trị 780.5 tỷ. Xét về sản lượng, việc đánh bắt cá biển chỉ chiếm 76.4% nhưng giá trị chỉ chiếm 20.37% so với nuôi trồng thủy sản. Số liệu trên là sự thật và đã chỉ tư duy tiến ra biển lớn của Tp Hồ Chí Minh còn quá khiêm tốn và trách nhiệm là của tất cả chúng ta – những người dân Tp Hồ Chí Minh.

           Từ những con số trên cho thấy, để tiến ra biển lớn, theo tôi, Tp Hồ Chí Minh cần khôi phục hệ thống đóng tàu thay thế con chim đầu đàn – cảng Ba Son – nay đã thành viện bảo tàng, đồng thời cần hình thành Trung tâm thủy sản Tp Hồ Chí Minh để thu hút các tàu cá ở ngư trường phía Bắc, phía Nam Tp Hồ Chí Minh và hình thành đội tàu cá đánh bắt xa bờ, vừa làm kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Hiện nay Cần Giờ đang là vùng sinh thái, chưa có địa điểm thích hợp để hình thành Trung tâm thủy sản Tp Hồ Chí Minh nên chúng tôi nghiên cứu vị trí Hiệp Phước và khu vực tiếp giáp của Long An.

Tuyến bờ sông này dài 2200m đủ đ sâu tiếp nhận tàu cá có mớn nước 3-6m, đủ độ rộng, khu vực quay trở. Nơi đây có thể tiếp nhận cùng lúc hàng trăm tàu cá các loại và tàu hậu cần cho ngư trường.

Với vị trí trên, thủy sản tươi nhanh chóng tiếp cận các nơi tiêu thụ tại Tp Hồ Chí Minh

 

Mô hình vị trí cảng cá cho Tp Hồ Chí Minh

Nhu cầu cư dân Tp Hồ Chí Minh cần bãi tắm biển nhất là với thanh niên.

Khát vọng bãi biển Cần Giờ sạch để có thể tắm biển là khát vọng nhiều thế hệ dân ở Tp Hồ Chí Minh. Với thời gian di chuyển trong ngày, người dân Tp Hồ Chí Minh có thể chi phí ít nhất về thời gian và tiền bạc để tắm biển, tham gia du lịch rừng ngặp mặn. Vì vậy cải tạo bãi biển Cần Giờ sạch sẽ, an toàn là mơ ước của nhiều thế hệ dân cư Tp Hồ Chí Minh.

Cách đây không lâu, trên một tờ báo lớn, một đại gia bất động sản đề nghị không cho người nghèo đến khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Thực tiễn tại Nha Trang, các nhà đầu tư đã chiếm hữu bãi biển công cộng và chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã phải mất rất nhiều năm mới có thể thu hồi bãi tắm biển về cho cộng đồng dân cư. Vì vậy việc tư nhân hóa bãi tắm biển là bài toán cần có lời giải phù hợp Hiến Pháp.

 

Mô hình khu vực bãi tắm biển nhân tạo tại Cần Giờ:

Kết luận

Tiến ra biển lớn với 4 xu hướng phát triển Cần Giờ dựa trên đặc tính tự nhiên của Cần Giờ và nhu cầu thực tiển: đó là nhu cầu của nông dân ĐBSCL với cảng chuyên dụng xuất khẩu gạo và Ngân hàng thóc, đó là nhu cầu khí hậu ôn hòa cho dân cư Tp HCM, đó là hải sản tươi cho dân Tp Hồ Chí Minh cùng với đội tàu hùng mạnh vừa làm kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo, đó là nhu cầu tắm biển của dân cư Tp HCM, đặc biết hướng tuổi trẻ vào hoạt động thể thao bơi lội, cải thiện sức khỏe cả cộng đồng.

Xây dựng và phát triển theo Tài nguyên thiên nhiên của địa phương là sợi chỉ dẫn đường cho phương pháp tư duy trên.

Để thực hiện các mục tiêu trên, có 2 cách lựa chọn:

         Mời phượng hoàng từ xứ khác đến làm tổ.

         Biến những người dân nghèo Cần Giờ thành chim phượng hoàng ngay trên mảnh đất mà cha ông họ khai phá, đồng thời giúp các phượng hoàng xứ khác đến làm tổ để phát huy những đồng tiền hạt giống và trí tuệ của họ.

Sự chọn lựa tùy thuộc chính quyền các cấp, còn những nhà khoa học cần thể hiện sự hiểu biết của chính mình để cùng góp sức xây dựng đất nước. Lịch sử luôn luôn sòng phẳng và trân trọng với bất cứ ai dám đồng hành cùng lợi ích lâu dài của nhân dân.

KS Doãn Mạnh Dũng

Trong buổi Tọa đàm có các ý kiến khác  như sau :

  • 1-Đề nghị  nâng cấp luồng tàu biển để có thể kết nối Cần Giờ với các Đô thị trong khu vực.

KS Doãn Mạnh Dũng trả lời :

   Con tàu Ever Given chở công-ten-nơ từ Malaysia đi châu Âu bị kẹt tại kênh Suez ngày 27/3/2021 có mớn nước 14,1 m, cần mớn nước luồng là -15, 5 m.Tài liệu của Nhật cho biết , cửa vịnh Gành Rái có mớn nước -9,5m đến -11m. Theo quy luật giữa vốn đầu tư và mớn nước tự nhiên, chi phí luồng xây dựng luồng sẽ tăng theo Parabol khi tăng độ sâu. Vì vậy việc chiến lược nâng cấp cửa vịnh Gành rái là cần cân nhắc. Hơn nữa mớn nước tàu biển có xu thế tăng lên và giới hạn tăng là -21m, vì đó là độ sâu eo Ma- lắc-ca.

 

Mớn nước tự nhiên của cửa vịnh Gành Ráy từ tài liệu của Nhật

 

Đồ thị tương quan vốn đầu tư và mớn nước luồng tàu từ kinh nghiệm của châu Âu

  1. 2.Đề nghị phát triển điện gió tại Cần Giờ.

KS Doãn Mạnh Dũng trả lời :

Cần Giờ đang có chương trình nuôi chim Yến, việc phát triển điện gió cần cân nhắc đến tác động có thể bị ảnh hưởng bởi các cánh quạt điện gió.

  1. 3Đề nghị phát triển điện thủy triều tại Cần Giờ.

Đó là ý kiến mà nhiều nhà khoa học quan tâm. Dự kiến vào ngày 10/6/2021 Hội biển sẽ tổ chức giới thiệu về nghiên cứu Điện hải lưu của Hội Biển Tp Hồ Chí Minh.

  1. 4 Mô hình đề xuất của KS Doãn Mạnh Dũng là tương tự với mô hình của Đô thị du lịch Biển Cần Giờ.

KS Doãn Mạnh Dũng trả lời :

-Mô hình của dự án Đô thị biển Cần Giờ là xây dựng Đô thị tại ngay bờ biển Cần Giờ.

-Mô hình của KS Doãn Mạnh Dũng là xây dựng hệ thống đê bao bằng vãi địa kỹ thuật bao bọc toàn bộ bờ phía Bắc và bờ phía Đông bờ biển Cần Giờ.

Bờ sông Soài Rạp phía tả ngạn, vùng cực đông được sử dụng cho mục tiêu Bất động sản để nhà đầu tư thu hồi vốn và lợi nhuận bao gồm Khách sạn, bãi tắm cho khách Khu du thuyền, sân bay trực thăng và thủy phi cơ để kết nối khu du lịch Cần Giờ với các đô thị khác. Vị trí khu du thuyền tại đây là vị trí tối ưu có khả năng chống bão và gió mùa Đông Bắc.

Người dân địa phương vẩn tiếp tục ở tại mảnh đất của mình, có mặt biển như hiện tại, quản lý bãi tắm nhân tạo trong phạm vị bờ biển đang sử dụng, bán vé theo quy định, nộp thuế cho nhà nước.

Mô hình này nhà đầu tư,người dân Cần giờ đều có quyền sử dụng bãi tắm để kinh doanh, Chính quyền thu thuế, dân Tp HCM được tắm biển với chi phí ít nhất cả thời gian và tiền bạc.

Nguyên nhân có sự khác biệt về giải pháp xây dựng là KS Dũng cho rằng dòng hải lưu tầng đáy theo hướng Bắc – Nam sẽ phủ toàn bộ chất dơ từ Tp Hồ Chí Minh ra biển bao bọc toàn bộ bờ biển Cần Giờ.

Ks Dũng cũng cho biết lịch sử tìm ra dòng hải lưu tầng đáy là khi đọc bản đồ vùng nước của vịnh Dung Quất.

 

Dòng hải lưu có hướng từ Bắc xuống Nam được phát hiện khi đọc bản đồ tự nhiên 1/50.000 của vịnh Dung Quất từ năm 1996.

         Đường đẵng sâu là vết để lại của dòng chảy.

Nhìn các đường đẵng sâu tại vịnh Dung Quất và địa hình đường bờ thì có thể hiểu rằng dòng hải lưu chỉ có thể chảy từ Bắc xuống Nam và không thể có hướng từ Nam lên Bắc. Đó là các thông tin đầu tiên kích thích sự nghiên cứu dòng hải lưu tầng đáy Bắc-Nam qua miền Trung Việt Nam.

  1. 5 Đề nghị phát triển cảng Biển Tp HCM về phía Gò Gia

KS Doãn Mạnh Dũng trả lời :

     Người Pháp và Mỹ hiểu nguồn hàng cho cảng biển lớn nhất là từ ĐBSCL. Ở ĐBSCL vận tải sông là vận tải chính. Nếu tổ chức cảng biển ở phía tả ngạn sông Đồng Nai, sông Lòng Tàu hay sông Sài Gòn thì luồng tàu từ ĐBSCL về cảng sẽ cắt ngang qua luồng tàu chính mang nhiều tiềm ẩn tai nạn hàng hải trong tương lại.Để khai thác tiềm năng cảng biển của Tp HCM thì nên phát triển cảng biển theo hữu ngạn sông Lòng Tàu và bắt đầu từ cảng Bình Khánh.Đó là tài nguyên đặc biệt của Cần Giờ cần được khai thác.

 

Trên đây là các thông tin chính của buổi Tọa đàm do KS Doãn Mạnh Dũng ghi chép.